*Tom Huỳnh, J.D.T.Huynh@1stcounsel.com
Các điều quy định bởi Hiến Pháp đã tạo thành một vài yếu tố mang tính chất “kỹ thuật” rất quan trọng liên quan đến các thủ tục bắt giữ, thẩm vấn và xét xử nghi can mà cảnh sát và quan tòa phải tuân theo. Bởi đó, thỉnh thoảng vẫn có những người bị bắt vì phạm luật hình sự với đầy đủ chứng cớ nhưng vẫn được tòa án trả tự do, mà nguyên nhân là vì cảnh sát hay tòa án đã vấp phải trục trặc có tính cách “kỹ thuật” trong tiến trình truy tố nghi can.
Vấn đề lục soát và tịch thu tang vật
Tại Hoa Kỳ, cảnh sát không thể tùy tiện lục soát hoặc tịch thu tài sản của dân chúng, bởi hành động này vi phạm Tu Chính Án thứ Tư, bảo đảm cho người dân không thể bị lục soát và tịch thu tài sản cách không hợp lý.
Từ căn bản của Tu Chính Án Thứ Tư, cảnh sát phải có trát tòa khi bắt giữ người, hoặc phải có yếu tố nghi ngờ cách hợp lý rằng người đó đã vi phạm một tội đại hình. Ðối với người vi phạm tội tiểu hình, cảnh sát phải tận mắt chứng kiến hành động vi phạm thì mới có quyền bắt giữ nghi can, nếu không có trát tòa. Ngoại trừ trường hợp khẩn cấp để bảo vệ sự an toàn cho công chúng, cảnh sát cũng cần phải xin trát tòa mới có quyền vào nhà riêng của dân để bắt người hay để lục soát. Trát tòa cũng phải ghi rõ nơi được phép lục soát, và các thứ tang vật được phép tịch thu.
Ðể thâu thập chứng cớ cho việc truy tố nghi can, cảnh sát thường phải lục soát nhà hay đồ vật do nghi can sở hữu. Tất cả các cuộc lục soát đó đều phải theo quy định của Tu Chính Án Thứ Tư giới hạn các hình thức lục soát người, nhà, giấy tờ và các vật tư hữu. Trên nguyên tắc, người dân được quyền có sự riêng tư một cách hợp lý trong nhà riêng của mình, và có quyền từ chối không đồng ý cho cảnh sát lục soát nhà nếu không có trát tòa. Nếu cảnh sát vào nhà lục soát và tịch thu tang vật mà không có trát tòa theo luật định, mọi thứ tìm thấy trong cuộc lục soát đó sẽ không thể được dùng làm bằng chứng trước tòa. Từ đó có thể dẫn đến việc phải trả tự do cho nghi can dầu rõ ràng đã phạm tội.
Quyền giữ im lặng của nghi can
Với kinh nghiệm điều tra, cảnh sát khi thẩm vấn một nghi can sẽ nêu ra những câu hỏi với hy vọng người này tự thú và nhận tội cho xong việc. Nhiều nghi can vì không biết luật, hay bởi những lý do khác nhau, thường vô tình có vài câu trả lời mà cảnh sát có thể dựa vào đó để làm bằng chứng kết tội đương sự. Tuy nhiên, Tu Chính Án thứ Năm bảo đảm rằng trong mọi vụ hình sự, không ai “có thể bị buộc trở thành nhân chứng chống lại chính mình.” Ðiều này có nghĩa rằng người bị tình nghi vi phạm hình sự có quyền giữ im lặng và không cần phải trả lời các câu hỏi của cảnh sát khi bị thẩm vấn.
Quyền được luật sư biện hộ
Tu Chính Án thứ Sáu quy định trong mọi vụ truy tố hình sự, nghi can có quyền được sự trợ giúp của luật sư trong việc biện hộ cho mình. Nếu nghi can không có khả năng tài chánh để tự mướn luật sư, tòa án bắt buộc phải chỉ định luật sư biện hộ miễn phí cho nghi can. Tuy nhiên, quyền có luật sư biện hộ miễn phí chỉ áp dụng cho nghi can trong các vi phạm có thể lãnh án tù nếu bị kết tội. Quyền có luật sư do Tu Chính Án thứ Sáu đề ra phải được áp dụng ngay trong giai đoạn bắt đầu thẩm vấn nghi can. Ðiều này rất quan trọng để bảo vệ nghi can tránh những lời khai, tự thú, hay nhận tội vì không hiểu rõ luật pháp.
Nhờ vào Tu Chính Án thứ Năm và thứ Sáu, nghi can bị thẩm vấn có quyền không trả lời các câu hỏi của điều tra viên trước khi tham khảo ý kiến với luật sư.
Cảnh báo Miranda (Miranda Warnings)
Từ sau án lệ Miranda v. Arizona ra đời năm 1966, cảnh sát trước khi muốn thẩm vấn nghi can bị câu lưu, bắt buộc phải thông báo cho đương sự các điều sau đây, được gọi là “Những Cảnh Báo Miranda” (Miranda Warnings):
1. Nghi can có quyền giữ im lặng;
2. Những gì nghi can nói ra có thể dùng làm chứng cớ khi ra tòa;
3. Nghi can có quyền được gặp luật sư; và
4. Tòa án sẽ cung cấp luật sư, nếu nghi can không có khả năng tự mướn luật sư.
Sau khi được cảnh sát thông báo các quyền theo luật định, nếu nghi can cho biết ý định không muốn trả lời các câu hỏi của cảnh sát, cuộc thẩm vấn phải được chấm dứt. Nếu nghi can yêu cầu được có luật sư, cuộc thẩm vấn cũng phải tạm ngưng cho đến khi có sự hiện diện của luật sư.
Nhờ vào án lệ Miranda, cảnh sát có thể làm việc với cung cách chuyên nghiệp, và các kỹ thuật thẩm vấn cũng trở nên hoàn hảo hơn. Chỉ có những lời khai hay nhận tội cách tự nguyện của nghi can sau khi cảnh sát đã thông báo rõ ràng các quyền của đương sự theo đúng luật định, thì mới có giá trị trước tòa án. Ngày nay, để tránh sơ suất có thể cản trở tiến trình điều tra và truy tố nghi can, cảnh sát thường dùng các kỹ thuật tân tiến để thâu hình và ghi âm đầy đủ từ giai đoạn bắt giữ cho đến việc thẩm vấn nghi can.
Quyền được xét xử nhanh chóng và công khai
Sau khi nhà chức trách cảm thấy có đủ chứng cớ để truy tố nghi can, Tu Chính Án thứ Sáu cũng quy định nghi can phải được xét xử một cách nhanh chóng bởi một bồi thẩm đoàn trong một phiên tòa công khai, và nghi can có quyền đối chất với các nhân chứng. Nếu nội vụ không được xét xử nhanh chóng mà sự trì hoãn không phải từ phía nghi can, mọi cáo buộc sẽ tự động được bãi bỏ, và phải trả tự do cho nghi can.
***
Tóm lại, mặc dầu nền công lý Hoa Kỳ chưa phải thật sự hoàn hảo và người dân nghèo vẫn thường gặp bất công nơi tòa án, nhưng nhìn chung thì không thể phủ nhận quốc gia này là nơi mà quyền căn bản của con người rất được tôn trọng. Một người bị truy tố hình sự vẫn được xem là vô tội cho đến khi bị buộc tội bởi bồi thẩm đoàn tại tòa án. Nhà chức trách không thể cầm giữ tánh mạng, tự do hay tài sản của bất cứ ai mà không theo các tiến trình quy định bởi luật pháp. Và trong khuôn khổ các quy định của Bản Hiến Pháp, Luật Hình Sự Hoa Kỳ rõ ràng được soạn thảo với chủ trương thà rằng thả lầm một kẻ có tội, hơn là kết án một người vô tội.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=171860&zoneid=440#.UhpPoPnCS70
Geen opmerkingen:
Een reactie posten