dinsdag 5 september 2023

Đức Thánh cha gặp gỡ chính quyền Mông Cổ

 

Đức Thánh cha gặp gỡ chính quyền Mông Cổ

Đức Thánh cha Phanxicô đề cao sự dấn thân của Mông Cổ trong việc bảo vệ môi trường, đóng góp cho hòa bình thế giới. Ngài cũng nhắc đến sự đóng góp của cộng đồng Công giáo bé nhỏ tại nước này và hy vọng hiệp định đang được thương thảo giữa Tòa Thánh và Mông Cổ sẽ tạo điều kiện tốt đẹp cho các hoạt động của Giáo hội Công Giáo tại nước này.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Thánh cha bày tỏ lập trường trên đây, trong cuộc gặp gỡ chính quyền và các đại diện nhân dân Mông Cổ.

Cuộc gặp gỡ này là một trong hai hoạt động chính của ngài trong ngày 02 tháng Chín vừa qua, trong đó có cuộc gặp gỡ của ngài với các giám mục vào ban chiều cùng ngày.

Nghi thức tiếp đón chính thức

Ban sáng, sau khi dâng thánh lễ riêng tại tòa Phủ doãn ở thủ đô Ulanbator, Đức Thánh cha đã đến Quảng trường Sukhabaatar, ở trung tâm thành phố, với pho tượng to lớn của Thành Cát Tư Hãn và được Tổng thống Khurelsukh tiếp đón chính thức, với nghi thức long trọng lúc 9 giờ, rồi ngài tiến đến Phủ Tổng thống để hội kiến riêng trong một căn nhà lều Ger.

Tổng thống Khurelsukh của Mông Cổ năm nay 55 tuổi (1968), tốt nghiệp đại học quốc phòng của Mông Cổ, và chuyên về những nghiên cứu chính trị; rồi học chuyên ngành về quản trị công cộng, và tại đại học luật khoa tại Đại học quốc gia Mông Cổ. Ông từng làm Thủ tướng trong bốn năm, từ 2017 đến 2021, sau đó làm chủ tịch đảng nhân dân Mông Cổ.

Photo: Vatican Media

Tiếp đó, vào lúc 10 giờ, Đức Thánh cha tiến vào Hội trường cũng trong phủ Tổng thống để gặp gỡ các vị lãnh đạo chính quyền, đại diện các tầng lớp xã hội và ngoại giao đoàn.

Diễn từ của Đức Thánh cha

Lên tiếng sau lời chào mừng của Tổng thống Mông Cổ, Đức Thánh cha nhắc đến hình ảnh căn nhà truyền thống hình tròn của người dân nước này, gọi là Ger, có lỗ trống ở trên mái, để ánh sáng chiếu vào. Đó là những căn nhà lưu động, có thể dễ dàng tháo gỡ và ráp lại, hợp với đời sống du mục của dân Mông Cổ. Ngài nói: “Này đây, tôi đang đứng trước lối vào, như một người lữ hành thân hữu, đến với các bạn như một người rón rén và với tâm hồn hân hoan, mong ước được thêm phong phú về nhân bản trước sự hiện diện của các bạn.

Lịch sử quan hệ Tòa Thánh và Mông Cổ

“Khi vào nhà người khác, thật là đẹp thói quen [của người Mông Cổ] trao đổi quà tặng kèm theo những lời gợi lại những cơ hội gặp gỡ trước đây. Và tuy những quan hệ ngoại giao tân thời giữa Mông Cổ và Tòa Thánh chỉ mới có đây, - năm nay là kỷ niệm 30 năm ký lá thư do Bộ trưởng Dambiin Dorligjav, để củng cố quan hệ song phương,- nhưng từ xa xưa trong quá khứ, nói chính xác là cách đây đúng 777 năm, giữa cuối tháng Tám và đầu tháng Chín năm 1246, cha Giovanni di Pian miền Carpine, phái viên của Đức Giáo hoàng, đã viếng thăm Hoàng đế thứ ba của Mông Cổ là Quý Do Hãn (Guyug Khan, 1246-1248) và trình lên Đại Hãn lá thư chính thức của Đức Giáo hoàng Innocenzo. Ít lâu sau đó, lá thư phúc đáp được biên soạn và đóng ấn của Đại Hãn bằng tiếng Mông Cổ truyền thống, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Lá thư đó còn được giữ trong Thư viện Vatican và hôm nay, tôi hân hạnh trình bày cho quý vị một bản sao có chứng thực, được thực hiện với những kỹ thuật tân tiến nhất để bảo đảm chất lượng cao bao nhiêu có thể. Ước gì đây là một dấu chỉ tình thân hữu cố cựu được tăng trưởng và đổi mới”.

Những ưu điểm của Mông Cổ

Trong diễn văn, Đức Thánh cha cũng đề cao lối sống của người Mông Cổ, quan tâm không phá vỡ sự quân bình tế nhị về môi sinh. Đây là điều có thể dạy cho đi những người ngày nay muốn khép kín trong sự tìm kiếm tư lợi thiển cận. Lối sống ấy muốn để lại cho hậu thế một trái đất vẫn còn đón tiếp và phong phú.

Những cố gắng ngoại giao của Mông Cổ

Đức Thánh cha nhắc đến những cố gắng ngoại giao của Mông Cổ ngày nay, tích cực gắn bó với Liên Hiệp Quốc, dấn thân bênh vực các quyền con người và nền hòa bình, giữ một vai trò ý nghĩa giữa lòng đại lục Á châu to lớn và trong quang cảnh quốc tế. Trong chiều hướng này, ngài nhấn mạnh đến quyết tâm của Mông Cổ ngăn chặn sự bành trướng hạt nhân và quyết tâm là một quốc gia không có võ khí hạt nhân. Mông Cổ không những thực thi một chính sách đối ngoại hòa bình, nhưng còn muốn giữ một vai trò quan trọng cho hòa bình thế giới và cũng chống lại án tử hình.

Đức Thánh cha cũng đề cao “khả năng ngoại thường của các tiền nhân người Mông Cổ nhìn nhận những điểm tuyệt hảo của các dân tộc họp thành lãnh thổ mênh mông của lãnh phổ vương quốc và đặt những ưu điểm ấy để phát triển chung. Đó là một tấm gương cần nêu cao và tái đề nghị cho ngày nay. Ước gì Trời Cao ban cho trên trái đất này bị tàn phá vì quá nhiều xung đột, ngày nay tái tạo những điều kiện để có nền hòa bình Mông Cổ như xưa kia, nghĩa là vắng bóng xung đột, trong niềm tôn trọng các luật lệ quốc tế. Như một tục ngữ của quý vị vẫn nói: “Các đám mây qua đi, trời còn ở lại”: những đám mây đen tối của chiến tranh hãy bị quét tan do ý chí cương quyết của một tình huynh đệ đại đồng trong đó những căng thẳng được giải quyết trên căn bản gặp gỡ và đối thoại, và bảo đảm cho tất cả mọi người các quyền căn bản”.

Nhắc nhở chiều kích siêu việt

Đức Thánh cha cũng đề cập đến chiều kích siêu việt trong cuộc sống và nhận xét rằng: “Khi vào trong một căn nhà Ger, người ta nhìn lên cao, hướng về điểm trung tâm cao nhất của nhà, là cửa sổ tròn ở giữa, để ánh sáng chiếu vào và cót để chiêm ngắm bầu trời. Tôi muốn nhấn mạnh thái độ cơ bản mà truyền thống của quí vị giúp chúng ta tái khám phá: đó là biết hướng nhìn lên cao. Ngước mắt lên nhìn trời, bầu trời xanh vốn được quý vị luôn kính trọng, có nghĩa là ở trong thái độ ngoan ngoãn, cởi mở đối với các giáo huấn tôn giáo. Thực vậy, có một ý nghĩa tâm linh sâu sắc trong bản sắc văn hóa của quý vị và thật là tuyệt vời vì Mông Cổ là một biểu tượng tự do tôn giáo.

Vai trò các tôn giáo

“Tôi nghĩ đến nguy cơ mà tinh thần duy tiêu thụ ngày nay, không những tạo nên bao nhiêu bất công, khép kín trong một thái độ cá nhân chủ nghĩa, quên lãng tha nhân và những truyền thống tốt đẹp đã nhận được. Trái lại, các tôn giáo, khi không bị hư hỏng vì những sai trái bè phái, là những nâng đỡ đáng tin cậy trong việc kiến tạo những xã hội lành mạnh và thịnh vượng, trong đó các tín hữu xả thân để sự sống chung hòa bình dân sự và những dự phóng chính trị ngày càng phục vụ công ích, và cũng là những con đê ngăn chặn tệ nạn tham nhũng nguy hiểm. Những thứ này là một đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển bất kỳ nhóm người nào. Nó nuôi dưỡng một não trạng vụ lợi và làm cho nhiều quốc gia trở nên nghèo nàn.”

Đóng góp của Cộng đồng Công giáo Mông Cổ

Trong diễn văn, Đức Thánh cha cũng nhắc đến sự đóng góp của các tín hữu Công giáo Mông Cổ cho đất nước và xã hội. Ngài nói:

“Cộng đoàn Công giáo Mông Cổ vui mừng đóng góp phần của mình. Cộng đồng này đã bắt đầu hơn 30 năm nay cử hành đức tin của mình trong một nhà Ger và cũng như trong nhà thờ chính tòa hiện nay, tại thành phố lớn này, như hình dáng của nó nhắc nhở điều ấy. Đó là những dấu hiệu muốn chia sẻ hoạt động của mình trong tinh thần phục vụ trách nhiệm và huynh đệ, với nhân dân Mông Cổ, là dân tộc của mình. Vì thế, tôi hài lòng vì cộng đồng Công giáo, tuy bé nhỏ và khiêm hạ, nhưng cũng hăng hái tham gia và dấn thân vào hành trình tăng trưởng của đất nước, phổ biến nền văn hóa liên đới, tôn trọng tất cả mọi người và đối thoại liên tôn, xả thân cho công lý, hòa bình và hòa hợp xã hội. Tôi cầu mong rằng, nhờ một luật pháp sáng suốt và quan tâm tới những nhu cầu cụ thể, các tín hữu Công giáo địa phương, được sự hỗ trợ của những người nam nữ thánh hiến đến từ các nước khác nhau, có thể luôn cống hiến không khó khăn cho Mông Cổ phần đóng góp của mình về mặt nhân đạo và tinh thần, để mưu ích cho dân tộc này. Về vấn đề này, cuộc thương thuyết hiện nay để ký kết một hiệp định song phương giữa Mông Cổ và Tòa Thánh, là một kênh quan trọng để đạt tới những điều kiện thiết yếu hầu tiến hành những hoạt động bình thường, trong đó Giáo hội Công giáo dấn thân. Trong số những hoạt động ấy, ngoài chiều kích tôn giáo phụng tự của mình, còn nổi bật nhiều sáng kiến phát triển con người toàn diện, trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, từ thiện và nghiên cứu, thăng tiến văn hóa: những hoạt động ấy chứng tỏ tinh thần khiêm tốn, huynh đệ và liên đới của Tin mừng Chúa Giêsu là con đường duy nhất mà các tín hữu Công giáo được kêu gọi bước đi trong còn đường mà họ chia sẻ với mỗi dân tộc trên trái đất.

Sau bài diễn văn, Đức Thánh cha còn gặp gỡ riêng Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ, ông Gombojav Zandanshatar, rồi Thủ tướng Mông Cổ, ông Oyun-Erdene, trước khi trở về tòa Phủ doãn, chỉ cách đó hơn hai cây số để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.


Đức Thánh cha gặp gỡ chính quyền Mông Cổ | RVA (rvasia.org)


Geen opmerkingen:

Een reactie posten