dinsdag 12 juli 2016

Biển Đông: Tòa Án Trọng Tài bác bỏ bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc + Châu Á sẽ nóng thêm + Mỹ - Trung phản ứng ra sao



Biển Đông: Tòa Án Trọng Tài bác bỏ bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc


mediaBiểu hiệu của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye
Hôm nay, 12/0/2016, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ở La Haye đã ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc và tuyên bố rằng “không có cơ sở pháp lý” cho việc Trung Quốc đòi hỏi quyền lịch sử trên những tài nguyên tại các vùng nằm trong bản đồ đường chín đoạn, còn được gọi là bản đồ “đường lưỡi bò”.
Trong phán quyết, Tòa ghi rõ “ mặc dù các ngư dân và nhà hàng hải của Trung Quốc, cũng như của những nước khác, trong lịch sử đã từng sử dụng các "đảo" ở Biển Đông, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc trong lịch sử đã từng độc quyền kiểm soát các vùng biển và các nguồn tài nguyên tại đây.”
Về quy chế của các thực thể, Tòa cũng phán quyết rằng không một thực thể nào của quần đảo Trường Sa “có thể tạo các vùng biển mở rộng”, không một thực thể mà Trung Quốc đòi chủ quyền “có thể tạo ra một vùng đặc quyền kinh tế”. Do vậy, Tòa tuyên bố - tuy không xác định ranh giới - rằng một số khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines vì những khu vực này không chồng lấn với bất cứ khu vực nào của Trung Quốc.
Liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực cho rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines ở vùng đặc quyền kinh tế của nước này, vì đã cản trở việc thăm dò dầu khí và đánh cá của Philippines, xây dựng các đảo nhân tạo, cũng như đã không ngăn cản ngư dân Trung Quốc đến đánh cá trái phép ở vùng này.
Tòa còn phán quyết rằng các ngư dân Philippines ( cũng như ngư dân Trung Quốc ) có quyền đánh cá truyền thống ở vùng bãi cạn Scarborough và Bắc Kinh đã cản trở việc thực thi các quyền đó khi hạn chế việc đi vào vùng này. Cũng theo Tòa án Trọng tài Thường trực các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã hành xử trái phép khi họ dùng tàu cản đường các tàu Philippines gây nguy cơ đụng tàu nghiêm trọng.

Về môi truờng biển, Tòa nhận định là các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trong thời gian gần đây đã làm tổn hại nghiêm trọng đến môi trường bãi san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo về môi trường sinh thái biển.
Cuối cùng, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực còn cho rằng các hành động bồi đắp, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc không phù hợp với nghĩa vụ của một Nhà nước trong tiến trình giải quyết tranh chấp, gây ra những tổn hại không thể khắc phục được đối với môi trường biển, xây dựng các đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, tàn phá môi trường tự nhiên của các thực thể ở Biển Đông. 
Xin nhắc lại là phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực không phán quyết về chủ quyền biển đảo, mà chỉ xác định là những thực thể nào trên biển có thể tạo ra chủ quyền lãnh thổ trên các vùng biển xung quanh chiếu theo luật quốc tế.
Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố là không chấp nhận và cũng không tham gia vào vụ kiện “đơn phương” của Philippines. Tuy nhiên, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực cho rằng, việc Bắc Kinh từ chối tham gia không ảnh hưởng gì đến thẩm quyền xét xử của tòa và việc Philipines đơn phương kiện không phải là một hành động vi phạm các thủ tục giải quyết tranh chấp theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160712-bien-dong-toa-an-trong-tai-bac-bo-ban-do-%E2%80%9Cduong-luoi-bo%E2%80%9D-cua-trung-quoc



Châu Á sẽ nóng thêm sau phán quyết về vụ kiện Biển Đông


mediaNgười dân Philippines và Việt Nam biểu tình tại Manila hoan nghênh phán quyết của Tòa Án Trọng Tài, ngày 12/07/2016TED ALJIBE / AFP
Tờ Financial Review của Úc hôm nay, 12/07/2016, đã trích dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia châu Á báo động về tác động của phán quyết về vụ kiện Biển Đông lên tình hình châu Á. Những ý kiến này được trích ra từ các cuộc phỏng vấn được trang Asialink của Đại học Melbourne, Úc đăng tải.
Đối với chuyên gia Termsak Chalermpalanupap, thuộc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á- Yusof Ishak, Singapore, việc Tòa Án Trọng Tài Thường Trực bác bỏ bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc sẽ khiến Bắc Kinh thêm giận dữ và càng đẩy nhanh việc bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo tại các vùng đang tranh chấp ở Biển Đông.
Bà Elina Noor, giám đốc nghiên cứu an ninh và chính sách đối ngoại của Viện Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế, Malaysia, cũng quan ngại là sau phán quyết của Tòa hôm nay, căng thẳng ở Biển Đông sẽ gia tăng và trầm trọng thêm, với việc Trung Quốc tiếp tục xây đảo nhân tạo, một hành động theo bà là “vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC”. Bà Elina Noor cũng dự báo Bắc Kinh sẽ tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông và đưa thêm nhiều tàu xâm nhập các vùng đặc quyền kinh tế của những nước tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Về phần mình, ông Ngeow Chow Bing, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Malaya, Malaysia, thì lo ngại là một phán quyết có lợi cho Philipines sẽ đẩy Trung Quốc đến tâm lý “một mình đương đầu với nhiều người”, với Philippines và rồi các nước tranh chấp khác trong ASEAN liên kết với hai đối thủ truyền thống của Bắc Kinh là Mỹ và Nhật tạo thành một mặt trận chống Trung Quốc. Theo vị chuyên gia này, điều đó sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại về địa chính trị.
Cũng quan ngại không kém, ông Suchit Bunbongkarn, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, Thái Lan, dự báo là việc Trung Quốc không tuân thủ phán quyết sẽ có tác động tiêu cực đến an ninh khu vực. Theo ông, phán quyết của Tòa Án Trọng Tài sẽ không giải quyết xung đột mà sẽ làm vấn đề thêm gay gắt.
Từ góc độ của Jakarta, ông Evan Laksmana, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Indonesia, cho biết nước này sẽ theo dõi sát phản ứng của Trung Quốc và sự leo thang căng thẳng có thể xảy ra ở Biển Đông. Dầu sao thì Jakarta sẽ tìm cách khai thác phán quyết ra hôm nay vì phán quyết này củng cố vị thế của Indonesia nếu nước này cũng đệ đơn kiện về những vụ đánh cá trái phép của tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Còn chuyên gia Lee Poh Ping, thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Malaya, thì lo ngại về một phán quyết hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc. Ông cũng sợ rằng Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ dùng phán quyết này để thi hành chiến lược “bao vây” Trung Quốc, với lý do Trung Quốc là một quốc gia “côn đồ”, xem thường luật pháp quốc tế. Trong trường hợp đó, Bắc Kinh sẽ phản pháo bằng cách lôi kéo các nước Đông Nam Á khác.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển và Chiến lược, Philippines, ông Herman Kraft cũng dự đoán là sau phán quyết hôm nay, Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động trên Biển Đông, đi xa hơn những gì mà họ đã làm để xác quyết chủ quyền trước khi có phán quyết. Theo chuyên gia này, nếu Việt Nam và Philipines đáp trả cái mà họ xem như là chiến thuật hù dọa của Trung Quốc, cộng thêm với việc hải quân Hoa Kỳ can dự nhiều hơn, điều này có thể tại ra một môi trường thù nghịch mà trong đó mọi quyết định vội vã có thể dẫn đến khủng hoảng.
Phó chủ tịch Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nayang, Singapore, chuyên gia Ong Keng Yong thì quan ngại cho sự đoàn kết nhất trí của khối ASEAN vì phản ứng của Trung Quốc sau phán quyết hôm nay sẽ gây khó khăn cho việc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, việc thực thi DOC trên nguyên tắc sẽ dẫn đến một bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông COC, có tính chất ràng buộc pháp lý hơn. Tân chính phủ Philippines có thể sẽ buộc có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc và điều này sẽ gây mất đoàn kết nội bộ ASEAN, cản trở sự đồng thuận trong việc ra các quyết định của khối này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160712-chau-a-se-nong-them-sau-phan-quyet-ve-vu-kien-bien-dong


Biển Đông : Mỹ - Trung phản ứng ra sao về phán quyết của Tòa Trọng Tài ?


mediaBiểu hiệu của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực
Trả lời báo giới ngày 07/07/2016, giáo sư Carlyle Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, đưa ra một số nhận định về khả năng phản ứng của Trung Quốc, Hoa Kỳ và các tác động đối với quan hệ Trung Quốc-ASEAN trước các phán quyết của Tòa Trọng Tài trong vụ Philippines kiện các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.
1. Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye thông báo ra phán quyết vào ngày 12/07/2016. Nhiều khả năng phán quyết của Tòa có lợi cho Philippines, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. Giáo sư nghĩ gì về phản ứng của Trung Quốc đối với phán quyết của Tòa ? Ngoài việc nhắc lại luận điệu bác bỏ thẩm quyền của Tòa và chỉ trích Philippines dùng đến trọng tài quốc tế, ông nghĩ gì về việc Bắc Kinh đáp trả trong lĩnh vực ngoại giao ? Giáo sư có nghĩ là Bắc Kinh cũng sẽ sử dụng các biện pháp trả đũa khác, về kinh tế và quân sự để thể hiện sự bất bình của mình ?
Đương nhiên, Trung Quốc sẽ không thay đổi thái độ và bác bỏ các phán quyết của Tòa Án Trọng Tài. Có thể chúng ta sẽ chứng kiến một chiến dịch tuyên truyền « gây sốc và sợ hãi ». Trung Quốc sẽ nắm bắt mong muốn của tổng thống Philippines để mở các cuộc đàm phán sau khi Tòa ra phán quyết. Bắc Kinh sẽ cố gắng đạt được một thỏa thuận với Philippines và phớt lờ các phán quyết. Có thể đó là hình thức tài trợ cho cơ sở hạ tầng, như dự án đường sắt tàu cao tốc giữa Manila và Clark, và gây áp lực với tổng thống Duterte giảm bớt sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines, đổi lại hai bên sẽ có quan hệ song phương tốt hơn.
Điều cơ bản là Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố sự hiện diện dân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, thông qua việc xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng hơn, đưa nhiều quan chức chính phủ ra đó hơn và thậm chí tổ chức cho các nước trong khu vực tới thăm những nơi này. Trung Quốc sẽ không gia tăng quân sự hóa các đảo nhân tạo ngay lập tức mà sẽ tiến hành từng bước. Trung Quốc quan tâm theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
2. Theo giáo sư thì Washington sẽ có phản ứng ra sao với phán quyết của Tòa ?
Washington sẽ phối hợp tấn công ngoại giao cùng với các nước có lập trường tương tự để gây sức ép đòi Trung Quốc tuân thủ phán quyết. Hoa Kỳ sẽ cảnh giác duy trì một sự hiện diện quân sự nhằm ngăn ngừa Trung Quốc tiến hành xây dựng tại bãi cạn Scarborough. Và Washington sẽ cố gắng củng cố mối quan hệ với chính quyền Duterte nhằm ngăn cản mọi khả năng tiến tới của Trung Quốc. Khả năng hành động của Mỹ sẽ bị hạn chế nếu tổng thống Duterte « chơi » lá bài Bắc Kinh và Washington và khối ASEAN thì vẫn chia rẽ.
3. Theo giáo sư, liệu phán quyết của toà sẽ tạo ra một bước ngoặt trong quan hệ Trung Quốc – ASEAN hay không?
Tôi nghĩ đến lời dạy của sử gia Thucydide : « Ai cũng biết, vấn đề công lý chỉ được đặt ra giữa những bên ngang bằng nhau về sức mạnh, (còn không) kẻ mạnh thì làm bất cứ những gì có thể, còn kẻ yếu thì phải chấp nhận những gì họ phải chấp nhận ». Chừng nào ông Hun Sen còn giữ nguyên lập trường lên án Tòa Án Trọng Tài, thì ASEAN khó có thể có được một lập trường thống nhất hiệu quả.
Các quan chức cao cấp ASEAN đã soạn thảo tuyên bố về Tòa Án Trọng Tài, nhưng không đạt được đồng thuận chung để trình các ngoại trưởng thông qua. Khối ASEAN, kết hợp với những chuyện tương tự mà tôi đã nói, sẽ tiếp tục « đi tìm Chén Thánh », tức là một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, mang tính ràng buộc và nếu như có được thì bộ quy tắc này sẽ mang lại hòa bình và an ninh cho tất cả các nước. ASEAN sẽ không tìm thấy Chén Thánh và rồi bền bỉ theo đuổi các cuộc tham khảo với Trung Quốc. ASEAN, với các thành viên mới, không còn là một cộng đồng ngoại giao thống nhất nữa, giống như hồi khối này chống lại sự can thiệp của Việt Nam vào Cam Bốt (1979-1989).
ASEAN có rất nhiều lợi ích trong quan hệ với Trung Quốc và thượng đỉnh kỷ niệm 25 năm đối thoại ASEAN-Trung Quốc được dự trù tổ chức trong tháng Tám này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160711-bien-dong-my-trung-phan-ung-ra-sao-ve-phan-quyet-cua-toa-trong-tai

Phán quyết về Biển Đông: Philippines hoan nghênh, Trung Quốc phản đối


Phóng viên tụ tập bên ngoài Cung điện Hòa bình ở La Haye, Hà Lan, ngày 12/7/16.
Phóng viên tụ tập bên ngoài Cung điện Hòa bình ở La Haye, Hà Lan, ngày 12/7/16.
Trong một phán quyết quan trọng, Toà án Trọng tài Liên Hiệp Quốc bác bỏ những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong Biển Đông, nói rằng nước này không có “chủ quyền dựa trên yếu tố lịch sử” tại vùng biển rộng lớn này.
Phán quyết của Toà án Trọng tài Thường trực tại La Haye là để đáp lại vụ khiếu kiện của Philippines vào năm 2013, Manila tố cáo Bắc Kinh là vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển – gọi tắt là UNCLOS, qua các hành động gây hấn của họ trên bãi cạn Scarborough, một bãi cạn nằm cách bờ biển Philippines khoảng 225 km.
Toà án Trọng tài Thường trực La Haye - PCA nói tuyên bố của Bắc Kinh đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông theo lằn ranh gọi là “đường chín đoạn” trải dài từ vùng duyên hải phía Tây Trung Quốc đi ngược lại với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, ấn định ranh giới biển của một nước trong phạm vi 12 hải lý từ bờ biển của nước này, và quyền kiểm soát các hoạt động kinh tế trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển của nước đó.
Trung Quốc đã phát động một chiến dịch chiếm đất quy mô, và một nỗ lực xây dựng quy mô trên khắp Biển Đông trong mấy năm gần đây. Nước này đã bồi đắp vô số bãi cạn thành những hòn đảo nhân tạo có khả năng làm nền cho các cơ sở quân sự, và cùng lúc, làm ngơ các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh với Bắc Kinh đối với khu vực này từ Brunei, Malaysia, Việt Nam và Đài Loan, cũng như từ Philippines.
Toà án La Haye cũng phán rằng không có hòn đảo nào tại quần đảo Trường Sa cho phép Trung Quốc có đặc khu kinh tế, và rằng các hoạt động xây cất trên Đá Vành Khăn đã gây “thiệt hại không thể cứu vãn được” cho hệ sinh thái của bãi cạn này.
Trung Quốc đã tẩy chay các thủ tục tố tụng tại toà, nói rằng Toà Trọng tài quốc tế không có quyền tài phán trong cuộc tranh chấp, và nhấn mạnh họ sẽ không chấp nhận, công nhận hoặc thực thi bất cứ phán quyết nào về Biển Đông, mặc dầu họ đã ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cùng với Philippines. Trong một thông báo công bố vài giờ trước khi Toà án La Haye loan báo quyết định của họ, Tân Hoa Xã nói rằng “toà án thao túng luật pháp” này đã đưa ra một “phán quyết không có cơ sở vững chắc.”
Bất chấp phán quyết đưa ra hôm nay, thứ Ba 12/7, Liên Hiệp Quốc không có cơ chế nào để buộc thực thi phán quyết của toà, dù là bằng hành động quân sự, hay các biện pháp chế tài kinh tế. Tuy nhiên, phán quyết này có thể mở đường cho các nước đối nghịch với Trung Quốc khác ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương đệ đơn khiếu kiện Trung Quốc, tăng sức ép đối với Bắc Kinh phải giảm thiểu sự hiện diện của họ trong Biển Đông. Hoa Kỳ cũng đã chống lại thái độ ngày một hung hãn hơn của Trung Quốc trong khu vực, và đã tổ chức một số cuộc tập trận hải quân, triển khai các tàu chiến tới gần các bãi cạn đã được bồi đắp xây dựng thêm để khẳng định quyền tự do hàng hải trên vùng biển này.
Phản ứng của Trung Quốc cũng có thể còn tùy thuộc vào các hành động của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đã kêu gọi đàm phán song phương để giải quyết vụ tranh cãi.
Trước khi toà án La Haye ra phán quyết, hàng chục người biểu tình ôn hoà tuần hành qua đại sứ quán Trung Quốc ở Manila, kêu gọi Bắc Kinh hãy rút ra khỏi các vùng biển của Philippines. Không có vụ bạo động nào xảy ra và cũng không có ai bị bắt.
Tại Bắc Kinh, bên ngoài đại sứ quán Philippines đầy những nhà báo và cảnh sát, nhưng không thấy có người biểu tình nào.
Ông Harry Kazianis, một nhà nghiên cứu cấp cao về Chính sách Quốc phòng tại Trung tâm vì Quyền lợi Quốc gia mới đây nói với Đài VOA rằng Trung Quốc có thể có 3 sự lựa chọn để đáp lại phán quyết của toà án La Haye.
Một là tiếp tục với hướng hành động hiện tại, hai là tuyên bố một khu nhận dạng phòng không – ADIZ trên Biển Đông, và lựa chọn thứ 3 là “bất hợp tác hay trở thành nước bất hảo”, có nghĩa là Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có thể tăng thêm áp lực trong khu vực.
Trung Quốc trong thời gian qua đã tiến hành một loạt cuộc diễn tập quân sự chung quanh quần đảo Hoàng Sa trong lúc chờ đợi phán quyết của toà hôm 12/7.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten