donderdag 28 juli 2016

Mao Trạch Đông và nạn sùng bái cá nhân tột đỉnh + Thế hệ mất mát của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc


Mao Trạch Đông và nạn sùng bái cá nhân tột đỉnh


mediaTượng Mao Trạch Đông tại Vũ Hán. Ảnh tư liệu ngày 06/03/2013.REUTERS/Stringer/File Photo
Nhật báo Le Monde hôm nay 27/07/2016 dành hai trang lớn cho chủ đề « Mao, đối tượng của nạn sùng bái cá nhân tột đỉnh ». Bên cạnh tấm ảnh một cuộc mít-tinh tại Bắc Kinh trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, với một rừng chân dung Mao Trạch Đông là ảnh những cuốn Sách Đỏ được in ra vào năm 1968.
Những cuộc tập hợp đại quy mô trên quảng trường Thiên An Môn, những lời ca ngợi…Sự phong thánh quá mức của đám đông dành cho con người đã khai sinh ra nước Trung Hoa cộng sản, theo tờ báo, còn là sự trộn lẫn giữa lo sợ và mê hoặc.
Chỉ có « tình yêu Mao chủ tịch »
Le Monde nhắc đến trường hợp của ông Thái Sùng Quốc (Cai Chungguo), một cựu sinh viên phong trào Thiên An Môn nay sống lưu vong tại Hồng Kông ; đã từ lâu không có khả năng nói tiếng « yêu ». Thời Cách mạng văn hóa, ông còn là một thiếu niên, cũng có tình cảm với những thiếu nữ cùng trang lứa. Nhưng sinh ra trong một gia đình « quan lại đỏ », từ « ái » dường như cấm kỵ, vì theo bộ máy tuyên truyền của đảng, chỉ có Mao chủ tịch mới là đối tượng duy nhất phải yêu mến thực sự.
Cũng như Thái Sùng Quốc, trẻ em Trung Quốc thời đó từ lúc nhỏ đã phải ca ngợi « người cha dân tộc ». Các em thường phải đồng thanh hô : « Cha mẹ là quan trọng, nhưng Mao chủ tịch còn quan trọng hơn ». Trong cuốn sách của nhiều tác giả kể về những năm tháng Hồng vệ binh mang tên « Ký ức về cơn bão » xuất bản tại Hồng Kông, đạo diễn Trần Khải Ca (Chen Kaige) kể về nạn sùng bái cá nhân, đặc biệt trong các trường tiểu và trung học.
Năm 1965, ông đi xem vở nhạc kịch cách mạng « Đông phương hồng ». Khi màn nhung kéo lên, hàng trăm cô gái trẻ mặc váy xanh, cầm những bông hoa màu tím nhạt, làm thành một biển cả hướng về hậu cảnh, nơi chân dung của Mao từ từ trỗi dậy. Cuối buổi diễn kéo dài ba tiếng đồng hồ, tiếng vỗ tay như sấm dậy nổi lên trong nhà hát trên 10.000 khán giả. Một người khác nhớ lại : « Từ khi còn nhỏ, chúng tôi đã hát : Thiên địa vĩ đại, nhưng Mao chủ tịch còn vĩ đại hơn ».
Tuy thống lĩnh sân khấu, nhưng thực tế trong hậu trường Mao đang bị lép vế sau thất bại thảm hại của cuộc Đại nhảy vọt : nạn đói làm cho hơn 30 triệu người chết, có cả những trường hợp phải ăn thịt người. Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqi) và cánh tay mặt là Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) nắm thực quyền, nhưng bộ máy tuyên truyền vẫn tiếp tục sử dụng hình ảnh của « vị thánh sống » Mao Trạch Đông.
Thậm chí « thượng đế » Mao còn có cả Kinh Thánh, đó là cuốn Sách Đỏ. Thống chế Lâm Bưu (Lin Biao), tổng tham mưu trưởng và là người được Mao chỉ định kế vị, đã ra lệnh phân phối trong quân đội từ năm 1964, sau đó đến Hồng vệ binh và tất cả mọi người dân đều phải học thuộc lòng những câu của Mao trong cuốn sách này.
Và đã có Kinh Thánh thì cũng có những « thánh tích ». Chẳng hạn quả xoài Mao chủ tịch tặng cho công nhân một nhà máy dệt ở Bắc Kinh mùa hè 1968. Những con người may mắn ấy đã tổ chức hẳn một buổi lễ để đón tiếp : đọc những câu trong Sách Đỏ, bọc sáp quả xoài đặt lên bàn thờ. Nhưng chẳng may quả xoài quý giá ấy bị úng thối, thế là phải làm một quả xoài giả và cũng thờ cúng tương tự.
Tôn sùng trộn lẫn sợ hãi
Năm 1966, Mao lập dinh cơ mùa hè tại Vũ Hán, thành phố nằm bên bờ sông Dương Tử. Ngày 16/7, ông xuống tắm sông, lúc đó đã ở tuổi 72, để cho nhân dân biết ông vẫn còn dư sức cống hiến. Bác sĩ của ông giải thích : « Mao chẳng bơi gì cả mà chỉ thả trôi theo giòng nước, cái bụng to tròn nổi lên trên mặt nước như một quả bóng. Tôi biết rằng vụ tắm sông này là một thách thức với Trung ương Đảng, đây là dấu hiệu cuộc chiến đã khởi động ».
Nhà sử học Frank Dikötter cho biết không ít thanh niên tham gia các cuộc mít-tinh đại quy mô ủng hộ Mao chỉ vì sợ hãi. Một nữ sinh viên Đức viết thư cho Mao nói rằng các cuộc tập hợp này khiến cô nhớ đến Nuremberg và Đức quốc xã, kết quả là cô gái phải vào tù. Tất cả những tội « khi quân » đối với Mao chủ tịch đều bị trừng phạt nặng nề. Một người từng sống qua thời Cách mạng văn hóa kể lại : « Có tình cảm tôn sùng Mao Trạch Đông thật, nhưng cũng có sự sợ hãi nữa. Lỡ có sai sót gì với chân dung Mao thì có thể bị lên án bất kỳ lúc nào, không khí sợ hãi lan tỏa khắp nơi ».
Và hiện nay « hoàng đế đỏ » sau khi qua đời năm 1976 được ướp xác, vẫn ngự trị ngay tại trung tâm Bắc Kinh, nơi hàng triệu Hồng vệ binh từng ngợi ca Mao chủ tịch.
Lưỡi kéo kiểm duyệt Trung Quốc « tàn sát » báo mạng
Cũng liên quan đến Trung Quốc, thông tín viên Le Monde tại Thượng Hải trong bài « Bắc Kinh kiểm duyệt báo mạng độc lập » đã báo động, các trang web lớn ở nước này đã nhận được lệnh không đưa các thông tin thời sự không theo chỉ đạo.
Những trang mạng lớn như Sina, Sohu hay Netease và các trang thông tin khác bị buộc phải giải tán bộ phận thời sự. Kể từ hôm thứ Hai 25/7, một số chuyên trang thời sự đã bị xóa, chỉ còn lại những thông báo cho biết « trang này không tồn tại ». Và ngay từ đầu tháng Bảy, báo chí bị cấm sử dụng thông tin từ mạng xã hội.
Cho đến nay, những trang web thông tin vẫn hoạt động trong một vùng xám. Về mặt chính thức, họ không được tự sản xuất nội dung, trừ mục thể thao và giải trí, các phóng viên không được cấp thẻ nhà báo ; chỉ được đăng lại tin của Tân Hoa Xã và những tờ báo chính thống khác. Nhưng để thu hút 720 triệu cư dân mạng, các trang web lập hẳn những ê-kíp làm phóng sự, đôi khi về những chủ đề nhạy cảm.
Chẳng hạn trang Phượng Hoàng hồi tháng Năm đã viết về một vụ bạo hành của công an khiến một sinh viên trẻ bị chết tại Bắc Kinh. Sau khi đăng thư ngỏ của các bạn học nạn nhân, hai biên tập viên bị công an thẩm vấn và lá thư nhanh chóng bị rút xuống. Trước đó vào tháng Tư, trang Netease đăng bài điều tra về Trương Việt (Zhang Yue), một quan chức Hà Bắc tham nhũng, cũng đã bị xóa.
Một giáo sư về ngành báo chí không muốn nói tên nhận định : « Có lẽ chính quyền sợ hãi cái mà họ gọi là ‘tin đồn’, vào lúc chỉ còn một năm nữa là đến Đại hội Đảng ». Từ khi Tập Cận Bình lên ngôi năm 2012, truyền thông và mạng xã hội đã bị kiểm soát vô cùng gắt gao, đây là thay đổi lớn nhất so với thời Đặng Tiểu Bình.
Linh mục bị sát hại dã man trong thánh đường : IS tấn công trái tim nước Pháp
Sự kiện cha xứ ở Saint-Etienne-du-Rouvray thuộc vùng Normandie bị hai kẻ nói tiếng Ả Rập sát hại man rợ ngay trong nhà thờ đang lúc dâng thánh lễ hôm qua 26/07/2016 chiếm trang nhất của tất cả các báo Pháp ra ngày hôm nay.
Le Figaro đăng ảnh nạn nhân, cha Jacques Hamel trên nền đen với hàng tựa lớn màu trắng « Bị những kẻ dã man sát hại ». Cũng với tấm hình cha xứ Hamel trên trang nhất, nhật báo công giáo La Croix chạy tựa « Đối mặt với cái ác ». Cũng trên nền đen với dòng tựa « Tử đạo », chiếm trọn trang nhất của Le Parisien là ảnh vị cha xứ 86 tuổi, ngôi nhà thờ, những người dân mang hoa và nến đến tưởng niệm. Nhật báo kinh tế Les Echos gọi đây là « Hành động man rợ mới nhất của tổ chức Nhà nước Hồi giáo », còn tờ báo cánh tả Libération kêu gọi : « Không nên nhường bước một chút nào ».
Bài xã luận của Le Figaro mang hàng tựa dựa theo một tác phẩm nổi tiếng của Dostoievski « Tội ác và trừng phạt », ở đây tờ báo gọi là « Cầu nguyện và trừng phạt ».
Một cha xứ bị cắt cổ dã man trong khi đang hành lễ, các giáo dân bị bắt làm con tin – cách đây vài tháng, những thông tin bi thảm loại này đến từ Mossoul hay Bagdad, gợi lòng thương cảm của người Pháp. Nhưng cảnh tượng khủng khiếp này hôm qua lại xảy ra tại một thành phố nhỏ bé vùng Normandie. Mười hai ngày sau vụ thảm sát ở Nice, IS lại tiếp tục biến thế giới thành chiến trường đẫm máu.
Ngay trong ngày khai mạc Đại hội Thanh niên Công giáo Thế giới, với hàng triệu tín đồ tập hợp tại Ba Lan, trái tim Giáo hội Công giáo đã bị tấn công, cụ thể là vào một linh mục đã phục vụ Thiên Chúa cho đến hơi thở cuối cùng.
Tờ báo nhận xét, giáo đường không chỉ là nơi tập hợp giáo dân, mà còn là hình ảnh quen thuộc trong phong cảnh nước Pháp. Tất cả các thành phố, làng mạc đều có một ngôi nhà thờ, và người dân Pháp rất gắn bó với biểu tượng này. Như vậy IS không chỉ đánh vào Giáo hội, mà một lần nữa nước Pháp đã bị tấn công.
Trước hành động man rợ trên, người Công giáo trước hết đáp trả bằng biện pháp tinh thần. Tại tất cả những thánh đường cho đến tận Cracovie, họ cầu nguyện bằng lời của Chúa Giêsu khi bị đóng đinh trên thập giá : « Lạy Cha, xin Cha hãy tha tội cho chúng, vì chúng không biết việc mình làm ». Họ cố gắng xứng đáng với những thông điệp tình thương, vốn làm nên đức tin của người Kitô hữu.
Nhưng theo tờ báo cánh hữu, sự kềm chế đáng cảm phục của họ không ngăn trở việc chờ đợi chính quyền một sự giáng trả đích đáng. Chính phủ cần phải có biện pháp cụ thể, gọi thẳng tên cái ác, kết án ; đồng thời thích ứng bộ máy quân đội, cảnh sát và tư pháp để bảo đảm an ninh cho các công dân, cho dù có tin vào Thượng Đế hay không.
Đại hội đảng Dân chủ Mỹ : Michelle Obama và dàn sao Hollywood
Nhìn sang Hoa Kỳ, nhiều báo Pháp chú ý đến Đại hội đảng Dân chủ tại Philadelphia tối thứ Hai. Le Figaro cho biết « Bernie Sanders và Michelle Obama đã cứu bà Hillary Clinton ». Còn Les Echos chú ý một khía cạnh khác, đó là « Một cuộc trình diễn của những ngôi sao đã che mờ dàn diễn viên phim truyền hình hạng B của Donald Trump ởCleveland ».
Bà Michelle Obama trong bộ váy dạ hội nổi bật đã gây xúc động khi nhắc lại con đường dẫn đến việc hủy bỏ chế độ nô lệ, niềm tự hào của bà khi được thấy hai con gái chơi đùa trên thảm cỏ Nhà Trắng – dinh thự do những người nô lệ da đen xây dựng nên. Bà cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với bà Hillary Clinton, đã « giúp các con gái của bà được sống trong một thế giới mà một người phụ nữ có thể được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ ».
Les Echos nói thêm, đương kim đệ nhất phu nhân còn giải thích, bà bỏ phiếu cho một phụ huynh gương mẫu, « người sẽ định ra cuộc sống của con cái chúng ta trong vòng bốn hay tám năm tới ». Lý lẽ này đã tác động không chỉ trong số cử tọa là các đại biểu Dân chủ tập hợp ở Wells Fargo Center, mà còn đến nhiều cử tri Mỹ.
Tờ báo cũng cho biết, tuy ông Donald Trump hứa hẹn Đại hội đảng Cộng hòa sẽ rất sinh động với sự góp mặt của nhiều khuôn mặt nổi tiếng, nhưng rốt cuộc chỉ có vài diễn viên phim truyền hình nhiều tập và truyền hình thực tế. Ngược lại, Đại hội đảng Dân chủ tập hợp nhiều ngôi sao sáng chói của Hollywood : nữ diễn viên Eva Longoria, Meryl Streep…hay nữ ca sĩ Lady Gaga, Beyoncé Knowles…Nhưng đặc biệt là danh sách các nhà tài trợ là đại minh tinh : Leonardo Di Caprio, Steven Spielberg, Ben Affleck, Richard Gere, George Clooney…

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160727-mao-trach-dong-va-nan-sung-bai-ca-nhan-tot-dinh


Thế hệ mất mát của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc


mediaKhách tham quan chụp hình trước tượng Mao Trạch Đông và tướng Chu Đức (Zhu De) tại một viện bảo tàng ở Tứ Xuyên.REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Libération hôm nay 16/05/2016 có bài viết về « Thế hệ mất mát của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc ». Cách đây 50 năm, Mao Trạch Đông tung ra một chiến dịch đàn áp dài hơi, làm cho nhiều triệu người chết và ngày nay, thập kỷ đẫm máu này vẫn là điều cấm kỵ tại Trung Quốc.
« Chúng tôi không còn là người nữa, mà đã trở thành chó sói ». Bà Yu Xiangzhen, một nhà báo về hưu ở Bắc Kinh 64 tuổi, chỉ mới là một thiếu nữ lúc Mao Trạch Đông tung ra Cách mạng Văn hóa tháng 5/1966, cho rằng mình đã bị biến thành một thứ quái vật. Vào thời điểm đó, cô Yu đang học lớp 10 tại Bắc Kinh, thì bất chợt có lệnh từ chính quyền trung ương buộc các trường phải cho học sinh nghỉ học. Các thanh niên Trung Quốc phải tham gia vào cuộc « Đại cách mạng văn hóa vô sản », mà Mao đang về già có sáng kiến phát động để cứu vãn quyền lực.
Năm 1966, người sáng lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã 72 tuổi, cảm thấy vị thế đang yếu đi sau thất bại đau đớn của cuộc Đại nhảy vọt (1958-1961). Chính sách kinh tế thảm hại này đã làm cho nhiều triệu người chết do nạn đói khủng khiếp. Hôm 16/5, Người cầm lái vĩ đại đã chính thức khởi động Cách mạng Văn hóa, để trừng phạt « bọn tư sản và những kẻ xét lại phản cách mạng ».
Mùa hè năm 1966, một ngàn học sinh trường trung học của Yu nằm ngay trung tâm thủ đô Bắc Kinh, đã bị lôi vào những cơn điên của cuộc « cách mạng » này. Bà kể lại : « Chúng tôi phải đả kích và sỉ nhục các thầy cô giáo của mình, tất cả đã bắt đầu như thế. Tháng 7/1966, phiên đấu tố đầu tiên diễn ra ngay trong trường. Một bạn học lớn tuổi hơn đã đổ một nửa hũ keo lên đầu cô hiệu trưởng. Trời rất nóng, mùi nồng nặc không chịu nổi và tôi bị khủng hoảng ».
Dần dần cô gái bị cuốn theo làn sóng, và tháng sau cô gia nhập lực lượng Hồng vệ binh. Các học sinh cấp 2 và cấp 3 trẻ măng đeo băng đỏ đã gieo rắc kinh hoàng trong « những năm tháng đỏ » từ 1966 đến 1968.
Trong ba năm đó, những người tôn thờ Mao như thần thánh đã gây nên những tội ác tệ hại nhất của Cách mạng Văn hóa. Nhân danh cuộc đấu tranh chống « Tứ cựu » (bốn cái cũ) – gồm ý tưởng, văn hóa, phong tục và tập quán cũ - tức trước năm 1949, năm thành lập Trung Quốc cộng sản, họ đã phá hủy các đền chùa, sỉ nhục những người trí thức, đốt các sách cũ. Một ví dụ điển hình là nhà văn nổi tiếng Lão Xá (Lao She) bị lăng nhục, đã tự sát vào tháng 8/1966.
Cách mạng Văn hóa kéo dài mười năm, từ 1966 đến khi Mao Trạch Đông chết năm 1976. Đó là một trong những thảm họa lớn nhất của lịch sử đương đại Trung Quốc. Nhà sử học Jonathan Spence viết : « Số nạn nhân không thể đếm xuể, có thể lên đến nhiều triệu người », mà theo các nguồn tin khác nhau, số người chết từ vài trăm ngàn đến nhiều triệu.
Thảm kịch Cách mạng Văn hóa ám ảnh cả một thế hệ
Thập kỷ thảm kịch này in dấu lên cả một thế hệ trong suốt cuộc đời. Một số dần dà bắt đầu kể lại những kỷ niệm khủng khiếp thời đó cho con cháu, trước khi quá muộn. Chẳng hạn bà Liu, 66 tuổi, chỉ tâm sự với người con trai duy nhất từ năm 2007 khi cảm thấy thời gian không còn nhiều. Bà bị đày lên Nội Mông lúc đang tuổi vị thành niên để đi chăn cừu, cũng như nhiều triệu trí thức trẻ khác. Mao hy vọng sẽ xóa sạch tư tưởng tư sản khi họ sống cùng với nông dân và quần chúng vô sản.
Nửa thế kỷ sau, sách giáo khoa vẫn chỉ nói sơ sài về Cách mạng Văn hóa, báo chí thận trọng tránh né chủ đề này, và người Trung Quốc cũng ít đề cập đến dù trong những cuộc trò chuyện riêng tư. Cách mạng Văn hóa vẫn luôn là cấm kỵ trong xã hội Trung Quốc, và đảng Cộng sản không hề có công trình nghiên cứu nào để ghi nhớ thời kỳ này. Những bộ phim hiếm hoi nói về Cách mạng Văn hóa như « Phải sống » (To Live, tên tiếng Hoa là Hoạt Trứ) của Trương Nghệ Mưu (Zhang Yimou), giải thưởng lớn Liên hoan điện ảnh Cannes 1994, đều bị kiểm duyệt.
Tập Cận Bình đã khuyến khích việc tôn sùng cá nhân lãnh tụ để củng cố địa vị, có thể so với thời Mao Trạch Đông, tuy bản thân ông ta cũng từng bị đưa về nông thôn trong Cách mạng Văn hóa. Theo nhà sử học Hà Lan Frank Dikötter : « Mục đích nhằm tạo ra không khí sợ hãi, đe dọa và làm nản chí các nhà sử học. Tập Cận Bình nghiên cứu rất kỹ Mao Trạch Đông và các cựu lãnh tụ xô-viết trong đó có Gorbatchev. Ông ta biết rằng nếu cho phép tranh luận nhiều hơn, nhất là về lịch sử Liên Xô, thì sẽ rất tai hại ».
Đảng Cộng sản Trung Quốc trong nghị quyết thông qua năm 1981 đã nhìn nhận Cách mạng Văn hóa là « thảm họa cho Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân ». Nghị quyết đã chấm dứt mọi tranh cãi, nhưng tại Bắc Kinh, thỉnh thoảng Cách mạng Văn hóa vẫn nhẹ nhàng quay lại : trong công viên sau Tử Cấm Thành, nhiều người về hữu vẫn cất cao giọng hát những bài hát đỏ vinh danh Mao Trạch Đông.
Thái tử đảng Trung Quốc phản đối làm sống dậy Cách mạng Văn hóa
«Cách mạng Văn hóa vẫn làm giới thái tử đảng bất bình», đó là nhận xét của thông tín viên báo Le Monde tại Bắc Kinh. Nhiều tên tuổi lo ngại trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa mao-ít, trong dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện này.
Hôm 2/5 tại Đại sảnh đường Nhân dân ở Thiên An Môn, một vở ca kịch ca ngợi Mao do 56 nữ diễn viên trình bày đã gây tranh cãi tại Trung Quốc, vào thời điểm gần đến ngày 16/5, dịp kỷ niệm 50 năm ngày mở màn cuộc Cách mạng Văn hóa năm 1966.
Các cô đã hợp ca « Để ra biển lớn, cần có Người cầm lái vĩ đại » (Đại hải hàng hành khốc đà thủ) - một trong những bài hát phổ biến nhất vào thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Ca từ có những câu : « Như cá không thể sống thiếu nước…quần chúng cách mạng phải gắn bó với đảng », « Tư tưởng Mao Trạch Đông là mặt trời vĩnh cửu »…Mặt trời đỏ của Mao được chiếu lên màn hình khổng lồ, tiếp đến là hình ảnh của Tập Cận Bình giữa những người nông dân vui tươi. Sau đó xuất hiện một băng-rôn kêu gọi « Các dân tộc trên thế giới đoàn kết lại để đánh bại đế quốc Mỹ và đồng lõa ».
Sự tái xuất của chủ nghĩa mao-ít đã khiến ngay cả những người được mệnh danh là « thái tử đảng » cũng bực tức. Bà Mã Hiểu Lực (Ma Xiaoli) đã gởi thư đến văn phòng chủ tịch nước đòi phải mở điều tra. Mã Hiểu Lực là con gái của Mã Văn Thụy (Ma Wenrui), bộ trưởng Lao động đã bị ngồi tù trong Cách mạng Văn hóa vì cùng phe với Tập Trọng Huân, cha của Tập Cận Bình. Bà dẫn nghị quyết lịch sử của đảng năm 1981, chính thức lên án Cách mạng Văn hóa là « Một đại thảm họa, và là một bước thụt lùi khổng lồ trong lịch sử Trung Quốc ».
Trên internet, Mã Hiểu Lực tỉ thí với « giáo sư cuồng Mao » Trương Hoàng Lương (Zhang Hongliang). Bà được những người khác hợp lực như La Điểm Điểm (Luo Diandian), con gái của La Thụy Khanh (Luo Ruiqing) - cựu bộ trưởng Công an bị thanh trừng ngay đợt đầu cùng với chủ tịch thành phố Bắc Kinh Bành Chân (Peng Zhen) vào mùa xuân 1966. Bà La Điểm Điểm còn đi xa hơn, nhắc nhở rằng các lãnh đạo nước Đức đã phải nói lời xin lỗi về các tội ác của Đức quốc xã, kêu gọi đưa sự thật ra ánh sáng.
Xu hướng chuyên quyền thắng thế tại châu Á
Cũng tại châu Á, trong bài « Khúc khải hoàn của kẻ mạnh », Le Monde nhận định « Từ Bắc Kinh đến Singapore, quyền lực đang gia tăng ảnh hưởng » tại châu lục này.
Tại Philippines, ứng cử viên Rodrigo Duterte, 71 tuổi, với biểu tượng tranh cử là nắm đấm, đã giành thắng lợi. Điều mỉa mai là ông ta được bầu làm tổng thống trong một đất nước mà nữ giới chiếm phần quan trọng trong nền kinh tế : hầu hết lao động xuất khẩu là phụ nữ, mang về 10% GDP cho đất nước. « Trump của Philippines » lên ngôi nhờ cử tri đã chán ngán với với bất bình đẳng ngày càng cao. Thế nên người Philippines một lần nữa lại bầu cho một nhân vật chuyên quyền. Tuy nhiên hiện tượng này lại phổ biến trên toàn châu Á, chống chọi lại khuynh hướng dân chủ.
Danh sách các nguyên thủ chuyên quyền rất dễ nhận ra. Bắt đầu là Trung Quốc : Tập Cận Bình chưa đầy bốn năm đã thâu tóm mọi quyền lực với các chức chủ tịch nước kiêm tổng bí thư, chủ tịch Quân ủy trung ương, tổng tư lệnh liên quân. Thái Lan đang dưới sự cai trị của tập đoàn quân sự. Tại Việt Nam thì khó nhận diện nhân vật số một vì đảng nắm trọn quyền hành. Ở Cam Bốt, thủ tướng Hun Sen nhất quyết không rời chiếc ghế chiếm được từ năm 1998, còn Lào vẫn chế độ độc đảng từ bốn thập kỷ qua.
Malaysia đặc biệt hơn, tuy vẫn tổ chức bầu cử thường xuyên nhưng ông Najib Razak luôn tại vị dù bị dính xì-căng-đan tham nhũng rất lớn. Singapore có tiếng là « sạch » nhưng chính quyền kiểm soát chặt chẽ truyền thông, không dung thứ những người ly khai. Các trường hợp ngoại lệ là hai phụ nữ : bà Park Geun Hye, con gái nhà độc tài Park Chun Hee ở Hàn Quốc và bà Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen) của Đài Loan.
Chiến thắng mang tính chính trị của Ukraina tại Eurovision
Trên lãnh vực văn hóa, Le Figaro nói về cuộc thi tiếng hát truyền hình châu Âu « Eurovision : Chiến thắng hết sức chính trị của Jamala », thí sinh Ukraina.
Ca sĩ người Tatare, dân tộc thiểu số ở Crimée đại diện cho Ukraina dự thi, càng đào sâu thêm chiếc hố ngăn cách giữa Ukraina với Nga từ khi bán đảo Crimée bị sáp nhập bằng vũ lực tháng 3/2014. Bài hát được nữ ca sĩ trình bày mang tên « 1944 » - mà những người giới thiệu chương trình truyền hình Nga thậm chí còn không nói tên – được dành tặng cho bà cố của cô bị đày ra Trung Á, như 200.000 người Tatare khác, bị Stalin cáo buộc là đã hợp tác với Đức quốc xã. Điệp khúc được hát bằng tiếng Tatare, và bài hát mở đầu bằng câu gây sốc « Họ vào nhà để sát hại bạn ».
Theo Matxcơva, thí sinh Nga bị loại dù chiếm nhiều phiếu của khán giả nhất, do ban giám khảo bị ảnh hưởng chính trị. Nhưng lý luận này không thuyết phục được ai, vì thực ra khán giả Ukraina vẫn chấm thí sinh Nga đến 12 điểm, trong khi khán giả Nga chỉ chấm cho ca sĩ Ukraina có 10 điểm. Nếu giám khảo các nước chống đối Nga như Ba Lan, Gruzia, Litva cho cô Jamala điểm tối đa, thì Serbia và Israel tuy thân Nga cũng tương tự. Còn ca sĩ Serguei Lazarev của Nga được Hy Lạp và Chypre, những nước thân Nga cho điểm rất rộng tay.
Tựa chính báo Pháp
Hôm nay là ngày nghỉ lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chỉ có ba nhật báo lớn có mặt trên các sạp báo Paris. Libération dành trang nhất cho hai chính khách Montebourg và Macron, hai khuôn mặt đại diện cho cánh cực hữu và cực tả ngay trong đảng Xã hội, đang mơ đến kỳ bầu cử tổng thống Pháp sắp tới. Le Figaro nhận xét « Hiệp định về nhập cư với Thổ Nhĩ Kỳ làm các nước châu Âu bực tức », do tổng thống Erdogan từ chối áp dụng các điều kiện mà Bruxelles đòi hỏi để cấp visa cho công dân Thổ, trong khuôn khổ hiệp định ký hôm 18/3. Trên góc độ địa chính trị, Le Monde nói về « Sunni-Shia, cuộc chiến bên trong đạo Hồi » : chưa bao giờ trong lịch sử một cuộc xung đột giữa người Hồi giáo lại được toàn cầu hóa và đẫm máu như thế.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160516-the-he-mat-mat-cua-cach-mang-van-hoa-trung-quoc

Khi người Trung Quốc tìm lại « màu sắc » của Cách mạng văn hóa

mediaMột khung cảnh thường ngày trong Cách mạng văn hóa, dưới ống kính của Solange Brund.DR
Năm 1965, Solange Brand mới 19 tuổi, được tuyển vào làm thư ký ở đại sứ quán Pháp ở Bắc Kinh. Tại đây, cô cơ hội quan sát kỹ lưỡng khi cuộc Cách mạng văn hóa nổ ra. Brand không thể nào ngờ những tấm ảnh màu được cô chụp tại chỗ sau này trở thành những tài liệu lịch sử, được xuất bản tại Trung Quốc nửa thế kỷ sau đó.
Ra mắt vào tháng Giêng, cuốn sách ảnh « Hồi ức Trung Quốc, 1966 » tập hợp 90 bức ảnh của cô gái Pháp. Trong đó có thể thấy những cảnh người Trung Quốc hồ hởi trước các chiến dịch đấu tranh giai cấp, giơ cao những cuốn sách đỏ hay đọc đại tự báo – những tấm áp-phích trên đường phố để « giáo dục quần chúng ». Những người khác tham gia các cuộc mít-tinh vĩ đại từ ngày 1 tháng Năm đến ngày 1 tháng Mười, hay các hoạt động mang tính tuyên truyền chống chiến tranh Việt Nam.
Những hình ảnh này, Solange Brand ghi lại trong các cuộn phim màu, mang lại cho chúng những giá trị có thể nói là vô giá. Vào thời đó, « Các phóng viên ảnh phương Tây không được phép hành nghề tại Trung Quốc, và ảnh màu chỉ dành riêng cho các nhà nhiếp ảnh chính thức của Mao Trạch Đông ». Robert Klein, nhà triển lãm Mỹ và là người đại diện cho Solange Brand giải thích.
Cuốn sách ảnh với chú thích bằng tiếng Hoa đã bán được 11.000 bản, và ấn bản lần thứ ba đang được chuẩn bị. Trong chuyến thăm Bắc Kinh mới đây, Solange Brand thu hút sự mọi sự chú ý của báo chí Trung Quốc. Họ ngạc nhiên khi các bức ảnh ấy lại ngủ quên lâu đến thế tại nhà của tác giả ở Paris, được xếp cẩn thận trong các hộp giấy.
Sau thời gian làm việc tại Trung Quốc, Brand trở về Pháp làm cho tờ Le Monde mười năm, sau đó giữ chức giám đốc nghệ thuật của tờ Le Monde Diplomatique suốt 25 năm.
Sự ngây thơ của người chụp lẫn người được chụp ảnh
Bà nói : « Những tấm ảnh của tôi gây dấu ấn mạnh mẽ lên người Trung Quốc, tôi nghĩ thế, vì chúng là chứng nhân cho sự ngây thơ của cả người chụp ảnh lẫn người được chụp. Tôi hồi đó còn trẻ, điều gì đối với tôi cũng đều mới mẻ. Còn họ thì không có thói quen được chụp hình, và đáng ngạc nhiên hơn cả là lại đối mặt với một người ngoại quốc ».
Đúng là Bắc Kinh năm 1966, mười lăm năm sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mở cửa ra thế giới bên ngoài, không có điểm chung nào với đại đô thị tân tiến của ngày nay.
Các loại xe cộ có động cơ hết sức hiếm hoi. Cũng hiếm gặp như những người nước ngoài, vốn phải xin được giấy phép đặc biệt để du hành tại Trung Quốc.
Không có chuyến bay trực tiếp nào nối liền Paris với thủ đô Trung Quốc. Trước khi đến được Bắc Kinh, Solange phải quá cảnh nhiều nơi : Matxcơva, Omsk, Novossibirsk rồi Oulan-Bator. Bà nhớ lại : « Đại sứ quán Pháp bị cô lập với thế giới bên ngoài, va-li ngoại giao phải gởi qua Hồng Kông ».
Tại thuộc địa cũ Anh quốc, cô thư ký trẻ mua một chiếc máy ảnh Pentax SV, rất được các phóng viên ảnh thập niên 60 ưa chuộng. Với một nữ đồng nghiệp ở tòa đại sứ, Solange còn đưa được đến Bắc Kinh một chiếc VéloSolex, loại xe máy nhẹ nhàng thanh lịch hết sức phổ thông ở Pháp.
Bà kể : « Nếu để chiếc Solex ở một nơi nào đó, khi trở lại sẽ thấy khoảng 100 đến 150 người Trung Quốc xúm xít chung quanh, cố tìm hiểu cách vận hành của nó…Bắc Kinh thời đó là một thành phố xám xịt, với nhiều màu xanh trong trang phục người dân. Rồi sau đó màu đỏ xuất hiện… ».
Đỏ, như các hồng vệ binh hừng hực diễu hành trong cuộc « trường chinh ». Đỏ, như những lá cờ rực lửa giơ cao chống lại « chủ nghĩa xét lại » xô-viết – Bắc Kinh đã ly khai về ý thức hệ với Liên Xô.
Khi lăng-xê « Cuộc Cách mạng văn hóa vô sản vĩ đại » (1966-1976), Mao Trạch Đông tăng cường sự sùng bái cá nhân ông ta và trừ khử tất cả mọi dạng thức đối lập.
Nội chiến mở rộng
Đi kèm theo là việc tập trung thanh niên vào những đơn vị được cho là nhằm trấn áp khuynh hướng tiểu tư sản, « cải tạo » những trí thức bị đày ải về nông thôn, và tình trạng hỗn loạn đến nỗi trở thành một cuộc nội chiến phổ quát, làm cho hàng trăm ngàn người chết.
Solange Brand đã tham dự những cuộc mít-tinh khổng lồ. Ngược lại, bà không chứng kiến trực tiếp những hành xử bạo lực. Chẳng hạn vụ đàn áp nhà văn Lão Xá (Lao She) năm 1966 : nhà ông ở Bắc Kinh bị đập phá tan tành, ông bị thẩm vấn, đánh đập dẫn đến việc nhà văn phải tự tử.
« Mãi sau tôi mới hiểu, mới biết được. Nhưng ban đầu có lẽ là một dạng chối từ sự thật. Một cuốn sách như ‘ Những bộ quần áo mới của Mao chủ tịch’’, vào thời đó tôi không muốn đọc ». Nhà nhiếp ảnh nhìn nhận, nhắc đến tác phẩm của Simon Leys xuất bản năm 1971, nói về những sự thực khủng khiếp của Cách mạng văn hóa.
Solange Brand tự cho mình là mao-ít chăng ? « Không, tôi chưa bao giờ tham gia, nhưng tôi có cảm tình. Vào năm 1966, tôi đồng tình với việc thay đổi thế giới. Phong trào cách mạng 1968 tại Pháp diễn ra hai năm sau đó ».
Ngày nay đảng Cộng sản Trung Quốc giữ im lặng về chương lịch sử đen tối này. Bị kiểm duyệt lọc bớt, những lời chứng chỉ xoay quanh sai lầm cá nhân, che giấu bối cảnh chính trị cuồng tín cổ vũ người ta đấu tố các láng giềng và những người thân thích.
« Vì đây là một chủ đề nhạy cảm, nên chỉ có 90 bức ảnh được chọn lựa để in thành sách ». Ông Li, một người có trách nhiệm của nhà xuất bản Trung Quốc nhìn nhận với AFP.
Nhưng sức mạnh của cuốn sách là ở chỗ đã làm hồi sinh cuộc sống thường nhật thời đó, nay đã biến mất các vết tích.
Chen Xiaobo, biên tập viên của Tân Hoa Xã nhấn mạnh : « Năm 1966, có rất ít người Trung Quốc sở hữu một chiếc máy ảnh, và ý định sử dụng nó ở bên ngoài lại càng ít hơn. Chúng tôi không giữ lại những cảnh tượng trên đường phố được chụp vào thời ấy. Nhưng Solange Brand đã làm việc này, với sự nhạy cảm của riêng mình ».
Một buổi tối đầu thập niên 90, Solange gặp gỡ một nghệ sĩ Trung Quốc ở Paris. Vì người bạn mới, bà mở cho xem các hình ảnh cũ. Bà kể lại : « Tôi đã chiếu các phim dương bản, phải làm thật nhanh vì dưới sức nóng của máy chiếu, hóa chất tráng trên mặt bị chảy khiến tấm ảnh bị cong đi. Người bạn nhảy nhổm lên, nói với tôi : ‘‘Chị đã trả lại cho tôi ký ức. Hồi ức của tôi chỉ có hai màu đen và trắng mà thôi !’’ ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150718-khi-nguoi-trung-quoc-tim-lai-%C2%AB-mau-sac-%C2%BB-cua-cach-mang-van-hoa


Geen opmerkingen:

Een reactie posten