zaterdag 30 juli 2016

Có thể Trung Quốc đã giữ được "thể diện" bằng cách gây sức ép với ASEAN, nhưng liệu Bắc Kinh có giữ được "uy tín" của họ không? vì..."họ càng lên án phán quyết, họ càng mất đi độ tin cậy"

Thắng lợi của Trung Quốc có thể chết yểu


Tàu và trực thăng Trung Quốc trong cuộc diễn tập tìm kiếm cứu hộ tại quần đảo Hoàng Sa, ngày 14/7/2016.
Tàu và trực thăng Trung Quốc trong cuộc diễn tập tìm kiếm cứu hộ tại quần đảo Hoàng Sa, ngày 14/7/2016.


Trung Quốc dường như đã giành chiến thắng ngoại giao trong tuần qua khi thách thức phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Nhưng có những người tin rằng Trung Quốc sẽ vẫn phải đối mặt với tác động lâu dài của phán quyết.
Ông Tim Huxley, giám đốc điều hành của Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược ở châu Á nói các cuộc đàm phán song phương sắp tới của Bắc Kinh với các bên tranh chấp khác như Việt Nam và Philippines diễn ra trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Ông nhận định: "Nói cách khác, họ - Philippines và Việt Nam - sẽ nói, Được, chúng ta có thể nói chuyện. Nhưng chúng tôi sẽ không nói theo các điều kiện của quý vị. Mà chúng tôi sẽ theo các điều kiện của chúng tôi và các điều kiện của chúng tôi là trên cơ sở pháp luật quốc tế".
Nhà nghiên cứu ở Singapore này nói thêm rằng có thể mất nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ, mới thấy được những tác động dài hạn của phán quyết trên thực tế.
Hồi đầu tuần này, Bắc Kinh đã tác động để Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đi đến quyết định xoá bất kỳ từ ngữ nào nhắc đến Trung Quốc hoặc phán quyết của tòa trọng tài trong thông cáo chung của ASEAN sau cuộc họp của các ngoại trưởng tại Lào.
Điều đó được xem là một chiến thắng ngoại giao của Trung Quốc.
Có thể Trung Quốc đã giữ được thể diện bằng cách gây sức ép với ASEAN, nhưng liệu Bắc Kinh có giữ được uy tín của họ không?
Walden Bello, một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á ở Kyoto, Nhật Bản, nói: "Trong ngắn hạn, các nước có thể bị dọa dẫm, nhưng các mưu toan bắt nạt này bị người ta ghi nhớ, và chắc chắn sau cùng sẽ không giúp Trung Quốc giành được điểm".
Còn ông Bello, cựu dân biểu Hạ viện Philippines nói: "Vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt ở đây là họ càng lên án phán quyết, họ càng mất đi độ tin cậy"
Ông Dan Steinbock, giám đốc nghiên cứu về kinh doanh quốc tế tại Viện Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ cho rằng vụ khiếu nại của Philippines và phản ứng của ASEAN đối với phán quyết của tòa là những ví dụ hoàn hảo về việc các nước châu Á đang bị mắc kẹt ra sao giữa việc bảo đảm an ninh của Mỹ và hợp tác kinh tế của Trung Quốc.
Ông Steinbock đưa ra ý kiến: "Tập trung vào chỉ một mặt này hay mặt kia chưa bao giờ có tính xây dựng cả, còn cân bằng giữa hai mặt đã chứng minh là có lợi cho hòa bình và thịnh vượng trong khu vực".
Ông cũng cho rằng các nước ASEAN biết quá rõ rằng "luật pháp quốc tế là một chuyện, còn hiện thực về chính sách trong khu vực là một chuyện khác".
Vì vậy, ông Steinbock lập luận rằng xác suất vô tình xảy ra xung đột ở khu vực vẫn tiếp tục tăng, đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các bên liên quan để xuống thang căng thẳng thông qua xây dựng lòng tin và đàm phán.

http://www.voatiengviet.com/a/thang-loi-cua-trung-quoc-co-the-chet-yeu/3440194.html

Trung Quốc không dễ vô hiệu hóa phán quyết về Biển Ðông


Các ngoại trưởng của ASEAN tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49. Sự lũng đoạn của Trung Quốc đối với ASEAN sẽ khiến khối này hết mơ hồ? (Hình: Getty Images)
LÀO (NV) – Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Nhật, Úc vừa công bố một tuyên bố chung, bày tỏ sự lo ngại về tình hình Biển Ðông và phản đối mọi hành động đơn phương làm mức độ căng thẳng gia tăng.
Tuyên bố chung vừa kể được công bố ngay sau khi Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 49 công bố “thông cáo chung” mà nội dung không đả động gì đến phán quyết về Biển Ðông.
“Thông cáo chung” của Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 49 được xem như một chiến thắng của Trung Quốc về mặt ngoại giao nhằm giảm nhẹ thiệt hại do phán quyết về Biển Ðông gây ra, đồng thời là một phần của tiến trình vô hiệu hóa phán quyết này.
Tuy nhiên có những dấu hiệu khá rõ ràng cho thấy, nỗ lực vô hiệu hóa phán quyết về Biển Ðông của Trung Quốc không những không chắc sẽ đạt hiệu quả họ mong đợi mà có thể phản tác dụng.
Ngoài những đề nghị ASEAN cần có giải pháp thích đáng đối với Cambodia, kể cả loại bỏ quốc gia này nhằm vô hiệu hóa một công cụ mà Trung Quốc đã và đang sử dụng để lũng đoạn ASEAN, cản trở các quốc gia Ðông Nam Á có những hành động bất lợi cho Trung Quốc, hành động lộ liễu của Trung Quốc đã đẩy Hoa Kỳ, Nhật, Úc đến chỗ công khai liên kết bảo vệ phán quyết về Biển Ðông.
Các ngoại trưởng của Hoa Kỳ, Nhật, Úc nhấn mạnh Trung Quốc và Philippines phải tôn trọng phán quyết về Biển Ðông như “kết luận chung cuộc và có tính ràng buộc về pháp lý.” Trong tuyên bố chung, Hoa Kỳ, Nhật, Úc xác định, phán quyết về Biển Ðông là cơ hội quan trọng để duy trì trật tự quốc tế tại Ðông Nam Á. Trật tự này dựa trên luật pháp và thái độ đối với nó cho thấy các đương sự có ôn trọng luật pháp quốc tế hay không. Tuyên bố chung nhấn mạnh, những hành động đơn phương tạo ra những thay đổi vĩnh viễn đối với môi trường biển, việc bồi đắp-tạo lập các đảo nhân tạo, xây dựng các căn cứ quân sự là bất hợp pháp.
Một điểm đáng chú ý khác là sau “Thông cáo chung” của Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 49, ông Rodrigo Duterte, tân tổng thống Philippines, vừa khẳng định, Philippines sẽ viện dẫn phán quyết về Biển Ðông trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Tuyên bố của ông Duterte trước Quốc Hội Philippines cho thấy, dường như nội các mới của Philippines đã không còn “mơ hồ” về tham vọng và dã tâm của Trung Quốc.
Tuy chiến thắng trong vụ kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Ðông nhưng Philippines đang gặp vô số khó khăn về kinh tế-xã hội, đó cũng là lý do tân tổng thống Philippines muốn giảm nhẹ mức độ căng thẳng với Trung Quốc để có thêm nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Duterte đã từng đề cập tới chuyện sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để khai thác Biển Ðông. Thậm chí ông Duterte còn nhận định, nếu Philippines có thể giải quyết bất đồng với Trung Quốc mà không cần phán quyết của Tòa thì Philippins có thể hưởng lợi nhiều hơn từ phía Trung Quốc.
Liệu sắp đến lúc giới lãnh đạo Trung Quốc phải ngồi ngẫm thành ngữ “thái quá, bất cập”? (G.Ð)

http://www.nguoi-viet.com/viet-nam/trung-quoc-khong-de-vo-hieu-hoa-phan-quyet-ve-bien-dong/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten