Thứ bảy, 23/11/13, 05:05 GMT+7
Quán vỉa hè được Tây balô săn lùng ở Sài Gòn
Với người Sài Gòn, đây là một quán vỉa hè bình thường. Nhưng với du khách nước ngoài, quán là địa điểm bằng mọi giá phải ghé đến khi du lịch tại Việt Nam.
Trong khoảng gần 5 năm trở lại đây, hình ảnh những ông Tây ngồi vỉa hè, xì xụp tô bún mắm bốc khói hay xuýt xoa với bát bún bò cay nồng... đã trở nên quá quen thuộc trong mắt những người dân sống ở chung cư Nguyễn Đình Chiểu (quận 1).
Đến đây vào mỗi buổi trưa, bạn sẽ thấy rất nhiều du khách Tây đang chen chúc nhau bên những chiếc bàn con để thưởng thức các món ăn đặc trưng của người Việt như: bún mắm; bún bò; bún thịt nướng; hủ tiếu... được thay đổi theo từng ngày.
Đó là do đây là quán ăn đã được đầu bếp nổi tiếng Anthony Michael Tony Bourdain giới thiệu trong chương trình khám phá ẩm thực của No Reservations (Mỹ).
Với những du khách này, quán Lunch lady là địa chỉ không thể bỏ qua khi đến Sài Gòn. Ảnh: Tiêu Phong.
|
Có tuổi đời 20 năm nhưng quán thực sự nổi tiếng và được nhiều du khách nước ngoài ghé đến ăn trong khoảng 5 năm trở lại đây. Theo lời kể của bà Thanh chủ quán, đầu bếp Anthony cùng những người trong đoàn làm phim đã đến thưởng thức và ghi hình ảnh của quán sau khi đọc được bài viết trên tạp chí Asialife. Sau buổi trò chuyện với người phụ nữ trung niên vui tính này, Anthony quyết định gọi tên quán là Lunch lady. Kể từ đó đến nay, quán ăn vỉa hè này bắt đầu nổi tiếng, tên gọi Lunch lady cũng trở thành quen thuộc đối với du khách khi đến Sài Gòn.
Bát bún mắm đầy màu sắc thật thơm ngon và hấp dẫn. Ảnh: Tiêu Phong.
|
Là quán cóc nên không có gì đặc biệt, chỉ là một tủ kiếng đựng đầy đủ các nguyên liệu cần thiết cho một món ăn với nồi nước lèo to đùng bốc khói nghi ngút bên cạnh. Quán không mái che, không bảng hiệu cũng không cả thực đơn, mỗi ngày bán một đến hai món, được thay đổi hàng ngày và không theo bất cứ quy luật nào.
Bạn sẽ không biết được mình ăn món gì cho đến trước khi ngồi vào bàn, có khi là bún mắm, khi là hủ tiếu, có ngày là bún thịt nướng, đôi khi lại là bún bò... Thế nhưng, thực khách không cảm thấy phiền toái, ngược lại còn thấy rất thú vị vì sự "bất thường" đó của chủ quán.
Không chỉ có du khách, những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Sài Gòn cũng thường xuyên ghé quán ăn vào mỗi buổi trưa. Ảnh: Tiêu Phong.
|
Quán không chỉ nổi tiếng bởi các món ăn ngon mà còn gợi trí tò mò qua lời truyền miệng của khách Tây balô nên càng càng ngày càng đông khách. Tuy mỗi ngày nấu một món, lại chỉ bán trong khoảng 2 giờ đồng hồ (từ 11h đến khoảng 13h) nhưng các món ăn ở quán luôn được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng từ việc nhặt rau, luộc thịt cho đến nấu nước dùng... Chính nhờ điều đó, nên sau khi đến đây vì tò mò, đa phần thực khách đều ghé lại để được thưởng thức thêm hương vị thơm ngon của những món ăn khác ở quán mặc cho cái nắng nóng như đổ lửa giữa trưa Sài Gòn.
Tiêu Phong
Tin liên quan
http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/ho-chi-minh/quan-via-he-duoc-tay-balo-san-lung-o-sai-gon-2913513.html
Thứ ba, 19/11/13, 05:05 GMT+7
Vị ngọt trong tô bánh canh chả cá nhồng Nha Trang
Từng lá chả cá dai, mềm, khi ăn có vị ngọt tự nhiên chính là điểm hấp dẫn tạo nên sự khác biệt cho món ăn bình dị này ở thành phố biển Nha Trang.
Bánh canh chả cá là món ăn nổi tiếng của các tỉnh miền Trung nói chung và Nha Trang nói riêng. Với hai thành phần chính là sợi bánh canh và chả cá, tùy vào từng địa phương mà món ăn có cách biến tấu khác nhau tạo sự hấp dẫn riêng.
Riêng với thành phố biển Nha Trang, bánh canh chả cá là món ăn quá đỗi quen thuộc, gắn chặt với đời sống của người dân nơi đây. Nói về thành phần, món ăn này không có gì khác biệt so với các địa phương khác. Tuy nhiên, với người Nha Trang, sự khác biệt của món ăn đến từ những lát chả cá chiên vàng ăn kèm.
Bánh canh chả cá nhồng với hương vị thơm ngon, thanh ngọt, tuy bình dị nhưng luôn được nhiều người ưa thích. Ảnh: Tiêu Phong.
|
Nhờ sự phong phú của biển cả nên chả cá được làm từ rất nhiều loại cá. Từ cá thu, cá cờ, cho đến cá chỉ vàng, cá mối... đều được dùng để tạo ra những lát chả cá vàng ươm, thơm ngon, có thể thuyết phục bất cứ thực khách khó tính nào. Ngoài ra, còn một loại chả cá nữa mà những người sành ăn khó có thể bỏ qua là chả cá nhồng.
Cá nhồng là một trong những loại cá hung dữ của biển cả, gồm nhiều loại, loài lớn nhất có thể dài đến gần 2 m. Ở vùng biển Nha Trang, cá nhồng có kích thước nhỏ, con trưởng thành chỉ bằng cổ tay người lớn.
Chả cá được làm từ cá nhồng vừa dai mềm, vừa có vị ngọt tự nhiên chính là điểm khác biệt của món ăn này. Ảnh: Tiêu Phong.
|
Cá nhồng làm chả phải chọn con lớn, mới được đánh bắt lên. Cá sau khi làm sạch được lấy thịt bằng hai cách. Bạn có thể dùng dao lóc thịt phi lê cá hoặc mổ đôi cá, dùng chầy chần cho thịt cá mềm rồi dùng thìa nạo sạch thịt. Cách thứ hai mất nhiều thời gian nhưng khi chế biến sẽ cho thành phẩm ngon hơn.
Cá sau khi nạo được cho vào cối quết nhuyễn với tiêu, đầu hành, muối, đường. Khi thịt cá thật nhuyễn thì cho ít bột mì vào rồi tiếp tục quết đến khi thịt cá mềm, mịn, dẻo và dai là được. Thịt cá sau đó được chia thành từng miếng tròn khoảng bằng bàn tay rồi đem chiên vàng hoặc hấp chín tùy ý thích.
Sợi bánh canh được làm từ bột gạo tươi nên mềm, dai và không có vị chua. Ảnh: Tiêu Phong.
|
Một điểm cộng cho món ăn này là sợi bánh canh được làm từ bột gạo mới xay nên sợi bánh mềm, mịn và không có mùi chua như sợi bánh làm từ bột gạo xay sẵn. Thường thì các quán ăn sẽ tự làm sợi bánh nên bạn đừng bất ngờ khi thấy sợi bánh được tạo hình khác nhau tùy theo ý thích của từng quán.
Khi có thực khách ăn, sợi bánh canh sẽ được chần qua nước sôi rồi cho vào bát. Tiếp đến là những lát chả cá chiên vàng, ít hành ngò, dăm lát ớt rồi chan ngập nước dùng. Tô bánh canh bốc khói, hương thơm của hành ngọ quyện trong hương vị đậm đà của món ăn khiến bạn khó có thể cầm lòng được. Húp một thìa nước dùng để cảm nhận cái vị ngọt thanh của nước lèo, gắp một lát chả cá chấm vào chén tương ớt rồi cho vào miệng, thịt cá mềm dai, tương ớt cay nồng vừa thích thú vừa phải xuýt xoa. Nếu có dịp đến du lịch ở thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa), bạn đừng quên thưởng thức món ăn bình dị nhưng rất ngon miệng này.
Tiêu Phong
Tin liên quan
http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/nha-trang/vi-ngot-trong-to-banh-canh-cha-ca-nhong-nha-trang-2897352.html
Thứ năm, 7/11/13, 05:05 GMT+7
Bánh ướt chả bò, món ngon đất Tuy Hòa
Bánh ướt trắng mềm, chả bò dai dai sần sật cùng nước chấm đậm đà khiến người ăn thích mê khi thưởng thức.
Bánh ướt là món ăn bình dị rất phổ biến ở các tỉnh miền Trung. Có cách chế biến như bánh tráng nhưng vì được dùng khi bánh còn ướt nên mới có tên gọi là bánh ướt. Khi thưởng thức món ăn này, tùy vào từng địa phương mà món bánh được ăn kèm với nhiều nguyên liệu khác nhau như ăn với chả lụa, chả Huế; ăn kèm nem chua; ăn với lòng heo... món nào cũng ngon miệng và đầy hấp dẫn.
Riêng với người dân Tuy Hòa, bánh ướt phải ăn kèm chả bò (một đặc sản nổi tiếng của người dân ở đây) thì mới cảm nhận được hết sự ngon miệng do món ăn mang lại. Tuy chỉ có hai nguyên liệu kết hợp với nhau nhưng chế biến món ăn này là cả một công việc không hề đơn giản.
Món ăn đơn giản với hai thành phần chính là bánh ướt và chả bò. Ảnh: Tiêu Phong.
|
Để làm bánh ướt, người ta phải ngâm gạo qua đêm, đãi sạch rồi đem xay mịn. Bột gạo sau đó được pha chung với một ít bột lọc theo tỷ lệ nhất định. Bột sau khi pha được tráng thành một lớp mỏng trên lớp màng vải mỏng được căng trên một nồi hơi. Quá trình hấp bột sẽ tạo thành một màng mỏng gọi là bánh, thời gian hấp từ 1 đến 2 phút tùy độ dày của bánh.
Chả bò dai giòn, kết hợp với bánh ướt mềm mịn đem lại sự thích thú, ngon miệng cho người ăn. Ảnh: Tiêu Phong.
|
Ngoài bánh ướt, cái làm nên sự khác biệt cho món bánh bình dị này chính là chả bò. Tuy không nổi tiếng như món chả bò của người Đà Nẵng, nhưng chả bò Phú Yên vẫn có những nét riêng, là niềm tự hào trong ẩm thực cả người dân ở đây. Thịt bò tươi nguyên chất giã nhuyễn trộn cùng những loại gia vị khác như tiêu, hành, muối... rồi bó lại thành cây. Nhờ làm từ thịt bò tươi nên khi cắt lát chả bò, bạn sẽ thấy được miếng chả có màu đỏ hồng, vị hơi ngọt nhưng cũng cay nồng, giòn và dai.
Chỉ là món ăn sáng bình dân, nhưng được trình bày khá đẹp mắt với từng phần bánh ướt trắng tinh, ẩn hiện bên trong là màu xanh mướt của hẹ, chả bò được thái lát để bên cạnh, dĩ nhiên là không thể thiếu chén nước chấm được pha có vị ngọt, hơi cay ăn kèm. Không bày vẽ, không cầu kỳ, bình dị như chính tính cách của người dân quê, nhưng bánh ướt chả bò là niềm tự hào trong ẩm thực của người dân Phú Yên, là món ăn ngon mà du khách không nên bỏ qua khi đến thăm vùng đất này.
Tiêu Phong
Tin liên quan
http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/phu-yen/banh-uot-cha-bo-mon-ngon-dat-tuy-hoa-2905305.html
Thứ tư, 16/10/13, 05:05 GMT+7
Thơm nồng bánh canh hẹ Phú Yên
Vị thơm nồng của hẹ đem lại sự hấp dẫn riêng cho món bánh canh chả cá tưởng chừng rất quen thuộc của đất miền Trung.
Đây là món ăn rất phổ biến ở các tỉnh ven biển miền Trung từ Đà Nẵng kéo dài đến vùng đất nắng gió Ninh Thuận. Tùy vào từng địa phương mà món bánh canh được biến tấu với nhiều phiên bản khác nhau. Từ nguyên liệu làm sợi bánh canh như bánh canh bột gạo hay bánh canh bột lọc... Chả cá cũng được làm từ nhiều loại cá khác nhau như cá cờ, cá thu, cá mối, cá nhồng, cá chỉ vàng... Tất cả góp phần tạo nên những nét đặc trưng mang bản sắc riêng, đem lại hương vị thơm ngon cho thực khách.
Riêng với người Phú Yên, ngoài các nguyên liệu thường thấy như chả cá, sợi bánh... thì màu xanh mướt cùng vị thơm nồng của hẹ chính là điểm nhấn tạo nên sự hấp dẫn riêng đối với du khách khi thưởng thức món ăn bình dị này.
Món ăn là một bức tranh ẩm thực đẹp mắt với màu xanh của hẹ, màu vàng của chả cá chiên, màu trắng của sợi bánh, của trứng cút... Ảnh: Tiêu Phong.
|
Tuy là một món ăn nổi tiếng, được nhiều du khách ưa thích nhưng lại là một món ăn rất bình dị ở vùng đất miền Trung này. Du khách có thể dễ dàng thưởng thức món ăn này trong một quán ven đường bất kỳ vào buổi sáng hoặc buổi chiều tối. Nhìn vào các thành phần của món ăn, cảm giác như mọi thứ đều rất đơn giản nhưng là cả một quá trình đòi hỏi sự tỉ mỉ của người nấu.
Sợi bánh canh được làm từ bột gạo, mềm nhưng khi nấu không bị gẫy, dai và không bở. Chả cá được làm từ các loại cá biển có nhiều ở đây như cá mối, cá cờ, cá nhồng... Thịt cá được giã nhuyễn, nặn thành từng miếng to, dày, hấp chín rồi chiên vàng.
Vị thơm nồng của hẹ tạo nên hương vị đặc trưng rất riêng của món ăn. Ảnh: Tiêu Phong.
|
Nhờ sự phong phú của các loại cá biển, nên người dân ở đây không sử dụng xương ống khi nấu nước dùng. Họ thường mua các loại cá nhỏ, còn tươi sống về ninh, nên nước dùng trong, có vị ngọt thanh và không gây cảm giác béo cho thực khách. Bát bánh canh như một bức tranh ẩm thực đẹp mắt, hài hòa với màu xanh của hẹ, ẩn hiện bên dưới là màu vàng của chả cá chiên, màu trắng của sợi bánh, của trứng cút... cùng với đó là hương thơm hấp dẫn khứu giác khiến người ăn chỉ muốn thưởng thức ngay.
Du lịch Phú Yên và thưởng thức món bánh canh hẹ vào buổi sáng là điều hấp dẫn mà du khách không nên bỏ qua. Món ăn dân dã, bình dị là thế, nhưng hương vị thơm ngon của nó thì vẫn còn lưu luyến mãi đối với du khách.
Tiêu Phong
Tin liên quan
http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/phu-yen/thom-nong-banh-canh-he-phu-yen-2894766.html
Thứ sáu, 30/8/13, 05:15 GMT+7
Ba điều đặc biệt trong bát bún chả cá Quy Nhơn
Món bún chả cá Quy Nhơn cùng bún chả cá Nha Trang, Đà Nẵng đã góp phần tạo nên thương hiệu bún chả cá miền Trung nổi tiếng khắp đất nước và thế giới. Ai đã đặt chân đến Quy Nhơn đều muốn nếm thử món này.
Điều đặc biệt đầu tiên là nước dùng. Bún chả cá Quy Nhơn không dùng nước nấu từ xương heo mà nước dùng được nấu từ xương cá tươi, thường là xương hoặc đầu cá thu, cá cờ, tạo cho nước dùng có vị ngọt tự nhiên, đậm đà và không tanh.
Bát bún chả cả hấp dẫn với màu sắc bắt mắt. Ảnh: Chaca.vn
|
Điều đặc biệt thứ hai là chả cá, thành phần ngon nhất của tô bún. Để có chả ngon, người ta lóc thịt cá, trộn với tỏi ớt, tiêu, bột ngọt, dầu ăn, chút muối cùng da lợn xay nhuyễn, sau đó khuấy thật đều tay. Chả cá miền Trung hoàn toàn không có thì là như ở miền Bắc nhưng miếng chả cá vẫn thơm ngon. Sau khi được đánh nhuyễn, cá xay được chia thành từng mảnh nhỏ, mỏng hoặc từng viên tròn, vừa miệng cho vào chảo dầu chiên vàng. Một phần khác đem cho vào khuôn để hấp cách thủy, khi ăn sẽ cắt nhỏ thành từng miếng. Khi thưởng thức tô bún chả cá Quy Nhơn, bạn sẽ cảm nhận đầy đủ vị mềm, mịn, ngọt của chả cá viên, chả cá hấp và vị dai của chả cá chiên.
Điều đặc biệt thứ ba là các loại gia vị, rau sống ăn kèm. Rau sống là sự phối hợp hoàn hảo giữa màu xanh của xà lách, màu trắng của bắp cải bào mỏng, màu sậm của vài sợi bắp chuối, vài cọng giá, lá bạc hà tươi xanh. Khi ăn, chấm miếng chả cá vào chén tương ớt đặc trưng, kèm củ hành tím ngâm, kèm một ít rau, húp một tý nước dùng, bạn sẽ nghe vị thơm ngon của đồng quê và biển cả tan trên đầu lưỡi.
Hương vị của biển đậm đà trong tô bún chả cá. Ảnh: bunchaca.net
|
Theo chân những người con Bình Định tha phương, món bún chả cá Quy Nhơn đã Nam tiến nhiều năm nay và được những người con phương Nam đón nhận nhiệt tình. Khi được thưởng thức một tô bún chả cá giữa lòng Sài Gòn, những người con xa xứ lại chạnh lòng nhớ về nơi mình sinh ra, lớn lên.
Duyên Mới
Thứ bảy, 5/10/13, 06:12 GMT+7
Đậm đà bún mắm nêm thịt heo quay
Nếu có dịp đến các tỉnh miền Trung, bạn đừng nên bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món bún mắm nêm thịt heo quay thơm ngon, đậm đà nhưng bình dị ở đây.
Xuất phát điểm của món ăn này là của người Đà Nẵng, nhưng theo thời gian, món ăn đã có mặt khắp các tỉnh ven biển miền Trung. Chỉ đơn giản với bún, thịt heo quay và một chén mắm nêm trộn lẫn vào nhau nhưng hương vị đậm đà của món ăn là điều bạn khó có thể quên được khi đã một lần thưởng thức.
Bún mắm nêm thịt heo quay là món ăn tuy bình dị nhưng lại rất phổ biến ở các tỉnh ven biển miền Trung. Ảnh: T.P. |
Thịt heo quay là phần hấp dẫn nhất của món ăn. Miếng thịt với lớp da vàng ươm, giòn rụm, được thái dày cắn ngập chân răng đem lại sự thích thú cho người ăn. Tuy nhiên, cái quyết định hương vị, làm nên sức hấp dẫn riêng cho món ăn bình dị này chính là chén mắm nêm ăn kèm.
Mắm nêm là loại mắm rất nổi tiếng của người dân miền Trung. Mắm thường được làm từ cá cơm hoặc cá trích, cá nục... Cá tươi rửa sạch, ướp với muối theo một tỷ lệ nhất định, cho vào hũ đậy kín lại. Tùy theo thời tiết và nhiệt độ mà mắm có thể chín sau khoảng từ 7 đến 9 ngày. Khi đó mắm hơi sền sệt và có mùi thơm ngào ngạt mà lại hơi khẳm rất đặc trưng. Ngoài thành phần mắm, chén mắm nêm còn được pha thêm nhiều nguyên liệu khác như dứa bằm nhỏ, tỏi giã nhuyễn, ớt xay và đường... tùy theo khẩu vị mà chén mắm được gia giảm để làm dịu vị mặn và dậy mùi thơm ngon.
Hương vị đậm đà, thơm ngon của mắm nêm là thành phần chính quyết định sự ngon miệng của món ăn này. Ảnh: T.P. |
Một tô bún mắm nêm ngoài bún, thịt heo quay còn có các loại rau thái nhỏ đúng kiểu người miền Trung cùng ít lạc rang. Khi ăn, thực khách chỉ cần chan đều mắm nêm vào tô, trộn lẫn các thành phần lại với nhau rồi thưởng thức. Mang đậm văn hóa của người miền Trung nên tô bún mắm nêm thường rất đậm đà cùng với vị cay xé lưỡi đặc trưng, nên nhiều thực khách vừa ăn vừa phải xuýt xoa.
Không cầu kỳ, không sang trọng, bún mắm nêm bình dị như chính tính cách của người dân miền Trung, nhẹ nhàng chinh phục du khách bởi chính hương vị thơm ngon mộc mạc của mình.
Tiêu Phong
Tin liên quan
Thứ năm, 26/9/13, 05:17 GMT+7
10 món bún ngon đất Bắc giữa Sài Gòn
Bún thang tinh tế; bún chả thơm ngon hay bún bung thanh mát... là những món ngon có nguồn gốc miền Bắc được bán nhiều ở thành phố phương nam.
1. Bún chả
Trong các món bún ở miền Bắc, bún chả là món ăn được bán nhiều nhất ở Sài Gòn. Các thành phần của món ăn này như chả, thịt nướng, nước chấm, đồ chua, các loại rau... đều giữ được hình thức và hương vị như ở Hà Nội. Chính điều đó đã giúp cho các quán bún chả ở Sài Gòn dù nằm ngoài đường lớn hay trong hẻm nhỏ đều thu hút rất đông thực khách.
2. Bún đậu mắm tôm
Món bún đậu mắm tôm ở Sài Gòn tuy không giữ được toàn vẹn hương vị của món ăn như ở Hà Nội, nhưng cũng đủ để những người con xa quê vơi đi cảm giác nhớ nhà khi thưởng thức. Điều đặc biệt là đậu phụ ở đây được chính chủ quán làm. Khi đã thưởng thức xong món bún đậu mắm tôm, nếu như vẫn còn thòm thèm, bạn có thể thưởng thức thêm các món ăn ngon miệng khác của miền Bắc như: bún ốc chuối đậu, bún mắm tép thịt luộc, nem rán...
3. Bún thang
Trong các món bún của miền Bắc thì bún thang là món ăn có thừa sự tinh tế hài hòa giữa sắc, hương và vị. Bát bún như một bức tranh nhiều màu sắc, với vị cay nồng của ớt, tỏi, vị ngọt của xương trong nước dùng... Vì lẽ đó, bún thang đã trở thành một món ngon đặc sản Hà thành hấp dẫn thực khách.
4. Bún bung
Bún bung còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như bún móng giò, bún dọc mùng, bún sườn... tùy theo thành phần có trong món ăn. Không nổi tiếng và có nhiều hàng quán như các món bún chả, bún mọc hay bún cá rô đồng..., bún bung vẫn được nhiều người thưởng thức vì hương vị thơm ngon.
5. Bún giả cầy
Miếng móng giò với lớp da vàng vàng ruộm cùng hương thơm của riềng mẻ quyện vào nhau thật hấp dẫn. Ăn miếng móng giò, cảm nhận cái giòn giòn của lớp da bên ngoài, cái mềm của lớp thịt bên trong hòa quyện trong nước nhựa mận được nêm đậm đà rất vừa miệng. Trong những ngày trở gió, món bún giả cầy quen thuộc luôn là món ăn ưa thích của nhiều người.
6. Bún ốc chuối đậu
Tên gọi bún ốc chuối đậu được tổng hợp từ các thành phần làm nên món ăn. Chế biến món này không khó nhưng mất nhiều thời gian vì có nhiều thành phần như ốc, chuối xanh, đậu, thịt lợn... Bún ốc chuối đậu hấp dẫn với màu vàng của nghệ cùng hương thơm đậm đà khiến bạn không thễ cưỡng lại được.
7. Bún riêu ốc
Thành phần chính của món ăn là riêu cua, ốc. Những con ốc bươu to tròn được xào vàng ươm, nhìn thật hấp dẫn. Riêu cua được làm từ cua đồng, thịt cua được giã nhuyễn để miếng riêu vừa xốp, vừa thơm, cho vào miệng thì tan ra ngay nơi đầu lưỡi nhưng không bị nát khi cho vào bát bún.
8. Bún mọc
Thoạt nhìn thấy bún mọc có vẻ đơn giản nhưng lại thể hiện được sự tinh tế của người miền Bắc. Món ăn được chế biến khá đơn giản, có thành phần chính là sợi bún nhỏ và mọc (tên gọi khác của người Bắc dùng để gọi giò sống). Phần mọc thường được chế biến thành 3 loại khác nhau như: giò sống vo thành viên nhỏ, nấu chín trong nước dùng; giò sống vo viên chiên vàng; giò sống trộn với nấm hương, vo viên nấu chín.
9. Bún cá thìa là
Bún cá thìa là mang đậm hương vị đặc trưng của người miền Bắc. Bát bún nhiều màu sắc với màu vàng của chả cá thác lác chiên, trắng của bún, đỏ của cà chua, xanh của hành cùng hương thơm thoang thoảng của thìa là rất hấp dẫn.
10. Bún cá rô đồng
Bún cá rô đồng là món ngon nức tiếng của Hải Dương. Chỉ với nguyên liệu chính là cá rô đồng nhưng khó ai có thể quên được hương vị đậm đà, thanh ngọt thoang thoảng hương thơm của bát bún cá rô nếu đã một lần được thưởng thức. Có nhiều loại cho bạn lựa chọn như cá rô chiên, hấp hoặc làm chả...
Tiêu Phong
Tin liên quan
http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/ho-chi-minh/10-mon-bun-ngon-dat-bac-giua-sai-gon-2884394.html
Thứ ba, 17/9/13, 05:17 GMT+7
Bún cay, món lạ đất Sài Gòn
Không phải là món ăn phổ biến ở Sài Gòn, nhưng món bún với vị cay đặc trưng sẽ làm thực khách nhớ mãi khi đã thưởng thức.
Ở Sài Gòn, bạn có thể kể ra không dưới 30 loại bún với các phong cách và hương vị khác nhau. Nổi tiếng như bún bò Huế, bún mắm..., tinh tế thì có bún thang, bún cá rô đồng..., dân dã, bình dị như bún riêu, bún nước lèo... Từ sáng đến chiều tối, ở bất kỳ con phố nào, bạn đều có thể thưởng thức món bún.
Nước dùng hơi đục và có vị cay làm nên nét riêng biệt cho món bún bình dị này. Ảnh: T.P.
|
Khác hoàn toàn với các loại bún trên, bún cay xuất hiện ở Sài Gòn khoảng 2 năm trở lại đây. Không ồn ào, món bún âm thầm chinh phục vị giác của người Sài Gòn bằng chính hương vị độc đáo nhưng không kém phần thơm ngon của nó.
Thoạt nhìn qua bát bún, nhiều người sẽ cảm thấy thất vọng khi thành phần không có gì đặc biệt, như tôm tươi, thịt bò, chả, cùng nước dùng... Tuy vậy, chỉ khi húp thử một thìa nước dùng, thực khách sẽ bị chinh phục bởi cái vị đậm đà và cay xé lưỡi của món ăn này.
Bún cay được chế biến khá đơn giản với nhiều ớt và hành lá. Ảnh: T.P.
|
Món ăn này có cách chế biến rất đơn giản, thịt bò được thái lát mỏng hoặc bằm nhỏ, tôm giã hơi dập. Khi có khách ăn, chủ quán sẽ cho hai thành phần đó vào bát, thêm một ít nước mắm, đường, một thìa muối ớt cùng hành lá thái nhỏ. Nước dùng nấu sôi được chan vào bát, đánh đều để các thành phần chín tái. Cuối cùng là cho bún đã chần qua nước sôi vào, thêm đôi ba lát chả là đã có một bát bún hoàn hảo, nóng hổi mang ra cho thực khách.
Bạn có thể gọi thêm trứng gà luộc hồng đào khi ăn món này. Ảnh: T.P.
|
Cái làm nên sự khác biệt cho món bún bình dị này chính là vị cay của nước dùng. Vị cay còn giúp làm mất đi vị tanh do các nguyên liệu ăn kèm chỉ được làm chín tái. Một điểm đặc biệt nữa là hương vị đậm đà, cay nồng nên dù không ăn kèm với rau sống thì món ăn cũng không làm thực khách cảm thấy ngấy. Điểm trừ của món ăn này chính là quá cay, nhiều muối, nên sẽ không thích hợp với những người không ăn được cay hoặc người bị huyết áp.
Trong thời tiết mưa gió của Sài Gòn như hiện nay, bún cay là món ăn giữa bữa ngon miệng mà bạn có thể thưởng thức cùng bạn bè.
Tiêu Phong
Tin liên quan
Thứ bảy, 21/9/13, 06:15 GMT+7
Những quán bún bò Huế ngon ở Sài Gòn
Giữa muôn vàn món ăn ngon, bún bò Huế vẫn chiếm được một vị trí hàng đầu trong thực đơn ẩm thực của người Sài Gòn.
Có nguồn gốc từ cố đô Huế, bún bò từ lâu đã trở thành món ăn rất được người Sài Gòn ưa thích. Nước dùng đậm đà, vị cay xé lưỡi, ăn sáng, ăn trưa hay ăn tối đều thích hợp là những ưu điểm của món ăn này. Bên cạnh đó, bún bò Huế còn được biến tấu với nhiều thành phần như bún bò giò, bún bò chả, bún bò tái, gân... vừa ngon miệng vừa không gây cảm giác ngấy.
Bún bò Huế được bán nhiều ở Sài Gòn, khác với món ăn chính gốc, bún ở đây thường sử dụng cọng bún lớn và trong hơn. Ảnh: T.P.
|
Mặc dù được bán nhiều nhưng để tìm được một quán bán đúng vị bún bò của người Huế ở Sài Gòn thì không hề đơn giản. Một bát bún bò Huế ngon đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn, có nhiều thành phần như: bò gân, bò tái, món giò, chả... nước dùng phải đậm đà, có vị ngọt thanh và cay, rau sống ăn kèm phải được thái nhỏ với đủ loại rau như bắp chuối, húng quế, giá, xà lách, rau muống... dĩ nhiên là không thể thiếu hủ ớt ngâm và ớt sa tế (hoặc ớt bằm)...
Cũng như phở, hủ tiếu hay mì Quảng, nước dùng luôn là thành phần quan trọng, quyết định đến hương vị của món ăn. Để có được nồi nước dùng thơm ngon, người bán phải trải qua một quá trình không hề đơn giản. Đầu tiên phải lựa chọn mua xương ống, xương đầu về rửa sạch rồi đem ninh nhừ trong nhiều giờ đồng hồ. Bên cạnh đó, các loại rau quả, thảo dược như: quế, hoa hồi, dứa, hành tây, sả... được sử dụng để làm tăng hương vị thơm, ngọt cho nồi nước dùng.
Tùy theo mỗi quán mà bát bún bò Huế có nhiều cách biến tấu khác nhau. Ảnh: T.P.
|
Tuy nhiên, nhiều như thế vẫn chưa đủ, nồi nước dùng sẽ bị xem là thất bại nếu thiếu cái vị mặn mà của mắm ruốc xứ Huế. Mắm ruốc được hòa vào bát với nước hầm xương, đánh tan rồi để lắng cặn rồi cho vào nước dùng. Chính nhờ mắm ruốc mà nồi nước dùng có vị đậm đà, thơm chứ không tanh nồng. Cuối cùng, thêm một ít sa tế được làm từ tỏi băm, sả băm, ớt băm, tiêu, màu hạt điều, tất cả được xào vàng rồi cho vào nước dùng để có màu đỏ vàng có vị cay nồng đặc trưng vừa đẹp mắt vừa ngon miệng.
Khi ăn, chỉ việc chần bún qua nước sôi rồi cho vào bát, tùy ý thích của người ăn mà người bán xếp đầy các nguyên liệu như: thịt bò, giò heo, chả... bên trên là các loại rau thơm như hành tây thái lát, rau răm, hành lá... Chan ngập nước dùng và ăn kèm với đĩa rau sống tươi ngon. Bát bún bò Huế nghi ngút khói với hương thơm thoang thoảng khiến người ăn khó thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của nó, để rồi khi ăn xong lại xuýt xoa vì cái vị cay xé lưỡi khó có thể quên được.
Dưới đây là một vài địa chỉ quán bún bò đúng chất Huế ở Sài Gòn dành cho bạn:
- Quán bún bò Nam Giao - 189 Bùi Viện, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1.
- Bún bò Huế Đông Ba - 110A Nguyễn Du, phường Bến Thành, quận 1.
- Quán bún bò vỉa hè số 7 Ngô Thời Nhiệm, phường 7, quận 3.
- Bún bò Huế Thành Nội - 47A Trần Cao Vân, phường 6, quận 3.
- Bún bò Huế Hạnh - 135 Bành Văn Trân, phường 7, quận Tân Bình.
- Bún bò Huế Yên Đỗ - 252/68B Lý Chính Thắng, phường 9, quận 3.
Tiêu Phong
Tin liên quan
http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/nhung-quan-bun-bo-hue-ngon-o-sai-gon-2882130.html
Thứ ba, 6/8/13, 13:45 GMT+7
Thưởng thức chè ngon thứ thiệt xứ Huế
Nếu Hà Nội có 36 phố phường thì Huế lại ấn tượng với thực đơn chè 36 món. Với vị ngọt thanh hấp dẫn của các loại chè từ sang trọng tới bình dân khiến du khách nếm thử một lần sẽ lưu luyến khôn nguôi.
Huế không chỉ thu hút bởi vẻ đẹp trầm mặc, rêu phong của các đền đài, lăng tẩm, mà khi đến đây, du khách còn bị cuốn hút bởi kho tàng văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng bậc nhất Việt Nam. Trong đó, chè Huế được coi là món ăn “nằm lòng” của nhiều du khách khi đến với vùng đất cố đô.
Chè Huế thu hút thực khách ở hương vị thơm ngon và trình bày đẹp mắt. Ảnh: khamphahue
|
Sẽ chẳng bao giờ đủ bụng để nếm trải hết các vị ngon trong thực đơn chè Huế. Bởi nếu chỉ tính riêng chè cung đình đã có đến 36 loại, mỗi loại một hương vị riêng. Nếu thích vị ngọt bùi, thơm mát, bạn có thể chọn chè hạt sen, chè đậu xanh, còn nếu thích trái cây thì chè xanh dứa, chè hạt lựu, chè môn sáp vàng, chè bông cau là lựa chọn tuyệt vời.
“Độc nhất vô nhị” trong các món chè cung đình Huế phải kể đến chè bột lọc thịt heo quay. Chỉ mới thoáng nghe tên cũng đã gợi cho bất cứ ai cảm giác thích thú muốn thưởng thức ngay mùi vị của món ăn lạ lẫm này. Đó là món chè giòn dai pha lẫn vị ngọt thanh của đường phèn và béo ngậy của thịt quay, rất lạ miệng.
Chè sen có vị ngọt thanh và thơm mát. Ảnh: khamphahue
|
Chè cung đình không chỉ hấp dẫn ở hương vị tự nhiên, tinh túy tiết ra từ nguyên liệu nấu mà còn ấn tượng bởi cách bài trí đẹp mắt cùng hương thơm quyến rũ. Chỉ hai chữ “cung đình” cũng đủ để toát lên sự tinh tế, cầu kỳ trong cách chế biến. Để rồi khi cầm trên tay ly chè Huế, du khách bỗng trở nên chậm rãi, nhâm nhi vị ngon, thơm, bùi, ngọt hòa quyện trong từng loại hạt, chén chè. Nhiều du khách trong và ngoài nước thường tìm đến các quán chè cung đình trên đường Nguyễn Huệ để được thưởng thức trọn vẹn một không gian xưa với hương vị chè rất Huế.
Cũng như ẩm thực Huế được chia thành hai nhánh, ẩm thực dân gian và ẩm thực cung đình, chè Huế vì thế cũng có hai nửa. Bên cạnh chè cung đình, các món chè dân gian bình dị được nhiều du khách tìm đến. Nói là chè bình dân nhưng không phải vì thế mà thiếu đi sự chăm chút tỉ mỉ của bàn tay người nấu. Cũng có nguồn gốc từ chè cung đình nhưng các bước rườm rà trong khâu chế biến đã được lược bỏ, tiến đến gần khẩu vị người dân, nhờ đó mà các loại chè bình dân được nhiều người ưa chuộng.
Chè tía, một trong những món ăn yêu thích ở Huế. Ảnh:khamphahue.
|
Bạn có thể tìm được hàng trăm món chè bình dân hấp dẫn như chè bắp, chè trôi nước, chè kê, chè khoai sọ, chè đậu ván, chè đậu đỏ, chè thập cẩm, chè khoai môn, chè khoai mài, chè hột é... ở các quán trên đường Hùng Vương, Trần Phú, Phan Bội Châu, Trương Định.
Mặc dù các quán chè này khá đông khách nhưng không hề có cảnh xô bồ thường thấy khi bạn đi ăn tại Huế. Không cầu kỳ nhưng nét dịu dàng, tao nhã dường như đã ăn sâu vào văn hóa ẩm thực và con người nơi đây. Cứ thế mà người đi ăn nhẹ nhàng, từ tốn, múc chè từ chén nhỏ rồi dùng thìa nhâm nhi từng ngụm, cảm nhận vị ngọt thanh, nhè nhẹ nơi cuống họng. Ly chè Huế chẳng bao giờ đầy ắp như ở những nơi khác mà thường được múc lưng chừng ly, thêm một ít đá bào trắng muốt bên trên, đủ để người ăn thòm thèm và muốn ăn thêm ly nữa.
Hấp dẫn và thơm ngon là thế, nhưng nếu rủ cả nhóm bạn 4 – 5 người đi cùng, bạn sẽ chẳng tiêu hết trăm ngàn đồng cho một chầu chè no bụng. Dù mùa đông hay mùa hè, chè vẫn luôn là thứ thức uống đãi bạn tuyệt vời mà Huế dành tặng cho du khách.
Kim Anh
Thứ ba, 6/8/13, 13:45 GMT+7
Thưởng thức chè ngon thứ thiệt xứ Huế
Nếu Hà Nội có 36 phố phường thì Huế lại ấn tượng với thực đơn chè 36 món. Với vị ngọt thanh hấp dẫn của các loại chè từ sang trọng tới bình dân khiến du khách nếm thử một lần sẽ lưu luyến khôn nguôi.
Huế không chỉ thu hút bởi vẻ đẹp trầm mặc, rêu phong của các đền đài, lăng tẩm, mà khi đến đây, du khách còn bị cuốn hút bởi kho tàng văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng bậc nhất Việt Nam. Trong đó, chè Huế được coi là món ăn “nằm lòng” của nhiều du khách khi đến với vùng đất cố đô.
Chè Huế thu hút thực khách ở hương vị thơm ngon và trình bày đẹp mắt. Ảnh: khamphahue
|
Sẽ chẳng bao giờ đủ bụng để nếm trải hết các vị ngon trong thực đơn chè Huế. Bởi nếu chỉ tính riêng chè cung đình đã có đến 36 loại, mỗi loại một hương vị riêng. Nếu thích vị ngọt bùi, thơm mát, bạn có thể chọn chè hạt sen, chè đậu xanh, còn nếu thích trái cây thì chè xanh dứa, chè hạt lựu, chè môn sáp vàng, chè bông cau là lựa chọn tuyệt vời.
“Độc nhất vô nhị” trong các món chè cung đình Huế phải kể đến chè bột lọc thịt heo quay. Chỉ mới thoáng nghe tên cũng đã gợi cho bất cứ ai cảm giác thích thú muốn thưởng thức ngay mùi vị của món ăn lạ lẫm này. Đó là món chè giòn dai pha lẫn vị ngọt thanh của đường phèn và béo ngậy của thịt quay, rất lạ miệng.
Chè sen có vị ngọt thanh và thơm mát. Ảnh: khamphahue
|
Chè cung đình không chỉ hấp dẫn ở hương vị tự nhiên, tinh túy tiết ra từ nguyên liệu nấu mà còn ấn tượng bởi cách bài trí đẹp mắt cùng hương thơm quyến rũ. Chỉ hai chữ “cung đình” cũng đủ để toát lên sự tinh tế, cầu kỳ trong cách chế biến. Để rồi khi cầm trên tay ly chè Huế, du khách bỗng trở nên chậm rãi, nhâm nhi vị ngon, thơm, bùi, ngọt hòa quyện trong từng loại hạt, chén chè. Nhiều du khách trong và ngoài nước thường tìm đến các quán chè cung đình trên đường Nguyễn Huệ để được thưởng thức trọn vẹn một không gian xưa với hương vị chè rất Huế.
Cũng như ẩm thực Huế được chia thành hai nhánh, ẩm thực dân gian và ẩm thực cung đình, chè Huế vì thế cũng có hai nửa. Bên cạnh chè cung đình, các món chè dân gian bình dị được nhiều du khách tìm đến. Nói là chè bình dân nhưng không phải vì thế mà thiếu đi sự chăm chút tỉ mỉ của bàn tay người nấu. Cũng có nguồn gốc từ chè cung đình nhưng các bước rườm rà trong khâu chế biến đã được lược bỏ, tiến đến gần khẩu vị người dân, nhờ đó mà các loại chè bình dân được nhiều người ưa chuộng.
Chè tía, một trong những món ăn yêu thích ở Huế. Ảnh:khamphahue.
|
Bạn có thể tìm được hàng trăm món chè bình dân hấp dẫn như chè bắp, chè trôi nước, chè kê, chè khoai sọ, chè đậu ván, chè đậu đỏ, chè thập cẩm, chè khoai môn, chè khoai mài, chè hột é... ở các quán trên đường Hùng Vương, Trần Phú, Phan Bội Châu, Trương Định.
Mặc dù các quán chè này khá đông khách nhưng không hề có cảnh xô bồ thường thấy khi bạn đi ăn tại Huế. Không cầu kỳ nhưng nét dịu dàng, tao nhã dường như đã ăn sâu vào văn hóa ẩm thực và con người nơi đây. Cứ thế mà người đi ăn nhẹ nhàng, từ tốn, múc chè từ chén nhỏ rồi dùng thìa nhâm nhi từng ngụm, cảm nhận vị ngọt thanh, nhè nhẹ nơi cuống họng. Ly chè Huế chẳng bao giờ đầy ắp như ở những nơi khác mà thường được múc lưng chừng ly, thêm một ít đá bào trắng muốt bên trên, đủ để người ăn thòm thèm và muốn ăn thêm ly nữa.
Hấp dẫn và thơm ngon là thế, nhưng nếu rủ cả nhóm bạn 4 – 5 người đi cùng, bạn sẽ chẳng tiêu hết trăm ngàn đồng cho một chầu chè no bụng. Dù mùa đông hay mùa hè, chè vẫn luôn là thứ thức uống đãi bạn tuyệt vời mà Huế dành tặng cho du khách.
Kim Anh
Chủ nhật, 25/8/13, 06:12 GMT+7
Những món ăn dân dã nổi tiếng xứ Huế
Người Huế tinh tế trong ăn uống, từ khâu chọn nguyên vật liệu đến chế biến, bày biện trang trí. Đến Huế vào sáng sớm tinh mơ, bạn sẽ gặp hình ảnh gánh hàng rong với những món ăn dân dã nhưng đầy thi vị.
Cơm hến
Đó là một món ăn giản dị, đượm đầy hương vị đồng quê được làm từ một sản vật nằm trong lòng con sông thi vị của xứ Huế. Cơm nguội với những con hến nhỏ lăn tăn làm sốt ruột người chế biến món ăn. Hến ở Huế, ngon nhất là hến Cồn. Hến là vị chủ của cơm hến, xào kèm theo bún tàu (miến), măng khô và thịt heo thái chỉ. Thêm vào đó là chút rau sống làm bằng thân chuối hoặc bắp chuối xắt mảnh như sợi tơ, trộn lẫn với môn bạc hà, khế và rau thơm thái nhỏ, có khi còn điểm thêm những cánh vạn thọ vàng, nhìn tươi mắt và có thêm mùi hương riêng.
Nước luộc hến được múc ra từ chiếc nồi bung bốc khói nghi ngút bằng chiếc gáo làm bằng sọ dừa xinh xắn, cho vào đầy một cái tô đã có đủ cơm nguội, hến xào, rau sống và được gia thêm đủ vị đồ màu. Hương vị bát ngát của tô cơm hến là mùi ruốc thơm dậy lên tận óc và vị cay đến trào nước mắt. Nước mắt đầm đìa, mồ hôi ròng ròng nhỏ thế mà cứ xì xụp, xuýt xoa kêu ngon.
Bún bò giò heo
Bún thì không đâu không có, nhưng hình thức của bún mỗi miền mỗi khác. Phải có một lần ăn bún đến chảy nước mắt lúc đó mới cảm được cái hương vị xứ Huế nó thâm trầm như thế nào.
Món bún bò giò heo dân dã nổi tiếng ở Huế.
|
Dọc các con đường ở Huế, bạn sẽ gặp những gánh bún rất bình dân nhưng cũng rất ngon, rất đông khách… Một tô bún giò hay bún bò hấp dẫn thực khách chính là nhờ chất nước ngon ngọt và thơm. Đặc biệt là nồi bún, một nồi bằng nhôm dẻo rất mỏng và được người thợ gò xứ Huế gò rất khéo, trông giống chiếc nồi đồng ngày xưa nhưng sâu và miệng rộng hơn.
Tô bún đang bốc khói, những sợi bún trắng trong nổi bật trên đó là những viên mọc hồng (được viên từ giò sống và thịt cua), những miếng móng giò được ninh mềm nhừ, với một chút màu trắng của những cọng giá và màu xanh của rau sống. Húp một ít nước beo béo đậm đà kèm theo một chút gia vị mắm ớt chanh, bạn sẽ thấy vô cùng thú vị, vừa cay, vừa nóng, vừa xuýt xoa, vừa nghe vị ngọt của nước bún của thịt chạy dần vào trong thực quản.
Chè Huế
Ở Huế có tới mấy chục loại chè sang trọng, đài các có, bình dân có. Mỗi loại chè có một hương vị đặc biệt riêng. Người Huế khéo tay, ăn uống cầu kỳ, tinh tế nên chế biến được nhiều thứ chè lạ, ngon và bổ.
Có thể kể ra 36 loại chè khác nhau, đủ sức hấp dẫn trong buổi tối mùa hè nóng nực đi dạo mát hai bên bờ sông Hương. Món chè nào cũng đem tới cho ta sự thích thú đặc biệt.
Dọc bên các con đường ở Huế, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những gánh hàng chè rong.
|
Có những loại chè thanh cao mà cầu kỳ như chè hạt sen, chè nhãn bọc hạt sen, chè hạt lựu, chè thịt quay, chè môn sáp vàng, chè bông cau... Một số chè bình dân như: chè bắp, chè trôi nước, chè kê, chè khoai sọ, chè đậu ván, chè bột lọc, chè đậu xanh, chè đậu đỏ, chè thập cẩm, chè khoai môn, chè khoai mài, chè hột é...
Món chay xứ Huế
Thật là thiếu sót nếu nói nhiều về nón ăn Huế mà không nhớ đến món ăn chay. Vì xưa nay ai cũng biết đến Huế từng có một chiều dài lịch sử các thời vua chúa Nguyễn. Các món ăn chay được làm cầu kỳ và ngon không kém món ăn mặn. Đối với các gia đình Phật tử ở Huế, mời bạn bè ăn một bữa cơm chay là cách bày tỏ sự quý mến và trân trọng người khách.
A. Phương
http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/chu-de/am-thuc/nhung-mon-an-dan-da-noi-tieng-xu-hue-2869245.html
Thứ bảy, 12/10/13, 05:05 GMT+7
Bánh quê trên phố Sài Gòn
Đường phố Sài Gòn không thiếu những loại bánh quê ngon miệng, như bánh gai của người miền Bắc, bánh ống của người Khmer hay bánh phu thê xứ Huế.
1. Bánh gai
Bánh gai là loại bánh ngọt truyền thống, có nguồn gốc từ vùng đồng bằng Bắc Trung Bộ. Bánh có dạng hình vuông được gói một cách mộc mạc, bên trong có màu đen nhánh thoang thoảng hương thơm cùng vị ngọt bùi rất ngon miệng. Bánh được làm từ bột nếp trộn đều với lá gai đã giã nhuyễn sao cho bột thật mềm và dẻo. Nhân bánh gồm đậu xanh bỏ vỏ, hầm chín và đánh tơi với đường cát trắng, có nhiều nơi cho thêm cơm dừa khô. Phần bột được vo thành từng viên tròn nhỏ, nắn dẹp cho nhân vào bên trong, gói lại bằng lá chuối phơi khô rồi đem hấp chín.
2. Bánh phu thê
Bánh phu thê hay còn gọi là bánh su sê, là loại bánh truyền thống của người dân đất cố đô. Thành phần chính của bánh là nhân và bột lọc. Nhân bánh được làm từ đậu xanh tán nhuyễn, dừa sợi và gói lại bằng lá dừa tươi. Không chỉ là món quà vặt, bánh phu thê còn xuất hiện trong mâm quả ngày cưới hoặc trong những dịp lễ tết quan trọng của người dân xứ Huế.
3. Bánh cam
Đây là món bánh được bán nhiều trên hè phố hay trong các ngôi chợ nhỏ ở Sài Gòn. Vỏ bánh được làm từ hai loại bột là bột nếp và bột gạo, nhân bánh là đậu xanh tán nhuyễn với đường. Bánh được vo tròn rồi chiên chín đều vàng các mặt. Sau khi chiên, bánh để nguội trước khi rưới lên bên ngoài một lớp đường thắng có màu vàng óng, trong suốt và vị ngọt thanh.
4. Bánh ít lá gai
Bánh ít lá gai là loại bánh đặc sản của người dân Bình Định nói riêng và miền Trung nói chung, không thể thiếu trong các dịp lễ tết hay cưới, hỏi... Bánh có cách chế biến gần giống với món bánh gai của người miền Bắc khi cũng được làm từ bột nếp và lá gai nhưng cái bánh nhỏ hơn. Ngoài ra, bánh ít lá gai của người miền Trung thường có hai loại nhân đậu xanh hoặc dừa. Tuy chỉ là món bánh nhà quê nhưng bánh ít lá gai luôn thấm đậm hương vị quê nhà đối với những người xa quê.
5. Bánh ống lá dứa
Đây là món ăn vặt quen thuộc có nguồn gốc của người Khmer ở đất Sóc Trăng, Trà Vinh. Bánh ống được làm từ bột gạo xay nhuyễn trộn với màu của lá dứa, đường và nước cốt dừa. Ngày xưa khuôn bánh được làm bằng ống tre cưa ngang khoảng 15 cm, nhưng nay được thay thế bằng ống nhôm để tiện trong việc vệ sinh. Khi chế biến, người làm bánh đặt khuôn trên nắp nồi, trong nồi có nước, rồi bắt đầu đổ bột vào ống như chưng cách thủy, khoảng 2 phút là bánh đã chín. Bánh chín có màu xanh của lá dứa cùng với mùi thơm dịu. Bánh chín được thêm vào dừa nạo và muối vừng.
6. Bánh bò dừa
Nguyên liệu chính là bột mì, bột nổi và trứng gà rồi đánh tơi, xốp. Nhân bánh là dừa bào sợi xào với đường cát trắng cùng đậu xanh hấp chín. Bánh được nướng chín trong những chiếc khuôn hình trụ. Sau khi đổ một nửa đầu tiên, người thợ cạo hết những vết bột dính khuôn rồi dùng bơ hoặc dầu ăn chùi khuôn bánh để đổ tiếp nửa còn lại. Bánh bò dừa ngon là miếng bánh phải giòn nhưng lại dai. Đưa lên miệng cắn một miếng để cảm nhận được cái bánh vừa giòn, vừa dai, vị ngọt và béo của dừa đang hòa quyện vào nhau.
7. Bánh tai yến
Sở dĩ bánh có tên gọi là tai yến vì hình dáng bên ngoài giống như tổ chim yến. Bánh được làm từ hỗn hợp đường, bột gạo, một ít bột năng, nước cốt dừa rồi chiên chín trong chảo dầu nóng hổi. Cái hay của người bán là phải chiên bánh phồng ở giữa, viền bánh cong lại, rám vàng nhưng lại không bị cháy. Người ta thường ăn bánh tai yến ngay khi còn nóng để thưởng thức vị giòn ngọt của nó, kèm theo đó là ly trà nóng. Nhưng cũng có người để bánh nguội rồi mới thưởng thức, bởi tai yến để càng lâu thì phần ruột bánh càng mềm dai, ăn rất thơm mát.
Tiêu Phong
Geen opmerkingen:
Een reactie posten