Thống kê Xã Hội Chủ Nghĩa
Tuần qua, khi các chuyên gia và đại biểu quốc hội tại Việt Nam tranh luận về số liệu không đáng tin của Tổng cục Thống kê thì hôm 16, Cục Thống Kê Quốc Gia của Trung Quốc loan báo nhiều thay đổi trong hệ thống kế toán quốc gia để trình bày tình hình kinh tế cho trung thực hơn. Diễn đàn Kinh tế kỳ này sẽ yêu cầu chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa phân tích chuyện thống kê kinh tế để làm sáng tỏ vấn đề.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, sau khi chấm dứt chương trình kỳ trước, chúng tôi có yêu cầu là tuần này tiết mục chuyên đề của chúng ta sẽ tìm hiểu về thống kê kinh tế. Sở dĩ như vậy, thưa ông là vì sau nhiều kỳ họp của Quốc hội Việt Nam, các đại biểu và chuyên gia ở trong nước đã nêu vấn đề về trình độ không đáng tin của thống kê Việt Nam do Tổng cục Thống kê thu thập và công bố. Trên diễn đàn này, từ nhiều năm trước, ông cũng phân tích vì sao thống kê kinh tế của Trung Quốc có quá nhiều sai lệch và tuần qua, dường như Cục Thống kê Quốc gia của Bắc Kinh đã thông báo nhiều thay đổi sẽ áp dụng. Ông nghĩ sao về đề tài này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nhớ đến một câu nói của Victor Hugo, một văn hào người Pháp vào Thế kỷ 19, rằng "không có gì mạnh hơn một ý kiến khi đã đến thời của nó".
Cùng kỳ họp vừa qua của Quốc hội Việt Nam, tại Bắc Kinh, đảng Cộng sản Trung Quốc cũng vừa hoàn tất Hội nghị Trung ương Kỳ ba của Khoá 18. Lập tức, Cục Thống kê Quốc gia của họ loan báo hôm Thứ Bảy 16, việc áp dụng năm thay đổi lớn trong hệ thống kế toán quốc gia để cuối năm tới hay đầu năm 2015, họ sẽ có dữ kiện trung thực hơn về kinh tế quốc dân, đặc biệt là về Tổng sản lượng Nội địa GDP. Chúng ta thấy hai quốc gia này đều không hài lòng về những báo cáo kinh tế của các cơ quan hữu trách và muốn cải tiến để mọi người cùng nắm vững tình hình một cách trung thực hầu có quyết định đúng đắn hơn, thay vì vẫn chạy theo chủ nghĩa thành tích, đã làm láo mà còn báo cáo sai.
Vũ Hoàng: Thưa ông, đầu đuôi thì vì sao lại có cái nạn sai lạc trong cách thiết lập thống kê?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là nếu xét tới đầu nguồn thì nên trả lại cho Marx những sai lầm của ông ta và đây cũng là một ý kiến đã đến thời của nó dù là quá trễ.
Trước tiên, qua chuỗi lý luận phức tạp có tham vọng kết hợp khoa học với đạo lý để biện minh cho "cách mạng vô sản", Karl Marx nói đến khái niệm gọi là "giá trị thặng dư". Với nhiều thí dụ bằng con số, ông ta khơi khơi đề ra một luận cứ rằng phần tư bản biến thiên hay sức lao động luôn luôn bằng với phần tư bản cố định, cho nên giá trị thặng dư hay tỷ số giữa lao động và siêu lao động luôn luôn cao bằng 100%. Ông ta nêu ra một con số về tỷ lệ bóc lột 100% mà chẳng cần chứng minh gì cả! Đấy chỉ là một sự ngụy biện thiếu tinh thần khoa học.
Quý thính giả có thấy điều vừa trình bày là khó hiểu thì đừng lo vì nhiều nhà lãnh đạo cộng sản từ ông Hồ Chí Minh trở đi cũng chẳng hiểu gì về chuyện này. Thật ra họ không thể đọc hết bộ Tư Bản của Marx hay Bút ký Triết học của Lenin mà vẫn cứ đề cao chủ nghĩa Mác-Lenin! Tinh thần phi khoa học từ đầu nguồn mới giải thích những tai họa ngày nay, khi người ta không thiết lập nổi một hệ thống khảo sát và chẩn đoán thực tế cho nghiêm túc và trung thực mà vẫn cứ đòi lấy những quyết định nghiêm trọng về cuộc sống của người khác.
Thí dụ thứ hai để trở lại với hiện tại là "Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại" hay Đại Dược Tiến của Trung Quốc thời Mao. Từ đầu năm 1958 đến cuối năm 1961, chỉ gần bốn năm mà đã có 36 triệu người chết đói dù chẳng bị mất mùa. Chỉ vì họ muốn tiến hành công nghiệp hóa một cách duy ý chí, y như cuộc cải cách ruộng đất trước đó mà họ đã dạy cho lãnh đạo Hà Nội thi hành. Vụ thống kê trong câu chuyện thảm khốc này là lãnh đạo ở trên không nắm vững thực tế của đời sống mà ở dưới lại không dám báo cáo sự thật lên trên. Y như Marx đã gian dối với giá trị thặng dư 100%, đời sau tiếp tục gian dối và gây ra thảm họa cho người dân.
Vũ Hoàng: Nhưng thưa ông phải chăng tình hình đã có thay đổi tại Trung Quốc và Việt Nam?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Dĩ nhiên là có thay đổi, nhưng quá chậm so với xứ khác và quan trọng nhất thì não trạng vẫn chưa đổi. Tôi xin được đi từng bước trong cách trình bày thì ta mới hiểu vì sao một ý kiến đã đến thời của nó và người ta phải đổi cách suy nghĩ.
Nói về kế toán thì trong một giai đoạn quá lâu đến gần nửa thế kỷ, người cộng sản chỉ có hệ thống kế toán một cột và hai dấu. Tất cả những gì thu vào thì đánh dấu cộng và chi ra thì đánh dấu trừ trên một cột số để có kết toán về thực tế bằng một con số. Hệ thống này quá đơn giản và lạc hậu. Họ không biết và cũng chẳng cần biết về hệ thống kế toán đối phần là hai cột đã có từ mấy trăm năm. Bất cứ một tư liệu nào ghi bằng một con số cũng có hai phần, là thứ nhất, từ đâu mà có, thí dụ như từ vốn riêng hay đi vay, vả thứ hai, dùng vào việc gì, với kết quả ra sao? Hệ thống kế toán đối phần này phát triển ra bản năng trách nhiệm khi khai thác, là làm gì cũng phải ý thức được kết quả và nhất là việc trả nợ, chứ không thể sử dụng miễn phí và làm hao hụt phương tiện sản xuất. Việc gây hoang phí và vô trách nhiệm là thuộc tính của xã hội chủ nghĩa, với nhiều thí dụ quá đắt đỏ vẫn là hiện đại sau khi hai quốc gia này đã cải cách hay đổi mới. Chuyện thống kê không đáng tin xuất phát từ đó.
Vũ Hoàng: Ông rất thận trọng trình bày từ đầu về lý luận rồi kỹ thuật thu thập thống kê trong các nước xã hội chủ nghĩa với tàn dư còn tồn tại đến ngày nay tại Trung Quốc và Việt Nam. Thưa ông, vì đi trước, Trung Quốc đã cải cách những gì và có điều gì đáng học hỏi?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đã chứng kiến "Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại", Đặng Tiểu Bình ý thức được sự mù lòa của lãnh đạo ở trên nếu không có thông tin thực tế và thống kê đáng tin. Cho nên sau khi tiến hành cải cách từ đầu năm 1979 thì ông ta cố hiện đại hóa hệ thống thu thập thống kê và tiêu chuẩn hóa cách đo lường cho khoa học hơn. Nhưng ba chục năm sau thì tình hình chưa khá. Cứ hai ba năm thì Cục Thống Kê Quốc Gia trong Quốc vụ viện, tức là Hội đồng Chính phủ, lại đưa ra một đề nghị cải cách và mỗi năm lại có vài ba vụ phàn nàn các tỉnh về chuyện thống kê sai lạc. Ví dụ điển hình và đến năm nay vẫn còn đúng là dữ kiện về GDP. Nếu cộng chung sản lượng của 31 tỉnh và thành phố thì Trung Quốc có Tổng sản lượng cao hơn con số của Cục Thống kê đến bốn năm trăm tỷ đô la, như vậy, số nào là đúng? Thí dụ khác là Tháng Bảy rồi Tháng Chín vừa qua Cục Thống kê đả kích tỉnh Vân Nam rồi tỉnh Quảng Đông vì những dữ kiện được thổi phồng gấp đôi hay gấp bốn lần thực tế.
Vũ Hoàng: Thưa ông, hệ thống thu thập thống kê của Trung Quốc có nhược điểm gì nên gây ra những sai lạc như vậy dù xứ này đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO từ năm 2001?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa là vì WTO không đòi hỏi phải có bộ máy thống kê tiêu chuẩn hóa, chỉ cần có phương pháp phù hợp với các quốc gia đối tác mà thôi nên Trung Quốc chưa cải tiến tiêu chuẩn của họ. Một ví dụ là cho đến nay, Trung Quốc chỉ đếm mức thay đổi hàng năm của Tổng sản lượng, là so với cùng kỳ vào năm ngoái, thay vì theo từng tháng hay từng quý. Trong một thế giới mà mỗi giây lại có 400 triệu nghiệp vụ giao dịch trên các thị trường tài chính thì lối đếm này quá chậm và không kịp cập nhật. Ví dụ khác là họ chủ yếu lấy sản lượng công nghiệp làm cơ sở đo đếm Tổng sản lượng trong khi các nước tiên tiến lại dùng con số tiêu thụ thực tế làm căn bản nên có dữ kiện chính xác hơn. Quyết định vưa do Cục Thống kê Bắc Kinh công bố cho thấy là họ cố học theo hệ thống Kế toán Quốc gia của Liên Hiệp Quốc và của Hoa Kỳ để có khả năng thẩm định sát với thực tế và gần bằng các xứ khác. Đấy là một tiến bộ mà Việt Nam nên chú ý. Tuy nhiên, việc cải tiến kỹ thuật và phương pháp thôi vẫn chưa đủ.
Vũ Hoàng: Một số chuyên gia trong nước cho là Việt nam phải có cơ quan thống kê độc lập, ông nghĩ sao về ý kiến này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng Việt Nam phải có một nhà nước độc lập với đảng thì mới có tương lai! Và ít ra là có thống kê khả tín và khả dụng. Tôi xin được giải thích lý do.
Trung Quốc hiện có hai hệ thống thu thập thống kê song hành. Một hệ thống là Cục Thống kê Quốc gia tại Bắc Kinh với chức năng hội nhập và đúc kết số liệu từ cơ sở do nhân viên ở mọi cấp bên dưới báo cáo về trung ương ở trên. Hệ thống kia là của các phủ bộ ban ngành của nhà nước, nơi nào cũng có nhiệm vụ thu thập thống kê thuộc phạm vi chức năng của mình, như Bộ Tài chánh có thống kê về tài chánh, thuế khoá, Bộ Thương mại có con số về đầu tư nước ngoài, và các tỉnh cũng có báo cáo từ dưới đưa lên trên. Hai hệ thống này rõ ràng là độc lập với nhau cho nên thế giới bên ngoài cứ tưởng rằng họ sẽ thi đua phục vụ sự thật và báo cáo trung thực.
Nhưng sự thật là mọi công chức cao cấp ở mọi nơi đều phải là đảng viên. Trong hệ thống đảng, họ thăng quan tiến chức là nhờ thượng cấp ở trên chứ không chịu trách nhiệm gì với người dân ở dưới. Hệ thống đó thiếu dân chủ và chưa tách đảng ra khỏi guồng máy nhà nước khiến cả guồng máy này phục vụ đảng và cấp dưới phải làm vừa lòng cấp trên ở trong đảng. Kết quả thì mỗi cấp ở dưới lại tô hồng báo cáo khi đưa lên thượng cấp và sau nhiều đợt tô hồng như vậy thì trung ương ở trên cùng lại có nhiều bức tranh màu hồng về thực tế có khi xám ngắt ở dưới. Vấn đề vì vậy không phải là kỹ thuật thu thập thống kê hay định nghĩa về từng trương mục hay tài khoản của hệ thống kế toán quốc gia. Vấn đề nó nằm trong cơ chế chính trị của một chế độ cứ lấy đà tăng trưởng kinh tế làm ưu tiên nên mọi cấp đều tăng đà báo cáo sai.
Vũ Hoàng: Thưa ông, lãnh đạo Trung Quốc đã có ý chuyển hướng từ lượng sang phẩm và việc cải cách về thống kê của họ vì vậy cũng phải thay đổi. Liệu tình hình sau này có khá hơn chăng và Việt Nam có rút tỉa kinh nghiệm gì của xứ láng giềng này khi đang đối mặt với một thực tế khó khăn mà khó đến mức nào thì chính lãnh đạo cũng không biết?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là nếu Cục Thống kê Trung Quốc áp dụng năm biện pháp cải tổ vừa thông báo thì con số về sản lượng sẽ tăng chứ không giảm vì họ bao gồm nhiều yếu tố khác, như khu vực dịch vụ hay sức tiêu thụ và cả những phí tổn về nghiên cứu và phát triển. Đây là điều có lợi cho lãnh đạo về mặt tuyên truyền, mà cũng có lợi về quản lý vì dùng chuẩn mực của các nước tiên tiến. Tuy nhiên, mâu thuẫn tiềm ẩn giữa hệ thống lãnh đạo ở trung ương, mà ông Tập Cận Bình đang muốn tăng cường, với hệ thống đảng bộ ở địa phương vẫn gia tăng và các địa phương sẽ phản công trên mặt trận thống kê nên sau cùng thì xứ này chưa có công cụ thống kê khả tín vì chưa có chế độ chính trị thích hợp cho một xứ phức tạp và đa diện như vậy.
Về phía Hà Nội, Việt Nam có thể học kỹ thuật hiện đại nhờ viện trợ quốc tế lẫn các chuyên gia Việt Nam ở trong và ngoài nước. Nhưng dù có cải tiến phương pháp và kỹ thuật, cơ chế chính trị hiện nay chưa khắc phục được bài toán chính trị của tổ chức thống kê. Nếu việc sửa đổi Hiến pháp và các dân biểu mà dám đề cập tới bài toán chính trị này, may ra tình hình sẽ khá hơn. Điều ấy chưa xảy ra và thống kê của Việt Nam vẫn có giá trị dưới mức trung bình của thế giới, và 10 năm qua lại còn giảm sút so với thiên hạ.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về phần trao đổi này.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten