Tham nhũng và nợ
Nó thường xuyên được phổ cập rộng rãi chẳng khác gì các từ được cập nhật hàng ngày như "cướp", "hiếp", "giết", v.v...
Nền báo chí lá vông (xin lỗi vì ông Bộ trưởng Nguyễn Bắc Sơn khẳng định không có báo lá cải) tận dụng tối đa các tin giật gân rẻ tiền để câu khách, không loại trừ cả những tờ của Bộ Thông Tin và Tuyên Truyền hay của Việt Nam Thông Tấn Xã như Vietnamnet, Vietnam Plus...
Khi tham nhũng đã thanh văn hoá, thành nếp sống, thói quen trong sinh hoạt, giao dịch và gắn với tất cả những gì có liên hệ tới bộ máy công quyền thì điều đó chẳng có gì lạ. Ngay cả nơi cần đến tình thương yêu, bác ái nhất là bệnh viện, từ "tham nhũng" được thay bằng văn hoá phong bì, thì mơi thấy mức độ khủng khiếp về băng hoại đạo đức của xã hội. Thì ra người ta phải có tiền mới có thể tồn tại và có cuộc sống bình thường. Đồng tiền tạo ra mọi giá trị và định lượng các giá trị, là thước đo chuẩn mực cho mọi thứ.
Nhưng, có một từ khác từ vài năm nay được nhắc nhiều không kém bên cạnh từ "tham nhũng", đó là tự "nợ".
Cái này là hậu quả của cái kia, là tất yếu của một nền kinh tế định hướng sai, tạo ra cơ hội rút ruột công trình, ăn chia trục lợi. Ngôi nhà rệu rã nhưng chỉ loay hoay vá víu, chẳng biết xử lý tận gốc từ khâu móng và rường cột, hoặc biết đấy nhưng cố ý cứ bám víu để moi móc, hoặc để xây dựng một thứ xã hội chủ nghĩa gì đó mà đến hết thế kỷ này, tức 87 năm nữa, chẳng biết có hay không. Cả dân tộc bị nắm cổ kéo dài trên con đường bất định đã mấy chục năm, nay vẫn tiếp tục đi hoài tới một mục tiêu vô tưởng. Với gánh nợ chồng chất.
Cá nhân, doanh nghiệp tư nhân nợ nần không thể trả thì phá sản, bị xiết nợ, thậm chí bị côn đồ hành hung, khống chế. Vụ công ty cà phê Trường Ngân bị đồng loạt các ngân hàng Techcombank, MB, MSB, Vietinbank, VIB, OCB, Agribank tới niêm kho, uy hiếp, là một trong nhiều ví dụ. Với tư nhân, chủ nợ thường tự xử, bất chấp pháp luật. Những cá nhân, đơn vị này chỉ còn biết kêu trời và nợ nần được giải theo luật giang hồ. Nếu không biết chung chi, có người đỡ lưng, không còn tài sản thế chấp, thì tan gia sẽ bại sản, có thể mất mạng. Nhưng âu đấy cũng luật đời, có vay có trả.
Nhưng nếu nói đến "nợ", chỉ cần vào Google tra cứu vớ từ khoá "nợ", sẽ thấy món nợ của các doanh nghiệp nhà nước thực sự hãi hùng.
Đáng lưu ý là lợi nhuận chỉ tập trung vào một số ít đơn vị, nhiều doanh nghiệp còn lại rơi vào tình trạng nợ cao, kết quả sản xuất kinh doanh thấp, thậm chí mất vốn, theo tờ Lao Động ngày 24/11/2013.
Trong ngày 16/01/2013, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc gặp với lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để trao đổi về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 cũng như các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhà nước.
Báo cáo tài chính hợp nhất, 10 tập đoàn, tổng công ty có tổng số nợ phải trả là 1.334.903 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,82 lần (năm 2011 là 1,77 lần), tổng tài sản/tổng nợ phải trả là 1,6 lần.
Doanh nghiệp nhà nước còn lại (không kể Vinashin) 27% phần nợ đã được các tổ chức tín dụng cho cơ cấu lại (ước khoảng 28.300 tỷ đồng) thì tổng số nợ xấu và nợ cơ cấu lại của khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ vào khoảng 73.050 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 10, Công ty Mua Bán Nợ VAMC đã mua hơn 11.000 tỷ đồng nợ xấu của 14 ngân hàng, trong đó, khoảng 70% khoản nợ đã mua thuộc lĩnh vực bất động sản.
Vào ngày 22/11/2013, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) và Cơ quan Hợp tác phát triển Đức GIZ đã tổ chức diễn đàn về phục hồi tăng trưởng, tái cơ cấu - cơ hội và thách thức. Theo đó, dựa trên số liệu của các cơ quan chức năng, nợ công của VN liên tục tăng, năm 2012 đã lên tới trên 1,6 triệu tỉ đồng (gần 80 tỷ USD). Theo tính toán dựa trên số liệu 6 tháng đầu năm 2013 với số nợ trên, mỗi quý VN phải trả nợ gốc và lãi tới 25.000-26.000 tỉ đồng (trên 1 tỉ USD), tương đương 16% thu ngân sách.
Vấn đề của nền kinh tế là không còn là nợ công có ở ngưỡng an toàn hay không, chính thức 55,4% GDP, thực chất, nếu tính cả nợ nước ngoài của khu vực doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước) và nợ bằng trái phiếu trong nước khác của doanh nghiệp nhà nước không được chính phủ bảo lãnh, thì nợ công của Việt Nam vượt con số báo cáo 55,9% có thể lên đến khoảng 95% GDP.
Với một bộ máy hành chính kép (chính phủ và đảng) quan liêu, gồm gần 1,7 triệu viên chức, năm (2001 - 2012) chi cho hoạt động của bộ máy này chiếm 55,37% tổng chi ngân sách nhà nước. Trong vòng vài năm nữa, tới năm 2016, nguồn xuất khẩu dầu khí của Việt Nam trên 10 tỷ USD, góp 20-25% ngân sách, sẽ cạn kiệt, áp lực trả nợ ngày càng cao.
Bài toán kinh tế sẽ bị sức ép mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư, xây dựng công cộng. Không biết những dự án lớn chủ yếu từ ODA, như cảng Lạch Huyện hay sân bay Long Thành, sẽ còn kéo gánh nợ tới đâu.
Quy mô bội chi ngân sách ngày mỗi cao, năm 2012 vẫn ở mức 4,8% (so với 4,7% năm 2011) và đã được quốc hội phê duyệt nâng lên mức 5,3% cho năm 2013 tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 (11/2013).
Ngoài ra, tiếp tục vay khoản mới trả nợ cũ và phát hành trái phiếu chính phủ cũng là các biện pháp lúng túng chạy vòng quanh. Trái phiếu chính phủ và tín phiếu chính phủ phát hành trong năm là khoảng 200.000 tỉ đồng (tương đương gần 10 tỉ USD), đặc biệt là trái phiếu chính phủ phát hành lên đến 115.000 tỉ đồng (tăng gần 85% so với năm 2011). Người mua trái phiếu không ai khác là các ngân hàng và tổ chức tín dụng, mà tiền chủ yếu từ huy động nguồn vốn của dân.
Từ khi ông Nguyễn Tấn Dũng nhận chức Thủ tướng vào năm 2006, đến năm 2010, đã đẩy số nợ của Việt Nam từ 27,86 tỷ USD lên 32,5 tỷ USD. Số liệu thông kê hằng quý từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy, nợ nước ngoài của Việt Nam ở mức trung bình khoảng 19-20% GDP trong những năm 2000-2002, đã lên trên 30% trong vài năm gần đây (41,5% GDP năm 2011).
Nói vậy thôi chứ nền kinh tế Việt Nam cũng chưa đến mức sẽ sụp đổ vì nợ. Đầu tư nước ngoài FDI vẫn đổ vào nhờ giá lao động rẻ. Khoản kiều hối hơn 10 tỷ USD mỗi năm đã là một món khổng lồ, tiền tươi, thóc thật!
Nhiệm kỳ của ông Nguyễn Tấn Dũng còn hơn hai năm nữa. Thời gian không còn nhiều, tranh thủ cùng hội cùng thuyền vay mượn cho các dự án, vơ vét thêm một đống và ra đi yên vị. Đống vỏ ốc mà ông ta cùng các chiến hữu để lại cho 90 triệu dân mang đi đổ quá lớn.
Và như tiến sĩ Alan Phan viết:
"Con rồng kinh tế Việt Nam sẽ không cất cánh được, ngay cả khi gia nhập TPP (dự trù vào cuối 2014); vì trọng lực nặng nề của 3 yếu tố: doanh nghiệp nhà nước, nợ xấu ngân hàng và ngân sách chính phủ. Ngày nào mà toàn dân còn phải khiêng đỡ các hành lý này, thì ngày đó kinh tế Việt Nam chỉ nên bàn về mô hình “sống sót” (survival)".
Lê Diễn Đức, 27-11-2013
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA
Geen opmerkingen:
Een reactie posten