woensdag 27 november 2013

Quốc hội cũng là một nhóm lợi ích? (Phạm Chí Dũng)

Quốc hội cũng là một nhóm lợi ích?

Phạm Chí Dũng gửi RFA từ Việt Nam
2013-11-19
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

000_Hkg4467982-305.jpg
Một đại biểu cầm phiếu bầu tại Đại hội toàn quốc lần thứ 11 của Đảng Cộng sản tại Hà Nội vào ngày 17/1/2011, ảnh minh họa.
AFP photo

Không những không còn “của dân” và “vì dân”,  Quốc hội còn tiếp thêm một lực hút soi móc nữa đối với bầu ngân sách vốn đã bị các nhóm lợi ích xuyên đục đến tận cùng.

Từ ngủ gật…

Dù chưa kết thúc, nhưng kỳ họp thứ 6 khóa XIII Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nổi lên dấu ấn lặng cúi thấy rõ so với kỳ họp gần nhất và rõ hơn nhiều nếu nhìn lại thời gian cuối năm 2011.
40% trong tổng số đại biểu quốc hội đã “im lặng” khi được hỏi về việc chọn người chất vấn. Tỷ lệ này vươn lên gấp đôi so với kỳ họp lần thứ 5 vào giữa năm 2013 - thời điểm mà ngay cả những quan chức cao cấp của Quốc hội cũng phải bộc lộ nỗi bức xúc không hẳn là giả dối “hàng trăm đại biểu không có ý kiến gì trong suốt vài kỳ họp quốc hội”.
Dấu ấn duy nhất mang lại hy vọng cho cử tri vào kỳ họp thứ 5 đó chỉ là hình ảnh lóe sáng nhất thời của 32% đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm thấp cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và 42% cho Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình. Một hy vọng lấy lại những gì đã mất đối với khối cử tri, bằng vào hành động hiếm hoi trong một đánh giá có tính thực chất về tình cảnh điều hành bị coi là quá yếu kém của lớp quan chức chính phủ trong ít nhất hai năm từ giữa 2011 đến giữa 2013.
Nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ, và còn xa mới thỏa mãn được cơn bức bối uất nghẹn không thể thốt lên của cử tri toàn quốc. Tối thiểu, những gì mà người dân muốn là các đại biểu quốc hội không được ngủ gật trong một khán phòng như ngủ lặng cùng bản hiến pháp bị xem là “ngủ đông”.

..tới ngủ đông

Ngay vào ngày đầu tiên của kỳ họp quốc hội lần này, một đại biểu từng cố gắng chống lại cơn ngủ gật trong ba kỳ quốc hội trước đã thẳng thừng tuyên bố với báo chí: “Sẽ không nói gì về hiến pháp nữa”.
Dĩ nhiên, nếu vị đại biểu trên còn tỏ ra minh mẫn thì bản dự thảo sửa đổi hiến pháp lại diễn biến theo tâm thế ngược lại.
Sau lời chốt đóng sổ sửa đổi hiến pháp của chủ tịch quốc hội, cử tri đang tự hỏi liệu tâm thế lộn ngược của dự thảo sửa đổi hiến pháp có thật “tập trung tinh hoa trí tuệ” như ông Nguyễn Sinh Hùng mặc định hay không?
Hay chỉ là lớp trình diễn của một tầng lớp “tinh hoa” nào đó và mang tính khu biệt trong nội bộ - những người được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc cách “Cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp”?
Thời quá khứ, ông Nguyễn Sinh Hùng từng là một quan chức chính phủ. Và ông cũng là một đại biểu thâm dày ở nơi mà nhiều ý kiến cho rằng “Quốc hội đã chẳng làm được gì cho dân”.
Những câu chuyện xưa cũ đến lê mòn cứ trôi dạt vào một góc phòng vô định chốn nghị trường. Quốc hội Việt Nam sẽ đi về đâu với những ảo ảnh không có cơ may nào được hiện thực hóa của nó?
Hiện thời, câu trả lời thực dụng nhất chỉ là nếu những chất  vấn thê thiết nhất của cử tri đã bị số đại biểu quan chức lấp liếm hết kỳ họp này sang kỳ họp khác, thì đừng trông mong bất kỳ tốt lành nào cho vận mệnh đất nước.

Những kẻ “giết sống”

000_Hkg9202223-250.jpg
Người dân di chuyển đồ đạc từ một ngôi nhà bị ngập lụt trong thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Định hôm 16/11/2013. AFP photo

Hàng chục vạn ngôi nhà, xóm, làng, khu phố bị chìm ngập trong biển nước. Hàng vạn hecta đồng ruộng, hồ ao, đầm nuôi cá đến kỳ thu hoạch đã mất trắng… … Đó là hình ảnh thống thiết thường thấy qua mỗi mùa mưa bão.
Nhưng sau chuỗi thời gian trầm nghẹn quá lâu, vào lúc này báo chí trong nước đã phải thét lên “Nhân tai!’.
Chỉ mới đây, cùng với tuyên bố tuyệt thực, Yeb Sano - trưởng đoàn đàm phán Philippines tại hội nghị Công ước khung của Liên hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 19 - cất tiếng kêu xé lòng: “Chúng ta phải thôi gọi những sự kiện như vậy là tai họa tự nhiên…”.
Quằn quặn Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam…, tiếng khóc xé lòng dội khắp xóm làng sau cú xả lũ vào dân của các nhà máy thủy điện.
Song một điều kinh khủng là ngay cả bốn chục sinh mạng dân chúng bị cơn lũ thủy điện dã man chưa từng thấy cướp trắng ngay trong thời gian kỳ họp thứ 6 cũng không khiến nhiều đại biểu quốc hội bận lòng.
Cũng chẳng có bất cứ kẻ “giết sống” dân nào phải ra trước vành móng ngựa từ trước đến nay.
Hình ảnh an ủi duy nhất chỉ là những chiếc áo xanh bộ đội và cả những cán bộ, chiến sĩ công an oằn mình cứu hộ cho dân.
Nhưng bức tranh khác hơn rất nhiều là sau khi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cố gắng lấp liếm về trách nhiệm của ban lãnh đạo Bộ Công thương, đã chỉ có vài đại biểu quốc hội dám lên tiếng về trách nhiệm không thể loại bỏ này.
Cho dù trong thâm tâm, rất có thể đa số dân biểu đều hiểu rằng trách nhiệm của toàn bộ chiến dịch xả lũ đó trước hết thuộc về Bộ Công thương, với gương mặt trơn bóng cùng những lời điều trần trơn tuột của bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trước toàn thể Quốc hội về “chúng ta” - ngôi thứ ba số ít mà đã trở thành một thứ dịch bệnh tồn trữ quá lâu trong lòng chế độ.
Trách nhiệm đó cũng thuộc về cá nhân bộ trưởng Vũ Huy Hoàng - người liên đới trực tiếp với những cú “áp phe” quy hoạch thủy điện và phê duyệt các dự án thủy điện.
Bất chấp những lời dẫn dụ đầy ngụy biện của giới quan chức chính phủ và bộ ngành, tất cả đều đã quá chậm. Bất chấp vài trăm dự án thủy điện cuối cùng cũng buộc phải gạt ra khỏi quy hoạch, hàng trăm dự án thủy điện còn lại đã quét đi hơn 50.000 hecta rừng, hàng ngàn hecta đất ở, đất trồng trọt của người dân… khiến dân chúng phải chuyển nhà, chuyển cửa, mất nghề… khốn đốn trong sinh hoạt.
Nhiều người dân trắng tay và cũng trắng xóa lòng tin vào chế độ.
Những nén nhang và tiếng khóc thảm thiết của người dân huyện Đồng Xuân ở Phú Yên năm 2010 vẫn còn vang vọng. Chết mà không biết vì sao số phận lại quyên sinh đột ngột đến thế, cũng không biết kẻ nào đã cướp đi sinh mạng đời mình mà không một lời tạ tội.
Nhưng cùng với bệnh dịch quy hoạch thủy điện, những lãnh đạo của Bộ Công thương vẫn tiếp tay cho hàng loạt đợt tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - một địa chỉ mà đã gây ra cơn thảm họa lỗ lã 34.000 tỷ đồng từ đầu tư trái ngành vào chứng khoán và bất động sản. Còn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng - người không có bất cứ thành tích nổi bật nào từ khi thành lập chính phủ mới vào giữa năm 2011 đến nay - là tác giả gián tiếp cho những trận đánh đẹp bù lỗ vào dân như thế.
Do những “thành tích” về điều hành quản lý và đặc biệt mối quan hệ quá gần gũi với các doanh nghiệp điện lực và xăng dầu, ông Vũ Huy Hoàng đã nhận được 25% phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ họp quốc hội giữa năm 2013 - một thứ hạng chỉ xếp sau Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Nhưng trong lúc báo giới trong nước thường xuyên bị cấm cản đưa tin bài về nguồn cơn thực chất gây ra chết người do xả lũ, đã không một tiếng nói đủ liêm sỉ nào được cất lên từ Bộ Công thương hay Chính phủ để kềm giữ hành động đổ lỗ lên đầu người dân của EVN.

“Nhóm lợi ích Quốc hội”?

000_Hkg9116351-200.jpg
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong lễ khai mạc phiên họp thường niên thứ hai của Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 21/10/2013. AFP photo

Thói vô lương tâm của quan chức vẫn luôn dẫn tới vô số trác táng trên bàn tiệc và những cuộc chơi bất tận thâu đêm, bất kể cảnh khốn cùng và bất chấp lời nguyền rủa từ những kẻ đóng thuế bất hạnh.
Toàn bộ sự thể trên hẳn là nguồn cơn sâu xa giải thích cho hiện tượng ngày càng xuất hiện quá nhiều đại biểu quốc hội “cấm khẩu” - một tâm lý mệt mỏi và chán nản đến mức không thể động mồm, bất chấp chỗ ngồi của họ vẫn ngốn đến 1 tỷ đồng cho mỗi ngày họp.
Từ tiền đóng thuế của tuyệt đại đa số cử tri.
Không những không còn “của dân” và “vì dân”,  Quốc hội còn tiếp thêm một lực hút soi móc nữa đối với bầu ngân sách vốn đã bị các nhóm lợi ích xuyên đục đến tận cùng.
Phải chăng vì sự thể này mà gần đây đã hiện ra mối nghi ngờ từ không ít cử tri “Có phải Quốc hội cũng là một nhóm lợi ích?”?
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/phamchidung-tsu-111913-11192013122950.html

Vì sao Quốc hội Việt nam không làm gì được cho dân?

Anh Vũ, thông tín viên RFA
2013-11-14
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

Quốc hội Viêt Nam, kỳ họp thứ 6, khóa 13
Quốc hội Viêt Nam, kỳ họp thứ 6, khóa 13
chinhphu.gov

Nghe bài này
Để đất nước chìm ngập trong cơn khủng hoảng toàn diện, nạn tham nhũng tràn lan, đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng... Vậy mà các Đại biểu Quốc hội Việt nam vẫn hầu như bó tay và không có bất kỳ giải pháp nào,  nhằm tránh thoát thảm cảnh xuống cấp ghê gớm của đất nước. Vì sao lại có tình trạng như vậy?

Quốc hội vì dân hay vì đảng
Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Tuy vậy, trước thực tế có đến 90% các Đại biểu Quốc hội là đảng viên đảng CSVN. Cho  nên phải chăng Quốc hội Việt nam không thể hiện được ý chí của người dân.
Theo Hiến pháp quy định, thì Quốc hội có nhiệm vụ quyết định những vấn đề lớn, các chính sách cơ bản về đối nội, đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh … và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. Đồng thời, Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Nhưng trên thực tế không như vậy, người ta cảm thấy vai trò của Quốc hội bị lu mờ so với thực quyền của họ. Một thực tế, nếu các đại biểu quốc hội thực hiện đầy đủ chức năng của họ thì cỗ máy nhà nước Việt nam có lẽ không đến nỗi chạy ngược lại với xu thế thời đại như hiện nay.
Quốc hội Việt nam được đạo diễn bởi Đảng CSVN theo cơ chế Đảng cử dân bầu. Điều đó đã làm cho Quốc hội phụ thuộc. Đó là lý do vì sao mà Quốc hội Việt nam chưa làm tốt được cái vai trò theo sự hiến định của Hiến pháp
Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh
Đánh giá về vai trò của Quốc hội hiện nay, Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh ở Đà nẵng cho chúng tôi biết “Quốc hội Việt nam được đạo diễn bởi Đảng CSVN theo cơ chế Đảng cử dân bầu. Điều đó đã làm cho Quốc hội phụ thuộc. Đó là lý do vì sao mà Quốc hội Việt nam chưa làm tốt được cái vai trò theo sự hiến định của Hiến pháp. Và đó cũng là lý do vì sao trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa rồi cho thấy vai trò hết sức mờ nhạt, hết sức lung túng của Quốc hội Việt nam trong việc giải quyết các bài toán do tình hình cuộc sống của đất nước đặt ra”
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII - Ảnh: bienphong.com.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII - (minh họa) bienphong.com.vn


Vì thế, các đại biểu Quốc hội đã không hành động theo nguyện vọng của cử tri hay tinh thần vì dân, vì nước mà ho hoàn toàn chịu sự chi phối của đảng. Dẫn tới Quốc hội trở thành một cơ quan mang tính chất hình thức để hợp thức hóa các chủ trương chính sách của đảng CSVN. Vì thế, đa số đại biểu hầu như không cho phép mình phát biểu theo những gì họ nghĩ, mà chỉ bấm nút theo chỉ đạo của đảng và đặt cương lĩnh của đảng lên trên hết.
Nhận xét về cách tổ chức của Quốc Hội Việt Nam, ông Bùi Kiến Thành một doanh nhân Việt kiều đã về làm việc tại Việt nam nhiều năm cho biết:
"Quốc Hội Việt Nam rất đặc biệt là nó tập hợp rất nhiều lĩnh vực với nhiều kinh nghiệm khác nhau. Ở Việt Nam mấy người vào Quốc hội như mấy ông sư hay tướng tá là một việc hết sức khác so với các nước. Họ không bắt buộc phải hiểu biết về chính trị hay lập pháp, luật lệ. Nó độc đáo ở chỗ phần lớn là nghiệp dư, cứ mỗi năm tới gặp nhau chờ chính phủ đưa ra những dự án luật này luật kia rồi họp nhóm rồi cho ý kiến và cuối cùng thì bấm nút thế là xong!"
Tuy nhiên, khi nói về sự hoài nghi về vấn đề “Có phải về thực chất cử tri Việt nam hoàn toàn không có vai trò trong việc lựa chọn các đại biểu của họ vào Quốc hội hay không?”. Ông Hoàng Hữu Phước đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí minh cho biết
Ở Việt Nam mấy người vào Quốc hội như mấy ông sư hay tướng tá là một việc hết sức khác so với các nước. Họ không bắt buộc phải hiểu biết về chính trị hay lập pháp, luật lệ... cứ mỗi năm tới gặp nhau chờ chính phủ đưa ra những dự án luật này luật kia rồi họp nhóm rồi cho ý kiến và cuối cùng thì bấm nút thế là xong!
ông Bùi Kiến Thành
“Tôi nghĩ rằng không, bởi vì người dân hiện nay có sự chọn lựa rất là kỹ lưỡng. Cho nên là mỗi một người, dù có đã từng làm đại biểu khóa trước đó hoặc là người mới ứng cử bi giờ thì người nào cũng phải có sự hành động cụ thể rõ ràng. Và nhất là bây giờ người dân rất là quan tâm. Cho nên tôi nghĩ rằng, trước đây hoặc bây giờ có sự hoài nghi đó, thì những hoài nghi đó có thể được giải quyết sau Quốc hội khóa này. Và  bắt đầu từ khóa sau, mọi hoài nghi, những dư luận từ bên ngoài nói về bầu cử ở Việt nam dần dần sẽ hết.”
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua...
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua...(xaluan.com)



Trách nhiệm, quyền hành và trình độ của Đại biểu
Nói về nhược điểm trong khâu nhân sự của Quốc hội, ông Lê Hiếu Đằng nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ TP. Hồ Chí Minh cho rằng ” Tôi nghĩ là quốc hội Việt Nam có một nhược điểm là không phải toàn đại biểu chuyên nghiệp. Do đó với thời gian 1 tháng không thể nào giải quyết rốt ráo các vấn đề quan trọng đã đặt ra. Vì vậy tôi nghĩ đó là hạn chế. Đại biểu quốc hội ở Việt Nam không phải là những người chuyên trách, những nhà hoạt động chính trị thực sự. Và trong đó, đại bộ phận là đảng viên, đại bộ phận là các đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước.“
Chúng ta đang sống trong một thế giới đã thay đổi. Sống theo cách cũ, vì vậy sẽ không có tương lai. Điều đáng lưu ý là không chỉ thế giới đã rất khác, mà những người dân cũng đã rất khác
TS Nguyễn Sĩ Dũng
Gần đây, theo báo Tuổi trẻ đại biểu  Quốc hội Lê Như Tiến trong phiên thảo luận của Ủy Ban Văn Hóa-Giáo Dục-Thanh Thiếu Niên Nhi Ðồng của Quốc Hội cho biết. Mỗi lần ông ra Hà Nội họp Quốc Hội, lãnh đạo địa phương dặn dò rất kỹ rằng “phát biểu gì cũng được, trừ tham nhũng, vì nếu còn cơ chế 'xin - cho' thì mình xin, ai cho.” Với lý do, theo ông “Nói về tham nhũng ở địa phương chẳng khác nào dại dột vạch áo cho người xem lưng.” Bình luận về việc này, Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh cho rằng “Đây là sự dũng cảm của người Đại biểu Quốc hội, phát biểu như thế tôi thấy nói hài hước, nó hơi buồn cười. Nhưng mà tôi nghĩ hoàn toàn có khả năng và đúng với thực trạng của Quốc hội Việt nam. Bây giờ một đảng người ta lãnh đạo cho nên chắc chắn họ phải giữ gìn cái tiếng của họ, bởi vì xấu chàng thì hổ ai? Cho nên tôi nghĩ thực trạng đó là có và hoàn toàn là tồn tại lâu rồi. Nhưng mà tôi nghĩ bất cứ ai quan sát nghị trường ở Việt nam lâu năm cũng không có gì là bất ngờ”
Tuyên bố trên của ông Lê Như Tiến đã gây sốc cho dư luận xã hội, qua đó người dân được biết rằng các đại biểu Quốc hội, cho dù chưa hẳn họ đã được dân bầu một cách dân chủ, nhưng họ vẫn còn chịu sự kiểm soát gắt gao của những người có trách nhiệm.

Còn nhớ, cho dù các đại biểu Quốc hội dù bị khống chế, song cũng có những lần họ đã bẻ gãy được các chủ trương lớn của đảng. Mà việc Quốc hội không thông qua dự án đường sắt cao tốc - một dự án khuất tất với mức đầu tư hơn 56 tỷ USD là một điển hình. Điều đó cho thấy, nếu các đại biểu Quốc hội hết lòng vì nước vì dân, cộng với long dũng cảm thì bằng lá phiếu của mình họ cũng có thể phủ quyết những chủ trương không đúng. Tiếc rằng số các đại biểu như thế còn quá ít trong Quốc hội.
TS Nguyễn Sĩ Dũng - Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, gần đây có nói rằng  “Chúng ta đang sống trong một thế giới đã thay đổi. Sống theo cách cũ, vì vậy sẽ không có tương lai. Điều đáng lưu ý là không chỉ thế giới đã rất khác, mà những người dân cũng đã rất khác."
Điều đó không hiểu các vị Đại biểu Quốc hội có biết không?

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/y-nati-assem-cnt-help-11142013055115.html

Đạo đức và Pháp luật

Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-11-21
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

Pano tuyên truyền cho ngày thành lập ĐCSVN tại Hà Nội được chụp hôm 27/2/2013
Pano tuyên truyền cho ngày thành lập ĐCSVN tại Hà Nội được chụp hôm 27/2/2013. AFP
AFP

Nghe bài này
Trong những năm qua, nhà cầm quyền Việt nam phát động nhiều phong trào để chấn hưng đạo đức của người dân, từ chương trình trong trường học cho đến các diễn từ của các quan chức. Tại sao họ phải làm như vậy? Kính Hòa trình bày.
Mô hình đạo đức
Trong kỳ họp Quốc hội đang tiến hành, ông Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Nguyễn Văn Bình, đã phải trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội, bằng văn bản chứ không trực tiếp, về nguyên nhân tại sao tội phạm ngân hàng trong thời gian qua lại nhiều như vậy.
Báo Vneconomy đăng những câu trả lời của của ông Bình, theo đó nguyên nhân là do tác động của…khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, trình độ quản lý chưa theo kịp yêu cầu quản trị…Và nổi bật nhất là ông Bình nêu các nguyên nhân về đạo đức. Từ đạo đức và các từ khác có liên quan về ý nghĩa với từ này như là tiêu cực hay suy thoái được lặp đi lặp lại đến sáu lần trong ba trang giấy.
Có vẻ như đối với ông Bình, việc điều hành trái tim tài chính của quốc gia lệ thuộc rất nhiều vào đạo đức của nhân viên quản lý các nhân hàng từ thấp đến cao.
Các quốc gia Đông Á, trong đó có Việt Nam, bị ảnh hưởng rất mạnh mẽ của học thuyết Khổng Mạnh từ Trung Quốc, chủ trương lấy đức để trị nước, rất đề cao đạo đức của người lãnh đạo. Các triều đại phương Đông quả là cũng thịnh khi các vị vua đạo cao đức dày, và suy tàn khi họ thiếu đức. Và tất cả các xã hội đức trị này còn có một đặc điểm chung nữa là tập trung quyền lực.
Mô hình cai trị ấy ở phương Đông bị thách thức dữ dội khi đứng trước các quốc gia Tây phương thoát đêm đen trung cổ tiến lên một xã hội đại nghị với quyền lực được phân chia mà kiểm soát lẫn nhau. Và quan trọng hơn cả đó là những xã hội được cai trị bằng luật pháp
Mô hình cai trị ấy ở phương Đông bị thách thức dữ dội khi đứng trước các quốc gia Tây phương thoát đêm đen trung cổ tiến lên một xã hội đại nghị với quyền lực được phân chia mà kiểm soát lẫn nhau. Và quan trọng hơn cả đó là những xã hội được cai trị bằng luật pháp.
Có những dân tộc phương Đông chấp nhận mô hình ấy để tiến lên xây dựng nên những quốc gia hùng mạnh. Có những quốc gia khác là TQ và Việt Nam, cũng ảnh hưởng từ phương Tây nhưng lại là một mô hình tập trung quyền lực, đó là mô hình cộng sản.
Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng.
Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng.

Và những người cộng sản rất thích cái từ đạo đức. Đạo đức cách mạng, đạo đức Hồ Chí Minh,…thường xuyên được nhắc tới. Khi liên tục xảy ra các vụ tham nhũng, Chủ tịch nước đã ví von đến những con sâu làm sầu nồi canh, cũng là một khái niệm đạo đức. Việc ông Bình nhắc tới đạo đức không phải là trường hợp duy nhất mà những nhà lãnh đạo nêu ra để giải thích những điều phạm pháp.
Làm gì cho đạo đức và pháp luật bây giờ?
Trong dòng hội nhập kinh tế với thế giới, nhà nước Việt Nam cũng nêu lên khái niệm pháp trị, tức là thượng tôn pháp luật, xem pháp luật là trên hết, điều mà trong chừng mực nào đó khác với đức trị của mô hình phương đông, và có thể là cả mô hình cộng sản. Nhưng cụm từ pháp trị vang lên khi thăng khi giáng, và dường như không có mấy cố gắng để thúc đẩy nó. Và cô đọng nhất trong suy nghĩ của các nhà lãnh đạo Việt Nam về pháp luật chính là phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rằng Hiến pháp nằm sau cương lĩnh của đảng cộng sản.
Điều ông ấy nói là vô cùng thảm hại, vô cùng nguy hại cho đất nước. Đưa cương lĩnh của đảng lên trên Hiến Pháp, lên trên Pháp luật là một điều lú lẫn, một điều xằng bậy không thể chấp nhận được
Nhà văn Phạm Đình Trọng
Mà Hiến pháp lại là bộ luật gốc của quốc gia.
Nhà văn Phạm Đình Trọng, một cựu đảng viên, cựu đại tá quân đội nhân dân Việt Nam bình luận về lời phát biểu này,
Điều ông ấy nói là vô cùng thảm hại, vô cùng nguy hại cho đất nước. Đưa cương lĩnh của đảng lên trên Hiến Pháp, lên trên Pháp luật là một điều lú lẫn, một điều xằng bậy không thể chấp nhận được.
Đây là cái nhận thức của ông ấy, chứ không phải ông ấy lỡ lời. Đây là một nhận thức sai trái, vô cùng nguy hại. Dân tộc Việt Nam có một ông đứng đầu đảng cầm quyền mà nhận thức như vậy thì nguy hiểm quá. Với một đảng cầm quyền mà nhận thức như vậy thì đất nước Việt Nam mãi mãi là đất nước vô pháp luật.”
Các nhà cai trị cộng sản cố gắng giải quyết những điều mà trong kinh điển của họ không dự báo trước. Đó là khi họ kết thân với nền kinh tế thị trường tự do, nền kinh tế mà kinh điển của họ từ chối, họ phải đối mặt với một sự cần thiết của luật pháp. Nhưng nếu đặt luật pháp lên trên mọi quyền lực thì còn gì là sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng nữa! Có lẽ vì thế nên họ đã thúc đẩy khái niệm đạo đức. Cứ mỗi lần nói đến tham nhũng hay tội phạm họ lại cầu cứu đến đạo đức. Và đạo đức, nhất là cái gọi là đạo đức Hồ Chí Minh được đưa vào chương trình bắt buộc của tất cả các trường học. Nhưng có vẻ như kết quả không mấy khả quan. Tội phạm vẫn gia tăng, lĩnh vực ngân hàng chỉ là một phần trong bức tranh tổng thể ấy. Một sinh viên nói với chúng tôi về những chương trình học chính trị và đạo đức,
Theo tôi điều quan trọng nhất của Việt Nam bây giờ là cải cách thể chế, tức là phải có sự giám sát quyền lực, phải có những thể chế hoạt động theo luật và tự chịu trách nhiệm
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
“Bọn em học để trả bài cho qua thôi, chứ những môn này chẳng giúp ích gì cho mình cả. Việc khuyến khích học môn này như miễn phí thì em thấy không cần thiết vì nếu nghiên cứu mà không ứng dụng được thì chả giải quyết được vấn đề gì.”
Đạo đức là một khái niệm gắn chặt với tính hướng thiện của con người, khi những con người ấy được sống trong một xã hội tự do, có pháp luật để bảo vệ họ. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một tiếng nói phản biện trong những năm gần đây nói về sự cần thiết của pháp luật trong tình hình hiện nay tại Việt Nam,
Theo tôi điều quan trọng nhất của Việt Nam bây giờ là cải cách thể chế, tức là phải có sự giám sát quyền lực, phải có những thể chế hoạt động theo luật và tự chịu trách nhiệm.
Làm theo luật cũng có nghĩa là phải từ chối một phần nào đó quyền lực. Điều này có vẻ vẫn làm e ngại những nhà cai trị cộng sản, cho nên họ vẫn phải viện đến một khái niệm khó định lượng là đạo đức, mặc dù những cố gắng khếch trương đạo đức của họ trong mấy năm vừa qua không có kết quả.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten