zondag 24 november 2013

Hoa Kỳ : Sinh viên ngoại quốc là một « mỏ vàng » để khai thác

Chủ nhật 24 Tháng Mười Một 2013

Hoa Kỳ : Sinh viên ngoại quốc là một « mỏ vàng » để khai thác

Tài liệu quảng cáo của Northern State University thuộc bang South Dakota, Hoa Kỳ
Tài liệu quảng cáo của Northern State University thuộc bang South Dakota, Hoa Kỳ

Lê Vy
Trong thời buổi kinh tế thị trường, ngành giáo dục cũng trở thành một công cụ để kinh doanh tại Hoa Kỳ. Trên hồ sơ kinh tế, tạp chí Courrier international chạy tựa : « Sinh viên tất cả các nước hãy đến đây với chúng tôi ! » và trích dẫn bài báo trên tờ The Wall Street Journal đề tựa : « Hoa Kỳ đang tìm kiếm khả năng sinh lợi ». Tại đây, sinh viên nước ngoài chính là một mỏ vàng để khai thác. Các trường đại học mở rộng cửa đón sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Đây không chỉ là phương tiện để lấp đầy ngân khố mà còn thu hút thanh niên tìm kiếm những cơ hội mới.
 


Bài viết trên tờ The Wall Street Journal cho biết, từ nhiều năm nay, đại diện truờng đại học Northern State University thuộc bang Nam Dakota (South Dakota) đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ hay Châu Âu để tìm kiếm một thị trường mà lợi nhuận ngày càng cao : Đó chính là sinh viên nước ngoài. Trường đại học này muốn chứng tỏ sự tồn tại của mình và quảng bá để sinh viên đến du học.
Số lượng sinh viên nước ngoài tại Hoa Kỳ đã đạt con số kỷ lục vào năm ngoái, trong đó đông nhất là sinh viên Trung Quốc. Báo cáo thường niên của Viện Giáo dục quốc tế (Institute of International Education - IIE) mới đây cho biết, các trường đại học Mỹ đã đón 819 644 sinh viên nước ngoài trong năm học 2012-2013, tức là tăng 7,2% so với năm ngoái. Cũng theo viện này, sinh viên nước ngoài chiếm 3,9% tổng số sinh viên của nước Mỹ. Có được thành công này là nhờ vào chiến dịch tuyển sinh không ngừng nghỉ của các trường đại học Mỹ vì họ nhìn thấy ở sinh viên nước ngoài một nguồn thu lợi nhuận đáng kể : Sinh viên ngoại quốc phải chi trả hoàn toàn phí đào tạo, vào thời điểm mà trợ cấp cho các trường đại học đều giảm và số lượng học sinh Mỹ cũng giảm từ bậc trung học phổ thông. Đối với một số trường đại học, sinh viên ngoại quốc còn phải đóng thêm phụ phí.
Theo thẩm định, sinh viên ngoại quốc bơm 24 tỷ đô la (gần 18 tỷ euro) vào nền kinh tế Mỹ. Thế nhưng, chiến lợi phẩm này lại phân bố không đồng đều giữa các khu vực, giữa các trường đại học. 21% sinh viên nước ngoài tập trung học tại 25 trường được xếp hạng cao nhất, trong đó, 18 trường công lập và có 8 trường thuộc các bang ở phía trung đông. Động cơ thúc đẩy sự gia tăng nhanh chóng số lượng sinh viên ngoại quốc là nhờ vào các công ty tư vấn giáo dục mà các trường lập ra để tìm kiếm khách hàng ngoại quốc.
Còn đối với trường đại học nhỏ không mấy danh tiếng như Northern State University, để thu hút sinh viên, trường này cũng có một hình thức khuyến mãi như cho ghi danh học miễn phí trong một thời gian.
Đa phần du sinh ghi danh học về thương mại, quản lý và khoa học. Gần phân nửa sinh viên Trung Quốc ghi danh học các trường thương mại hay kỹ sư. Người Ấn Độ thì tập trung nhiều hơn vào trường kỹ sư và các chuyên ngành toán-tin. Theo một sinh viên nước ngoài, hệ thống giáo dục Mỹ linh hoạt hơn Anh, nơi mà cô từng dự định đến học.
Trong khi sinh viên ngoại quốc ào ạt đến Mỹ thì bài báo cũng cho biết là ngày càng có nhiều sinh viên Mỹ ra nước ngoài học tập. Cũng theo báo cáo của viện IIE, 283 332 người Mỹ đã đi học ở nước ngoài trong năm học 2011-2012, tức 3% hơn năm ngoái. Bốn điểm đến chính được dân Mỹ lựa chọn là Anh, Ý, Tây Ban Nha và Pháp, đứng hàng thứ năm là Trung Quốc.
Trung Quốc như một nam châm
Bị cám dỗ bởi các hứa hẹn sự nghiệp mà Trung Quốc mở ra trước mặt, ngày càng đông thanh niên Châu Âu lựa chọn đến Trung Quốc học MBA. Bàn về nguyên nhân dẫn đến khuynh hướng này, tờ Courrier international trích dẫn bài trên tờ Le Temps của Thụy Sĩ đề tựa: “Trung Quốc như một nam châm”.
Simon John Evenett thuộc đại học Saint-Gall nhận định: “Châu Âu giàu có nhưng Châu Á lại đầy hứa hẹn”. Ông nhận xét, du sinh Châu Âu nhắm đến có một công việc nhanh chóng, một chức vụ quản lý, lương cao và được nhiều người biết đến. Đó là lý do vì sao họ có dự định du học tại Trung Quốc nhưng cuối cùng thì cách biệt giữa thực và hư cũng đáng kể. Ông Christophe Weber thuộc ban điều hành Ngân hàng Genève đánh giá, tương lai việc làm tại Trung Quốc rất sáng rạng. Ông nhận xét, “người Trung Quốc cần người nước ngoài để ủng hộ tăng trưởng và cán cân thương mại. Các tập đoàn đa quốc gia và các đại sứ quán khuyến khích thanh niên tìm kiếm kinh nghiệm mới”.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác thu hút du sinh Châu Âu là chính sách cấp visa của Trung Quốc dễ dàng hơn so với các quốc gia khác cũng nổi tiếng đào tạo MBA như Hoa Kỳ, theo nhận định của ông Simon John Evenett thuộc đại học Saint-Gall. Thế nhưng, để du học được ở Trung Quốc thì cũng phải có một khả năng thích nghi cao và ngôn ngữ là một trong nhiều chướng ngại lớn cần phải vượt qua.
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20131124-hoa-ky-sinh-vien-ngoai-quoc-la-mot-%C2%AB-mo-vang-%C2%BB-de-khai-thac

Geen opmerkingen:

Een reactie posten