zaterdag 30 november 2013

Trẻ con Trung Quốc có cha mẹ mà vẫn... "mồ côi"

Thứ sáu 29 Tháng Mười Một 2013

Trẻ con Trung Quốc có cha mẹ mà vẫn "mồ côi"

Các cặp vợ chồng Trung Quốc lên thành thị kiếm sống, để lại đứa con cho ông bà nuôi nấng - REUTERS
Các cặp vợ chồng Trung Quốc lên thành thị kiếm sống, để lại đứa con cho ông bà nuôi nấng - REUTERS

Thanh Hà
Sôi sục trong vùng biển Hoa đông, đối lập Syria trong ngõ cụt, liên minh tả hữu lên cầm quyền tại Đức, nước Ý sang trang thời đại Berlusconi, dân Pháp trong cảnh sưu cao thuế nặng. Đó là những đề tài chính của làng báo Pháp hôm nay. Nhưng trước hết, xin điểm qua bài báo của Le Monde nói về hoàn cảnh của « Hàng triệu trẻ em Trung Quốc "mồ côi" vì cha mẹ bỏ làng quê lên thành thị kiếm sống ».


Theo các số liệu chính thức, tại Trung Quốc hiện nay có 61 triệu thiếu niên bị cha mẹ « bỏ lại quê nhà ». Nói cách khác 21,7 % trẻ em dưới 17 tuổi phải sống xa cha mẹ, khi bố mẹ chúng lên thành phố tìm kế sinh nhai. Có những người chỉ gặp mặt con vào dịp Tết nguyên đán và chỉ duy trì quan hệ qua điện thoại, với những lời thăm hỏi tầm thường.
Một giáo viên trong làng cho phóng viên của tờ Le Monde biết, hầu hết học sinh của trường đều do ông bà, hoặc cô, dì nuôi dưỡng. Cái khổ là ông bà hay họ hàng thân thuộc như vậy chỉ bảo đảm cho chúng cơm no, áo ấm. Nhưng chẳng ai dậy dỗ chúng bất cứ điều gì. Hiện tượng cả một tầng lớp thanh thiếu niên không được dạy dỗ, giáo dục như vậy đang trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng tại Trung Quốc.
Năm ngoái có trường hợp 5 anh em bị chết ngạt mà chẳng ai hay biết. Tháng 8/2013,  vụ một thầy giáo hãm hiếp 8 đứa trẻ nhỏ, truyền bệnh da liễu cho chúng. Khi cha mẹ chúng biết được tin này thì đã quá trễ. Tình cảnh của những đứa trẻ bị bỏ rơi đó đang làm rúng động dư luận Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, luật lệ bắt buộc trẻ nhỏ chỉ được đi học ở ngay tại nơi chúng sinh ra. Người lao động Trung Quốc từ nông thôn lên thành thị kiếm sống thì không có hộ khẩu để đưa con cái về sống chung với mình. Không có hộ khẩu, con cái họ không được đi học, không ai coi giữ, đau ốm không ai chăm lo. Chính vì vậy một số nhà hoạt động nhân quyền bắt đầu vận động chính quyền ở thành phố tạo điều kiện để cho con em những người lao động nhập cư được « đoàn tụ » với gia đình.
Thế nhưng, bản thân người dân thành phố không muốn để con em họ chung đụng với những « đứa trẻ nhà quê ». Ranh giới giữa nông thôn và thành phố ở Trung Quốc rất rõ ràng. Trước mắt cả người dân lẫn chính quyền cùng chưa vội thúc đẩy tiến trình hội nhập đó.
Tuy nhiên, phóng viên báo Le Monde ghi nhận rằng, gần đây một số địa phương ý thức được về mức độ nghiêm trọng của hiện tượng nhiều thế hệ thanh thiếu niên không được cha mẹ dậy dỗ, và đã bắt đầu thu hút các nhà đầu tư về mở nhà máy ở nông thôn.
Theo như nhận định của một nhà nghiên cứu người Pháp làm việc tại Hồng Kông, Chloé Froissart, chính quyền Trung Quốc đã phải can thiệp vì muốn tránh để « cả một thế hệ trẻ không được dậy dỗ đõ một ngày kia sẽ vùng lên chống lại chế độ ». Sự vùng lên đó nhằm bày tỏ bất mãn của những thành phần bị gạt ra ngoài xã hội, và là nạn nhân của phép lạ kinh tế Trung Quốc.
Trung Quốc và « Vùng phòng không »
Trở lại với hồ sơ nóng là « vùng phòng không » vừa được Trung Quốc thiết lập. Tất cả các báo trong ngày cùng có bài viết về chủ đề này. « Washington khiêu khích Bắc Kinh khi điều B-52 đến khu vực Senkaku/Điếu Ngư », tựa của Le Monde. « Hoa Kỳ hỗ trợ Nhật Bản » tựa của Le Figaro. Riêng Libération thì nói tới « Căng thẳng leo thang ở Thái Bình Dương ».
Báo chí Pháp đồng loạt quan tâm đến phản ứng của dân cư mạng Trung Quốc : họ chỉ trích chính quyền Bắc Kinh không đủ can đảm để phản ứng đích đáng sau khi hai chiếc máy bay B-52 của Mỹ bay qua vùng phòng không trên Biển Hoa Đông.
Thông tín viên báo Le Figaro từ Washington, Laure Mandeville, cho rằng sau vụ B-52 của Mỹ bay qua vùng phòng không nói trên, giờ đây mọi chú ý đang hướng về phía Trung Quốc. Bắc Kinh đã bị « bất ngờ » và « lúng túng » trước phản ứng của Mỹ.
Trung Quốc đang đứng trước một bài toán nan giải : hành động thì có nguy cơ đẩy căng thẳng trong vùng leo thang, và càng làm tăng hiểm họa đối đầu quân sự với Hoa Kỳ. Thế nhưng làm ngơ trước sự can thiệp của Mỹ thì điều đó lại khiến Trung Quốc làm mất uy tín của mình. Các nhà cầm quyền Bắc Kinh không thể để quốc tế xem Trung Quốc như « một con cọp giấy ».
Về phần mình, vẫn theo tác giả bài báo, Washington bắt buộc phải tỏ thái độ. Tổng thống Barack Obama  buộc phải chứng minh về mức độ tin cậy trong chính sách châu Á của Hoa Kỳ. Mỹ bắt buộc phải chứng tỏ với các đối tác châu Á là Hoa Kỳ sẵn sàng đóng vai trò « vành đai » để làm đối trọng với sức mạnh ngày càng lớn của ông khổng lồ Trung Quốc, nhưng đồng thời thì Washington vẫn ưu tiên cho đối thoại với Bắc Kinh.
Phát biểu trên báo công giáo La Croix, chuyên gia về Trung Quốc, François Godment, giám đốc trung tâm nghiên cứu về Châu Á cho rằng, trước mắt, thiết lập thiết lập vùng phòng không là một động thái mới để Bắc Kinh khẳng định chủ quyền đối với những vùng có tranh chấp chủ quyền. Nhìn xa hơn thì quyết định này nằm trong chiến lược của Bắc Kinh muốn xua đuổi các lực lượng quân sự nước ngoài càng xa lãnh thổ của Trung Quốc càng tốt.
Bong bóng tài chính vẫn đe dọa kinh tế thế giới
Theo dõi thời sự kinh tế độc giả chắc hẳn sẽ quan tâm đến bài phân tích của chuyên gia người Mỹ Nouriel Roubini trên tờ Les Echos. Tác giả cảnh báo một « quả bóng tài chính mới » đang đe dọa đến sự ổn định của kinh tế toàn cầu. Giáo sư Roubini giảng dậy tại trường đại học New York và ông là người từ năm 2005 đã báo trước về sự sụp đổ của ngành địa ốc Hoa Kỳ.
Trong bài, tác giả đưa ra nhận định : trong bối cảnh tăng trưởng của toàn cầu vẫn chưa cất cánh, thất nghiệp dâng cao đến mức gần như tuyệt vọng, các ngân hàng trung ương trên thế giới gần như đồng loạt bơm tiền vào hệ thống kinh tế. Vấn đề đặt ra là chính sách mở van tiền tệ đó lại không kích thích tiêu thụ và đầu tư như mong muốn.
Thực tế cho thấy là các ngân hàng hiện đang nắm trong tay rất nhiều tiền mặt, trong lúc tư nhân, doanh nghiệp không hăng hái đi vay. Nói cách khác, tiền của các ngân hàng trung ương chảy vào hệ thống tài chính nhiều hơn là tràn sang khu vực kinh tế thực thụ. Chính vì vậy mà giáo sư Roubini của đại học New York cho rằng, một quả bóng tài chính mới đang được thổi phồng lên.
Thị trường tài chính New York và ở nhiều nơi khác trên thế giới đã hoàn toàn bình phục sau thảm họa 2009. Hơn thế nữa khối lượng « nợ xấu » ngày nay đã trở về với mức của năm 2007. Câu hỏi đặt ra là phải chăng chúng ta đang bước vào một chu kỳ mới, với những « quả bóng mới » đang được thổi lên và một kịch bản tương tự như khủng hoảng 2008 đang nhen nhúm ?
Người trả lời là không, kẻ thì cho là có. Trong trường hợp thứ nhì này, các nhà chính trị bắt buộc phải can thiệp. Theo như phân tích của chuyên gia kinh tế người Mỹ, giáo sư Nouriel Roubini, một bài toán nan giải đang đặt ra cho các nhà lãnh đạo : phải tìm cách nâng lãi suất tránh để tạo ra một quả bóng tài chính. Thế nhưng giải pháp này lại làm phương hại đến đà phục hồi kinh tế vốn đã rất chậm và kéo theo đó là những hậu quả khó lường, kể cả đối với ngành tài chính, ngân hàng.
Đối lập Syria tuột dốc không phanh
« Sa lầy, chia năm sẻ bảy, bế tắc, mất uy tín » : đó là những cụm từ Le Monde dành để nói về thực trạng của phe đối lập Syria trong phần trang địa chính trị. Vào tháng 12/20012, một bầu không khí lạc quan bao phủ lên cuộc họp ủng hộ phe nổi dậy Syria tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Một quan chức ngoại giao Mỹ khi đó thậm chí còn chủ quan cho rằng chính quyền Bachar Al Assad « sẽ sụp đổ từ nay tới cuối tháng ». Một năm sau, gió đã xoay chiều.
Hội nghị Genève 2 sắp được tổ chức vào đầu năm tới mở ra trong bối cảnh phe nổi dậy Syria ý thức được rằng họ đã bị quốc tế bỏ rơi, sau việc tổng thống Obama vào giờ chót đã đổi ý, từ bỏ giải pháp can thiệp quân sự ; Một số các thành trì chiến lược đã lần lượt bị quân đội chiếm lại ; Một vài gương mặt nổi bật trong hàng ngũ đối lập Syria bị sát hại.
Phong trào nổi dậy đang hụt hơi. Những người đấu tranh vì dân chủ ngày càng thưa thớt. Trong lúc đó thì các chi nhánh ít nhiều có liên hệ với tổ chức khủng bố Al Qaida hay các phong trào Hồi giáo cực đoan ngày lại càng đông.
Tóm lại theo Le Monde vào thời điểm này, chính quyền Damas dường như đang kiểm soát lại tình hình, và thậm chí là đang chiếm lại thế thượng phong, chủ yếu là do đối lập Syria đang bị chia rẽ nghiêm trọng. Tuy nhiên, chế độ của tổng thống Bachar al Assad chưa dám mạnh dạn hô hào thắng lợi, vì Damas ý thức được rằng, chỉ cần phe nổi dậy đoàn kết với nhau hơn một chút, để có cùng một tiếng nói, tình thế có thể đảo ngược lại ngay !
Pháp, đến với những người đang mất hướng đi
Nhìn đến phần thời sự của nước Pháp, báo L'Humanité ngay trên trang nhất lên án việc chính phủ sắp tăng thuế TVA. Một loại thuế « bất công », đè nặng lên ngân sách của các hộ gia đình nghèo. Kể từ ngày 01/01/2014 thuế trị giá gia tăng TVA tại Pháp đang từ 19,6 % sẽ tăng lên thành 20 %. Theo tính toán của tờ báo này thì những thành phần có thu nhập thấp sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi hơn cả.
Về phần mình, tờLibération thiên tả dành hẳn hồ sơ đặc biệt để đưa độc giả đến với những người đang mất niềm tin vào chính sách kinh tế, xã hội của chính phủ cánh tả. Tại thành phố Bézier, miền nam nước Pháp, giới trẻ vừa phẫn nộ vừa thất vọng trước dự án đóng trường đại học.
Bézier là một thành phố với 74 000 dân. Đa số thanh niên xuất thân từ những gia đình có thu nhập thấp, và đối với số đó thì trường học là tất cả, là chìa khóa mở ra một tương lai tươi sáng hơn. Tỷ lệ thất nghiệp của thành phố cao hơn so với mức trung bình trên toàn quốc đến 7 điểm.
Còn tại Valenciennes, một thành phố ở tận miền bắc nước Pháp, đây là nơi có tới hơn 10 % dân số sống dưới ngưỡng nghèo khó, 14 % người trong tuổi lao động không có việc làm. Libération cảnh báo đây là những vùng đất thuận lợi để cho đảng cực hữu, Mặt trận Quốc Gia của bà Marine Le Pen dễ dàng thuyết phục cử tri. Nhìn tới Angers, một thành phố lớn khác với 150 000 dân cư, thì giới doanh nhân, hoàn toàn không hiểu nổi chính quyền muốn gì ! 
tags: Châu Á - Trung Quốc - Xã hội - Điểm báo
 
http://www.viet.rfi.fr/diem-bao/20131128-trung-quoc-61-trieu-tre-em-%C2%AB-mo-coi-%C2%BB

Geen opmerkingen:

Een reactie posten