dinsdag 26 november 2013

Nhà giàu Trung Quốc đổ tiền khoảng 658 tỷ USD ra nước ngoài

Thứ ba, 26/11/2013 16:00 GMT+7

Nhà giàu Trung Quốc đổ tiền ra nước ngoài

Người giàu Trung Quốc hiện được ước tính có khoảng 658 tỷ USD tài sản ở nước ngoài. Các lĩnh vực ưa thích của họ là bất động sản, các bộ sưu tập, tác phẩm nghệ thuật hay kim cương.
Theo WealthInsight, người giàu Trung Quốc hiện có khoảng 658 tỷ USD tài sản ở nước ngoài. Còn hãng tư vấn Boston Consulting cho rằng con số này chỉ là 450 tỷ USD, nhưng sẽ tăng gấp đôi trong ba năm tới.
Nghiên cứu khác của Bain Consulting thì tiết lộ một nửa giới siêu giàu nước này (những người có tài sản từ 16 triệu USD trở lên) đang có của cải ở bên ngoài. CNBC nhận xét đây là một trong những cuộc dịch chuyển tài sản lớn và nhanh nhất hiện nay.
Không chỉ đổ tiền ra nước khác, ngày càng nhiều nhà giàu Trung Quốc cũng di cư sang theo. Nghiên cứu mới nhất của tạp chí Hurun và Bank of China cho thấy hơn một nửa triệu phú Trung Quốc đang cân nhắc hoặc chuẩn bị di cư ra nước ngoài.
Nhiều chuyên gia cho biết người giàu muốn bảo vệ tài sản, sức khỏe cho họ và gia đình. Họ cũng muốn có môi trường tốt hơn cho con cái, như trường học hàng đầu và không khí trong lành. Peter Joseph – thành viên Hiệp hội Đầu tư tại Mỹ cho biết: "Dù là vì lý do chính trị, học tập hay môi trường, khi kết hợp các yếu tố này với nhau, anh sẽ nhận ra với khối tài sản hiện tại, người giàu Trung Quốc muốn tìm kiếm cơ hội mới cũng là điều dễ hiểu".
usoffice-4868-1385454966.jpg
Bất động sản Mỹ là khoản đầu tư ưa thích của người giàu Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Một số người cho rằng đây là hệ quả tất yếu của việc giàu lên. Oliver Williams – nhà phân tích tại WealthInsight cho biết người giàu Trung Quốc để khoảng 13% tài sản tại nước ngoài. Tỷ lệ này vẫn thấp hơn trung bình toàn cầu 20% - 30%.
Tuy nhiên, phần lớn người Trung Quốc đưa tài sản ra bên ngoài theo cách bất hợp pháp hoặc nằm trong hệ thống kinh tế ngầm. Trung Quốc kiểm soát dòng vốn rất chặt. Công dân nước này thường không được phép mang quá 50.000 USD ra khỏi quốc gia. Vì thế, họ đã mang đi chính xác bao nhiêu tiền là số liệu rất khó nắm được.
Thời gian gần đây, người Trung Quốc đua nhau đầu tư ra nước ngoài. Trong 12 tháng, tính đến hết tháng 3, nhà giàu nước này đã mua tổng cộng hơn 8 tỷ USD bất động sản Mỹ, theo Hiệp hội bất động sản nước này. Zhang Xin – một trong những phụ nữ giàu nhất Trung Quốc, đồng thời là CEO hãng bất động sản SOHO China cũng mua một căn nhà ở Manhattan (Mỹ) với giá 26 triệu USD.
Nhà giàu nước này còn đổ tiền vào các bộ sưu tầm và tác phẩm nghệ thuật. Wang Jianlin, người giàu nhất Trung Quốc, đồng thời là nhà sáng lập hãng bất động sản Dalian Wanda tháng trước đã mua một bức tranh của Picasso trong phiên đấu giá của Christie’s với 28 triệu USD. Theo các nhà đấu giá và phòng triển lãm, khách Trung Quốc luôn rất mạnh tay trong các sự kiện như thế này.
Kim cương và rượu vang cũng không phải ngoại lệ. Các nhà buôn cho biết hơn nửa số kim cương được Christie’s đấu giá ngày hôm qua thuộc về người mua Trung Quốc. Hôm 23/11, thùng rượu vang đắt nhất thế giới với các chai Romanée-Conti năm 1978 cũng được bán tại Hong Kong (Trung Quốc) với giá 476.000 USD cho một người Trung Quốc.
Hà Thu
 
 
Thứ tư, 13/3/2013 17:20 GMT+7

Nữ tỷ phú Trung Quốc mua tòa nhà đắt nhất nước Mỹ

CEO hãng bất động sản SOHO China - Zhang Xin đang tham gia đàm phán mua 40% tòa nhà General Motors Building ở New York. Công trình này được định giá 3,4 tỷ USD.
> Nhà giàu Trung Quốc tập làm từ thiện
>6 nữ tỷ phú tự thân giàu nhất Trung Quốc
Theo Wall Street Journal, một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc, dẫn đầu bởi Zhang Xin - CEO Công ty bất động sản SOHO China, đã gần đạt thỏa thuận mua 40% tòa nhà của General Motors - GM Building tại New York (Mỹ). Công trình này được định giá 3,4 tỷ USD và hiện là tòa nhà đắt nhất nước này.
Zhang Xin năm nay 47 tuổi và là một trong những nữ tỷ phú tự thân giàu nhất Trung Quốc. Công ty của cô là hãng bất động sản lớn nhất nước này. Theo Forbes, Zhang hiện sở hữu 3,6 tỷ USD và là người giàu thứ 15 tại Trung Quốc.
Zhang Xin - Nhà sáng lập kiêm CEO SOHO China. Ảnh: Forbes
Zhang Xin - Nhà sáng lập kiêm CEO SOHO China. Ảnh: Forbes
Zhang lớn lên trong cảnh nghèo khó cùng người mẹ đơn thân. Năm 14 tuổi, bà đến Hong Kong làm việc trong một dây chuyền sản xuất quần áo. 5 năm sau, Zhang tiết kiệm đủ tiền để bay đến Anh, theo học Đại học Cambridge trước khi làm việc tại Goldman Sachs New York.
Năm 1995, Zhang quay về Trung Quốc và thành lập một công ty bất động sản với chồng mình là Pan Shiyi. Một thập kỷ sau, SOHO China đã trở thành công ty bất động sản lớn nhất nước này. Năm 2012, lợi nhuận công ty này là 3,34 tỷ NDT (537 triệu USD), gấp đôi năm trước.
Zhang và chồng cô chỉ là một trong số những nhà đầu tư Trung Quốc đang tăng cường rót tiền vào bất động sản Mỹ. Sự đổ bộ ồ ạt của họ được giới quan sát ví như cơn sốt của giới đầu tư Nhật Bản thập niên 80. Khi ấy, Trung tâm Rockerfeller tại New York cũng bị bán cho Công ty bất động sản Mitsubishi.
Hai vợ chồng Zhang hiện sở hữu một căn hộ gần Central Park (New York, Mỹ). Năm 2011, họ cũng mua 49% Park Avenue Plaza ở Manhattan với giá 600 triệu USD. Theo Wall Street Journal, Zhang tham gia thương vụ GM Building với tư cách cá nhân và không liên quan đến SOHO China.
Tòa nhà này cao 215m, lát cẩm thạch trắng và nằm ở phía Đông Nam Central Park. Đây là nơi có giá thuê văn phòng thuộc hàng top ở khu Manhattan. GM Building có cửa hàng đồ chơi của FAO Schwarz và cả Apple Store. Được xây dựng bởi hãng sản xuất ôtô GM năm 1968, tòa nhà này từng thuộc về tỷ phú Donald Trump. Năm 2008, Boston Properties và một nhóm nhà đầu tư Trung Đông đã mua lại GM Building với giá 2,8 tỷ USD.
Thùy Linh (theo WSJ)
 
 
Thứ tư, 6/11/2013 12:00 GMT+7

Tài phiệt Trung Quốc đua mua nhà ở Thung lũng Silicon

Trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới đang đón nhận làn sóng đầu tư bất động sản từ Trung Quốc, khiến giá nhà tại đây tăng 27% sau 2 năm và chưa có dấu hiệu chững lại.
silicon-valley-7208-1383711337.jpg
Thung lũng Silicon là nơi tập trung những công ty công nghệ hàng đầu thế giới, đồng thời là điểm đến hứa hẹn của nhiều người giàu Trung Quốc đang tìm kiếm cuộc sống tốt hơn.
Thung lũng Silicon đang thay đổi nhanh chóng nhờ sự phát triển của các công ty công nghệ và những đợt IPO đình đám. Kéo theo đó, khu vực bước vào giai đoạn bùng nổ bất động sản và thu hút được làn sóng người mua lắm tiền nhiều của từ Trung Quốc. Theo số liệu từ hạt Santa Clara (bang California), trong 2 năm qua giá nhà tại Silicon đã tăng 27%.
Ken DeLeon, một trong những nhà môi giới bất động sản thành công nhất nước Mỹ cho biết ông đã hoàn thành nhiều hợp đồng với tổng trị giá 300 triệu USD trong năm nay và cho rằng chưa bao giờ thị trường lại nóng như vậy. DeLeon chia sẻ, năm ngoái ông bán hơn 20 dinh thự xa xỉ tại khu Palo Alto cho những người mua đến từ Trung Quốc (kể cả Hong Kong và Đài Loan). Hầu hết trong số này tìm kiếm những căn nhà có tầm giá từ 2 triệu USD trở lên.
Công việc kinh doanh tốt đến mức Ken đã phải mua hẳn một chiếc xe bus để chở các vị khách Trung Quốc của mình đi xem nhà quanh thung lũng. "Họ là những khách hàng nghiêm túc, một số mua căn nhà bình thường nằm trên khu đất lớn rồi chi tiền cải tạo, có người phá luôn nhà cũ, đào hầm sâu rồi xây cơ ngơi mới cao hơn", DeLeon cho hay.
Việc người giàu Trung Quốc mua nhà ở Mỹ, không riêng gì Thung lũng Silicon, đã trở thành một xu hướng mới. Theo Hiệp hội Các nhà bất động sản quốc gia Mỹ, Trung Quốc là nhóm nhà đầu tư quốc tế lớn thứ 2 đổ tiền vào địa ốc tại đây, chỉ sau Canada. Một nghiên cứu cho thấy phía Bắc bang California là khu vực được người Trung Quốc ưa thích nhất.
Các nhà môi giới bất động sản và giới xây dựng cho rằng thời gian tới giá nhà tại Thung lũng Silicon tiếp tục tăng do nhu cầu từ những người Trung Quốc. Fred Lam, chuyên viên của công ty bất động sản Alain Pinel Realtors (tại Palo Alto) cho hay, khách hàng từ quốc gia châu Á này thường muốn xây nhà mới hoàn toàn, sử dụng các vật liệu cao cấp và đầy đủ đồ đạc.
Theo CNBC, các chuyên gia trong ngành nhận xét nhiều gia đình Trung Quốc muốn chuyển đến đây vì cho rằng cuộc sống tốt hơn như thời thiết, giáo dục và môi trường ít ô nhiễm hơn so với Bắc Kinh.
Khánh Linh
 
 
Thứ ba, 25/12/2012 11:57 GMT+7

Nhà giàu Trung Quốc chuộng quản gia Anh

Chất giọng chuẩn, phong cách lịch lãm và khả năng làm việc chuyên nghiệp, quản gia Anh đang được giới siêu giàu Trung Quốc và Nga săn đón với mức lương trên 160.000 USD mỗi năm.
> Dịch vụ cho giới siêu giàu
> Nhà giàu Trung Quốc mê xe đạp siêu sang
Bertold Wiesner từng là diễn viên, tuy nhiên, anh đã chuyển sang làm quản gia từ vài năm trước với mức lương hơn 100.000 bảng (161.200) một năm. Với ngoại hình bảnh bao, người đàn ông 33 tuổi đến từ Suffolk (Anh) này cho rằng kinh nghiệm diễn xuất của anh rất "hoàn hảo" để trở thành một quản gia. Anh giải thích: "Bạn phải đeo một chiếc mặt nạ nếu muốn làm tốt công việc này 24h trong ngày và 365 ngày mỗi năm".
Theo Hiệp hội Quản gia chuyên nghiệp quốc tế, những năm 1930, số quản gia tại Anh là 30.000 người. Con số này đã giảm mạnh xuống còn 100 thập niên 80. Tuy nhiên, nhu cầu này hiện lại tăng lên nhanh chóng nhờ các nền kinh tế mới nổi như Nga và Trung Quốc.
sdvv
Bertold Wiesner được trả hơn 161.000 USD mỗi năm. Ảnh: BBC
Chủ tịch hiệp hội này, ông Robert Wennekes cho biết Anh hiện có khoảng 10.000 quản gia. Trong đó, 25% là nữ. Ông nói: "Nghề quản gia đang rất thịnh hành khi các nước như Trung Quốc hay Nga đều có nhu cầu nhân lực chất lượng cao". Quản gia hiện đại có thể còn kiêm luôn các công việc như chăm sóc nhà cửa, trợ lý cá nhân, đầu bếp và cả vệ sĩ.
Sara Vestin, Giám đốc trung tâm tuyển dụng Bespoke Bureau cho biết: "Họ chuộng quản gia Anh vì chất giọng, sự lịch lãm và phong cách của người Anh". Bà tiết lộ nhu cầu quản gia đã lên cao đến mức họ phải mở tới 6 trường dạy quản gia tại Trung Quốc năm 2012.
Và dĩ nhiên, trong thời buổi thế giới ngày càng có nhiều tỷ phú, mức lương cho họ cũng rất hậu hĩnh. Wiesner nói rằng lương của anh có thể sắp lên trên 100.000 bảng. Anh cũng cho biết thêm: "Tôi nghe nói các nước Ảrập còn trả cao gấp 3,4 lần như vậy".
Các khoản ưu đãi khác dĩ nhiên cũng không tệ. Wiesner nói: "Rõ ràng là bạn được sống trong một biệt thự, có phòng xông hơi, bể bơi, bãi đỗ xe ngầm. Nhưng cũng đừng dùng chúng quá nhiều, trừ phi trời đã khuya hay chủ nhân không có ở nhà".
Tuy nhiên, quản gia cũng là một công việc không hề dễ dàng. Wiesner phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi việc, từ chuẩn bị quần áo đến mua đồ đạc trong nhà, kiểm tra đồng phục nhân viên, thậm chí là lái xe xuyên đêm chỉ để mua một chiếc đĩa mới thay cho cái cũ bị vỡ.
Làm những việc tưởng chừng như không thể trong thời gian ngắn là một trong những yêu cầu quan trọng của quản gia hiện đại. Đó cũng là lý do Weisner cảm thấy mình phù hợp với nghề này hơn là diễn viên. Anh cho rằng nghề quản gia sẽ bùng nổ trong tương lai khi thế giới ngày càng trọng kinh tế. Wiesner còn dự định mở một trường dạy quản gia của riêng mình. Anh nói: "Các thị trường mới nổi như Trung Quốc và một số nước châu Mỹ đều muốn có quản gia Anh".
Công việc thường ngày của một quản gia:
5h: Lấy báo và bánh mì, xếp bàn ăn sáng, sắp xếp phòng tắm và chuẩn bị quần áo cho chủ nhân
11h: Lái xe đưa chủ nhân đi họp và làm việc vặt khác trong cả ngày
16h30: Mang trà và bánh cho khách
18h30: Chuẩn bị họp và ghi biên bản
20h30: Cho thú nuôi ăn, uống và đi dạo
22h: Dọn ống khói và chuẩn bị lò sưởi cho hôm sau
1h: Kiểm tra an ninh trước khi đi ngủ
Thùy Linh (theo BBC)
 
 
Thứ ba, 22/1/2013 14:28 GMT+7

Nhà giàu Trung Quốc đổ xô sang châu Âu mua đồ xa xỉ

Nhiều người Trung Quốc cho rằng mua một chiếc túi Louis Vuitton ở Paris thì “sang” hơn nhiều so với mua tại Trung Quốc.
> Trung Quốc tiêu thụ 25% hàng xa xỉ thế giới
> Nhà giàu Trung Quốc sính đồ da và siêu xe
Khách thăm quan trước cửa hàng Prada tại Paris. Ảnh: Bloomberg
Khách thăm quan trước cửa hàng Prada tại Paris. Ảnh: Bloomberg
Tới Paris để chiêm ngưỡng Mona Lisa đã là chuyện của quá khứ. Ngày càng đông du khách Trung Quốc đến vì ưa chuộng những cửa hàng xa xỉ như Galeries Lafayette. Mckinsey & Co cho biết đến năm 2015, châu Âu nằm trong top địa điểm du lịch cho khoảng 94 triệu khách từ Trung Quốc đại lục. Hành trình của họ sẽ xen những chuyến thăm quan ngắn đến tháp Eiffiel hay bảo tàng Louvre giữa hàng loạt cuộc mua sắm dài ngày tại các cửa hiệu đồ xa xỉ.
Dù châu Âu phải đối mặt thêm một năm suy thoái kinh tế, việc khách du lịch Trung Quốc biến kỳ nghỉ thành những hành trình mua sắm đã vực lại ngành bán lẻ khu vực này và đem triển vọng tươi sáng đến một loạt thương hiệu, từ Prada đến Gucci. McKinsey ước tính năm 2012, một phần năm lượng khách hàng cao cấp Trung Quốc đã mua sắm ở châu Âu và con số này sẽ tăng lên một phần ba trong năm 2013.
Erwan Rambourg, phụ trách nghiên cứu ngành bán lẻ và người tiêu dùng tại HSBC Hong Kong cho biết người Trung Quốc đang mua sắm ở nước ngoài nhiều hơn trong nước. Họ quan niệm mua một chiếc túi Louis Vuitton ở Paris “sang” hơn hẳn mua tại Trung Quốc.
Châu Âu đang tích cực chào đón nguồn khách hàng dồi dào này. Mùa hè năm ngoái, trung tâm mua sắm Harrods ở khu "nhà giàu" Knightsbridge tại London đã trang trọng đặt tấm biển chào đón du khách Trung Quốc tại lối vào, và các nhân viên đeo huy hiệu với dòng chữ “Tôi có thể giúp gì cho quý khách” bằng tiếng Trung. Theo giám đốc tài chính Stacey Cartwright của Burberry, tập đoàn này đã tăng gấp đôi lượng nhân viên nói tiếng Trung ở châu Âu trong 12 tháng vừa qua.
Value Retail là trung tâm mua sắm sành điệu với 9 chi nhánh ở châu Âu, cung cấp những thương hiệu tên tuổi từ Dolce & Gabbana đến Jimmy Choo. Ông Desiree Bollier, Tổng giám đốc trung tâm cho biết chuỗi cửa hàng này dành sự ưu ái đặc biết đối với du khách Trung Quốc.
Vào ngày 18/1, Value Retail đã mở thêm một chi nhánh ở Madrid để phục vụ 1.500 du khách Trung Quốc, cũng như thêm vào menu nhà hàng ở đây những món ăn nhanh như mỳ Ý và salad sau khi quan sát các vị khách từ đại lục không muốn các bữa ăn lấn thời gian mua sắm. Hiện công ty đang tích cực trang trí cho dịp tết nguyên đán.
Theo khảo sát của Global Blue, nhà điều hành điểm hoàn thuế cho khách lữ hành lớn nhất thế giới, các du khách Trung Quốc thường mua sắm tới 11.000 euro (14.700 USD) trong mỗi chuyến thăm quan tới châu Âu, Hong Kong hay Singapore. Một báo cáo khác từ trung tâm nghiên cứu quốc tế HSBC cho biết Trung Quốc chiếm 25% lượng tiêu dùng xa xỉ của thế giới, tăng 10% so với ba năm trước.
Thuế nhập khẩu vào Trung Quốc đối với hàng cao cấp, cũng như việc giảm thuế tại các nước châu Âu cho du khách nước ngoài là nhân tố kích thích du khách Trung Quốc mua sắm. Theo bộ thương mại nước này, giá thành 20 sản phẩm xa xỉ ở Trung Quốc, bao gồm túi xách và đồng hồ, cao hơn tới 72% so với Pháp và 45% so với Hong Kong.
Những khách hàng với túi tiền eo hẹp hơn và nhắm đến những món đồ khiêm tốn hơn như thắt lưng hay túi xách nhỏ sẽ thay thế đổ vào Hong Kong. Theo thống kê từ chính phủ Trung Quốc, mỗi tháng 3 triệu du khách từ đại lục ghé thăm hòn đảo với 7 triệu dân này.
Theo UBS, du khách Trung Quốc giàu có chuộng châu Âu và Mỹ hơn Hong Kong, bởi trải nghiệm mới lạ mà những khu vực xa hơn đem lại. Nhà phân tích Spencer Leung của UBS nhận định: “Nếu bạn đã thăm Hong Kong ba lần một năm trong ba năm vừa qua, bạn có thể lên kế hoạch cho chuyến đi sắp tới tại một điểm đến khác”.
Summer Xia, một giám đốc tài chính 35 tuổi từ Chiết Giang cho biết mua sắm ở Hong Kong đã trở nên nhàm chán. Thay vì thế, cô tới châu Âu hoặc Mỹ ít nhất một lần mỗi năm và có thể tiết kiệm tới 40% chi phí trên một số mặt hàng. Xia dành khoảng 300.000 NDT (48.000 USD) cho mỗi chuyến đi. Những món đồ cô từng mua bao gồm nữ trang kim cương Harry Winston và túi xách Hermes Birkin đỏ trị giá 80.000 NDT.
Credit Suisse dự đoán những du khách như Xia sẽ đóng góp 1/3 doanh thu hàng cao cấp ở Tây Âu trong năm nay. Điều này sẽ giúp ngăn chặn ngành bán lẻ khu vực đồng euro khỏi một năm suy giảm kinh tế, vốn được ngân hàng thế giới dự đoán với tỷ lệ 0,1%.
Doanh thu của Prada tăng hơn 40% ở châu Âu trong 9 tháng đầu năm 2012, tăng gấp đôi chi nhánh ở khu vực Nam Á và Trung Quốc đại lục. Cùng kì, doanh thu của Louis Vuitton châu Âu tăng 9%, vượt tỷ lệ 5% ở châu Á.
Chứng khoán của Prada ở Hong Kong đã tăng 53% trong sáu tháng vừa qua. Chứng khoán LVMH Moet Hennessy, cha đẻ của Louis Vuitton tăng 20% ở Paris và tỷ lệ này ở PPR (công ty của Gucci, Yves Saint Laurent…) là 43%.
CEO của Prada Donatello Galli đánh giá việc du khách Trung Quốc chuyển hướng đến châu Âu là một xu hướng mạnh mẽ hiện nay.
Sự thành công của ngành hàng cao cấp châu Âu cũng có những mặt trái, một trong số đó là việc các gian hàng ở Trung Quốc trở nên vắng khách. Rambourg từ HSBC cho biết để thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc, Louis Vuitton đã tăng giá 8% ở châu Âu từ ngày 1/10 năm ngoái. Dù vậy nếu tăng giá quá cao, các công ty có thể gặp rủi ro mất khách nội địa. Ông nhận xét họ không muốn chỉ nhắm đến các vị khách Trung Quốc, Brazil hay Indonesia trong 15 năm tới. Họ muốn là những thương hiệu quốc tế và phục vụ tất cả khách hàng từ tất cả các nước. Đó là khi họ có thể thể hiện năng lực kiểm soát giá của mình.
Duy Tùng (Theo Bloomberg)

http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/quoc-te/nha-giau-trung-quoc-do-xo-sang-chau-au-mua-do-xa-xi-2725796.html

Chủ nhật, 9/9/2012 05:06 GMT+7

Trung Quốc tiêu thụ 25% hàng xa xỉ thế giới

Tuy nhiên, đa phần người dân ở đây lại chọn mua hàng hiệu tại nước ngoài do thuế thấp, dịch vụ tốt, ít hàng giả và có thể tận dụng lợi thế tỷ giá.
> Đồ xa xỉ bán giá 'trên trời' tại Trung Quốc
> Các nhãn hiệu xa xỉ chi bộn để chiều khách Trung Quốc
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng HSBC cho thấy gần một phần tư hàng xa xỉ trên thế giới đang được tiêu thụ bởi người dân Trung Quốc. Năm 2007, tỷ lệ này mới chỉ là 5%.
Các nhà phân tích tại HSBC nhận định: "Chúng tôi không cho rằng phân khúc hàng xa xỉ ở đây đã gần bão hòa. Trung Quốc hiện là thị trường hàng đầu vì các nhãn hiệu ở đây vẫn liên tục có khách hàng mới". Thêm vào đó, việc các hãng mở thêm nhiều chi nhánh tại thành phố nhỏ hơn cũng góp phần tăng doanh thu cho hàng cao cấp. Đây là lần đầu tiên những thương hiệu xa xỉ này đặt chân đến các thành phố không phồn hoa như Paris hay San Francisco.
Các nhãn hiệu xa xỉ ở Trung Quốc vẫn luôn thu hút nhiều khách hàng mới. Ảnh: China Daily
Các nhãn hiệu xa xỉ ở Trung Quốc vẫn thu hút nhiều khách hàng mới. Ảnh: China Daily
Yếu tố văn hóa cũng đóng vai trò tương đối lớn. Như các nước phát triển khác, khi tầng lớp trung lưu và thượng lưu ngày càng tăng lên, họ sẽ có nhu cầu phô trương và tiêu dùng. HSBC nhận định: "Ở nhiều thành phố hạng hai, độ nhận diện thương hiệu của người dân vẫn còn thấp. Tuy nhiên, họ lại chi rất mạnh tay cho hàng xa xỉ, hơn hẳn người dân châu Âu".
Số liệu của HSBC cũng chỉ ra người Trung Quốc chủ yếu mua hàng ngoài đại lục, vì thuế VAT thấp hơn và có thể tận dụng biến động tỷ giá. Trên thực tế, chỉ 10% hàng xa xỉ được mua tại Trung Quốc, nhưng công dân nước này lại đóng góp tới 25% doanh thu hàng xa xỉ toàn cầu.
Tuy nhiên, thuế thấp không phải là lý do duy nhất khiến người dân nước này chuộng ra nước ngoài mua hàng. Trên thực tế, dịch vụ tại các thị trường xa xỉ truyền thống thường tốt hơn, và nạn hàng giả cũng không phổ biến như ở Trung Quốc. Thêm vào đó, họ thường kết hợp mua sắm với du lịch nước ngoài, đặc biệt là vào các kỳ nghỉ. Báo cáo của HSBC cho thấy ở Australia, chi tiêu trung bình của du khách Trung Quốc là 3.000 USD. Trong khi đó, người dân ở Mỹ và châu Âu chỉ chi bằng một phần ba.
HSBC cũng bày tỏ lo ngại về khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng tại Trung Quốc. Các nhà phân tích cho biết: "Khi một đất nước đang vật lộn với GDP bình quân đầu người thấp, thì căng thẳng giữa những người thu nhập cao và thấp sẽ rất dễ nảy sinh. Giới giàu có thích khoe khoang tài sản và địa vị xã hội chắc chắn sẽ khiến người nghèo nổi giận".
Hà Thu (theo CNN)

http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/quoc-te/trung-quoc-tieu-thu-25-hang-xa-xi-the-gioi-2722372.html

 


 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten