Trên đây là lời thú nhận của một người đàn ông từng làm việc tại một cơ sở sản xuất rượu theo phương pháp “thần kỳ” nói trên với báo Tuổi Trẻ. Ông này xin được giấu tên cho biết, mọi loại vật liệu sản xuất đều có sẵn tại chợ Kim Biên, quận 5, Sài Gòn. Công thức sản xuất này gồm nước lã, cồn kỹ nghệ, hương liệu nếp, hương liệu chuối, hương liệu trái cây và bột.
Người nấu rượu theo phương pháp thần kỳ tại một cơ sở tư nhân. (Hình: báo Thanh Niên)
|
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời của ông V. nói thêm rằng để sản xuất 20 lít rượu trắng chứa đầy can, chủ cơ sở chỉ tốn khoảng 1.6 triệu đồng, tương đương 60 đôla. Người bán rượu dởm còn dặn dò rằng đó là rượu dởm có nồng độ 95, muốn có loại rượu nồng độ bao nhiêu thì cứ việc pha vào bấy nhiêu nước lã.
Một chủ cơ sở bán rượu “dởm” thú nhận rằng, rượu “dởm” lại có mùi thơm ngào ngạt và hấp dẫn hơn cả rượu thật. Một chủ lò rượu ở Bình Thuận còn tán tụng phương pháp sản xuất rượu thần kỳ nêu trên chỉ mất 1 phút, trong khi quy trình sản xuất rượu thật mất tới 10 ngày.
Báo Tuổi Trẻ cũng dẫn lời bà Đào Thị Yến Thuỷ, cán bộ Trung tâm dinh dưỡng Sài Gòn nói rằng các loại hoá chất, đặc biệt là cồn kỹ nghệ không được sử dụng trong việc chế biến thức uống. Theo bà, cồn kỹ nghệ này chứa methanol aldehyde, thủ phạm gây nên các vụ chết người hàng loạt vì ngộ độc rượu thời gian qua. Cũng theo bà Yến Thuỷ, những người may mắn được cứu sống cũng có thể bị mù mắt.
Một phúc trình trước đó của Trung tâm chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội cho biết, số bệnh nhân ngộ độc rượu từ đầu năm 2013 đến nay tăng gấp 6 lần so với vài năm trước đây. Phúc trình này nói rằng, ngộ độc rượu đang đứng hàng thứ năm trong các loại ngộ độc gây chết người tại Việt Nam, sau các vụ trúng thực, ngộ độc thuốc trừ sâu, thuốc gây nghiện…
Thời gian qua, các vụ ngộ độc rượu xảy ra nhiều nhất tại Sài Gòn và tỉnh Gia Lai. Tại tỉnh Ninh Thuận hôm 3 tháng 5, 2013 vừa qua, có đến 5 người thiệt mạng vì một vụ ngộ độc rượu. (PL)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten