woensdag 16 januari 2013

Việt-Trung-Xô thời chiến và thời nay

Việt-Trung-Xô thời chiến và thời nay


Cập nhật: 16:39 GMT - thứ hai, 31 tháng 12, 2012

Tuần hành ở Moscow năm 1968 ủng hộ Bắc Việt Nam chống Mỹ
Tuần hành ở Moscow năm 1968 ủng hộ Bắc Việt Nam chống Mỹ
Nhân kỷ niệm 40 năm trận ‘Điện Biên Phủ trên không’ tháng 12/1972-2012, lãnh đạo Việt Nam đã đón các phái đoàn quân sự Nga và Trung Quốc để cảm ơn sự giúp đỡ của các cựu đồng minh thời chiến nhưng với các thông điệp khác nhau trước nhu cầu an ninh khu vực khác trước.
Trung tướng Viktor Bondarev, Tư lệnh Không quân Liên bang Nga và Thiếu tướng Vương Nghĩa Sinh, Phó Tham mưu trưởng Không quân Trung Quốc đã được cả Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, đón tiếp hôm 29/12 vừa qua.
Nhân dịp này, BBC xin giới thiệu lại một số tư liệu lịch sử nước ngoài về sự tham gia của Liên Xô và Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là trong các trận chiến phòng không, không quân trên miền Bắc chống lại Không lực Hoa Kỳ.

Hàng vạn quân Trung Quốc

Bob Seals trong một bài đăng trên trang Military History hồi 2008 đã trích nhiều từ các tác giả Trung Quốc có sách xuất bản ở Phương Tây, Địch Cường (Qiang Zhai) và Lý Tiểu Binh (Li Xiaobing) viết rằng Bắc Kinh tiếp tục hỗ trợ cho Hà Nội sau chiến tranh Đông Dương lần 1 dù viện trợ quân sự giai đoạn chiến tranh Đông dương lần 2 (1965-1975) có mục tiêu chính trị khác trước.
Đặc biệt, sự dính líu quân sự của Trung Quốc vào thời gian chiến tranh Mỹ Việt khác cuộc chiến Pháp Việt ở chỗ có sự hiện diện của hàng vạn quân Trung Quốc ở miền Bắc Việt Nam, chủ yếu trong các binh chủng công binh và phòng không.
"Đỉnh điểm của sự can dự từ phía Trung Quốc vào cuộc chiến Việt Nam là năm 1967, khi tổng số lực lượng phòng không lên tới 17 sư đoàn, với 150 nghìn quân"
“Tài liệu tối mật của CIA ghi nhận bảy đơn vị lớn của Quân Giải phóng Trung Quốc (PLA) tại Bắc Việt, gồm sư đoàn phòng không 67, và con số ước tính 25 đến 45 nghìn quân tác chiến Trung Quốc cả thẩy.
"Ngoài phòng không, PLA còn cung cấp tên lửa, đạn pháo, hậu cần, đường xe lửa, xe phá mìn và các đơn vị công binh hàn gắn lại cơ sở hạ tầng bị các đợt oanh kích của Hoa Kỳ phá hủy.”
Giới nghiên cứu lịch sử chiến tranh Việt Nam cho rằng đây là vai trò rất quan trọng vì từ năm 1965 đến 1972, Hoa Kỳ đã ném hơn một triệu tấn bom xuống miền Bắc Việt Nam.
Sau chiến tranh chỉ còn lại chút ít dấu tích các điểm phòng không với vũ khí Trung Quốc ở Việt Nam
Đỉnh điểm của sự can dự từ phía Trung Quốc vào cuộc chiến Việt Nam là năm 1967, khi tổng số lực lượng phòng không lên tới 17 sư đoàn, với 150 nghìn quân.
Bài trên Military History cũng nói phía Trung Quốc cho rằng họ đã bắn hạ 1707 máy bay Mỹ trên vùng trời Việt Nam.
Nhưng dù trước đó, ông Hồ Chí Minh đã đề nghị ông Mao Trạch Đông trợ giúp quân sự, quan hệ Trung – Việt có chiều hướng xấu đi từ 1970 vì lý do bất đồng quanh Hòa đàm Paris.
Ngoài ra, quan hệ Trung - Việt cũng chịu ảnh hưởng của bang giao Trung – Xô không còn tốt, với việc tiếp cận Washington của Bắc Kinh, và Trung Quốc bắt đầu rút dần quân của họ về nước.
Dù vậy, Bắc Kinh lại tiếp tế mạnh cho Hà Nội từ sau chiến dịch Xuân – Hè 1972 (Hoa Kỳ gọi là Easter Offensive, hay Mùa Hè Đỏ Lửa theo cách gọi của Việt Nam Cộng hòa), khi lực lượng cộng sản miền Bắc thiệt hại nặng, mất tới 450 xe tăng và chừng 100 nghìn quân.
Đợt tấn công của quân Bắc Việt ở miền Nam bằng 20 sư đoàn, đông hơn số quân Tướng Patton chỉ huy thời Thế chiến 2 tại châu Âu, đã phải trả một cái giá khủng khiếp, theo đánh giá của Hoa Kỳ.
Nhưng từ năm 1973, Trung Quốc lại cung cấp cho Việt Nam về vũ khí và xe tăng đủ phục hồi 18 sư đoàn, góp phần vào trận tấn công cuối cùng, đem lại thắng lợi cho Hà Nội vào tháng 4/1975.

Quân Liên Xô bắn máy bay Mỹ

Từ sau Chiến tranh Lạnh đã bắt đầu xuất hiện tin tức hoặc sử liệu nói về sự hiện diện của quân đội Liên Xô tại miền Bắc Việt Nam.
Hồi 2008, nhân chuyện Thượng nghị sỹ John McCain ra tranh cử tổng thống Mỹ, hãng tin Nga (RIA Novosti) đưa tin một cựu phi công Liên Xô, ông Bấm Yury Trushvekin, nói chính ông là người đã bắn hạ phi cơ của ông John McCain trên bầu trời Hà Nội năm 1967.
Ông John McCain thăm lại Hà Nội, nơi có trưng bày ảnh ông bị bắn rơi năm 1967
Nhưng hãng tin Nga cũng nói sự hiện diện của quân đội Liên Xô tại Bắc Việt Nam hồi đó “chưa bao giờ được công nhận chính thức” dù sau khi Liên Xô tan rã các nhóm “cựu chiến binh từ Việt Nam’ của Nga vẫn làm lễ kỷ niệm không chính thức.
Có vẻ như khác với người Trung Quốc, các sỹ quan và binh sỹ Liên Xô đã tác chiến cùng đồng đội Việt Nam, như theo lời kể của ông Trushvekin.
Trong một bài gần đây trên trang Bấm topwar.ru bằng tiếng Nga được một số trang mạng tiếng Việt dịch lại, một cựu sỹ quan Nga khác đã xác nhận chuyện cùng chiến đấu và sinh hoạt với bộ đội Việt Nam.
Ông Nicolai Kolesnhik, một cựu chiến binh Nga ở Việt Nam, trả lời trang web của Nga, nói từ năm 1965, ông cùng các đơn vị Liên Xô tham gia phòng thủ Bắc Việt Nam bằng tên lửa chống lại không quân Hoa Kỳ.
Ông Kolesnhik cũng nói về sự giúp đỡ quân sự của Liên Xô rất lớn "khoảng hai triệu USD một ngày trong suốt tất cả những năm chiến tranh" và trong đó vũ khí, khí tài chiếm số lượng lớn.
"Hai nghìn xe tăng, bảy nghìn pháo và súng cối, hơn năm nghìn súng cao xạ phòng không, 158 tổ hợp tên lửa phòng không, hơn 700 máy bay, 120 máy bay trực thăng, hơn 100 tàu chiến," ông Koleshnik nói.
Ông cũng cho biết: "Từ tháng 7/1965 đến cuối 1974 gần 6500 nghìn sĩ quan và tướng lĩnh và hơn 4500 binh lính hạ sĩ quan của các lực lượng vũ trang Liên Xô tham gia tác chiến tại Việt Nam."
Trung tướng Phạm Tuân và các khách Nga thăm Hà Nội nhân kỷ niệm trận đánh nổi tiếng Linebacker II/Điện Biên Phủ trên không
Nhưng nếu như sự hiện diện quân sự của Trung Quốc không còn sau cuộc chiến Mỹ - Việt, Liên Xô tiếp tục có mặt về quân sự dù ít hơn về quân số tại Việt Nam và ở cả Campuchia trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương lần thứ ba.
Liên Xô cũng hỗ trợ nước Việt Nam thống nhất dưới chế độ cộng sản và là thành viên khối Hiệp ước Warsaw do Moscow chỉ đạo chống trả lại cựu đồng minh là Trung Quốc trong giai đoạn xảy ra xung đột biên giới Việt - Trung năm 1979.
Và ngày nay, với căng thẳng trên Biển Đông lên cao, Hà Nội tiếp tục mua các vũ khí tối tân trị giá hàng tỷ USD từ Moscow để phòng thủ biển đảo.
Thăm lại Hà Nội nhân dịp 40 năm đợt không tập của Hoa Kỳ, Trung tướng Nga, Anatoly Ivanovich Khiupenen, trưởng đoàn cố vấn quân sự Liên Xô tại Việt Nam từ 1972 đến 1975, tin tưởng rằng ngày nay "không nước nào có thể thắng cuộc chiến tại Việt Nam", theo Bấm báo chí nước chủ nhà.
Có vẻ như sự trở lại của người Nga giúp Hà Nội tự tin hơn một khi có xảy ra xung đột trong khu vực Đông Nam Á, nơi Trung Quốc đang có những động thái nhằm làm chủ các vùng biển tranh chấp với Việt Nam và một số nước Asean.


Thêm về tin này

Geen opmerkingen:

Een reactie posten