Những 'lính đảo' đặc biệt ở Trường Sa
Từ đất liền ra đảo, những con khuyển ở Trường Sa (Khánh Hòa) được coi như "người lính” đặc biệt vì chúng làm bạn với lính đảo và giúp các anh canh giữ biển trời của tổ quốc.
Khắp các đảo chìm, đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa đều có những
“tiểu đội” chó. Mỗi khi có tàu thuyền cập cầu cảng, đàn chó lại chạy ra dàn hàng
đứng chào, luýnh quýnh vẫy đuôi như cảm nhận được hơi ấm từ đất liền. Có con
phấn khích nhảy ùm xuống biển trổ tài bơi lội.
Ghé đảo chìm Núi Le, nhiều người ngạc nhiên vì chỉ một chó đực
và hai chó cái được đứng ngoài cánh cửa, gần 30 con khác đứng ở phía trong nhà.
Một anh lính đảo giải thích, con chó đực đóng vai trò đầu đàn và khi đã ra
“luật” thì tất cả đàn phải tuân theo.
Bốp oai phong thể hiện vai trò thủ lĩnh tại đảo Núi Le. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Thiếu úy Nguyễn Bá Hoàng cho biết, con chó đầu đàn tên Bốp. Theo
chân người lính công binh ra đảo để coi giữ vật liệu xây dựng, Bốp rất nhanh
nhẹn, dáng oai phong nên được tặng lại cho đảo rồi giữ chức “đảo trưởng” của đàn
chó.
Hàng ngày, Bốp thể hiện vai trò thủ lĩnh bằng việc dạy cho “đàn
em” cách phát hiện vật lạ, xuống biển bắt cá giúp bộ đội… Khi thấy lính đảo ra
đón tiếp khách, chó vẫy đuôi mừng. Nhưng khi phát hiện có chiếc xuồng nhỏ từ xa
tiến lại (xuồng của điểm đảo chìm bên cạnh tới nhận hàng Tết), cả đàn chạy ra
sát mép nước kêu inh ỏi.
Binh nhất Trần Văn Kết, 21 tuổi, làm nhiệm vụ trên đảo Núi Le
kể, việc huấn luyện chó đảo không quá khó. Thường bộ đội chỉ dạy cho con thủ
lĩnh để về “truyền đạt” cho đàn. Không rõ cách “phố biến” của Bốp như thế nào
nhưng từ khi được “quán triệt” không đi vệ sinh trên các lối đi, tất cả đàn chó
đều xuống bờ kè ven biển. Sóng biển dâng lên cuốn trôi mọi thứ, bộ đội chưa bao
giờ phải dọn vệ sinh cho chó.
Mỗi đảo đều nuôi 30-50 con chó và thường xuyên được luân chuyển
để tránh tình trạng anh em “cưới nhau” sẽ lụi giống. Việc sinh sản của chó ban
đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng về sau lính đảo có kinh nghiệm hơn nên số lượng
chó ngày một tăng. Như đảo Len Đao năm vừa qua đã nhân giống thành công 3 lứa và
vừa đón thêm 11 thành viên. “Con nào cũng khỏe mạnh, anh em đang tìm tên để đặt
cho chúng”, một anh nuôi trên đảo cho biết.
Chó đảo Trường Sa trổ tài với nước. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Chuyện đặt tên cho chó đôi khi cũng bi hài. Như ở đảo Núi Le có
chú chó mang tên Cô Đơn vì một đàn 5 con từ đất liền ra đảo nhưng duy nhất con
màu lông chuột này sống sót. Hay như ở đảo Sinh Tồn Đông, có nhiều con chó mang
tên ca sĩ trong đoàn văn công từng ghé đảo. Không may là có lần ca sĩ này ghé
đảo, biết tên mình được dùng để đặt cho chó nên giận. Khi được bộ đội giải thích
đặt tên như vậy vì thể hiện sự quý mến, mọi người lại cười giòn tan.
Mỗi khi bộ đội đi tuần đêm, đàn chó đi theo thành hàng. Chó rất
tinh mắt, thính tai, có thể phát hiện vật lạ giữa bóng tối và tiếng sóng đổ ào
ào. “Nhiều con khi phát hiện người lạ thường không lên tiếng mà chạy xung quanh
bộ đội, hay tiến lại cào vào chân như ra ám hiệu”, thiếu úy Lê Đình Chức, đảo
Sinh Tồn kể. Nhiều khi bộ đội đi tuần tra bằng canô trên biển, chó cũng đi cùng.
Ban đầu nó bị say sóng, nhưng khi đã quen thì chẳng mấy khi chó đảo vắng
mặt.
Với lính đảo Trường Sa, những con khuyển như là bạn. Chiều đến,
bộ đội đi tắm biển, đàn chó cũng ùa ra tắm cùng. “Nhiều khi có chuyện buồn hay
nhớ nhà, mình lại tìm đến những con chó để tâm sự. Như hiểu được tiếng người,
chó luôn chăm chú đưa mắt nhìn, lắng nghe”, binh nhất Nguyễn Minh Chí (18 tuổi,
quê Bình Dương) vừa ra đảo Sinh Tồn làm nhiệm vụ kể.
Khoang vừa sinh thêm cho đảo Núi Le 11 thành viên mới. Ảnh: Nguyễn Đông |
Mỗi lần chó trên đảo bị ốm, bộ đội lại góp sữa theo tiêu chuẩn
được cấp để bón cho chúng ăn mau khỏe. Cuối năm 2011, “chúa đảo” Sinh Tồn là chú
chó tên Quyên lâm bệnh. Dù được cả đảo tận tình cứu chữa, nhưng do đã qua tuổi
20, Quyên mãi nằm lại với đảo. “Nhiều anh em đã bật khóc khi đưa Quyên đi chôn
cất”, thiếu úy Chức nói.
Theo nhiều lính đảo, có một điều lạ là nhiều người quý chó đảo
nên xin đưa về đất liền nuôi, nhưng có lẽ không chỉ vì thay đổi môi trường sống
mà chính những con chó nặng lòng nhớ đảo đã héo mòn mà chết.
Nguyễn Đông
Geen opmerkingen:
Een reactie posten