dinsdag 15 januari 2013

Chế độ một con là cản lực của tăng trưởng Trung Quốc

Thứ hai 14 Tháng Giêng 2013

Chế độ một con là cản lực của tăng trưởng Trung Quốc

Cảnh gia đình một con tại tỉnh Triết Giang (Trung Quốc). Ảnh chụp ngày 09/01/ 2013.
Cảnh gia đình một con tại tỉnh Triết Giang (Trung Quốc). Ảnh chụp ngày 09/01/ 2013.
REUTERS/William Hong

Mai Vân
Chính sách một con tại Trung Quốc phải chăng đã tạo ra cản lực lớn cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ? Nhật báo kinh tế Pháp Les Echos hôm nay 14/01/2013 đã dành hơn nửa trang báo để phân tích một báo cáo khoa học khẳng định giả thuyết trên. Bài báo mang tựa đề không một chút mập mờ : Trung Quốc, con một là trở ngại cho tăng trưởng ».

Thông tín viên Les Echos tại Bắc Kinh đã nhắc đến công trình nghiên cứu vừa được các nhà khoa học Úc công bố trên tạp san Science, theo đó thì thế hệ trẻ Trung Quốc thiếu bạo dạn trong lãnh vực kinh tế. Nghiên cứu này được đưa ra vào lúc chế độ một con ngày càng bị phê phán tại Trung Quốc.
Theo nhật báo Pháp, trong công trình của mình, các nhà nghiên cứu Úc đã khảo sát tâm lý và cách hành xử của 4 nhóm người Trung Quốc sinh ra trong các năm 1975, 1978, 1980 và 1983, chung quanh cột mốc 1979, là năm Bắc Kinh tung ra chính sách một con. Kết luận của công trình rất đáng báo động : Trẻ em là con một khi trưởng thành đã trở thành những con người bi quan, hay lo lắng, ít thoải mái trong quan hệ với người khác và ít tự tin hơn.
Les Echos đã giới thiệu một thử nghiêm do các nhà nghiên cứu tại Đại học Úc Monash thực hiện, theo đó các đối tượng được khảo sát được yêu cầu chơi một kiểu trò chơi bao gồm những giao dịch với những người mà họ không quen biết, mỗi giao dịch đều chứa đựng một tỷ lệ lợi ích tiềm tàng. Giới nghiên cứu đã thấy rằng bình quân, mức lợi ích mà những người là con một cho người khác hưởng thấp hơn đến 16% so với những người không phải là con một.
Theo các nhà nghiên cứu, tâm lý thiếu hào phóng như vậy, phản ánh sự thiếu tự tin, mà tự tin lại là một yếu tố quan trọng trong các giao dịch nghề nghiệp và đàm phán thương mại.
Ngoài ra, những người Trung Quốc là con một, có vẻ như ít muốn chấp nhận rủi ro, trong khi một số nghiên cứu cho thấy là tâm lý sẵn sàng mạo hiểm tương ứng với ý hướng thích sáng tạo và đầu óc kinh doanh. Theo các nhà khoa học, được bao bọc quá đáng vào thời thơ ấu, các thanh niên con một có nguy cơ gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc thành lập các công ty sẽ làm cơ sở cho sự thịnh vượng của Trung Quốc trong tương lai.
Thêm củi lửa cho việc chống chế độ một con
Theo ghi nhận của báo Les Echos, công trình nghiên cứu kể trên đã thêm củi lửa cho những người hiện đang kêu gọi thay đổi sâu rộng chế độ một con.
Đó là trường hợp của một số lãnh đạo ngành y tế công cộng, vốn nêu bật mối liên hệ giữa vấn đề con một với bệnh tiểu đường. Nhưng giới đặc biệt quan ngại là các nhà nhân khẩu học. Họ lo lắng về đà lão hóa của dân số Trung Quốc, theo đó đến khoảng năm 2050, những người từ từ 60 đến 65 sẽ trở thành lớp tuổi đông nhất Trung Quốc.
Một mối lo ngại khác là sự mất cân bằng giới tính, do việc các thai nhi nữ bị phá ngay từ đầu để dành chỗ cho gia đình một con có được một đứa con trai. Trong năm 2010 chẳng hạn, cứ mỗi 100 bé gái được sinh ra, thì số bé trai lên đến 118 em.
Ý tưởng đang manh nha tại Trung Quốc là hủy bỏ chính sách một con, phổ cập hóa chế độ gia đình hai con từ nay cho đến cho đến năm 2015, và cởi trói hoàn toàn chính sách gia đình vào năm 2020.
Vấn đề, theo Les Echos, là không phải ai cũng tấn đồng ý tưởng trên đây. Một số người dân cho rằng, với đời sống kinh tế đắt đỏ hiện thời, họ không dám có quá một con. Với tâm lý đó, dù cho chính sách một con có được bãi bỏ đi chăng nữa, thì chưa chắc là tỷ lệ sinh đẻ tại Trung Quốc lại tăng trở lại.
Pháp : Biểu tình rầm rộ chống dự luật cho phép hôn nhân đồng tính
Cuộc biểu tình chống dự luật cho phép những người đồng giới tính làm lễ cưới và cuộc can thiệp quân sự của Pháp vào Mali, là hai chủ đề thời sự được báo chí Pháp hôm nay dành tít trang đầu và nhiều trang phân tích bên trong.
Về cuộc biểu tình La Croix nhìn thấy trong hàng tít đầu bản tin là « Cuộc đánh cược thành công », vì theo tờ báo, cuộc diễu hành đã đạt mục tiêu là tập hợp đông đảo người tham gia trong tinh thần hoà nhã.
Le Figaro nhấn mạnh trên số lượng đông đảo người hưởng ứng cuộc biểu tình và nói đến : « Ngọn sóng thần », vì theo ban tổ chức, có đến 1 triệu người tham gia biểu tình. Tờ báo tỏ vẻ rất hứng thú : « Đây là cuộc biểu tình lớn nhất tại Paris từ 30 năm qua ». Tuy nhiên, Le Figaro cũng ghi nhận trên trang nhất là đối với điện Élysée, cuộc xuống đường không làm lay chuyển ý chí của chính phủ.
Trong bài xã luận, tờ báo bảo thủ Pháp cho là cuộc tranh cãi về số người tham gia diễn hành hôm qua, 340.000, 800.000 hay 1 triệu không quan trọng. Cảnh đám đông vui vẻ, nhưng cương quyết, và không rơi vào cái bẫy bài xích người đồng tính, có ý nghiã to lớn hơn nhiều.
Le Figaro cho đấy là tiếng nói của người Pháp, chứ không phải là của riêng một thế lực nào, hay nói đúng hơn là của các đại diện cho một nửa dân Pháp, vốn không có một chút ý đồ chính trị nào, nhưng cảm thấy mình bị dự luật về hôn nhân của chính phủ làm tổn thương.
Tờ báo nêu kết quả thăm dò dư luận gần đây : 56% người Pháp đồng ý với hôn nhân giữa người đồng giới tính (có phần giảm vỉ thăm dò tháng 10/2012, tỷ lệ này là 58%), 52% phản đối việc cho phép những cặp đồng tính nhận con nuôi (tăng so với tháng 10/2012, chỉ có 48%) và 62% bực mình cho là nói quá nhiều về vấn đề này.
Cũng trong bài xã luận, nhật báo Công giáo La Croix nhắc lại lời của chính phủ cho biết là sẽ không thay đổi ý kiến. Ông Hollande đã cam kết trên vấn đề hôn nhân này trong cuộc vận động tranh cử : khi bầu ông, người Pháp như thế đã tán đồng quan điểm của ông.
Theo La Croix, nếu chính phủ chỉ xem người xuống đường phản đối dự luật là những người bảo thủ, hoài cổ, ghét người đồng tính… thì sẽ không thấy cội rễ mối lo ngại của các thành phần nam nữ, những người thuộc nhiều thế hệ, đã tập họp hôm qua tại Paris.
Tuy nhiên, tờ báo cũng nhìn thấy là cần phải có sự bình đẳng về quyền lợi và phải tôn trọng sự khác biệt. La Croix cũng mong muốn những người bảo vệ hình ảnh về hôn nhân và gia đình này, có tinh thần cởi mở và bác ái đối với những người không cùng quan điểm với họ.
Mali : Nỗi lo Pháp bị sa lầy
Các báo le Monde, L’Humanité, Libération cũng chạy một hàng tựa trang nhất về cuộc biểu tình ở Paris, nhấn mạnh trên số lượng đông đảo nguời xuống đường như Libération, hay có giọng điệu mỉa mai như L’Humanité, đã thấy cánh hữu đối lập lợi dụng cơ hội để vươn lên. Thế nhưng các nhật báo này đã dành tựa lớn và ảnh ở trang nhất cho chiến dịch can thiệp quân sự Pháp vào Mali.
Le Monde nhìn thấy là Pháp 'khai chiến với lực lượng Hồi giáo ở Mali', L’Humanité cho là ‘Pháp đang ở tuyến đầu’, Libération thì nêu : 'Các lý do của một cuộc chiến', mà tờ báo phân tích ở trang trong.
Có hai điểm mà các báo Pháp đều nêu bật. Trước tiên hết là quyết định can thiệp đã được sự đồng thuận trong giới chính trị Pháp, được quốc tế hoan nghênh, và giúp người dân Mali thở phào nhẹ nhõm, như la Croix nêu bật trong hàng tít nhỏ trang nhất. Bên cạnh đó, các báo cũng lo ngại cho diễn tiến sắp tới và nguy cơ Pháp bị sa lầy.
Libération ở trang trong giải thích về nguyên nhân khiến Pháp can thiệp : Đó là bảo vệ kiều dân Pháp, quyền lợi của Pháp và sự ổn định của cả vùng. Tờ báo trở lại các sự kiện xẩy ra từ tháng 3/2012, từ cuộc đảo chính lật đổ chính phủ Amadou Toumani Touré, đến việc các lực lượng « thánh chiến » Hồi giáo chiếm miền Bắc Mali.
Pháp đã tìm cách vận động cộng đồng quốc tế hỗ trợ cho một cuộc can thiệp quân sự do các quốc gia Châu Phi tiến hành, nhưng đã không giành được kết quả gì đáng kể. Trong lúc đó thì quyền lợi người Pháp bị lực lượng khủng bố Al Qaeda ở Bắc Phi, Aqmi, tấn công. Paris e ngại lực lượng Aqmi cùng với các đồng minh của họ biến vùng này thành cứ địa, rồi từ đó tấn công vào quyền lợi kinh tế của Pháp ở Tây Phi và có thể khủng bố ngay trên đất Pháp. Theo Libération hàng ngàn người Pháp sinh sống trong khu vực này.
Không thể có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng ở Mali
Libération nêu mối lo ngại : ngày nay Mali là một quốc gia vô chính phủ, không quân đội, Pháp có thể gởi chiến đấu cơ Mirage, Rafale, nhưng sức mạnh quân sự không giúp tái thiết một trong những đất nước nghèo nhất thế giới. Nếu ngày nay quân đội Pháp được dân chúng Mali – đang kiệt quệ và chống đối lực lượng Hồi giáo - đón tiếp nhiệt tình, thì có thể là họ sẽ không chiụ đựng được lâu dài -và họ có lý - sự hiện diện của quân đội một nước từng đô hộ họ.
Tờ báo kết luận không thể có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng ở Mali.
Le Figaro cũng nhìn thấy là Pháp không thể không trực tiếp can thiệp, do vấn đề quyền lợi, nhưng nhất là vì sự yếu kém của quân đội Mali đang trong tình trạng rệu rã. Nhưng Le Figaro, cũng như La Croix, đều nêu bật mối lo ngại cho diễn biến tình hình sắp tới.
Theo Le Figaro nếu chiến dịch hiện nay nhằm ngăn chặn đà tiến quân lực lượng Hồi giáo và Al Qaeda, có vẻ diễn tiến tốt, thì những giai đoạn sắp tới có vẻ phức tạp hơn. Mục tiêu dài hạn là giúp quân đội Mali có thời gian chinh phục lại lãnh thổ quốc gia, ngăn chặn lâu dài đối thủ, nhưng rõ ràng quân đội Mali không sức lực khả năng gì cả, còn lực lượng các quốc gia Châu Phi đang bắt đầu triển khai trong khu vực và dù cho có được các cố vấn phương Tây huấn luyện, thì cũng không hoạt động hữu hiệu gì hơn trước những đối thủ, vừa cương quyết, vừa có rất nhiều vũ khí.
Tờ La Croix cũng cùng đánh giá. Trích dẫn ông François Géré, chuyên gia về chiến lược, tờ báo nhận định là chiến dịch quân sự sẽ rất khó khăn : lực lượng Hồi giáo, với khoảng 3000 tay súng, bao gồm các nhóm người Mali, Libya, Ai Cập, Bắc Phi, đã cương quyết chiếm vùng này để làm cứ điạ. Họ được trang bị vũ khí rất tốt với rất nhiều vũ khí lấy từ các kho của Libya khi đất này rơi vào chiến tranh hỗn loạn. Họ nắm trong tay các loại vũ khí đáng ngại, bắn hạ được máy bay.
Báo kinh tế Les Echos thì nhận thấy sự chọn lựa can thiệp quân sự của tổng thống Hollande đầy hiểm nguy vì hai lý do : Còn 8 con tin Pháp bị lực lượng Hồi giáo cầm giữ, thứ hai nữa cho dù có tăng cường an ninh thì Pháp vẫn nằm trong nguy cơ khủng bố.
Nhật Bản : Kế hoạch vực dậy kinh tế đầy tốn kém
Về Châu Á hôm nay, tờ La Croix và Les Echos đều quan tâm đến kế hoạch vực dậy kinh tế của Nhật Bản. La Croix nhìn khoản tiền khổng lồ trong hàng tựa: « Kế hoạch vực dậy kinh tế Nhật Bản sẽ tốn 175 tỷ euro », chi cho những công trình to lớn, trước tiên hết là xây dựng lại khu vực Fukushima, và hỗ trợ hoạt động các cho các công ty Nhật.
Chính phủ của Abe muốn như thế kéo kinh tế Nhật ra khỏi vũng lầy. Nhưng Les Echos tỏ vẻ bi quan, không tin là ông Abe sẽ đạt mục tiêu. Tờ báo công nhận là tuy khoản tiền to lớn, nhưng không hẳn sẽ được chi tiêu thích hợp, đúng chỗ. Và kế hoạch vực dậy này có nguy cơ tác động rất ít đến tăng trưởng của Nhật.
Les Echos nhận định : Cũng như đã từng thấy trong quá khứ, chính phủ cánh hữu của ông Shinzo Abe đã không màng đến món nợ công, và chi tiêu vô tội vạ. Kinh tế Nhật có thể tạm thời vươn lên trong năm 2013 này, nhưng những cải tổ cần thiết cho sự phục hồi kinh tế bền vững thì bị che khuất đi.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130114-trung-quoc-che-do-mot-con-la-can-luc-cua-tang-truong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten