BẮC KINH (NV) - Nhà cầm quyền Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy các hành động khiêu khích tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Ðông khi vừa loan báo sắp phát hành bản đồ Biển Ðông mới với tỉ lệ tương ứng với bản đồ Hoa Lục.
Bản đồ Biển Ðông.
(Hình: Wikipedia)
|
Tân Hoa Xã đưa tin như vậy hôm Thứ Sáu vừa qua lập tức gây chú ý tại các nước tranh chấp của khu vực. Bản tin của Tân Hoa Xã không nhiều chi tiết và cũng không có bản đồ mới nào đi kèm nhưng nói rằng bản đồ Biển Ðông mới sẽ theo khổ đứng, bao gồm hơn 130 đảo trên Biển Ðông “hầu hết chưa từng được thấy trên những bản đồ của Trung Quốc trước đây.” Tân Hoa Xã loan tin theo sự loan báo của Cục Ðo Ðạc, Bản Ðồ và Thông Tin Ðịa Chất Quốc Gia của Trung Quốc (NASMG).
Chưa thấy có phản ứng chính thức gì của nhà cầm quyền Hà Nội hay Manila nhưng báo chí bán chính thức của cả Việt Nam và Philippines đều thấy có một vài bản tin và bình luận.
“Các bản đồ cũ, theo chiều ngang, chỉ có những đảo lớn như Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa (Macclesfield Bank) và Nam Sa (Trường Sa).” Tân Hoa Xã viết. “Những đảo này được minh họa ở góc dưới bên phải với tỉ lệ bằng phân nửa tỉ lệ dùng trên (bản đồ) nước Trung Quốc.” Tờ báo dẫn lời ông Chu Bội Yên, chủ biên bản đồ mới của Trung Quốc.
Thời gian gần đây, một số báo ở Việt Nam đưa ra một số dẫn chứng các bản đồ cũ của Trung Quốc hoàn toàn không có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi nhiều bản đồ cổ của Việt Nam thì có.
Theo Tân Hoa Xã, bản đồ mới Biển Ðông do Sinomaps xuất bản và sẽ chỉ phát hành từ cuối tháng 1.
Ông Từ Căn Tài, giám đốc nhà xuất bản Sinomaps, được Tân Hoa Xã tường thuật là nói bản đồ mới có ý nghĩa quan trọng vì giúp người Trung Quốc hiểu rõ hơn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như tuyên bố lập trường chính trị ngoại giao của Trung Quốc.
Ngoài Biển Ðông, Tân Hoa Xã nói, ở góc dưới bên trái của bản đồ, cũng có hình mô tả quần đảo Ðiếu Ngư (tức Senkaku) trong mối tương quan tương ứng với đại lục và Ðài Loan.
Báo VietNamNet đưa bản tin “Trung Quốc ngang nhiên ra bản đồ từng đảo ở Biển Ðông” mà không bình luận gì trong bài viết.
Báo Người Lao Ðộng phỏng vấn ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên Giới Chính Phủ CSVN, bình luận là “phải khẳng định việc Trung Quốc sắp xuất bản bản đồ mới nêu tên 130 hòn đảo là quá trắng trợn. Nhiều học giả gọi đây là chiến tranh bản đồ, dùng bản đồ với mưu đồ chứng tỏ họ có bản quyền với những vùng đất, vùng biển nào đó. Hành động này nằm trong tham vọng 'đường lưỡi bò' nhằm biến Biển Ðông thành ao nhà của Trung Quốc. Cụ thể là họ đã sử dụng những tên mà các triều đại trước đã dùng để đặt cho các đảo như Cam Tuyền, Vĩnh Lạc, Thái Bình... nhằm để người dân Trung Quốc và thế giới nhầm tưởng trong lịch sử, nhà nước Trung Quốc đã quản lý những đảo này.”
Trung Quốc xua chiến hạm cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 nhưng mãi đến 1988 mới xua tàu tới cướp một số đảo rất nhỏ và bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa do Việt Nam và Philippines bảo vệ.
Trận hải chiến ngày 14 tháng 3, 1988 ở đảo Gạc Ma đã làm CSVN mất 3 tàu vận tải và 64 lính hải quân thiệt mạng. Phía Trung Quốc bị hư hại tàu chiến, thương vong 24 lính hải quân. Kể từ đó Trung Quốc chiếm đóng bãi đá Gạc Ma.
Theo báo Inquirer ở Manila, Bộ Ngoại Giao nước này sẽ cho tòa đại sứ của họ ở Bắc Kinh kiểm chứng những gì xuất hiện trên bản đồ mới trước khi đưa ra các phản ứng chính thức.
Cuối năm ngoái, các nước tranh chấp biên giới và biển đảo với Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ khi được biết quyển sổ hộ chiếu mới của Trung Quốc cấp cho công dân đi ra nước ngoài có in hình Biển Ðông với hình “lưỡi bò” bao gồm các quần đảo và vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và Philippines cũng như vùng đất tranh chấp với Ấn Ðộ.
Tháng 11 năm ngoái, người dân Việt Nam đã vô cùng ức giận khi Bắc Kinh loan báo qua nhà cầm quyền tỉnh Hải Nam là sẽ cho tàu tuần lục soát, xua đuổi hay bắt giữ các tàu ngoại quốc “xâm phạm bất hợp pháp” vào các vùng biển Trung Quốc. Trước phản ứng của nhiều nước gồm cả Ấn Ðộ và Hoa Kỳ, nhà cầm quyền Bắc Kinh giải thích là chỉ nhắm vào các loại tàu của Việt Nam.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=160385&zoneid=1
Geen opmerkingen:
Een reactie posten