dinsdag 15 januari 2013

Đà Nẵng - ‘Thành phố Môi trường’

Đà Nẵng - ‘Thành phố Môi trường’

2013-01-06
Đà Nẵng tiến hành xây dựng trở thành một thành phố môi trường. Vậy công tác thực hiện cho đến nay được đến đâu?
AFP photo
Vùng biển Đà Nẵng Việt Nam

Đề án

Đề án xây dựng ‘Thành phố Môi trường’ của Đà Nẵng đưa ra các giai đoạn: từ năm 2007 đến năm 2015 sẽ giải quyết các vấn đề môi trường hiện nay.
Theo đó nước thải từ các khu công nghiệp, khu chế xuất đều phải qua xử lý trước khi thải ra môi trường. Phân nửa số nước thải sinh hoạt tại các quận nội thành đều được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn đề ra là 90% người dân sinh sống tại khu vực nội thành và chừng ba phần tư dân chúng tại các xã ngoại ô có nước sạch để sử dụng. Thành phố kiểm soát được các nguồn phát sinh chất thải nguy hại và xử lý hợp vệ sinh; kiểm soát được ô nhiễm không khí, qui hoạch và phát triển diện tích không gian xanh đô thị, bảo tồn đa dạng sinh học rừng của thành phố.
Giai đoạn từ năm 2016 đến 2020 hoàn thiện các mục tiêu của giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2015. Chính thức vào năm 2020 Đà Nẵng chính thức công bố danh hiệu ‘Thành phố Môi trường’ với 23 tiêu chí của loại thành phố này.
000_Hkg4663246-250.jpg
Một con đường mới được xây dựng dẫn ra biển ở thành phố Đà Nẵng chụp hôm 16/2/2011.
Đến tháng 9 năm 2012, ông Nguyễn Điểu, giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường, trình bày về hướng thực hiện nhằm mục đích xây dựng thành phố môi trường Đà Nẵng.

“Thành phố Đà Nẵng đang hướng đến xây dựng thành phố môi trường. Nói về môi trường thì quá toàn diện: môi trường không khí, đất, nước… Đây là hướng đến thành phố thân thiện môi trường thiên nhiên, tự nhiên. Vì vậy có nhiều đề án thực hiện; trong đó có vấn đề xử lý rác là một trong những nội dung chiến lược của đề án về môi trường đến năm 2020. Không chỉ rác thải rắn, mà còn rác thải công nghiệp, rác thải y tế…
Môi trường đất bị ô nhiễm do chiến tranh để lại, rồi do hoạt động công nghiệp gây ra, rồi chẳng hạn vấn đề nước thải sinh hoạt, vấn đề xử lý nước thải công nghiệp, vấn đề quản lý lưu vực sông, nguồn nước. Riêng về nước cũng có nhiều dự án lắm. Vấn đề cây xanh…
Các dự án được triển khai đồng bộ và nhiều vấn đề lắm.”

Rừng

Đối với nhiều người dân khi nói đến vấn đề môi trường thì cây xanh là một trong những hình ảnh được liên hệ đến đầu tiên. Thành phố Đà Nẵng có hai nơi được thấy rõ là thảm xanh của thành phố: đó là khu vực núi Hải Vân và bán đảo Sơn Trà. Ông Nguyễn Điểu có ý kiến đối với thông tin cho rằng hai nơi đó lâu nay bị xâm hại nhiều:
“Rừng Đà Nẵng nằm ở những địa điểm xung yếu có Sơn Trà, Hải Vân, nay có Bà Nà, và một số rừng phía Tây nhằm phục vụ cho nguồn nước sinh hoạt và thủy điện trong tương lai. Mức độ tàn phá rừng Đà Nẵng không giống các địa phương khác - tức không dữ dội, không phức tạp hơn. Lý do rừng Đà Nẵng được giao cho các công trình đầu tư làm dịch vụ- du lịch. Người ta tôn tạo và trồng thêm rừng. Việc xây dựng làm mất chừng 5-7 ngàn mét vuông rừng, người ta tôn tạo, trồng thêm nhiều hơn mức đó.
Mức độ tàn phá rừng Đà Nẵng không giống các địa phương khác - tức không dữ dội, không phức tạp hơn. Lý do rừng Đà Nẵng được giao cho các công trình đầu tư làm dịch vụ- du lịch. Người ta tôn tạo và trồng thêm rừng.
Ông Nguyễn Điểu
Đối với những dự án ở Hải Vân, Sơn Trà, Bà Nà chúng tôi không lo bị mất rừng, Lý do những công trình xây dựng lên mang tính cảnh quan không gian đô thị lớn, và tạo ra khu vực cây xanh mới, nên không có vấn đề gì. Chỉ có những công trình xa khu vực du lịch - dịch vụ, người ta đào đãi vàng, khoáng sản sắt thép thì có xâm hại. Nhưng mức độ xâm hại rừng ở Đà Nẵng, theo tôi không lớn và mức độ không nguy hiểm.”
Trong thời kỳ chiến tranh, bán đảo Sơn Trà được nhiều binh sĩ Hoa Kỳ gọi tên là ‘Monkey Mountain’ do họ thấy ở đó có rất nhiều khỉ. Nhưng trong quá trình phát triển, nhiều công trình xây dựng được thực hiện tại đó, và gây tác động bất lợi đến môi trường sống của các loài khỉ vọoc đặc trưng của rừng.
Tuy nhiên ông Nguyễn Điểu cho rằng tình hình không đến nỗi nghiêm trọng như thế:
“Các loài vọoc, khỉ, nhím tại rừng Sơn Trà không có biến động nhiều. Trong thực tế việc xây dựng công trình tại đó không nhiều, và việc xây dựng tôn tạo nơi đó tốt hơn lên nhiều lần so với trước đây. Có thông tin cho rằng rừng Sơn Trà bị phá, gây ra ảnh hưởng đến đa dạng sinh học là không đúng. Những dự án du lịch mang tính sinh thái đã đầu tư trồng cây xanh nhiều hơn. Trên núi họ đóng cọc để xây dựng, chứ không có mức độ phá núi như suy nghĩ đâu.
Bãi biển có cây có công trình, trên bờ biển có cây, mật độ xây dựng thưa ra.”

Biển

bien-danang-250.jpg
Ngư dân Đà Nẵng chụp hôm 10/8/2010. AFP photo.
Đà Nẵng là thành phố vừa nằm trên sông, vừa nằm ven biển với nhiều bãi tắm cát mịn. Công tác giữ gìn môi trường biển thế nào? Ông giám đốc Sở Tài Nguyên- Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết là cơ quan chức năng tại đó hết sức quyết liệt trong việc bảo vệ môi trường biển. Ông cho biết:

“Quyết tâm không cho nước thải ra biển. Ngày xưa toàn bộ vùng biển bị phá nát bởi dân chài lưới, ngư dân. Dân canh tác không theo qui hoạch; nhưng nay đã được cải tạo gần như toàn diện. Những công trình biển trồng cây xanh, xây kè chắn sóng không phá vỡ biển tạo nên những bãi tắm đẹp hơn. Vùng biển Đà Nẵng gần khép kín với những khu du lịch sinh thái.”
Vì nằm ven biển nên từ trước đến nay có một số làng chài chuyên sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Các bến bãi thu mua hải sản cũng bị cho là gây ô nhiễm; tuy nhiên theo ông Nguyễn Điểu thì trong tương lai những làng chài như thế sẽ không còn tồn tại. Ông cho biết:
“Bây giờ còn một ít ở phường Thọ Quang, nhưng tương lai không còn tồn tại. Thành phố sẽ cấp vốn cho họ để chuyển đổi ngành nghề. Lý do vì ven biển Đà Nẵng mà để các làng chài sẽ ảnh hưởng đến môi trường rất lớn. Trong một thời gian ngắn thôi sẽ cho chuyển dịch hết các làng chài, bố trí cho họ những nghề khác như nuôi bè cá trên biển, trên sông hay chuyển ngành nghề khác.
Còn lại một tác hại mà Đà Nẵng phải đối phó trong những năm sau: đó là vào mùa nắng nước thải được thu gom bình thường, không sao; đường ống ven biển thu gom hết nước thải của nhà hàng, dân cư; nhưng đến mùa mưa do đường thu gom nước thải và đường nước mưa chưa tách riêng; nên mưa xuống phải chấp nhận nước thải thoát ra biển. Bây giờ phải chấp nhận điều đó.Khi mưa lớn cũng vậy, phải chấp nhận nước thải tràn ra biển.”
Theo ông Nguyễn Điểu dự án xây dựng hai đường nước thải và nước mưa riêng biệt cần khoản kinh phí lớn từ 3000 đến 5 ngàn tỷ nên nay chưa có sức làm; phải đến năm 2030 mới có thể tách hệ thống nước thải ra khỏi hệ thống nước mưa.

Chẳng gì ra gì

000_APH2000032908948-250.jpg
Bãi biển 'China' tại TP Đà Nẵng. AFP photo.
Trong khi đó thì một cư dân sinh sống tại thành phố Đà Nẵng suốt mấy chục năm qua lại có những đánh giá không mấy tích cực về công tác bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố này thành một thành phố xanh, sạch với 23 tiêu chí cần phải có.

“Ba mươi bảy năm đã thấy rồi, được cái này thì mất cái kia, được cái kia thi mất cái nọ. Biết đâu có thay đổi chứ không thay đổi thì cũng vậy.”
Tuy nhiên người dân Đà Nẵng này cũng thừa nhận là thành phố có sạch hơn khi so sánh với những nơi khác tại Việt Nam, dù rằng những tồn tại lớn như ngập nước, đổ rác không đúng nơi- đúng chỗ, thiếu cây xanh…:
“Bây giờ, báo chí Nhà Nước nói một phía như thế; nhưng đi nhiều có thấy hơn nhiều chỗ; nhưng mùa mưa nước cũng ngập, đen… Thành phố Đà Nẵng gần biển thoát nhanh hơn so với Hà Nội, Sài Gòn. Mấy năm nay, cũng sửa sang nhiều nhưng làm không ra gì - đào lên bới xuống…”
Đà Nẵng, Hội An quá đẹp nếu biết thiết kế; nhưng nay đi qua khỏi Non Nước, chẳng gì ra gì.
Một cư dân Đà Nẵng
Một vấn đề mà người này cũng bức xúc đó là việc đổ rác bừa bãi của những người khác ngay tại nơi có thùng rác công cộng:
“Thùng rác ở ngoài đường, dân đem đổ lung tung không thiếu thứ gì. Đến 5-7 giờ tối thì có người đến dọn. Nghe nói thành phố mai mốt dẹp những thùng rác đó. Ở nước ngoài văn minh, chứ dân mình thứ gì cũng đổ ra đường.
Thu gom thì tới giờ thu được, mà qua đến ngày mai thì lại ‘diêm dúa’, chẳng ra gì.
Hồi tôi đi dự một đám ma có dịp thấy bãi rác ở Hội An: trời ơi, đổ cao ngút, mùa mưa nước chảy xuống nơi chôn mồ mả; chẳng ra gì! Đà Nẵng thì chưa thấy, tôi thấy ở Hội An. Nghe nói Đà Nẵng có công nghệ xử lý nhưng chưa chứng kiến được.
Đà Nẵng, Hội An quá đẹp nếu biết thiết kế; nhưng nay đi qua khỏi Non Nước, chẳng gì ra gì.”
Như than phiền của người dân Đà Nẵng vừa nêu thì dường như các kế hoạch đưa ra vẫn còn là những dự án trên giấy. Rất nhiều kế hoạch đã lỗi hẹn và nhất là trong lĩnh vực môi trường; khi mà số dân mãi cứ tăng lên, qui hoạch đô thị không khoa học khiến cho tình hình mỗi lúc một thêm khó khăn; nhất là việc làm sạch các thành phố.

Theo dòng thời sự:


http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ScienceAndEnvironment/dnang-becomes-envir-01062013143952.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten