donderdag 29 september 2011

Việt Nam và Cam Bốt : Hơi thở cuộc sống

30 Tháng Chín 2011   
Trọng Nghĩa
Trong hai ngày 30/09 và 01/10/2011, công viên Parc Floral de Paris trở thành điểm hẹn của tất cả những ai chú ý đến vùng mà người Pháp quen gọi là Đông Dương. Lần đầu tiên ba nước Việt Nam, Lào và Cam Bốt đã phối hợp với nhau để cùng tổ chức hai ngày sinh hoạt văn hóa và triển lãm mang một cái tên giản dị nhưng xúc tích là Passion Indochine (Niềm đam mê Đông Dương).
Xem sự kiện này là xúc tích không ngoa chút nào, vì lần đầu tiên mà hầu như mọi sắc thái văn hóa của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Cam Bốt được giới thiệu cùng nơi, cùng lúc, từ ca múa, âm nhạc, cho đến thủ công mỹ nghệ, ẩm thực. Và lẽ dĩ nhiên là hình ảnh, video giới thiệu ba đất nước này, nơi tọa lạc của rất nhiều di sản văn hóa hay thiên nhiên của thế giới, từ Vịnh Hạ Long ở Việt Nam, cho đến đền Angkor tại Cam Bốt hay cố đô Luang Prabang ở Lào.
Điểm độc đáo của chương trình giới thiệu Đông Dương lần này còn nằm ở chỗ là cống hiến cho khách đến xem những cái nhìn đặc thù của ba nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Pháp về các nước Việt Nam, Lào hay Cam Bốt.
Triển lãm ảnh của Nicolas Cornet, Lâm Đức Hiền và Marc Riboud
Giới hâm mộ nghệ thuật nhiếp ảnh chẳng hạn, không thể không biết đến Marc Riboud, tác giả nhiều bức ảnh đã trở thành kinh điển : « Người thợ sơn trên tháp Eiffel » (Le peintre de la tour Eiffel), thực hiện năm 1953, hoặc là « Cô gái với cành hoa » (La jeune fille à la fleur), chụp năm 1967, nhân một cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam tại Washington thủ đô nước Mỹ. Tại triển lãm Passion Indochine lần này, nhiếp ảnh gia kỳ cựu Marc Riboud giới thiệu những ‘khoảnh khắc’ mà ông ghi nhận được tại khu vực đền Angkor tại Cam Bốt.

Angkor 1990
Marc Riboud
Về Lào, khán giả có điều kiện khám phá lại những tấm ảnh mà nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền đã thực hiện khi xuôi dòng Mekong, mà một phần đã được giới thiệu cho quảng đại quần chúng ghé thăm Paris trong khuôn khổ cuộc triển lãm các bức ảnh cực lớn trên hàng rào bao quanh trụ sở Thượng viện Pháp tại Paris từ tháng 9/2009 đến tháng 1/2010.


Riêng về Việt Nam, chương trình giới thiệu văn hóa Đông Dương tại Paris lần này là dịp để công chúng khám phá lại cách nhìn rất trìu mến về cảnh vật cũng như con người Việt Nam của phóng viên nhiếp ảnh Nicolas Cornet, tác giả của rất nhiều phóng sự hình ảnh về Việt Nam và Cam Bốt, mà gần đây nhất là loạt ảnh về Hà Nội công bố trong tập ký sự của nhà báo tên tuổi Jean Claude Pomonti « Hanoi, regards » do nhà xuất bản Les Editions de la la Frémillerie, Paris ấn hành năm 2010. Trước đó Nicolas Cornet cũng từng là tác giả của nhiều album hình ảnh về Việt Nam, trong đó nổi bật có quyển mang tên đơn giản : « Vietnam » do nhà xuất bản Le Chêne tại Pháp ấn hành năm 2007.
Là nhiếp ảnh gia rất chú ý đến Việt Nam - và Cam Bốt (Nicolas từng là tác giả tâp ảnh « Cambodge », nhà xuất bản Aubanel phát hành năm 2009) – tại triển lãm lần này, Nicolas Cornet giới thiệu hơn 30 bức ảnh được chọn lọc về Việt Nam và Cam Bốt, với ý hướng là giúp người xem cảm nhận được sức sống vô biên của thiên nhiên và con người tại hai đất nước này.

Bé đi học về - Làng nổi Vạn Gia ở vịnh Hạ Long
Nicolas Cornet

Nicolas cũng là người phụ trách mảng nghệ thuật của Chương trình giới thiệu và triển lãm văn hóa Đông Dương tại Paris lần này. Trả lời phỏng vấn của RFI, anh cho biết thêm một số chi tiết về chương trình sinh hoạt :
« Thoạt đầu đây là một chương trình theo sáng kiến của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, sau đó được sự ủng hộ của đại sứ quán ba nước Việt Nam, Lào và Cam Bốt.
Riêng đối với chúng tôi, những người lo khâu nội dung, thì đây là cơ may để tập hợp ba nước Đông Dương dưới một tiêu đề chung là văn hóa, để cung cấp cho công chúng Pháp, cũng như cho cộng đồng người Việt Nam, người Lào và người Cam Bốt một số chìa khóa đế tiếp cận với ba quốc gia này. »
Về các cuộc triển lãm, Nicolas Cornet giải thích : « Trong thực tế thì triển lãm được phân bổ trong ba khu riêng biệt nhưng nối liền với nhau.
Khu đầu tiên giới thiệu các Di sản Thế giới của Unesco tại vùng Đông Dương. Tòa nhà này được trang trí với các motif lấy ý từ đền Angkor tại Cam Bốt và dành cho cuộc triển lãm ảnh của Marc Riboud. Khu thứ hai mang chủ đề “Tài nguyên thiên nhiên” với cuộc triển lãm ảnh của Lâm Đức Hiền và một công trình “sắp đặt” thực vật (installation) theo đề tài vịnh Hạ Long.
Riêng hình ảnh về Việt Nam và Cam Bốt được giới thiệu tại khu triển lãm thứ ba có chủ đề là « Con người và văn hóa ». Tôi đặt cho cuộc triển lãm này tựa đề chung là « Souffles de vie », nghĩa là những hơi thở của cuộc sống, tập hợp những bức ảnh cho thấy cuộc sống thường nhật của người dân bình thường tại Việt Nam và Cam Bốt.
Qua các bức ảnh này, người xem một mặt có thể khám phá ra những sinh hoạt hàng ngày có thể gọi là mới hơn, vì phải nói là đời sống tại Việt Nam chẳng hạn, đã thay đổi đáng kể trong hai chục năm gần đây, nhưng một mặt khác cũng thấy lại sắc thái truyền thống, thân mật quen thuộc, có khả năng thu hút mọi người tìm đến tận nơi để tìm hiểu thêm.
Đó dĩ nhiên là cũng là một hình thức du lịch, nhưng một cách nhẹ nhàng, dành thì giờ khám phá thêm cuộc sống rất phong phú của người dân tại chỗ, chứ không phải là kiểu du lịch gấp gáp, vội vội, vàng vàng ».
Theo Nicolas Cornet, các bức ảnh của anh không đơn thuần là những tấm bưu thiếp, cho dù có rất nhiều cảnh đẹp tự nhiên :
« Đây là những tấm ảnh về người, lẽ dĩ nhiên cũng có những tấm chụp phong cảnh rất đẹp, nhưng trong đó, luôn luôn có bóng dáng con người và hàm chứa một bầu không khí nào đó.
Đối với tôi, các bức hình không phải là bưu thiếp, mà là một lời mời gọi viễn du, nhấn mạnh đến khía cạnh sinh động của đất nước mà tấm ảnh biểu thị.
Đa số du khách ngày nay khi đi du lịch, họ không nhất thiết là chỉ tìm đến những danh lam thắng cảnh mà ai cũng biết. Lẽ dĩ nhiên là họ cũng đến tham quan những nơi đó, nhưng rồi sau đó họ thích hòa nhập vào bầu không khí của đất nước nơi họ ghé thăm.
Nói tóm lại họ mong muốn bắt mạch được nhịp đập của nơi họ đến du lịch, và tôi cho rằng từng hơi thở của cuộc sống tại Việt Nam hay Cam Bốt có thể được cảm nhận qua các bức ảnh được trưng bày ».
Một trong những bức ảnh minh họa cho cái nhìn trên đây của Nicolas Cornet mà khách xem triển lãm có thể ghi nhận được là bức ảnh chụp một em học trò trong bộ đồng phục đang đứng trên một chiếc thuyền trên đường trở về nhà em tại một ngôi làng nổi ở vịnh Hạ Long. Trong một chừng mực nào đó, cảnh tượng này hết sức bình thường chỉ là cảnh một em học sinh tan trường về nhà, có điều là cô bé học trò này lại ở giữa Vịnh Hạ Long, trong một khung cảnh thần tiên như trên một tấm bưu thiếp.
Qua bức ảnh này, nhiếp ảnh gia muốn cho thấy là Vịnh Hạ Long không đơn thuần là đề tài của những tấm bưu thiếp tức là những tĩnh vật, mà là một nơi cũng có cuộc sống sinh động, có những con người cũng làm việc, học tập, không khác gì những nơi khác. Bức ảnh được chụp tại một làng nổi ở tận cùng vịnh Hạ Long, gần sát biển khơi.
Một bức ảnh khác đáng chú ý là cảnh một khu "vườn" nhỏ bên trong nhà ở Hội An, mà theo nhiếp ảnh gia, minh họa cho xu hướng trở lại với khái niệm ‘nhà vườn’ truyền thống quen thuộc của người Việt, gợi lên được bầu không khí ấm cúng, thân mật trong một gia đình Việt Nam.

Nét hiện đại trong Văn Miếu - Hà Nội
Nicolas Cornet

Bên cạnh đó còn có loạt ảnh nêu bật sự hòa quyện giữa những sắc thái của cuộc sống hiện đại của người Việt Nam hiện nay với những yếu tố truyền thống vẫn rất quan trọng. Bức ảnh chụp hai cô gái mặc quần jean ở Văn Miếu, đang chép lại hay xem xét những gì ghi trên tấm văn bia cho thấy rõ khia cạnh này.
Hay là bộ đôi ảnh mang sắc đỏ, bên trên là cảnh phố xá nhìn qua cửa kính một hiệu bán điện thoại di động ở Hà Nội, trang trí theo kiểu một chiếc nokia từng rất được ưa chuộng ở Việt Nam, bên dưới là một phụ nữ trong chiếc áo dài truyền thống đi lễ chùa ở Huế. Chủ đề chung đều là giao tiếp, nhưng một bên là bằng phương tiện thời nay, còn bên kia là theo tập quán thời xưa.
Các bức ảnh chụp tại Cam Bốt cũng mang nội dung tương tự, cho dù sắc thái hiện đại ít thấy hơn.

Ngồi dệt dưới nhà sàn
Nhìn chung, ảnh của Nicolas Cornet có khả năng giúp người xem vượt quá những điều mắt thấy để nắm bắt được nhịp đập của cuộc sống đời thường.
Xin nhắc lại, cuộc triển lãm của ba nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet, Lâm Đức Hiền và Marc Riboud diễn ra đồng thời với Chương trình sinh hoạt văn hóa Passion Indochine, do Vietnam Airlines bảo trợ, diễn ra trong hai ngày 30/9 và 1/10/2011, từ 10g00 đến 18g00, tại khu Công viên Parc Floral de Paris (quận 12). Vào cửa tự do.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20110930-viet-nam-va-cam-bot-hoi-tho-cuoc-song 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten