Mới đây Hubble cho thấy một mặt trăng thứ tư xoanh quanh quỹ đạo Sao Diêm Vương. Các nhà thiên văn đã tạm thời đặt tên cho thiên thể này là P4. Mặt trăng này là vệ tinh nhỏ nhất được khám phá chung quanh Sao Diêm Vương, một hành tinh lùn và băng giá.

Các nhà thiên văn ước tính mặt trăng này có bề ngang từ 13 tới 34 kilomet, được phát hiện lần đầu tiên trong một tấm hình do viễn vọng kính Hubble chụp được hôm 28 tháng 6.

Cơ quan Không Gian NASA đã phóng Hubble lên quỹ đạo năm 1990 sau nhiều năm làm việc. Ông Ed Weiler, nhà thiên văn trưởng của NASA đã hoạt động với chương trình viễn vọng kính Hubble từ năm 1979:

“Hubble, khi được phóng đi, đã giúp gia tăng khả năng của các viễn vọng kính khác ở mặt đất gấp 10 lần. Lần mới nhất trong lịch sử thiên văn của nhân loại mà chúng ta nhảy vọt khoảng mười lần trong một bước, là khi Galileo ngưng sử dụng mắt thường và nhìn vào chiếc viễn vọng kính đầu tiên.”

Trưởng ban thiên văn đầu tiên của NASA là bà Nancy Grace Roman, phục vụ cho cơ quan này từ năm 1959. Bà lãnh đạo nỗ lực mà kết quả là tạo ra viễn vọng kính Hubble:

“Đã từ lâu, các nhà thiên văn muốn quan sát từ bên trên khí quyển. Nhìn qua khí quyển thì đại loại cũng giống như nhìn qua một tấm kính cũ bị nhiều bụi dơ. Tấm kính này có những khuyết điểm trên đó vì thế hình ảnh bị mờ đi.”

Quỹ đạo của viễn vọng kính Hubble ở độ cao khoảng 550 kilommet bên trên trái đất. Bà Roman nói bà còn nhớ những hình ảnh đầu tiên mà viễn vọng kính này chụp:

“Tôi nghĩ rằng hình ảnh gây ấn tượng nhất đối với tôi là trung tâm quần tinh hình cầu. Bạn có thể nhìn thấy từng ngôi sao riêng rẽ, và thấy màu sắc của chúng, đó là một quang cảnh tuyệt diệu.”

Viễn vọng kính Hubble đã giúp mở rộng kiến thức của con người về vũ trụ. Nó giúp các khoa học gia ước tính vũ trụ đã bắt đầu khoảng 14 tỉ năm trước. Những ước tính trước đây định tuổi của vũ trụ là khoảng giữa 10 và 20 tỷ năm.

Ông Ed Weiler nói rằng, Hubble cũng xác nhận sự hiện hữu của các lỗ đen. Đây là những khối cực kỳ cô đọng mà người ta tin là tồn tại ở trung tâm của hầu hết các thiên hà. Trọng lực của chúng mạnh đến nỗi chúng hút được ánh sáng:

“Lỗ đen trước đây bị cho là khoa học giả tưởng. Trong các bộ phim ‘Star Trek,’ ‘Star War’ giả thuyết về các lỗ đen có gây chú ý nhưng có ai tin vào chúng, nhưng viễn vọng kính Hubble đã chứng minh là chúng có thật.”

Hubble đã hoàn tất lần quan sát khoa học thứ một triệu của nó hồi tháng 7. NASA sẽ xây dựng một viễn vọng kính mới để nhìn sâu hơn vào những khởi đầu của vũ trụ.