donderdag 29 september 2011

Lương Ổn Căn, tỉ phú giàu nhất Trung Quốc sắp trở thành ủy viên trung ương ĐCS

29 Tháng Chín 2011       
Lương Ổn Căn, tỉ phú giàu nhất Trung Quốc trong một hội nghị tại Hồ Nam. Ảnh chụp ngày 10/06/2005.
Lương Ổn Căn, tỉ phú giàu nhất Trung Quốc trong một hội nghị tại Hồ Nam. Ảnh chụp ngày 10/06/2005.
Reuters

Thụy My
Nhật báo công giáo La Croix có bài viết mang tựa đề « Một tỉ phú trong Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa tới ». Bài báo cho biết ông Lương Ổn Căn, 57 tuổi, người giàu nhất Trung Quốc hiện nay có thể sẽ được vào Ban chấp hành Trung ương trong dịp Đại hội Đảng lần thứ 18 vào năm tới. Nếu điều này thành sự thật, thì đây là một bước tiến của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc mở rộng các tầng lớp đại diện.

Ông Lương Ổn Căn đứng đầu trong số 271 tỉ phú đô la của Trung Quốc năm 2011, theo danh sách của tạp chí Hồ Nhuận Bách Phú và tạp chí Mỹ Forbes. Nếu các tỉ phú đứng hàng thứ hai và thứ ba hoạt động trong lãnh vực internet và bất động sản, thì ông Lương Ổn Căn là chủ tịch và đồng sáng lập tập đoàn máy công cụ Sany vào năm 1987. Tập đoàn này có trụ sở chính tại tỉnh Hồ Nam, quê hương của Mao Trạch Đông.
Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, ông Lương Ổn Căn ban đầu là cán bộ của một bộ, nhưng sau đó đứng ra lập công ty. Ông đã giàu lên rất nhanh cùng với tốc độ xây dựng tại Trung Quốc, nhờ nhu cầu khổng lồ về các loại cần trục và máy xúc, mặt hàng mà công ty Sany chuyên sản xuất. Một tờ báo lớn của Quảng Đông là tờ Time Weekly hôm qua cho biết, ông Lương Ổn Căn đã lọt được vào mắt xanh của Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Theo tờ báo này, thì nhà tỉ phú đã được chấp nhận cho vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, trước mắt là ủy viên dự khuyết. La Croix giải thích thêm, ủy viên dự khuyết chỉ trở thành chính thức khi nào có ủy viên trung ương khác về hưu hoặc qua đời.
Sự cất nhắc này có ý nghĩa gì ? La Croix đặt câu hỏi. Tờ báo nhắc lại, gần hai mưoi năm trước đây, sau các cải cách kinh tế của ông Đặng Tiểu Bình, người kế tục là ông Giang Trạch Dân mới quyết định mở rộng đôi chút cánh cửa của Đảng : các doanh nhân trong khu vực tư nhân có thể được kết nạp vào đảng kể từ năm 2001. Năm sau đó, đại hội lần thứ 16 chấp nhận cho đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân được trở thành đại biểu địa phương.
Thông tín viên tại Paris của Văn Vị Báo, một nhật báo lớn của Thượng Hải giải thích : « Với 80 triệu đảng viên, Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn mở rộng thêm thành phần, bên cạnh thành phần nông dân, công nhân, tiểu thương…lâu nay. Đó là vì số lượng các công ty tư nhân đã bùng nổ từ hơn hai thập kỷ qua, nhưng các nhà công nghiệp lớn vẫn chưa có trọng lượng cần thiết. Tuy vậy một số ông chủ các đại doanh nghiệp, nhất là ngành viễn thông, thường được chính phủ tham khảo ý kiến trước khi đưa ra các quyết định quan trọng ».
Một câu hỏi khác : Đã có các « đại gia » trong các cơ quan Đảng chưa ? La Croix cho biết là có. Họ là các đảng viên bình thường, đại biểu hội đồng nhân dân địa phương, và cũng có mặt trong số 200 ủy viên trung ương Đảng, cơ quan mà ông Lương Ổn Căn sẽ được tham gia năm tới. Phóng viên của Văn Vị Báo cho biết thêm : « Ông Lương Ổn Căn sẽ có các đồng nghiệp « đại gia » trong Ban chấp hành Trung ương, nhưng những người này không giàu bằng ông ta. Đó là các cán bộ lãnh đạo, cũng đã lợi dụng đổi mới để lao vào kinh doanh, nhưng vẫn làm chính trị là chủ yếu ».
La Croix nói thêm, các chủ doanh nghiệp nổi tiếng khác cũng có thể được vào Trung ương, như Trương Thụy Mẫn, chủ nhân tập đoàn Haier chuyên sản xuất hàng điện tử và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, hoặc chủ tập đoàn hóa dầu Sinopec. Nhưng thường thì đây là các tập đoàn quốc doanh, tức là vẫn do Đảng lãnh đạo.
Tờ báo nhận định, Đảng Cộng sản liên tục thay đổi để thích ứng với thực tế tư bản chủ nghĩa của một nước Trung Quốc mới. Nhưng La Croix kết luận, còn cần phải chờ xem.
Cam Bốt: Chính quyền thông đồng với nhà đầu cơ địa ốc trục xuất dân bằng vũ lực
Cũng liên quan đến châu Á, nhật báo cánh tả Libération có bài viết từ Phnom Penh mang tựa đề « Những kẻ thống trị Cam Bốt cướp cạn nhà đất của dân».
Thông tín viên của Libération tại đây đã tả lại cảnh hoang tàn tại khu vực xung quanh hồ Boeung Kak, với những mảng tường đổ nát, những thanh xà, những con người quần áo lấm láp cố bươi các đống xà bần để tìm những vật dụng còn sót lại. Các cư dân trương biểu ngữ « Vì sao lại đập phá trước khi có thỏa thuận ? Quyền của chúng tôi đâu ? Nhà của chúng tôi đâu ? ».
Chỉ trong vòng chưa đến một tiếng đồng hồ, hơn một chục tòa nhà bao quanh hồ đã bị các máy xúc của công ty địa ốc Shukaku phá tan tành. Khi người dân cố ngăn cản bằng cách ném đá, cả một trung đội cảnh sát chống bạo động đã tấn công vào họ và hào phóng ban cho họ những cú ma-trắc. Một đoạn video quay lại sự kiện này trên YouTube đã bị chính phủ Cam Bốt chặn lại ngay lập tức.
Vụ dùng vũ lực trục xuất dân để giải phóng đất cho Shukaku, một công ty tư của thượng nghị sĩ Lao Meng Khin - người thân cận với Thủ tướng - cho thấy khuynh hướng trục lợi của Nhà nước Cam Bốt. Tư lợi của những người nắm quyền và các đồng minh của họ đã được đặt lên trên công ích. Trụ sở các bộ, cơ quan công an, các trường đại học đặt tại trung tâm thủ đô, nơi mà giá một mét vuông đất đã tăng gấp 200 lần trong vòng 10 năm qua, đã bị bán cho các nhà đầu cơ địa ốc, hoặc « đổi » bằng các mảnh đất ở ngoại ô rất bất tiện trong việc đi lại. Ou Virak, giám đốc Trung tâm Nhân quyền Cam Bốt bình phẩm : « Họ không hề xấu hổ, và ai cũng biết rằng đó là tham nhũng. Nhà nước và công chúng không thu được một xu nhỏ nào qua các vụ đổi chác này ».
Libération cho biết, hồ Boeung Kak, lá phổi của thủ đô và là hồ chứa chính trong mùa mưa, đã bị xóa tên khỏi bản đồ, trong khi Phnom Penh vẫn bị nạn lụt đe dọa. Thủ tướng Hun Sen hồi tháng Tám đã tuyên bố sẽ dành khoảng hơn một chục hecta – được chia thành các lô nhỏ - cho các gia đình cư ngụ quanh hồ. Nhưng ông cũng nói rằng nhiều lô sẽ được phân phối cho Shukaku và các viên chức địa phương.
Tác giả kết luận, trước thái độ ngạo mạn của lớp nhà giàu mới có liên hệ mật thiết với giai cấp lãnh đạo đã quen với việc nhận hối lộ, thì chỉ có các nhà tài trợ vốn cung cấp đến phân nửa ngân sách quốc gia, mới có thể làm cho những kẻ thống trị e ngại. Đó cũng là phương sách mà Ngân hàng Thế giới đã không ngần ngại áp dụng, khi cho đóng băng các chương trình tài trợ, sau các vụ trục xuất cư dân vùng hồ Boeung Kak.
Fukushima: Tepco bị chỉ trích vì thủ tục bồi thường quá rối rắm
Còn tại Nhật Bản, thông tín viên của Le Monde ở Tokyo cho biết, tập đoàn Tepco vốn bị chỉ trích dữ dội do thiếu minh bạch qua tai nạn ở nhà máy Fukushima, nay lại bị đả kích trong việc bồi thường cho các nạn nhân.
Số tiền bồi thường có thể lên đến từ 3.000 đến 4.000 tỉ yen, tương đương 29 đến 38 tỉ euro. Nhưng thủ tục bồi thường hết sức rắc rối. Nhiều nạn nhân đã phải rời miền đông bắc nước Nhật để tránh nhiễm xạ, thú thật rằng họ không hiểu gì cả. Có đến 60 trang biểu mẫu phải điền vào, còn các chú thích thì lên đến 156 trang ! Ông Yukio Edano, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp hôm đầu tuần đã nhìn nhận « Ngay cả tôi vốn là luật sư, vẫn khó thể hiểu nổi nội dung ». Còn số lượng 400.000 đến 500.000 cá nhân và doanh nghiệp khiếu kiện cũng không hề hoan nghênh điều khoản buộc họ cam kết sẽ không « phản đối hoặc kiện cáo tiếp », nếu muốn nhận được tiền đền bù.
Nguồn tiền để bồi thường cũng là vấn đề mắc mứu giữa chính phủ với Tepco. Chính quyền muốn tập đoàn này phải giảm chi phí giá thành, và bán bớt tích sản, hạ bớt mức lương công nhân viên của Tepco, hiện vẫn cao gấp đôi mức bình quân cả nước. Tepco có một số nhượng bộ, nhưng đề nghị cho tăng giá điện. Bộ trưởng Kinh tế vẫn còn do dự, ngại phản ứng của người tiêu dùng. Giá điện của Nhật đang ở mức cao so với các nước phát triển khác, nếu so với Pháp thì cao hơn đến 30%. Bên cạnh đó, không ai biết được cái giá này được tính toán trên cơ sở nào, có hợp lý hay không. Chẳng hạn một số người đã đặt câu hỏi, vì sao một tập đoàn độc quyền thị trường như Tepco, năm ngoái lại chi ra đến 11,6 tỉ yen cho quảng cáo ?
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20110929-luong-on-can-ti-phu-dau-tien-sap-tro-thanh-uy-vien-trung-uong-dcs-trung-quoc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten