zaterdag 16 maart 2024

Vụ rộ tin Võ Văn Thưởng ‘mất chức’: Dân Hòa Lan ‘hoang mang’ vụ chuyến thăm chuẩn bị rất chu đáo của nhà vua (19-22/3/2024) bị VN hoãn

Giới quan sát: Việc VN hoãn chuyến thăm của Vua Hà Lan gây mất uy tín lãnh đạo

Vua Hà Lan Willem-Alexander, Hoàng hậu Maxima; Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và phu nhân Phan Thị Thanh Tâm. Photo: Reuters.
Vua Hà Lan Willem-Alexander, Hoàng hậu Maxima; Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và phu nhân Phan Thị Thanh Tâm. Photo: Reuters.

Giới quan sát nhận định rằng việc chuyến thăm cấp nhà nước của Hoàng gia Hà Lan đến Việt Nam buộc phải hủy vào phút chót do “tình hình nội bộ” của Hà Nội sẽ để lại một tiền lệ xấu trong nền ngoại giao Việt Nam và ảnh hưởng đến uy tín của giới lãnh đạo Cộng sản trong cộng đồng quốc tế.

Vào tháng 12/2023, Hoàng gia Hà Lan đã loan báo về chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 4 ngày đến Việt Nam của Nhà vua Willem-Alexander và Hoàng hậu Máxima, theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân Phan Thị Thanh Tâm, với mục đích nhằm tái khẳng định mối quan hệ song phương giữa hai nước và tập trung đặc biệt vào hỗ trợ phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo.

Thế nhưng, như VOA đã đưa tin, hôm 14/3, Nhà vua và Hoàng hậu Hà Lan sẽ hoãn chuyến thăm này theo đề nghị của chính quyền Việt Nam vì “tình hình nội bộ” và lịch trình mới vẫn chưa được ấn định.

Theo lịch trình dự kiến được Hoàng gia công bố, nhà vua sẽ có các cuộc gặp với cả bốn lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, và chứng kiến việc hai bên ký kết các thỏa thuận hợp tác về trồng trọt, thỏa thuận chứng nhận điện tử các sản phẩm nông nghiệp giữa hai nước vào ngày 19/3; gặp gỡ sinh viên ở Hải Phòng, thăm nhà máy đóng tàu Damen-Sông Cấm, rừng ngập mặn Cát Bà vào ngày 20/3; thực hiện các hoạt động song phương trong lĩnh vực kinh tế, nghệ thuật, nước và cảng ở Tp. Hồ Chí Minh ngày 21/3, và cuối cùng thăm tỉnh Đăk Lăk vào ngày 22/3 để ký một bản ghi nhớ về phát triển nông nghiệp bền vững.

Gần đây nhất, vào ngày 12/3 Hoàng gia Hà Lan vẫn còn ra thông cáo báo chí về lịch trình cụ thể của chuyến công du được chuẩn bị từ khá lâu này.

Chính quyền tỉnh Đăk Lăk và truyền thông trong nước cũng đã loan tin chuyến công tác tiền trạm của Hoàng gia và phái đoàn ngoại giao Hà Lan từ tháng 1/2024.

Đây được kỳ vọng là chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam đầu tiên của Nhà vua và Hoàng hậu Hà Lan. Hai vị đã đến thăm Việt Nam vào năm 2005 và 2011 với tư cách Thái tử kế vị và công nương.

Tuy vậy, hai phái đoàn cấp bộ của Hà Lan và phái đoàn 140 doanh nhân của nước này mà trước đây dự kiến sẽ tháp tùng chuyến thăm của hoàng gia, nay vẫn sẽ tiến hành như kế hoạch, sẽ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng Thực phẩm Christianne van der Wal, Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý Nước Mark Harbers và Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Giới sử dụng lao động Hà Lan (VNO-NCW) Ingrid Thijsse dẫn đầu, Hoàng gia Hà Lan cho biết trong thông báo ngày 14/3.

Việt Nam đề nghị Vua và Hoàng hậu Hà Lan hoãn thăm vì ‘tình hình nội bộ’
  • Auto
  • 240p
  • 360p
  • 480p
  • 720p
  • 1080p

No media source currently available

0:001:250:00
 Tải xuống 

Trên Diễn đàn Hoàng gia (The Royal Forums), nhiều người bày tỏ thắc mắc về lý do chuyến thăm bị hoãn: “Có ai biết ‘tình hình trong nước’ ở Việt Nam là gì mà phải hoãn chuyến thăm không?”. Một người đáp lại: “Chứ tôi không thấy có tình trạng bất ổn xã hội hay bất cứ điều gì tương tự!”. Một người khác tự giải thích rằng có thể do vấn đề sức khỏe của lãnh đạo Việt Nam.

Giới quan sát nói với VOA rằng việc hoãn chuyến thăm này làm xấu hình ảnh của Việt Nam trong bạn bè quốc tế.

“Tôi cảm thấy thật xấu hổ cho chính quyền Hà Nội vì đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Quốc vương Hòa Lan và Hoàng hậu tới Việt Nam, chuyến thăm được nhiều người mong đợi và chuẩn bị khá chu đáo từ nhiều tháng trước”, luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada, nêu ý kiến cá nhân của ông với VOA. “Theo quan sát của tôi, cái lý do ‘tình hình trong nước này’ có gì đó ‘không ổn’ vì ở Việt Nam không hề có dấu hiệu ‘bất ổn trong nước’ nào cả!”.

Nhà báo Lê Trung Khoa ở Đức đưa ra ý kiến cá nhân về “tình hình trong nước”, dựa vào các nguồn tin mà ông có được từ Việt Nam:

“‘Tình hình trong nước’ ở đây mà phía Việt Nam đưa ra, theo tôi biết chính là khủng hoảng nhân sự cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà cụ thể là chức danh chủ tịch nước của ông Võ Văn Thưởng đang bị lung lay”.

Nhận xét của ông Khoa cũng trùng hợp với những đồn đoán trên mạng xã hội về việc ông Thưởng đã có đơn từ chức. VOA không thể kiểm chứng nhận xét của ông Khoa và những thông tin trên mạng xã hội.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ giải thích về lý do hoãn chuyến thăm này, nhưng chưa được trả lời.

Từ Đức, luật sư Nguyễn Văn Đài chia sẻ:

“Gần đến ngày thăm mà phía Việt Nam yêu cầu phía Hoàng gia Hà Lan trì hoãn chuyến đi là điều chưa có tiền lệ, sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến Việt Nam về uy tín trên quốc tế, quan trọng hơn là uy tín của chính quyền Việt Nam, nơi mà Đảng Cộng sản đang mất uy tín rất nhiều”.

Ông Jonathan London, giáo sư đại học Leiden University, Hà Lan, đồng thời là nhà quan sát chính trị Việt Nam, viết trên Facebook hôm 14/3 bằng tiếng Việt: “Hôm nay hàng chục chính khách, doanh nhân, nhà đầu tư Hà Lan đang hoang mang và thất vọng trước thông tin chuyến thăm Việt Nam sắp tới của cặp đôi Hoàng gia Hà Lan bị hoãn vào phút chót”.

Ông London kể rằng khi các tin tức ban đầu về việc hủy chuyến thăm được lan truyền, một phóng viên đã gọi điện thoại cho ông nhờ giải thích “tình hình nội bộ” ở phía Việt Nam “có ý nghĩa gì”, ông viết thêm rằng vị phóng viên này, cũng như như những người chuẩn bị trước cho chuyến thăm đã lên đường sang Việt Nam, đành phải quay về vì sự kiện bị hoãn.

“Hòa Lan là nước đầu tư vào Việt Nam lớn nhất của Châu Âu và thứ hai về thương mại. Có ai biết gì về việc này không? Có rất nhiều thỏa thuận cần được ký kết”, ông viết và thuật lại lời một ký giả rằng việc chuyến thăm này bị hoãn “không tốt cho các mối quan hệ”.

 Giới quan sát: Việc VN hoãn chuyến thăm của Vua Hà Lan gây mất uy tín lãnh đạo (voatiengviet.com)


Vụ rộ tin Võ Văn Thưởng ‘mất chức’: Dân Hòa Lan ‘hoang mang’ vụ chuyến thăm chuẩn bị rất chu đáo của nhà vua bị VN hoãn


AMSTERDAM, Hòa Lan (NV) – Giáo Sư Jonathan London, nhà quan sát chính trường Việt Nam, hiện đang dạy tại đại học Leiden University, Hòa Lan, bình luận rằng việc Hà Nội đột ngột hoãn chuyến thăm được chuẩn bị rất chu đáo của nhà vua và hoàng hậu xứ sở hoa Tulip “không tốt cho các mối quan hệ.”

Chuyến thăm Việt Nam của Vua Willem-Alexander và Hoàng Hậu Maxima thoạt đầu được lên kế hoạch diễn ra từ ngày 19 đến 22 Tháng Ba, mà trong đó, vua và hoàng hậu Hòa Lan sẽ gặp ông Võ Văn Thưởng, chủ tịch nước, ngày 19 Tháng Ba.

Ông Yoon Suk Yeol (trái), tổng thống Nam Hàn, và ông Võ Văn Thưởng, chủ tịch nước Việt Nam, ngồi trên ghế “sụm” bên Hồ Gươm hồi trung tuần Tháng Sáu, 2023. Đây được cho là điềm xấu cho cái ghế của ông Thưởng. (Hình: VNExpress)

Tuy nhiên, thông cáo do Hoàng Gia Hòa Lan phát đi hôm 14 Tháng Ba cho biết: “Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu hoãn chuyến thăm của vua và hoàng hậu vì ‘tình hình nội bộ,’” nhưng không giải thích cụ thể khái niệm “tình hình nội bộ” là gì.

Trong bài đăng bằng tiếng Việt trên trang cá nhân hôm 15 Tháng Ba, ông London cho biết: “Hôm nay hàng chục chính khách, doanh nhân, nhà đầu tư Hòa Lan đang hoang mang và thất vọng trước thông tin chuyến thăm Việt Nam sắp tới của cặp Hoàng Gia Hòa Lan bị hoãn vào phút chót.”

Ông tiết lộ, khi các tin tức ban đầu về chuyện hủy chuyến thăm được lan truyền, một phóng viên đã gọi điện thoại cho ông nhờ giải thích “‘lý do nội bộ” ở phía Việt Nam có ý nghĩa gì.”

Phóng viên này, cũng như như những người chuẩn bị trước cho chuyến thăm của Vua Willem-Alexander đã lên đường sang Việt Nam mà phải quay lại khi sự kiện bị hủy vào giờ chót.

“Hòa Lan là nước đầu tư vào Việt Nam lớn nhất của Châu Âu và thứ hai về thương mại. Có ai biết gì về việc này không? Có rất nhiều thỏa thuận cần được [hai bên] ký kết. Có lẽ những điều này sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, như một nhà báo Hòa Lan đã nói với tôi, những việc như thế này không tốt cho các mối quan hệ,” theo Facebook Jonathan London.

Trong khi đó, hôm 14 Tháng Ba, bản tin của hãng thông tấn Reuters đưa tin về chuyện Việt Nam thông báo cho phía Hòa Lan hoãn chuyến thăm của vua và hoàng hậu đến Việt Nam cũng “biến mất,” được hiểu là hãng thông tấn này “tự kéo bài xuống.” Tuy nhiên, bản tin này đã được nhiều cơ quan truyền thông khác dẫn lại nguyên văn.

Trường hợp này cũng từng xảy ra đối với Reuters trước đây, khi đưa tin vụ ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, vắng mặt thời gian dài hồi Tháng Giêng. Tuy nhiên, bản tin đó tái xuất hiện vào buổi tối trong ngày.

Trở lại chuyến thăm Việt Nam của vua và hoàng hậu Hòa Lan, thì chuyến đi này đã được hoàng gia thông báo trên trang web của mình hôm 7 Tháng Mười Hai, 2023, theo đó: “Vua Willem-Alexander và Hoàng Hậu sẽ thăm chính thức cấp nhà nước đến Việt Nam vào nửa cuối Tháng Ba, 2024, theo lời mời của Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng.”

Ngày 20 Tháng Hai, trang web của hoàng gia còn đưa ra chi tiết trong chuyến thăm Việt Nam kéo dài bốn ngày, trong đó gặp đủ “tứ trụ” lãnh đạo Việt Nam vào ngày 19 Tháng Ba. Đặc biệt, vua và hoàng hậu Hòa Lan sẽ được ông Thưởng và phu nhân là bà Phan Thị Thanh Tâm đón tiếp tại Phủ Chủ Tịch. Ông Thưởng và Vua Willem-Alexander sẽ duyệt đội quân danh dự theo nghi lễ đón tiếp cấp nhà nước.

Tiếp theo là cuộc gặp mặt các phái đoàn để thảo luận các văn bản cần ký kết giữa Hòa Lan và Việt Nam, bao gồm hợp tác trồng trọt giữa đô thị Westland và tỉnh Lâm Đồng, chứng nhận điện tử các sản phẩm thực vật giữa Bộ Nông Nghiệp, Thiên Nhiên, và Phẩm Chất Thực Phẩm Hòa Lan với Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam.

Theo chương trình, Vua Willem-Alexander sẽ cùng ông Thưởng xem cuộc đua thuyền rồng truyền thống của Việt Nam, đặt vòng hoa tại Đài Tưởng Niệm Anh Hùng Liệt Sĩ, nhà vua phát biểu tại Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh…

Vào các ngày sau đó vua và hoàng hậu Hòa Lan sẽ có một số hoạt động tại Hà Nội, Hải Phòng, Cát Bà, Sài Gòn, Đồng Bằng Sông Cửu Long, và Đắk Lắk…

Ngày 24 Tháng Giêng, Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Đoàn tiền trạm của vương quốc Hòa Lan do ngài Eric Verwaal, phó tổng thư ký của nhà vua, làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Đắk Lắk về công tác chuẩn bị chuyến thăm chính thức của vua và hoàng hậu đến thăm địa phương vào cuối Tháng Ba. Đồng chí Nguyễn Đình Trung, bí thư tỉnh ủy, và đồng chí Võ Văn Cảnh, phó chủ tịch tỉnh, đồng chủ trì buổi tiếp.”

Như vậy, có thể nói, đây là một chuyến viếng thăm cấp nhà nước được phía Việt Nam và Hòa Lan chuẩn bị rất chu đáo.

Tính đến đêm 15 Tháng Ba, Bộ Ngoại Giao cũng như Phủ Chủ Tịch của Việt Nam giữ im lặng về tin đồn về việc ông Võ Văn Thưởng “nộp đơn xin thôi chức” dẫn đến việc hoãn chuyến thăm của vua Hòa Lan.

Lần cuối cùng ông Thưởng xuất hiện trước công chúng là hôm Thứ Tư, 13 Tháng Ba, cùng với các lãnh đạo đảng CSVN, bao gồm Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc họp bàn về nhân sự cho đại hội 14 của đảng.

Buổi tiếp ông Jargalsaikhan Banzragch, viện trưởng Viện Kiểm Sát Mông Cổ, tại Hà Nội hôm 11 Tháng Ba có lẽ là lần tiếp khách ngoại quốc cuối cùng của ông Võ Văn Thưởng (phải) trên cương vị chủ tịch nước Việt Nam. (Hình: Công Lý)

Hôm 8 Tháng Ba, truyền thông tại Việt Nam loan tin, ông Cao Khoa (cựu chủ tịch Quảng Ngãi) và ông Đặng Văn Minh (đương kim chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi) cùng lúc bị bắt giam với cáo buộc “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Phúc Sơn.

Đáng chú ý, ông Đặng Văn Minh trước khi nắm chức chủ tịch tỉnh, từng là giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải Quảng Ngãi, phó chủ tịch thường trực Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Quảng Ngãi, bí thư Thành Ủy Quảng Ngãi, trưởng Ban Tổ Chức Tỉnh Ủy Quảng Ngãi. Nghĩa là, ông Đặng Văn Minh cũng từng là cấp dưới của ông Võ Văn Thưởng trong thời kỳ ông Thưởng làm bí thư tỉnh ủy.

Như vậy, nhiều phần tin tức ông Võ Văn Thưởng “nộp đơn xin thôi chức” có liên quan với vụ án của tập đoàn Phúc Sơn và các quan chức cao cấp ở tỉnh Quảng Ngãi bị bắt.

Điều này tương tự như ông Nguyễn Xuân Phúc “xin thôi chức” vì liên quan đến “đại án Việt Á” và “chịu trách nhiệm của người đứng đầu.”

Ông Võ Văn Thưởng, lên chức chủ tịch nước ngày 2 Tháng Ba, 2023, thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc, và trở thành “vị chủ tịch nước trẻ nhất trong lịch sử Việt Nam khi nhậm chức ở tuổi 52.” (N.H.K & Đ.D.)

Vụ rộ tin Võ Văn Thưởng ‘mất chức’: Dân Hòa Lan ‘hoang mang’ vụ chuyến thăm chuẩn bị rất chu đáo của nhà vua bị VN hoãn (nguoi-viet.com)

Võ Văn Thưởng, anh đã bị lộ?


Thanh Hà

Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng được giới quan sát nhận xét là một chính khách Việt Nam trẻ tuổi, được đào tạo khá bài bản. Hoạn lộ của ông Thưởng, được đánh giá khá bằng phẳng, chủ yếu liên quan đến công tác lý luận của đảng CSVN và phù hợp với tiêu chí “người Bắc có lý luận” của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.

Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại một hội nghị nhân dịp tham dự Thượng Đỉnh APEC 2023 tại San Francisco. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)

Trong cuộc đua giành ghế tổng bí thư tại Đại Hội 14 gần đây, theo giới phân tích thì sự nổi lên của ông Thưởng với sự ủng hộ của ông Trọng làm lu mờ vai trò của các ứng viên khác, như Thủ Tướng Phạm Minh Chính, Chủ Tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, và Bộ Trưởng Công An Tô Lâm.

Thông báo của Hoàng Gia Hòa Lan hôm 14 Tháng Ba cho biết phía Việt Nam đề nghị vua và hoàng hậu Hòa Lan hoãn thăm quốc gia Đông Nam Á này vì “tình hình nội bộ” và cho Hà Nội không giải thích gì thêm. Trước đó, cho tới ngày 6 Tháng Ba, truyền thông Việt Nam đều đưa tin vua và hoàng hậu Hòa Lan sẽ thăm Việt Nam từ ngày 19 đến ngày 22 Tháng Ba.

Hôm 20 Tháng Hai, Hoàng Gia Hòa Lan công bố chi tiết chuyến thăm với nhiều hoạt động từ Bắc xuống Nam và lên đến Tây Nguyên, trong đó vua và hoàng hậu sẽ gặp “tứ trụ” lãnh đạo Việt Nam.

Cũng hôm 14 Tháng Ba, mạng xã hội và các diễn đàn chính trị của người Việt Nam “nóng” lên vì những đồn đoán cho rằng ông Thưởng sắp nộp đơn xin thôi chức, do liên quan tới bê bối về tham nhũng. Sự việc xảy ra dưới thời ông Thưởng làm bí thư Tỉnh Ủy Quảng Ngãi, trong giai đoạn từ Tháng Tám, 2011 đến Tháng Tư, 2014.

Điều vừa kể khiến công luận và giới phân tích hết sức ngạc nhiên, vì lâu nay ông Thưởng được đánh giá là một nhân vật khá trong sạch, vì hầu như chưa có các bê bối liên quan đến tiền bạc.

Tính khả tín của tin đồn được củng cố hơn, khi Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà, tức blogger Cô Gái Đồ Long, một nhân vật nổi tiếng trong giới thạo tin “cung đình” Việt Nam, viết trên trang cá nhân: “Câu lạc bộ Quảng Ngãi từng quen thuộc với người hâm mộ khi tham gia đều đặn tại các giải hạng nhất, nhì quốc gia, nay vừa có ngôi sao nộp đơn xin giải nghệ,” với tấm hình sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi bên dưới.

Ngày hôm sau, Facebooker này “điều chỉnh” một chút, thêm ba từ “gốc Vĩnh Long” vào như sau: “Câu lạc bộ Quảng Ngãi từng quen thuộc với người hâm mộ khi tham gia đều đặn tại các giải Hạng nhất, nhì quốc gia, nay vừa có ngôi sao gốc Vĩnh Long nộp đơn xin giải nghệ,” và thay tấm hình bên dưới bằng hình tác giả ngồi trên cầu Trà Khúc.

Cách đây hơn một năm, hôm 13 Tháng Giêng, 2023, cũng Facebooker này là người đầu tiên tiết lộ tin ông Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước, bị “nhận thẻ đỏ” và bị truất quyền thi đấu trong “Câu lạc bộ bóng đá Quảng Nam.” Sau đó ít ngày, ông Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố “xin thôi chức” và trao quyền lại cho bà Võ Thị Ánh Xuân, phó chủ tịch nước.

Người thay thế cho ông Phúc sau đó chính là ông Thưởng, lúc đó là thường trực Ban Bí Thư Trung Ương. Được biết, ông Thưởng nhậm chức chủ tịch nước thay thế ông Phúc từ ngày 2 Tháng Ba, 2023. Có lẽ không quá sớm để có thể nói rằng ông Thưởng là chủ tịch nước có thời gian tại vị ngắn ngủi nhất, vỏn vẹn chỉ có hơn một năm.

Ông Thưởng hiện là nhân vật số hai, trong thứ bậc các lãnh đạo cấp cao nhất của đảng CSVN. Đây là một nhân sự đã được Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chọn lựa và bồi dưỡng trực tiếp trong một thời gian dài.

Trên mạng xã hội rộ lên nhận xét sai phạm của ông Thưởng có liên quan đến việc Bộ Công An hôm 8 Tháng Ba khởi tố bắt giam ông Đặng Văn Minh, chủ tịch Quảng Ngãi, và ông Cao Khoa, cựu chủ tịch tỉnh này, với cáo buộc “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.”

Vụ án vừa kể có liên quan đến tập đoàn Phúc Sơn của ông Nguyễn Văn Hậu, tức Hậu “pháo,” chủ tịch tập đoàn và là con nuôi cựu Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng. Đáng chú ý, ông Minh trước khi nắm chức chủ tịch Quảng Ngãi từng là cấp dưới trực tiếp của ông Thưởng trong thời gian ông Thưởng giữ chức bí thư Tỉnh Ủy.

Ông Đặng Trung Hoành, chánh văn phòng huyện ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, người bị bắt hôm 8 Tháng Ba, là đồng hương, đồng thời là cánh tay phải của ông Thưởng. Ông Hoành được cho là người đã nhận 60 tỷ của ông Hậu “pháo,” để xây nhà thờ tổ cho ông Thưởng ở quê nhà huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Đổi lại, tập đoàn Phúc Sơn được nhận các công trình đầu tư tại khu vực sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi.

Liệu thông tin vừa kể có liên quan gì đến lý do ông Thưởng, theo đồn đoán, phải chấp nhận xin thôi chức không?

Một câu hỏi đặt ra: Ông Thưởng vì sao ra nông nỗi này và ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?

Theo giới phân tích, đây chính là hệ quả của cách lựa chọn nhân sự vô trách nhiệm, mang tính cục bộ bè phái của ông Trọng, trên cương vị trưởng Tiểu Ban Nhân Sự các kỳ đại hội đảng.

Tại sao một sai phạm nhận tiền từ nhà thầu để xây dựng nhà thờ tổ của ông Thưởng lớn và tày đình như vậy nhưng trong một thời gian dài không bị cơ quan phòng chống tham nhũng và tiêu cực mà ông Trọng là người đứng đầu phát hiện và xử lý kịp thời?

Phải chăng đó là lý do tại Hội Nghị Trung Ương 8 Khóa 13 (Tháng Mười, 2023), truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin tập thể Ban Chấp Hành Trung Ương đã phê bình Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng có rất nhiều sai phạm trong việc đưa vào ban chấp hành nhiều nhân sự không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định.

Trong thời gian diễn ra hội nghị, Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) đăng một bài viết có nhan đề: “Lựa chọn cán bộ đủ đức, đủ tài đưa vào Ban Chấp Hành Trung Ương khóa mới.” Đây là hiện tượng chưa từng có. Đáng chú ý, bài viết trích dẫn những phát biểu phê phán của các quan chức đương nhiệm cũng như đã nghỉ hưu thuộc Hội Đồng Lý Luận Trung Ương, một cơ quan do ông Trọng trực tiếp quản lý.

Công tác nhân sự của ông Trọng trong thời gian gần đây cho thấy trên thực tế số lượng các lãnh đạo cao cấp bị khởi tố bắt giam tăng lên rõ rệt. Điều đó chứng minh phẩm chất nhân sự cấp cao do ông Trọng chọn lựa là rất có vấn đề.

Trường hợp ông Võ Văn Thưởng vừa gặp “sự cố” là một trong những ví dụ chua chát nhất về cách lựa chọn nhân sự lãnh đạo của ông Trọng. Và nếu như ông không cố tình giấu giếm khuyết điểm của ông Thưởng thì hôm nay đâu có đến nông nỗi này?

“Sự cố ngã ngựa” của ông Thưởng lộ ra hình ảnh với cơ chế chọn lựa nhân sự lãnh đạo cấp cao độc đoán, thiếu giám sát trong nội bộ đảng CSVN. Vậy thì có lẽ 100% các lãnh đạo cấp cao khác của đảng sẽ không thể trong sạch và cũng vẫn chỉ là các nhân sự tham nhũng nhưng chưa bị lộ mà thôi. [đ.d.]

Geen opmerkingen:

Een reactie posten