maandag 16 november 2020

Việt Nam : Giảm tình trạng thiếu điện quốc gia từ tiết kiệm trong dân + Tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam

 

Việt Nam : Giảm tình trạng thiếu điện quốc gia từ tiết kiệm trong dân

Phần âm thanh 10:40
Một cột điện bị đổ do bão Noul tại Huế, miền trung Việt Nam, ngày 18/09/2020. Ảnh minh họa.
Một cột điện bị đổ do bão Noul tại Huế, miền trung Việt Nam, ngày 18/09/2020. Ảnh minh họa. AP - Nguyen Thi Tuong Vi
Thu Hằng
24 phút

Từ 2021, mỗi năm Việt Nam sẽ thiếu hàng tỉ kWh điện. Cơ sở hạ tầng vừa thiếu vừa yếu, đặc biệt là tình trạng thiếu năng lượng, sẽ tác động đến sản xuất trong nước và có thể kìm hãm nguồn đầu tư nước ngoài trong khi Việt Nam được cho là một trong những điểm đến hấp dẫn trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Trước hết, Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt điện, chiếm đến đến 38,1% tổng sản lượng điện. Thế nhưng, ngoài vấn đề ô nhiễm môi trường, các nhà máy nhiệt điện không có đủ nguồn than, theo thẩm định phải nhập thêm 680 triệu tấn than từ 2016 đến 2030 để bổ sung cho 720 triệu tấn than trong nước được sử dụng hàng năm.

Tình trạng này đã được bộ Công Thương xác nhận với Reuters ngày 29/07/2019 và tiếp tục được các cơ quan truyền thông trong nước phản ánh trong những tháng cuối năm 2020. Việt Nam có nguy cơ thiếu 6,6 tỉ kWh vào năm 2021, 11,8 tỉ kWh vào năm 2022 và 15 tỉ kWh vào năm 2023.

Nguyên nhân thứ hai là 47 trên tổng số 62 dự án điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh (2011-2020) bị chậm tiến độ, ít nhất là hai năm, do nhiều lý do : kêu gọi vốn, quy hoạch cơ sở hạ tầng… Khoảng 260 doanh nghiệp đăng ký các dự án về năng lượng tái tạo chưa thể triển khai do những vướng mắc trong Luật Quy hoạch. Theo thẩm định năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần đầu tư đến 150 tỉ đô la cho đến năm 2030, tăng gần gấp đôi so với mức 80 tỉ đô la đầu tư vào lĩnh vực điện từ năm 2010.

Để tạm giải quyết tình trạng thiếu hụt trước mắt, Việt Nam dự kiến mua điện từ Trung Quốc và Lào : 3,6 tỉ kWh năm 2021 và 9 tỉ kWh năm 2023, theo cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Phương Hoàng Kim, được trang VnExpress trích dẫn tháng 07/2019.

Về lâu dài, Việt Nam đưa ra Chiến lược Phát triển Năng lượng Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo nghị quyết N°55-NQ/TW được Bộ Chính Trị công bố ngày 11/02/2020. Chiến lược này tập trung vào năng lượng tái tạo, khí tự nhiên, tiết kiệm năng lượng và lưu trữ năng lượng có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư tư nhân.

Kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo đã cho những kết quả khả quan. Theo trang Nhân Dân điện tử ngày 31/10/2020, đến cuối tháng 08/2020, tổng sản lượng của năng lượng gió và mặt trời là khoảng 23.000 MW (điện mặt trời là khoảng 11.200 MW và điện gió khoảng 11.800 MW). Việt Nam đã tiến hành 102 dự án năng lượng mặt trời tính đến tháng 10/2020.

Ngoài ra, ngày 28/10, Việt Nam đã ký với ba tập đoàn Mỹ Delta Offshore Energy, Bechtel Corporation, General Electric và McDermott, một thỏa thuận phát triển dự án điện từ khí hóa lỏng Bạc Liêu với tổng trị giá hơn 3 tỉ đô la. Theo trang Vneconomy, dự án này sẽ cung cấp 3.200 MW điện cho tỉnh Bạc Liêu và Việt Nam, có thể tạo ra hơn 20 TWh điện hàng năm, giúp giải quyết nhu cầu năng lượng sạch, ổn định với giá cả cạnh tranh. 

Cuối cùng, ngoài những giải pháp mang tính vĩ mô, một biện pháp thiết thực trước mắt giúp giải quyết tình trạng thiếu điện là toàn dân tiết kiệm điện. Ngoài kêu gọi, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ra Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 07/05/2020 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025.

Để hiểu rõ hơn về giải pháp này, RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà, chuyên gia hệ thống điện, đang làm việc tại tập đoàn Schneider Electric, Grenoble (Pháp).

Tiến sĩ Phạm Thj Thu Hà, chuyên gia hệ thống điện tại tập đoàn Schneider Electric, Grenoble (Pháp).
Tiến sĩ Phạm Thj Thu Hà, chuyên gia hệ thống điện tại tập đoàn Schneider Electric, Grenoble (Pháp). © RFI / Tiếng Việt

RFI : Thưa chị Thu Hà, trước tình trạng thiếu điện tại Việt Nam, ngoài những giải pháp mang tính vĩ mô, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi tiết kiệm điện để có nguồn bền vững, lâu dài. Xin chị giải thích là những hình thức nào được coi là sử dụng điện lãng phí ?

TS. Thu Hà : Với sự phát triển của Việt Nam hiện nay, phần lớn người dân sống ở độ thị rất hiếm khi bị cắt điện. Khi nhìn xung quanh, tất cả các thiết bị xung quanh đang được bật, TV, các thiết bị điện tử, đèn, điều hòa, quạt, bếp..., chúng ta có thực sự cần dùng đến chúng lúc này không ? Đã bao giờ chúng ta từng mở cửa sổ cho thoáng mà quên tắt điều hòa chưa ? Một máy điều hòa tiêu thụ 3 số điện/giờ. Nếu để mở cửa sổ thì mỗi giờ 2 số điện được dùng để thổi mát ra ngoài trời.

Những ví dụ như thế này hẳn là nhiều lắm. Có điều từ lúc chúng ta quên tắt điều hòa đến lúc phải trả hóa đơn điện là khá lâu. Nên đa phần cuối tháng chúng ta chỉ kêu « sao tháng này tiền điện nhiều thế ! » rồi sau đó lại quên tiếp. Cho nên, có thể nói hình thức lãng phí đầu tiên là ở cách sử dụng điện, khi chúng ta tiêu thụ điện năng để… không để làm gì ! Hình thức lãng phí điện đầu tiên là do ý thức của người sử dụng.

Một hình thức lãng phí thứ hai là sử dụng thiết bị có hiệu năng kém. Ở châu Âu, một trong những tiêu chí cơ bản khi người dân chọn thiết bị điện, đó là tiêu chí hiệu năng, thiết bị tiêu thụ điện chất lượng A, A+ A++. Đó là những tiêu chí xếp hạng về mức tiêu thụ điện năng ít cho công năng cao. Những thiết bị ghi hiệu năng B, C, D là hoàn toàn bị hạn chế lưu hành. Vì vậy, tổn thất trong thiết bị cũng là một vấn đề mà các nhà sản xuất đặc biệt lưu ý cho đến hiện nay. Ngoài các thiết bị tăng tiêu chí hiệu năng, người ta còn nghiên cứu tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đóng và tắt một cách dễ dàng.

Cuối cùng là tổn thất điện trong hệ thống lưới cũ. Ở Việt Nam, một bộ phận cáp điện đã được chôn ngầm, trong khi vẫn còn rất nhiều nơi có mạng lưới cột điện chằng chịt. Những tổn thất ở trên lưới là điều hoàn toàn có thể tránh nếu hệ thống đó được cải tạo. Hiện có thể thấy ở nhiều đô thị, đường điện hoàn toàn được chôn ngầm và chất lượng sử dụng của lưới được cải thiện.

RFI : Liệu lời kêu gọi tiết kiệm điện này có khả thi ở Việt Nam không ?

TS. Thu Hà : Theo tôi biết, những biện pháp tiết kiệm điện, rồi những chiến dịch tuyên truyền tiết kiệm điện, đa phần mọi người đều biết hết. Có điều là khi chuyển từ đèn sợi đốt sang đèn LED trong chiếu sáng thì dùng cả ngày không hết 1 số điện, nên việc tắt đèn hay không tắt đèn đối với người dân, khi sử dụng đèn LED, thì thấy là « cũng chẳng đáng bao nhiêu ». Nhưng khi tăng điều hòa từ 19° lên 22°, người dùng thậm chí sẽ không cảm nhận được sự thay đổi nhiệt độ, nhưng lại có thể giảm được đến 30% hóa đơn tiền điện.

Vì thế, chỉ riêng chuyện người sử dụng để ý hơn đến việc sử dụng một cách hợp lý và chỉ dùng khi cần, thì có thể hoàn toàn tiết kiệm đáng kể mức độ tiêu thụ điện trong dân, cũng như trong các cơ sở sản xuất kinh doanh.

RFI : Chị tham gia nhiều dự án sử dụng điện thông minh tại Pháp và một số nước khác. Sử dụng điện thông minh được hiểu và được thực hiện như thế nào ? Những biện pháp này có thể áp dụng được ở Việt Nam không ?

TS. Thu Hà : Muốn sử dụng điện hợp lý và hiệu quả, trước tiên chúng ta phải biết chúng ta phải biết chúng ta đang tiêu thụ như thế nào, phân tích xem chỗ nào chưa hợp lý và sau đó đưa ra điều chỉnh thích hợp.

Chỉ riêng việc chúng ta biết đang dùng như thế nào thì đã có thể tối ưu hóa được việc sử dụng. Nguyên tắc này có thể áp dụng ở bất cứ cho hệ thống nào : từ hộ tiêu thụ gia đình, đến cơ sở kinh doanh, tòa nhà, nhà máy, khu đô thị … cho đến hệ thống cung cấp điện thành phố hay của vùng.

Một hệ thống sử dụng điện thông minh chính là hệ thống có sử dụng công nghệ thông tin để thực hiện nguyên tắc này một cách hoàn toàn tự động. Tất nhiên đối với hộ gia đình thì đây là vấn đề đơn giản. Ví dụ ở châu Âu, các nhà riêng được trang bị đồng hồ (compteur) điện thông minh. Mức độ tiêu thụ điện của mỗi gia đình được cập nhật và đưa thông tin lên những trang web mà người dân có thể kiểm tra mức độ tiêu thụ theo thời gian thực.

Đối với những hệ thống lớn như một tòa nhà, một nhà máy hay một đô thị, thành phố, thì không thể cử người theo dõi liên tục đồng hồ đó, cho nên họ sử dụng một hệ thống sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để theo dõi tự động. Đó chính là điện thông minh, bao gồm ba cơ sở chính. Thứ nhất là thu thập thông tin thông qua các cảm biến theo thời gian thực về mức độ tiêu thụ, nhiệt độ môi trường. Sau đó là tổng hợp phân tích dữ liệu nhờ những công nghệ hiện đại về phân tích, về thuật toán để đưa ra những quyết định điều khiển thiết bị một cách hợp lý nhất, hiệu quả nhất. Cuối cùng là điều khiển tự động.

Hiện nay, mô hình sử dụng điện thông minh mới xuất hiện rất nhiều trong các khu đô thị cao cấp ở Việt Nam. Mô hình này chưa thực sự phổ biến ở châu Âu hay nhiều nơi trên thế giới. Thực ra, mô hình này mới được phát triển một cách khá mạnh mẽ trong vòng 5 năm gần đây và người ta vẫn đang tìm những mô hình để số hóa hệ thống, điều khiển sao cho hợp lý. Bởi vì, chúng ta cần biết là với những điều kiện về môi trường, phát triển bền vừng hiện nay, rất khó để phát triển những đường dây mới, những nhà máy mới, cho nên phát triển điện thông minh là một trong những xu hướng rất cần thiết trong tương lai.

RFI : Ngoài tiết kiệm điện, còn có những biện pháp nào khác được cho là thực hiện khả quan trước mắt ?

TS. Thu Hà : Tiết kiệm điện đầu tiên là có lợi cho người tiêu dùng. Như tôi đã nói ở trên, tiết kiệm điện là chỉ cần sử dụng hợp lý mà vẫn không ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt. Nhưng quan trọng hơn, tiết kiệm điện nói riêng và năng lượng nói chung là nền tảng của sự phát triển bền vững.

Để sản xuất ra 1 đơn vị điện năng thì cần đến 4 đơn vị năng lượng đầu vào như than đá, dầu khí… Vậy mỗi đơn vị điện năng không tiêu thụ đúng cách đồng nghĩa với việc lãng phí 4 đơn vị năng lượng được dự trữ cho phát triển tương lai. Cho nên tiết kiệm điện là điều tiên quyết, cơ bản, cần thiết cho phát triển bền vững. Đây là xu hướng phát triển chung của toàn thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Ngoài tiết kiệm điện, cần phải nói đến xu thế chuyển dịch dần sang sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Xu thế này không còn ở mức nghiên cứu mà ở mức độ triển khai và ngày càng phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam cũng có rất nhiều dự phát năng lượng mặt trời.

Tuy nhiên, xu thế hiện nay khác với xu thế thời kỳ đầu là phát triển những trang trại năng lượng mặt trời với quy mô lớn. Xu thế trong tương lai có lẽ sẽ hướng tới những quy mô nhỏ hơn và kết hợp với công nghệ lưới điện thông minh nhằm sử dụng hợp lý năng lượng sẵn có tại chỗ để giảm tải cho lưới điện quốc gia.

Cụ thể tại nhiều khu đô thị có những tòa nhà có thể lắp pin mặt trời tạo nên những nguồn năng lượng tại chỗ. Sử dụng những nguồn năng lượng tại chỗ đó, trực tiếp cho khu đô thị đó thông qua điện thông minh, kết hợp sử dụng điện hợp lý trong phạm vi khu vực đó, sẽ làm giảm nhu cầu lấy điện từ lưới, nhờ vậy sẽ giảm sức ép cho lưới điện quốc gia và sẽ làm giảm nguy cơ thiếu điện trên phạm vi cả nước. Đây là xu thế trong tương lai gần trong việc phát triển hệ thống điện.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà, chuyên gia hệ thống điện tại tập đoàn Schneider Electric, Grenoble (Pháp).

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20201116-viet-nam-thieu-va-tiet-kiem-dien-nang-luong-tai-tao

Chiến lược mới giúp Việt Nam phát triển điện Mặt trời

Phần âm thanh 09:45
Ảnh minh họa: Một nhà máy điện Mặt trời tại bang California, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 29/05/2020.
Ảnh minh họa: Một nhà máy điện Mặt trời tại bang California, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 29/05/2020. REUTERS - Bing Guan
Thanh Phương
22 phút

Việt Nam là một trong những quốc gia có rất nhiều tiềm năng về điện Mặt trời, do có nhiều nắng nóng. Phát triển các dự án điện mặt trời là một yếu tố quan trọng giúp chính phủ Việt Nam đạt các mục tiêu về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng lồng kính và giảm nhu cầu phát triển các dự án điện than mới. Thế nhưng, cho tới nay, việc phát triển loại năng lượng này vẫn gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là do vấn đề giá điện Mặt trời.

“ Việt Nam có một lợi thế rất lớn đó là nằm ở một khu vực có tiềm năng về năng lượng Mặt trời rất  tốt, cả về bức xạ Mặt trời lẫn thời gian nắng trong một năm. Nếu quý vị có cơ hội xem bản đồ tiềm năng về Mặt trời do Ngân hàng Thế giới công bố cách đây khoảng hơn một năm, chúng ta có thể thấy rõ Việt Nam có một tiềm năng khá là tốt, với bức xạ toàn phần từ 3 đến 5,62 kWh/1m2.

Việt Nam có những lợi thế ra sao về phát triển điện Mặt trời, trả lời RFI Việt ngữ qua điện thoại từ Việt Nam, ông Trần Hồng Kỳ, chuyên gia cao cấp về năng lượng của Ngân hàng Thế giới ( WB ), cho biết :

Một lợi thế nữa là chúng ta có tiềm năng năng lượng Mặt trời ở gần khu vực có nhu cầu năng lượng rất cao, đó là miền nam Việt Nam. Do vậy chúng ta có thể huy động tiềm năng năng lượng Mặt trời đó để đáp ứng ngay cho khu vực, và như vậy giảm được chi phí tải điện.”

Để giúp Việt Nam trong lĩnh vực này, Ngân hàng Thế giới ngày 12/02/2020 đã công bố một báo cáo có tiêu đề Chiến lược và khung đấu thầu cạnh tranh dự án điện Mặt trời ở Việt Nam. Theo thông cáo của Ngân hàng Thế giới, đây là kết quả hợp tác kĩ thuật giữa định chế quốc tế này và chính phủ Việt Nam trong hai năm qua “nhằm mở rộng quy mô và quản lý hiệu quả nguồn năng lượng Mặt trời dồi dào tại Việt Nam”. Trong báo cáo nói trên, Ngân hàng Thế giới dự đoán là Việt Nam có thể tăng công suất điện Mặt trời từ 4,5 gigawatt hiện nay lên hàng chục gigawatt trong mười năm tới, đồng thời tạo thêm hàng ngàn việc làm, nếu áp dụng phương pháp tiếp cận mới trong đấu thầu để lựa chọn và triển khai các dự án điện Mặt trời.

Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang cân nhắc việc chuyển từ chính sách giá bán điện mặt trời ưu đãi cố định (FIT – Feed-in Tariffs) sang đấu thầu cạnh tranh cho các dự án điện mặt trời để giảm chi phí sản xuất điện. Trong những năm gần đây, nhờ chính sách FIT mà Việt Nam đã thành công trong việc thúc đẩy triển khai nhanh các dự án điện Mặt trời, theo lời ông Trần Hồng Kỳ:

“ Cách đây hơn 2 năm, chúng ta có áp dụng chính sách giá FIT, tức là chính sách giá bán điện cố định. Tất cả các dự án năng lượng Mặt trời đáp ứng được những tiêu chuẩn kỹ thuật để được đưa vào tổng sơ đồ phát triển điện thì đều có thể bán điện với mức giá cố định như vậy. Phải nói rằng giá FIT không phải là hoàn toàn mới đối với quốc tế.

Trong giai đoạn đầu, giá FIT đó rõ ràng là có tác động rất lớn, thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo và đặc biệt là năng lượng Mặt trời ở Việt Nam. Trong vòng hai năm, chúng ta đã có thể xây dựng được trên 5.000 megawatt. Đây là một thành công ngoài sự tưởng tượng. Ngay cả đối chúng tôi, những người theo sát quá trình phát triển năng lượng Mặt trời ở Việt Nam, và có lẻ gần như cả thế giới cũng rất ngạc nhiên, vì có rất ít nước, nếu không muốn nói là không có nước nào khác, đạt được tốc độ phát triển nhanh như vậy.

Một báo cáo gần đây của EVN ( Tập đoàn điện lực quốc gia Việt Nam ) cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2020, sản lượng điện từ năng lượng Mặt trời chiếm khoảng 3,2 tỷ kwh điện, tương đương với sản lượng trong một năm của một nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất 500-600 MW, đã đáp ứng rất tốt nhu cầu điện của Việt Nam, đặc biệt là trong miền nam, tiết kiệm được một lượng dầu, khí từ việc sử dụng năng lượng Mặt trời, qua đó giảm thiểu được chi phí vận chuyển điện, cũng như giảm thiểu được tác động về môi trường.”

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Ngân hàng Thế giới, thành công này cũng làm phát sinh những vấn đề mới, trong đó có rủi ro “giảm phát”: các dự án điện mặt trời phải hoạt động dưới công suất phát điện lắp đặt. Ông Trần Hồng Kỳ giải thích:

“ Thứ nhất, giá FIT đó được tính dựa trên dựa trên những đầu vào về chi phí đầu tư, về chi phí giải phóng mặt bằng, về chi phí vận hành, cũng như rũi ro của nhà đầu tư. Chính vì cách tính toán như vậy cho nên rất khó phản ánh được chi phí sản xuất điện là bao nhiêu, vì chúng ta không bao giờ biết được toàn bộ các chi phí của sản xuất. Khả năng hấp thụ rủi ro của nhà đầu tư cũng khác với cân nhắc của chính phủ. Do đó rất khó tính được một giá FIT phản ánh đúng chi phí thị trường.

Thứ hai là giá thành sản xuất giảm rất nhanh, nếu giá FIT cứ cố định như vậy thì sẽ không theo đúng thị trường, do vậy không phản ánh được chi phí. Trong 2 năm vừa qua, chính phủ áp dụng giá 9,35 cent/kWh và hiện nay giảm xuống còn 7,09 cent. Rất nhiều người đồng ý rằng cái giá 9,38 cent đó dường như khá cao không chỉ so với mặt bằng chung trên thế giới, mà cả so với chi phí sản xuất năng lượng Mặt trời ở Việt Nam.

Chúng ta đã thấy rõ là mặc dù ban đầu chỉ đề ra mục tiêu 800MW cho năm 2020, thế mà bây giờ đã đạt 5.000 MW, gấp 7, 8 lần mục tiêu ban đầu, chứng tỏ là giá FIT rất hấp dẫn. Cái giá cao như vậy rõ ràng đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất điện của EVN và những chi phí đó sẽ do người tiêu thụ cuối cùng gánh chịu.

Khi áp dụng giá FIT thì chúng ta không có một công suất giới hạn. Chúng ta đã đề ra mục tiêu 800MW, nhưng lại không quy định là tất cả các nhà máy điện Mặt trời không được vượt quá 800MW, do vậy chúng ta đã để cho sự phát triển bùng nổ, vượt quá xa so với mục tiêu ban đầu, lên đến 5.000MW. Lưới điện không thể đáp ứng được sự bùng nổ như vậy.

Thứ hai, chúng ta cũng có một sự lệch giữa quy hoạch và thực tiễn. Trong quy hoạch, chúng ta có quy định những vùng nào là tốt cho năng lượng Mặt trời, tuy nhiên sự phát triển lại bị lệch. Khi chúng ta áp dụng giá FIT cố định như vậy, thì các nhà đầu tư luôn luôn hướng đến các khu vực có tiềm năng năng lượng Mặt trời tốt, gần lưới điện, để giảm chi phí, và điều này không phù hợp với kế hoạch phát triển lưới điện và do vậy, vấn đề lớn nhất của các nhà máy điện Mặt trời ở Việt Nam là phải tiết giảm công suất, tức là không phát được đủ công suất hiện có. Thường là các nhà máy này phải tiết giảm từ 20 đến 30% công suất, thậm chí một số dự án tiết giảm còn nhiều hơn nữa.

Đây là một vấn đề rất lớn của Việt Nam, vì chúng ta đang lãng phí một đầu tư về lãnh thổ rất là lớn. Rất nhiều dự án được đầu tư, nhưng không lại không mang lại toàn bộ hiệu quả của đầu tư. Một số nhà đầu tư đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc trã lãi vốn vay, vì họ đầu tư mà lại không bán hết điện. Và có nguy cơ là các dự án này sẽ được bán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Khi chúng ta có một tình trạng như vậy thì rõ ràng là lòng tin của thị trường sẽ bị xói mòn, từ người cho vay đến nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Nếu chúng ta không nhanh chóng khắc phục thì điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài, bền vững của năng lượng Mặt trời tại Việt Nam.”

Trong báo cáo công bố ngày 12/02/2020, Ngân hàng Thế giới đã kiến nghị hai phương án mới triển khai dự án: “đấu thầu cạnh tranh công viên điện mặt trời” và “đấu thầu cạnh tranh theo trạm biến áp”. Hai hình thức đấu thầu này là như thế nào, ông Trần Hồng Kỳ giải thích:

“ Đấu thầu cạnh tranh theo trạm biến áp thực ra là mô hình mà chúng tôi xây dựng để giải quyết những vướng mắc ở Việt Nam mà chúng ta vừa thảo luận ở trên. Mô hình thứ hai là mô hình công viên điện Mặt trời thì tương đối là theo tiêu chuẩn của quốc tế, không có nhiều sự khác biệt với các nước khác.

Nguyên tắc của đấu thầu theo trạm biến áp là chúng ta sẽ đấu thầu một lượng công suất cố định, theo một lịch trình được đặt sẳn và ở một khu vực đã được mua trước. Tức là chúng ta phải trả lời cho các câu hỏi: Cần bao nhiều công suất đưa vào lưới điện? Trình tự thời gian mua lượng điện mới là như thế nào? Khuyến khích phát triển năng lượng Mặt trời ở đâu? Khi chúng ta trả lời được 3 câu hỏi đó thì chúng ta sẽ giải quyết được những vướng mắc mà tôi vừa nêu ở trên.

Qua việc đấu thầu như vậy thì quá trình lựa chọn dự án cũng sẽ trở nên minh bạch hơn, mang tính cạnh tranh, đồng thời cũng thu hút được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, và do đó chúng ta hy vọng sẽ có một giá điện hợp lý hơn.

Chúng ta sẽ xác định khu vực nào có tiềm năng về phát triển năng lượng Mặt trời, dựa trên nhu cầu năng lượng, tiềm năng bức xạ Mặt trời, khả năng hấp thụ của lưới điện và những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, để đề xuất là ở khu vực A hay ở tỉnh B, chúng ta có thể lập kế hoạch đấu thầu, với mục tiêu 500 hay 1.000MW chẳng hạn. Tất cả các nhà máy điện trong khu vực đó sẽ phải đấu giá để có thể được đưa vào trong mục tiêu 500-1.000MW đó và chúng ta sẽ lựa chọn các dự án từ thấp đến cao.

Thế còn cạnh tranh theo công viên năng lượng Mặt trời thì khác hơn một chút. Chúng ta sẽ xác định một mảnh đất tương đối lớn để xây dựng một dự án 200,300, 500MW. Tại vùng đất đó, chúng ta sẽ giải phóng mặt bằng, xây dựng toàn bộ cơ sở hạ tầng. Các nhà đầu tư sẽ đấu thầu để được quyền xây dựng các nhà máy điện trên mảnh đất đã được giải phóng và các cơ sở hạ tầng đã được xây dựng.

Hiện nay việc thiết kế hai quy trình đó đã được hoàn thành và Ngân hàng Thế giới đang tiếp tục cùng với bộ Công Thương hoàn thiện khung pháp lý, cũng như về kỹ thuật, ví dụ như chuẩn bị hồ sơ mời thầu, chuẩn bị các kế hoạch đấu thầu, để có thể tiến hành đấu thầu theo hai hình thức này trong giai đoạn 2020-2021, với mục tiêu là sẽ đấu thầu khoảng 500 – 1000MW trong vòng hai năm tới.”

Đợt đấu thầu thí điểm đầu tiên theo hai phương án “đấu thầu cạnh tranh công viên điện mặt trời” và “đấu thầu cạnh tranh theo trạm biến áp” dự kiến sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm 2020 với hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Ngân hàng Thế giới.

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200720-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-m%E1%BB%9Bi-gi%C3%BAp-vi%E1%BB%87t-nam-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-%C4%91i%E1%BB%87n-m%E1%BA%B7t-tr%E1%BB%9Di

Tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam

Phần âm thanh 08:58
Một dự án năng lượng mặt trời tại Philippines của AC Energy, đối tác trong dự án BIM1 Việt Nam
Một dự án năng lượng mặt trời tại Philippines của AC Energy, đối tác trong dự án BIM1 Việt Nam (@ayala-energyinfra.com)
Thu Hằng
19 phút

Chỉ trong vòng ba tháng đầu năm 2018, hai dự án điện mặt trời đầu tiên của Việt Nam và có quy mô lớn được khởi công tại tỉnh Ninh Thuận. Dự án thứ nhất là nhà máy điện mặt trời BIM 1, khởi công ngày 23/01/2018, sẽ lặp đặt 90.000 tấm pin năng lượng mặt trời trên diện tích 35 ha, hàng năm sẽ sản xuất ra 50 triệu kWh điện. Dự án thứ hai là nhà máy điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ, được khởi công ngày 31/03, lặp đặt 162.000 tấm pin mặt trời trên diện tích gần 75 ha, sẽ sản suất gần 100 triệu kWh khi hòa vào lưới điện quốc gia.

So với điện hạt nhân, điện gió và điện mặt trời có những lợi thế gì khi được phát triển ở Việt Nam? Trả lời RFI tiếng Việt, ông Nguyễn Trịnh Hoàng Anh, chuyên gia Kinh tế và Chính sách Năng lượng, giảng viên đại học Khoa Học-Công Nghệ Hà Nội (Université des Sciences et des Technologies de Hanoi, USTH), giải thích :

Trước đó, chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân với Nga và Nhật Bản. Tuy nhiên, kế hoạch đã bị hủy vào tháng 11/2016 do chi phí quá lớn, lên đến vài tỉ đô la cho mỗi lò phản ứng.

« Ưu điểm rõ ràng nhất đó là đầu vào miễn phí. Yếu tố thứ hai đó là sự phát thải rất ít. Việt Nam là một nước nhiệt đới, vì vậy, tiềm năng về năng lượng mặt trời tại Việt Nam rất là tốt, kể cả phong điện vì chúng ta có một bờ biển dài hơn 3.000 km. Đặc biệt khu vực miền Trung - Nam Bộ và Nam Bộ có tiềm năng gió và mặt trời rất lớn. Đó là một thuận lợi khi chúng ta muốn phát triển phong điện hay điện mặt trời.

Tuy nhiên, khi quyết định phát triển một dạng năng lượng nào đó thì người ta phải tính toán đến rất nhiều yếu tố, ví dụ chi phí đầu tư, đảm bảo việc cung cấp điện có liên tục, có an toàn hay không. Đó là một bài toán rất tổng thể, vì vậy, ngay cả hiện nay, khi nhà nước đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ điện mặt trời hay điện gió, thì việc triển khai trên thực tế cũng gặp một số trở ngại mà hiện nay, nhà nước cũng như các nhà đầu tư đang cùng nhau giải quyết vấn đề này ».

Theo báo chí trong nước, tỉnh Ninh Thuận đã chấp thuận chủ trương khảo sát cho 48 dự án điện mặt trời, trong đó có 18 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Riêng tập đoàn Thiên Tân, theo báo Nhật Nikkei (05/02/2018), đã có 5 dự án tại tỉnh Ninh Thuận, từ nay cho đến năm 2020, với tổng trị giá gần 2 tỉ đô la. Theo dự kiến, nhà máy đầu tiên, có công suất 50 MW, sẽ đi vào hoạt động trong năm 2018, bốn nhà máy tiếp theo sẽ có công suất từ 200-300 MW. Còn tập đoàn TTC đề ra kế hoạch xây 20 dự án điện mặt trời, cho đến năm 2020, tại tỉnh Tây Ninh (324 MW), Bình Thuận (300 MW), Ninh Thuận (300 MW)…

Điện mặt trời : Từ quy mô nhỏ đến dự án nguồn năng lượng chính

Đúng là các tỉnh Trung-Nam Bộ và Nam Bộ thu hút các dự án điện mặt trời có quy mô lớn, vì có số giờ nắng cả năm trên 2.600 giờ, tổng lượng nhiệt gần 10.000 độ C, nhưng rất nhiều dự án nhỏ hơn đã được triển khai ở các tỉnh thành trên cả nước, như giải thích của chuyên gia Hoàng Anh :

« Theo như quy định hiện nay cho điện mặt trời thì những dự án điện nối với lưới điện ở quy mô gia đình cũng được hỗ trợ về mặt chính sách, cũng như hỗ trợ về mặt giá. Chính vì vậy, ở Hà Nội và một số tỉnh khác ở miền bắc, họ cũng xem xét phát triển những dự án đó ở quy mô từ gia đình, chứ không chỉ ở quy mô công nghiệp.

Thực ra ở quy mô gia đình, phải nói là gần như các tỉnh đều có, ngay cả các tỉnh miền núi phía bắc, nơi mà không ai nghĩ tiềm năng năng lượng mặt trời là nhiều, nhưng mà ở một số xí nghiệp làm nông nghiệp (như trồng cây trà, hoặc các cây nông nghiệp khác), họ cũng đã và đang phát triển những hệ thống năng lượng mặt trời để phục vụ cho chính việc sản xuất của họ.

Lấy một ví dụ ở Hà Nội, tòa nhà của Liên Hiệp Quốc ở Hà Nội cũng có một hệ thống điện mặt trời trên mái nhà có công suất là 119 KW. Họ đã vận hành từ trước đến nay và họ cũng đã đấu nối với lưới điện rồi. Tuy nhiên, trước đây những dự án như vậy chưa nhận được những hỗ trợ về mặt chính sách về giá nhưng giờ đây các dự án tương tự sẽ nhận được những hỗ trợ khuyến khích đó. Đó cũng là một điều cho chúng ta thấy ở các tỉnh thành khác ở miền bắc, hoặc là toàn quốc, cũng có khả năng phát triển dự án điện mặt trời công suất tương đối lớn hơn so với hiện tại ».

Việt Nam đang cố gắng phát triển điện mặt trời thành một nguồn năng lượng chính của đất nước. Theo dự kiến, năng lượng mặt trời sẽ chiếm 3,3% tổng công suất phát điện vào năm 2030, tiếp theo là chiếm 20% vào năm 2050. Tuy nhiên, thị phần năng lượng mặt trời hiện còn rất nhỏ :

« Thực tế là hiện nay, ngay cả phong điện, điện mặt trời, tức là những dạng năng lượng tái tạo mà không tính đến thủy điện, đều đóng góp một tỉ trọng rất nhỏ, dưới 1%, vào trong hệ thống. Chính vì vậy, Nhà nước mới có chính sách muốn phát triển nhiều hơn nữa để đáp ứng được cho nhu cầu phát triển điện trong thời gian tới khi mà nhu cầu ngày càng tăng và các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt. Trong tương lai, nó cũng là nguồn thay thế để chúng ta sử dụng, đáp ứng được nhu cầu. Còn hiện tại, chúng ta cũng đang phải giải quyết rất nhiều việc, từ kỹ thuật đến kinh tế, chính sách để làm sao cho những dự án này được phát triển một cách hiệu quả nhất ».

Rút kinh nghiệm từ những nước đi trước

Điện mặt trời nói riêng, và năng lượng tái tạo nói chung, đã và đang được phát triển nhanh chóng trên thế giới. Đây chính là một điểm thuận lợi cho Việt Nam vì có thể học hỏi kinh nghiệm và nhận được hỗ trợ từ những dự án trước đó.

« Có thể nói là không chỉ có điện mặt trời, mà cả phong điện, chúng ta nhận được rất nhiều hỗ trợ từ các nước phát triển. Ví dụ từ Đức, họ đã có những chương trình về năng lượng tái tạo, và đặc biệt là điện gió, từ những năm 2008 ở Việt Nam.

Đối với điện mặt trời, nhiều tổ chức nước ngoài, như Ngân hàng Thế giới, hoặc các tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), hoặc tổ chức phát triển của Mỹ, hoặc của Pháp AFD. Hiện AFD có những dự án về phát triển lưới điện cho Việt Nam hoặc những dự án tiết kiệm năng lượng, kể cả những dự án về năng lượng tái tạo cho Việt Nam. Vào đầu tháng Năm (2018), AFD cũng tổ chức một số hội thảo hoặc một số buổi làm việc cùng với các nhà làm chính sách của Việt Nam, cũng như các công ty điện ở Việt Nam để tìm ra những hướng phát triển hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng.

Hoặc ngay từ những nước láng giềng như Thái Lan, là một nước rất thành công về phát triển năng lượng mặt trời ở khu vực Đông Nam Á. Tất cả để làm sao cho chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ họ, không chỉ là kinh nghiệm thành công, mà còn cả kinh nghiệm thất bại.

Ngay như Pháp, chúng ta có thể thấy là khoảng 5 đến 6 năm trước, cũng như Tây Ban Nha, họ phát triển năng lượng mặt trời rất nhiều, có nhiều chính sách hỗ trợ. Nhưng sau một thời gian, họ phải tạm ngừng những chính sách hỗ trợ đó để đánh giá lại bởi vì nhiều khi ra một chính sách, không thể khẳng định được rằng nó tốt ngay lập tức được mà phải qua quá trình thực hiện, sau đó mới biết được chính sách đó có tốt hay không và cần bổ sung, chỉnh sửa như nào cho phù hợp với thực tế của từng nước.

Đây cũng chính là một thuận lợi của Việt Nam và hiện nay chúng ta vẫn đang trong giai đoạn hợp tác với các nước để xem làm thế nào có được một chiến lược phát triển tốt nhất cho năng lượng tái tạo nói riêng, cũng như năng lượng cho Việt Nam nói chung ».

Chính phủ Việt Nam sẽ khuyến khích được người dân tự sản xuất và sử dụng điện mặt trời, một mặt nhờ giá thành của các tấm pin mặt trời ngày càng giảm, mặt khác nhờ chính sách mua điện mặt trời dư thừa :

« Sử dụng năng lượng mặt trời ở các hộ gia đình đã có từ lâu rồi, khi mà họ chuyển năng lượng mặt trời sang nhiệt để sử dụng trong bình nước nóng. Và đến thời gian gần đây, khi mà điện mặt trời phát triển với sự phát triển về mặt kỹ thuật, có nghĩa là có tiềm năng lớn, rồi công nghệ phát triển, khiến cho là pin năng lượng mặt trời hiệu quả hơn, thì người dân đã bắt đầu sử dụng.

Nhà nước cũng thấy đây là một lĩnh vực tiềm năng và cũng muốn hỗ trợ cho người dân. Chính vì vậy mà có chính sách từ tháng 06/2017, nếu hộ dân có những tấm pin năng lượng mặt trời kết nối với lưới điện thì Nhà nước cũng trợ giá. Chính vì vậy mà năng lượng mặt trời trong các hộ gia đình cũng rất tăng hiện nay ».

https://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20180516-tiem-nang-phat-trien-nang-luong-mat-troi-tai-viet-nam

Geen opmerkingen:

Een reactie posten