zaterdag 21 november 2020

Trung Quốc bí mật dùng vũ khí vi sóng nhắm vào binh sĩ Ấn Độ + Ấn-Trung : Ấn Độ bị Trung Quốc lấn chiếm 300 km vuông

 

Trung Quốc bí mật dùng vũ khí vi sóng nhắm vào binh sĩ Ấn Độ

Lính biên phòng Ấn Độ tại một chốt kiểm soát trên con đường dẫn đến Ladakh, tại Gagangeer,  Ganderbal,  Kashmir, ngày 17/06/2020.
Lính biên phòng Ấn Độ tại một chốt kiểm soát trên con đường dẫn đến Ladakh, tại Gagangeer, Ganderbal, Kashmir, ngày 17/06/2020. REUTERS - Danish Ismail
Minh Anh
2 phút

Trong cuộc xung đột tranh chấp lãnh thổ Ấn – Trung trên dãy Himalaya hồi cuối tháng 8/2020, Trung Quốc đã bí mật sử dụng vũ khí vi sóng nhắm vào binh sĩ Ấn Độ.

Theo tờ Times, Bắc Kinh dường như đã biến hai ngọn đồi chiến lược do Ấn Độ chiếm đóng thành một lò vi ba thật sự. Quân đội Trung Quốc dường như đã sử dụng vũ khí vi ba khiến các binh sĩ Ấn Độ bị choáng váng, buồn nôn hay nôn mửa và buộc những binh sĩ này phải vừa đánh vừa thoái lui.

Những thông tin này do chính ông Kim Xán Vinh (Jin Canrong), giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế trường đại học Nhân dân Trung Quốc, khẳng định trong một cuộc hội thảo được tổ chức ngày 11/11 vừa qua.

Hồi tháng 06/2020, đối đầu dữ dội đã nổ ra giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại vùng biên giới có tranh chấp trên dãy Himalaya, cao hơn 4.000m, làm 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và một số nạn nhân không được công bố ở phía Trung Quốc. Va chạm lại xảy ra lần nữa vào tháng 9/2020, đôi bên đổ lỗi cho nhau đã nổ súng trước. Trong cuộc xung đột này, phía Ấn Độ dường như đã bị mất thêm 300 km vuông lãnh thổ.

Trang mạng CNEWS của Pháp nhắc lại là Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất phát triển loại vũ khí năng lượng định hướng. Hoa Kỳ và châu Âu, cũng vừa thành lập một tập đoàn có tên gọi là Pilum nhằm phát triển súng điện từ tầm xa, một loại vũ khí được cho là thiết yếu cho các cuộc xung đột quân sự trong những thập niên sắp tới.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20201120-trung-qu%E1%BB%91c-b%C3%AD-m%E1%BA%ADt-d%C3%B9ng-v%C5%A9-kh%C3%AD-vi-s%C3%B3ng-nh%E1%BA%AFm-v%C3%A0o-binh-s%C4%A9-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99

Ấn-Trung : Ấn Độ bị Trung Quốc lấn chiếm 300 km vuông

Một đoàn xe quân sự của Ấn Độ di chuyển trên đường Kyelang, cách biên giới Ấn Độ-Tây Tạng khoảng 10 km. Ảnh chụp ngày 03/09/2020.
Một đoàn xe quân sự của Ấn Độ di chuyển trên đường Kyelang, cách biên giới Ấn Độ-Tây Tạng khoảng 10 km. Ảnh chụp ngày 03/09/2020. AFP - MONEY SHARMA
Tú Anh
2 phút

Sau vụ đụng độ đẫm máu hồi mùa hè, 300 km vuông lãnh thổ Ấn Độ ở biên giới Ấn-Trung bị quân Trung Quốc chiếm đóng. Một chiến tuyến mới được hình thành. Tình hình căng thẳng đến mức có thể xảy ra xung đột bất cứ lúc nào, theo nhận định của chuyên gia hai nước.

Theo thông tin của South China Morning Post ngày 02/11/2020, sáu tháng sau cuộc đụng độ làm 20 binh sĩ Ấn Độ tử thương trong vùng biên giới Ấn –Trung trên dãy Himalaya, thắng bại đôi bên lộ rõ với nhiệt độ âm 40 của mùa đông. Lực lượng biên phòng của Ấn Độ bị lính Trung Quốc không cho tuần tra ở vùng lãnh thổ truyền thống, rộng bằng một nửa đảo Phú Quốc của Việt Nam.

Theo giới chức chính phủ Ấn, quân đội Trung Quốc kiểm soát 250 cây số vuông ở bình nguyên Depsang, nơi có con đường giao thông chiến lược dẫn đến đèo Karakoram và 50 km vuông ở Pansong Tso.

Đèo Karakoram án ngữ trên con đường tơ lụa cũ nối liền Ấn Độ với Tân Cương và đi qua Pakistan, đồng minh của Trung Quốc trong khu vực và dẫn đến các nước Trung Á nằm trên dự án con đường tơ lụa mới « nhất lộ nhất đới » của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tướng D.S Hooda, nguyên tư lệnh quân khu Bắc Ấn cho biết hai bên đều tăng cường lực lượng cho dù mùa đông giá rét, đào chiến hào chuẩn bị cho mọi tính huống.

Một chuyên gia Trung Quốc (Chen Jin Ying) đại học Thượng Hải cũng cho rằng « hai bên đều quyết tâm như nhau và không bên nào muốn để lộ tín hiệu yếu kém ».

South China Morning Post đặt câu hỏi kiểm chứng với bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng Ấn Độ cũng như bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhưng bị từ chối.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20201102-%E1%BA%A5n-trung-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-b%E1%BB%8B-trung-qu%E1%BB%91c-l%E1%BA%A5n-chi%E1%BA%BFm-300-km-vu%C3%B4ng

Geen opmerkingen:

Een reactie posten