woensdag 25 november 2020

Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA), trụ sở tại Amsterdam (Hà Lan) sắp cấp phép hai vac-xin ngừa Covid-19 của Pfizer-BioNTechn và của Moderna+Oxford/AstraZeneca + Liên Hiệp Châu Âu đặt trước Sanofi 300 triệu liều vắc xin phòng Covid-19

 

Liên Hiệp Châu Âu sắp cấp phép hai vac-xin ngừa Covid-19

Vac-xin phòng Covid-19, liều thuốc được mong đợi với hy vọng giúp thế giới trở lại cuộc sống bình thường.
Vac-xin phòng Covid-19, liều thuốc được mong đợi với hy vọng giúp thế giới trở lại cuộc sống bình thường. REUTERS - DADO RUVIC
Thu Hằng
3 phút

Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) đang nghiên cứu đơn xin cấp phép cho ba loại vac-xin ứng viên. Những vac-xin ngừa Covid-19 đầu tiên có thể sẽ được thông qua từ giờ đến cuối năm hoặc vào đầu năm 2021, theo thông báo của EMA ngày 23/11/2020.

Trong thư trả lời AFP, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu giải thích : “Ở thời điểm hiện tại khó có thể nói chắc chắn về thời hạn cho phép vac-xin vì chúng tôi chưa có hết mọi dữ liệu và vẫn đang tiến hành đánh giá”

Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu, trụ sở tại Amsterdam (Hà Lan), có nhiệm vụ cho phép và kiểm tra các loại dược phẩm lưu hành trong Liên Hiệp Châu Âu. Cơ quan này đang thúc đẩy quá trình đánh giá hiệu quả các loại vac-xin ngừa Covid-19 theo kết quả thử nghiệm trước khi thông qua.

Quyết định cuối cùng thuộc về Ủy Ban Châu Âu. Vào tuần trước, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Layen khẳng định Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu có thể phê chuẩn hai loại vac-xin của Pfizer-BioNTechn và của Moderna “trong nửa cuối tháng 12”.

Vac-xin của Pfizer/BioNTech và Moderna nằm trong số ba vac-xin ứng viên, cùng với Oxford/AstraZeneca, đang được Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu thẩm định.

Vac-xin ngừa Covid thứ ba có hiệu quả đến 90%

Ngày 23/11, hãng dược Anh AstraZeneca, kết hợp với đại học Oxford, thông báo phát triển được vac-xin có hiệu quả trung bình là 70%, thậm chí là 90% trong một số trường hợp. Vac-xin của AstraZeneca/Oxford đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tại Anh và Brazil.

Nhờ sử dụng công nghệ truyền thống hơn, vac-xin của AstraZeneca có lợi thế về giá và dễ bảo quản hơn. Tập đoàn Anh cho biết sẽ nhanh chóng sản xuất khoảng 3 tỉ liều cho năm 2021. Luân Đôn đã đặt mua trước 100 triệu liều vac-xin của AstraZeneca/Oxford, cùng với 225 triệu liệu từ các công ty khác.

Hiện thế giới có 21 loại vac-xin đang được thử nghiệm trong giai đoạn 1 (từ 10 đến 100 người), 16 loại trong giai đoạn 2 và 11 loại trong giai đoạn 3.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201124-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-ch%C3%A2u-%C3%A2u-s%E1%BA%AFp-c%E1%BA%A5p-ph%C3%A9p-hai-vac-xin-ng%E1%BB%ABa-covid-19

Liên Hiệp Châu Âu đặt trước Sanofi 300 triệu liều vắc xin phòng Covid-19

Logo tập đoàn dược phẩm Sanofi tại trụ sở chính ở Paris (Pháp). Ảnh minh họa chụp ngày 24/04/2020.
Logo tập đoàn dược phẩm Sanofi tại trụ sở chính ở Paris (Pháp). Ảnh minh họa chụp ngày 24/04/2020. REUTERS - Charles Platiau
Anh Vũ
3 phút

Trong cuộc chạy đua giành vắc xin phòng ngừa Covid-19 trong tương lai, hôm 31/07/2020, Ủy Ban Châu Âu thông báo đã đặt trước được 300 triệu liều từ hãng bào chế dược phẩm Pháp Sanofi để có thể cung cấp cho 27 nước thành viên một khi vắc xin ra đời.

Thông tín viên RFI Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles:

Sau khi Hoa Kỳ chi gần 6 tỷ đô la dành cho kinh phí nghiên cứu của các công ty bào chế dược Pfizer, Johnson&Johnson,  AstraZeneca và còn đặt trước 2 tỷ đô la với tập đoàn Sanofi, GlaxoSmithKline, sau khi Vương Quốc Anh cũng đặt trước gần 60 triệu liều với Sanofi-GSK, đến lượt Liên Hiệp Châu Âu nhảy vào cuộc đua giành vắc xin.

Liên Hiệp Châu Âu có sẵn hơn 2 tỷ euros dưới nguồn quỹ có tên gọi « công cụ hỗ trợ khẩn cấp ». Với nguồn tiền này, các nước Liên Âu dự tính có thể chơi lại với Hoa Kỳ. Châu Âu như vậy cũng đặt lên bàn tiền đầu tư lớn giúp các nỗ lực nghiên cứu và năng lực sản xuất.

Các hãng bào chế Sanofi và GlaxoSmithKline hồi tháng Tư đã đưa ra sáng kiến chung về nghiên cứu, theo đó Châu Âu sẽ phải rót tiền dưới dạng đặt cọc trước để được cung cấp 300 triệu liều vắc xin khi có. Các nguồn tiền của Châu Âu giúp chia sẻ rủi ro tài chính trong các khoản đầu tư lớn vào nhũng dự án nghiên cứu.

Với các nước châu Âu, mục đích là cố gắng chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu trong cuộc chạy đua toàn cầu để có vắc xin, tạo cho mình đủ sức nặng để được ưu tiên nhanh chóng tiếp cận vắc xin tương lai từ các viện bào chế.

Việc đặt trước vẫn còn chưa hoàn tất, nhưng nguyên tắc là Ủy Ban Châu Âu giải ngân một khoản tiền cần thiết đẩ bảo dảm cho toàn bộ công dân 27 nước thành viên được tiếp cận công bằng với vắc xin tương lai.

Chiến lược này cũng giúp hỗ trợ vấn đề chủ quyền và đưa trở lại Liên Hiệp các năng lực nghiên cứu và sản xuất.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200801-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-ch%C3%A2u-%C3%A2u-%C4%91%E1%BA%B7t-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-sanofi-300-tri%E1%BB%87u-li%E1%BB%81u-v%E1%BA%AFc-xin-ph%C3%B2ng-covid-19

Geen opmerkingen:

Een reactie posten