Vac-xin Covid cho dân nghèo: Hơn 150 nước tham gia kế hoạch của Tổ Chức Y Tế Thế Giới
Đăng ngày:
Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) chủ trương đưa vac-xin chống Covid-19 đến với tất cả các quốc gia nghèo. Hôm qua, 21/09/2020, WHO công bố danh sách hơn 150 nước tham gia kế hoạch này. Trong danh sách nói trên không có Mỹ và Trung Quốc.
Theo AFP, sáng kiến của WHO đưa vac-xin Covid-19 đến với dân chúng các nước nghèo được 64 quốc gia thu nhập cao, và hơn 90 nước có thu nhập thấp và trung bình, tham gia. Kế hoạch mang tên gọi tắt là COVAX (Covid-19 Vaccine Global Access). Trả lời báo giới, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Tedros Adhanom Ghebreyesus, thông báo mục tiêu của WHO là huy động được 2 tỉ liều vac-xin từ nay đến cuối năm 2021.
WHO ra thông cáo cho biết định chế quốc tế này và các đối tác sẽ ký kết thỏa thuận chính thức với nhà chế tạo vac-xin, để có đủ số lượng liều vac-xin cần thiết ngăn chặn đại dịch Covid-19 trước cuối năm 2021. Tổng giám đốc WHO tỏ ra vui mừng trước việc đã có nhiều nước tham gia sáng kiến COVAX.
Sáng kiến COVAX là một phần trong cơ chế quốc tế do Liên Hiệp Quốc xây dựng, để tăng cường khả năng tiếp cận bình đẳng với vac-xin chống Covid-19. Vấn đề lớn hiện nay là nguồn tài chính rất hạn chế. Cho đến nay, Liên Hiệp Quốc mới chỉ nhận được 3 tỉ đô la, trong tổng số 38 tỉ đề nghị.
Covid-19: Hơn 30 triệu người nhiễm bệnh, WHO báo động tỷ lệ lây lan “đáng lo ngại” tại châu Âu
Đăng ngày:
Toàn thế giới đã có hơn 30 triệu người nhiễm Covid-19. Châu Âu trong tình trạng có tỷ lệ lây nhiễm ở mức “đáng báo động” như cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới, sẽ tăng cường nhiều biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt hơn.
Theo số liệu do AFP loan báo lúc 19h45 ngày 17/09/2020, trong số hơn 30 triệu người nhiễm bệnh, số ca tử vong đã lên tới gần một triệu, cụ thể là đã có 943.000 người chết vì Covid-19. Chỉ riêng ba nước Hoa Kỳ (197.589), Brazil (134.935) và Ấn Độ (83.198), chiếm gần phân nửa số ca tử vong toàn thế giới.
Tại châu Âu, số ca nhiễm mới thường nhật giờ còn cao hơn cả giai đoạn đỉnh dịch tháng Ba và Tư, một tốc độ lây nhiễm mà Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là “đáng báo động”, buộc chính quyền nhiều nước phải siết chặt nhiều biện pháp phòng ngừa với hy vọng cứu vãn được mùa Noel sắp tới.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, trả lời phỏng vấn tờ The Sun khẳng định “cách duy nhất để đất nước có thể tận hưởng một mùa Giáng Sinh là phải cứng rắn ngay từ bây giờ!”. Ngoài lệnh cấm tụ tập trên 6 người tại Anh đã được áp dụng, kể từ hôm nay, 18/09/2020, nhiều biện pháp mới sẽ có hiệu lực: Cấm tụ họp giữa các hộ gia đình khác nhau, Các quán bar tuy được mở cửa phục vụ nhưng phải đóng cửa sớm từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau.
Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha những ngày gần đây có số ca nhiễm mới thường nhật tăng vọt, hơn 1.000 người/ngày hôm nay cũng bắt đầu đưa ra nhiều biện pháp ngăn ngừa mới như yêu cầu hạn chế di chuyển và các hoạt động tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất. Chính quyền Tây Ban Nha khẳng định tái lập phong tỏa chưa hẳn là một biện pháp tốt hiện nay.
Tương tự tại Pháp, bộ trưởng Y Tế, Olivier Véran, hôm qua thông báo nhiều biện pháp mới, trong đó “khả năng đóng cửa các quán bar” và “cấm tụ tập nơi công cộng” sẽ được quyết định tại nhiều thành phố lớn như Marseille, Lyon và Nice.
Đặc biệt, AFP gióng chuông báo động: Đại dịch Covid-19 gây khó khăn cho giới phóng viên tác nghiệp. Dịch bệnh hoành hành hạn chế giới nhà báo tiếp cận nhiều sự kiện và nhiều nguồn dữ liệu quý giá. Hãng tin Pháp còn nói đến các biện pháp kiểm duyệt và những đe dọa, làm suy yếu hơn nữa ngành truyền thông vốn dĩ đang bị hụt hơi.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten