zaterdag 31 oktober 2020

Covid-19: Pháp phong tỏa lần 2, với các điều kiện giảm nhẹ + Liên Âu huy động 220 triệu euro để phân tán bệnh nhân

 

Covid-19: Pháp phong tỏa lần 2, với các điều kiện giảm nhẹ

Thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo các biện pháp phong tỏa,  Paris, ngày 29/10/2020.
Thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo các biện pháp phong tỏa, Paris, ngày 29/10/2020. Ian LANGSDON / POOL / AFP
Trọng Nghĩa
3 phút

Nước Pháp vào hôm nay 30/10/2020 đã bắt đầu sinh hoạt chậm hẳn lại, với lệnh tái phong tỏa toàn quốc, bắt đầu có hiệu lực từ 0 giờ. Điểm đặc biệt của lần phong tỏa thứ hai là tính chất nhẹ nhàng hơn lần trước. Các điều kiện cụ thể của đợt phong tỏa đã được thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo vào hôm qua.

Trong một cuộc họp báo chiều hôm qua, thủ tướng Pháp khẳng định, để kềm hãm đà lây lan của dịch bệnh, “không có giải pháp nào khác” ngoài việc phong tỏa. Ông Jean Castex xác nhận trở lại là thời hạn phong tỏa sẽ kéo dài “ít nhất” đến ngày 01/12, theo những quy định khác với đợt một, hồi tháng Ba và tháng Tư vừa qua, dựa trên những kinh nghiệm đã được rút ra.

Điểm khác quan trọng nhất so với đợt một là các trường, từ trung học đến nhà trẻ, đều mở cửa đón học sinh, còn các trường đại học đều phải áp dụng hình thức học trực tuyến.

Do việc các trường tiểu học mở cửa, một quy định mới đã được đưa vào: việc bắt buộc đeo khẩu trang được áp dụng cả cho trẻ em, từ 6 tuổi trở lên, chứ không từ 11 tuổi cho đến nay.

Điểm khác thứ hai là các viện dưỡng lão vẫn được mở cửa đón người nhà đến thăm.

Điểm khác biệt thứ ba là nhiều cơ sở kinh tế, cơ quan hành chánh thiết yếu vẫn hoạt động, chẳng hạn như các cửa hàng lương thực, các siêu thị… Chính quyền tuy nhiên, đã đề nghị sử dụng tối đa hình thức làm việc từ xa, không còn “tùy ý”, mà đã trở thành “bắt buộc” khi điều kiện cho phép.

Sự khác biệt giữa hai đợt phong tỏa đã được thấy rõ ràng vào sáng nay. Tại trung tâm thủ đô Paris chẳng hạn, vẫn có đông người và xe cộ qua lại, cho dù đã ít đi so với bình thường, nhưng hoàn toàn không phải là hoang vắng như vào mùa xuân vừa qua.

Trong khi chờ đợi biện pháp phong tỏa có hiệu lực, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục tác hại.

Vào hôm qua, trên toàn nước Pháp, vẫn còn có thêm gần 50.000 ca nhiễm mới được ghi nhận trong 24 giờ. Số tử vong vì Covid vẫn cao, với 250 người thiệt mạng trong bệnh viện trong vòng một ngày, đưa tổng số người chết vì dịch bệnh tại Pháp vượt ngưỡng 36.000 ca.

Lượng bệnh nhân phải điều trị trong các khoa chăm sóc đặc biệt vẫn tăng, với tổng số 3.147 người. Đây là số liệu khiến chính quyền Pháp lo lắng nhất, trong bối cảnh số giường chăm sóc đặc biệt tại Pháp chỉ khoảng 5.800.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20201030-covid-19-ph%C3%A1p-phong-t%E1%BB%8Fa-l%E1%BA%A7n-2-v%E1%BB%9Bi-c%C3%A1c-%C4%91i%E1%BB%81u-ki%E1%BB%87n-gi%E1%BA%A3m-nh%E1%BA%B9

Covid-19: Liên Âu huy động 220 triệu euro để phân tán bệnh nhân

Châu Âu đang vất vả đối phó với làn sóng Covid thứ hai. Ảnh minh họa: nhân viên y tế Tây Ban Nhan chuyển bệnh nhân đến một khoa hồi sức, Madrid, ngày 2/9/2020.
Châu Âu đang vất vả đối phó với làn sóng Covid thứ hai. Ảnh minh họa: nhân viên y tế Tây Ban Nhan chuyển bệnh nhân đến một khoa hồi sức, Madrid, ngày 2/9/2020. REUTERS/Juan Medina
Thanh Hà
2 phút

Ngày 29/10/2020 chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von Der Leyen thông báo một kế hoạch nhằm giảm thiểu áp lực tại các bệnh viện của các nước thành viên, bị quá tải vì làn sóng thứ nhì của dịch Covid-19. Ngân sách dành cho mức chi tiêu phụ trội này dự trù lên tới 220 triệu euro.

Vào lúc ngày càng có nhiều thành viên Liên Âu phải áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa, nhằm ngăn chận đà lây lan của virus corona, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu kêu gọi các nước thành viên chia sẻ thông tin và dữ liệu y tế.

Trung tâm phòng chống và ngăn ngừa dịch tễ của Liên Âu có trách nhiệm thu thập các thông tin cần thiết, tăng cường khả năng phản ứng nhanh, tăng cường các ứng dụng cho phép phát hiện các nguồn lây nhiễm. Một thông báo khác rất được chờ đợi, đó là một khi có thuốc vac-xin chống Covid-19, tất cả các quốc gia trong Liên Âu đều được phân phối bình đẳng như nhau tùy theo tình hình.

Đức hôm 29/10/2020 ghi nhận thêm 18.000 ca nhiễm mới. Ngay cả tại Hy Lạp, vốn bị nhẹ hơn các thành viên khác trong Liên Âu, kể từ hôm qua, thành phố lớn thứ nhì là Thessalonique cũng đã bị đặt trong tình trạng báo động đỏ. Trong bốn ngày đầu tuần, số ca dương tính với virus corona đã tăng lên gấp đôi.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201030-covid-19-li%C3%AAn-%C3%A2u-huy-%C4%91%E1%BB%99ng-220-tri%E1%BB%87u-euro-%C4%91%E1%BB%83-chuy%E1%BB%83n-b%E1%BB%87nh-nh%C3%A2n-qu%C3%A1-t%E1%BA%A3i

Geen opmerkingen:

Een reactie posten