woensdag 14 oktober 2020

Biển Đông : Nhật Bản cung cấp vũ khí cho Việt Nam + Nhật Bản - Việt Nam cam kết tôn trọng Luật Biển ở Biển Đông

 

Biển Đông : Nhật Bản cung cấp vũ khí cho Việt Nam

Ảnh tư liệu : Tàu trực thăng vận Izumo (DDH-183) và khu trục hạm JS Murasame (DD-101) trong một cuộc diễn tập hồi tháng 06/ 2018 trên Biển Đông
Ảnh tư liệu : Tàu trực thăng vận Izumo (DDH-183) và khu trục hạm JS Murasame (DD-101) trong một cuộc diễn tập hồi tháng 06/ 2018 trên Biển Đông AP - Emily Wang
Tú Anh
4 phút

Để ngăn chận tham vọng bá quyền của Trung Quốc, Tokyo gia tăng trợ giúp các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phát huy khả năng quân sự. Nhật Bản sẽ ký thỏa thuận bán trang thiết bị quốc phòng cho Việt Nam nhân chuyến công du đầu tiên của tân thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide vào tuần tới.

Theo bản tin của nhật báo Nikkei, trong cuộc họp với ban lãnh đạo đảng Tự Do Dân Chủ hôm 13/10/2020, thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết ông sẽ dành chuyến công du đầu tiên để đến Việt Nam và Indonesia. Tại Hà Nội, hai bên sẽ ký một thỏa thuận cung cấp vũ khí cho Việt Nam. Hợp tác về an ninh quốc phòng sẽ là chủ đề trong các cuộc thảo thuận giữa phái đoàn thủ tướng Nhật và lãnh đạo Việt Nam và Indonesia.

Nhìn từ Tokyo, Việt Nam là quốc gia đang phải trực tiếp đối đầu với tham vọng tranh giành chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, khu vực trọng yếu nằm trên con đường giao thông nối liền châu Á với Trung Đông, con đường huyết mạch của thương thuyền Nhật Bản.

Từ khi bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí vào năm 2014, Nhật Bản cung cấp trang thiết bị quân sự cho các nước tuân thủ ba điều kiện, trong đó phải có yếu tố đóng góp cho an ninh của chính nước Nhật.

Theo Nikkei, Nhật sẽ bán những trang thiết bị nào, điều đó tùy thuộc vào nhu cầu của Việt Nam. Nhật đã đề nghị máy bay tuần tra P-1 và máy bay vận tải C-2 của Kawasaki và hệ thống ra-đa báo động và kiểm soát do Mitsubishi chế tạo.

Biển Đông : Mỹ-Nhật tập trận

Trong khi đó, đoàn tàu chiến Nhật Bản gồm hai khu trục hạm và một chiếc tàu ngầm sau khi ghé cảng Cam Ranh hai ngày, đến thứ Hai 12/10/2020  đã ra khơi để tập trận chung với hải quân Mỹ tại Biển Đông. Theo chuyên gia quân sự Mỹ Jeffrey Hornung, sự kiện hải đội Nhật Bản quá cảnh Việt Nam và hoạt động tại Biển Đông là một thông điệp mạnh mẽ chứng minh ai là bạn, ai là thù ở khu vực tranh chấp này.

NATO châu Á 

Trong bối cảnh Mỹ -Trung tranh giành ảnh hưởng, ngoại trưởng Trung Quốc tiếp tục vòng viếng thăm một số nước Đông Nam Á. Ông Vương Nghị tới Malaysia  ngay khi xảy ra vụ 60 tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép bị tuần cảnh Malaysia bắt giữ. Hôm nay, (14/10) trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Hishamamuddin Hussein tại Kuala Lumpur, ông Vương Nghị cáo buộc Mỹ xây dựng một liên minh chiến lược « NATO Ấn Độ-Thái Bình Dương » là « mối đe dọa an ninh nghiêm trọng » cho châu Á.

Từ Manila, tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Gilbert  Gabray, trong cuộc hội thảo với Hiệp hội Phóng viên nước ngoài, nhận định tình hình Biển Đông ngày càng nhiều bất trắc vì « hành động quân sự hung hăng của Trung Quốc và Mỹ ».

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20201014-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n-cung-c%E1%BA%A5p-v%C5%A9-kh%C3%AD-cho-vi%E1%BB%87t-nam

Nhật Bản - Việt Nam cam kết tôn trọng Luật Biển ở Biển Đông

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (P) và ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội ngày 06/01/2020.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (P) và ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội ngày 06/01/2020. Luong Thai Linh/Pool via REUTERS
Thu Hằng
2 phút

Việt Nam và Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng duy trì tự do lưu thông hàng hải và tôn trọng Luật Biển ở Biển Đông. Thông điệp trên đây được ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh đưa ra trong buổi họp báo ngày 06/01/2020, tại Hà Nội.

Theo trang Nikkei được AFP dẫn lại, tuyên bố trên nhắm đến việc Trung Quốc quân sự hóa một số đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ngoài ra, ngoại trưởng hai nước còn nhất trí phối hợp sáng kiến của Nhật Bản vì một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở với những nỗ lực của ASEAN trong việc thúc đẩy ổn định lâu dài trong khu vực.

Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi, đang công du Việt Nam, cho biết Tokyo vẫn « kiên quyết khẳng định lập trường của mình » đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Quan điểm này được ngoại trưởng Phạm Bình Minh ủng hộ.

Nhật Bản là một trong số những nhân tố năng động (cùng với Mỹ và Úc) trong việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Motegi cũng kêu gọi ngừng mọi ý đồ dùng vũ lực để thay đổi nguyên trạng trong vùng.

Hà Nội là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á của ngoại trưởng Nhật Bản. Sau đó, ông sẽ đến Thái Lan, Philippines và Indonesia.

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200107-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n-vi%E1%BB%87t-nam-cam-k%E1%BA%BFt-t%C3%B4n-tr%E1%BB%8Dng-lu%E1%BA%ADt-bi%E1%BB%83n-%E1%BB%9F-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng

Geen opmerkingen:

Een reactie posten