zaterdag 17 oktober 2020

Rượu vang Pháp chế biến tại Tháp Eiffel

 

Rượu vang Pháp chế biến tại Tháp Eiffel

Tháp Eiffel Paris. Ảnh chụp ngày 15/06/2020.
Tháp Eiffel Paris. Ảnh chụp ngày 15/06/2020. AFP - BERTRAND GUAY
Tuấn Thảo
6 phút

Tháng 10 tại Pháp, theo truyền thống là mùa của các hội chợ rượu vang. Dân Pháp mua rượu để dùng trong các bữa ăn hàng ngày cũng như mua các chai thượng hạng để trữ trong nhiều năm, để dành cho các dịp lễ lớn. Thế nhưng có một loại rượu bạn không thể nào mua được ở ngoài chợ : đó là rượu vang sản xuất ngay tại Tháp Eiffel. 

Thoạt nghe có vẻ như một trò đùa, nhưng thực tế là kể từ mùa hè  năm 2019, ban quản lý Tháp Eiffel đã cho lắp đặt một ‘‘xưởng cất rượu’’ ngay ở tầng một của ngọn tháp. Mục tiêu là chế biến rượu vang ngay tại chỗ, thay vì chuyển nhượng thương hiệu, đơn thuần bán lại logo Tháp Eiffel, cho phép các doanh nghiệp chuyên về ẩm thực gắn thương hiệu này trên các chai rượu vang của họ.

Ban quản lý Tháp Eiffel đã hợp tác với công ty La Winerie Parisienne để tự sản xuất hiệu rượu vang chính gốc của mình, do toàn bộ quá trình sản xuất rượu vang được thực hiện ngay tại xưởng chế biến nằm ở trên tầng một của ngọn tháp, cách mặt đất khoảng 60 thước. Để thực hiện điều này, trước hết phải đưa toàn bộ máy móc và dụng cụ lên tầng trên. Từ máy ép nho tươi, máy lọc nước ép sao cho bớt cặn, các thùng thiết có cài bộ phần điều hòa nhiệt độ trong tiến trình lên men ban đầu tự nhiên, cho tới các thùng gỗ sồi để ủ rượu vang cho đợt lên men thứ nhì, hương và sắc của rượu vang được định hình trong giai đoạn quan trọng này. 

Theo anh Adrien Pélissié, đồng sáng lập công ty La Winerie Parisienne, toàn bộ êkíp sản xuất đã buộc phải thích ứng với những hạn chế về mặt kỹ thuật. Tháp Eiffel đã được xây dựng cách đây hơn một thế kỷ, chiếc thang máy dù đã được hiện đại hóa, nhưng về kích thước vẫn chỉ cao và rộng có 3 mét, điều đó đã buộc ban tổ chức thiết kế lại đa số các dụng cụ máy móc sao cho vừa với thang máy chở hàng. Việc lắp đặt một xưởng rượu ở độ cao 57 mét cũng đặt ra một số vấn đề khác như thời tiết biến đổi thất thường, các thùng thiết trữ rượu có bộ phận điều chỉnh nhiệt độ nên không sao nhưng các thùng gỗ sồi lại phải có độ dày cao gấp đôi mức bình thường, nhiều dụng cụ cũng được cách nhiệt, để tránh cho gió lạnh ở độ cao không ảnh hưởng tới tiến trình ủ rượu.

Đây không phải là lần đầu tiên công ty La Winerie Parisienne lắp đặt các xưởng rượu ngay tại những địa điểm ‘‘lạ thường’’ ngay giữa chốn  đô thị. Vào năm 2015, công ty này đã thành lập một hầm sản xuất rượu ở Paris quận 11. Sau đó, họ mở một vườn trồng nho nằm gần lâu đài  Versailles, vùng ngoại ô phía Tây cách Paris khoảng 35 cây số. Nhờ khí hậu ôn hòa, phong thổ thuận lợi, các mùa nho đầu tiên đã bội thu về mặt khối lượng, ngon về chất lượng. Công ty này đã thuyết phục ban quản lý Tháp Eiffel dùng giống nho trồng tại vườn trái cây của nhà vua ‘‘Domaine de la Bouche du Roi’’ để chế biến ngay trên tầng một loại rượu vang mang thương hiệu chính gốc của Tháp Eiffel.

Theo ông Patrick Branco Ruivo, giám đốc của tập đoàn quản lý và khai thác Tháp Eiffel (SETE), kế hoạch sản xuất rượu vang ngay tại chỗ đã được xúc tiến từ tháng 10 năm 2019, sự hợp tác này cũng là một cách để quảng bá các ngành nông nghiệp, trong đó có việc trồng nho ở vùng Île-de-France (tức thủ đô Paris và các vùng phụ cận). Cả hai đối tác đã chọn loại rượu vang đỏ làm từ Merlot, khá dễ uống với nhiều món ăn khác nhau nhờ hương thơm thanh mát của các loài trái cây màu đỏ tươi (kể cả trái lý và dâu tây), mùi vị vẫn mượt mà nhờ đậm chất tannin ở đầu môi, nói cách khác loại rượu này có thể dùng được ngay hay để cất giữ trong vòng vài năm nữa. Cũng như vườn nho ở đồi Montmartre, việc sản xuất rượu vang tại Tháp Eiffel mang tính biểu tượng hơn là chế biến một sản phẩm với mục đích kinh doanh đại trà.

Điều đó cũng giải thích vì sao loại rượu vang mang thương hiệu Tháp Eiffel có giá tương đối cao. Từ các thùng gỗ sồi, ban quản lý đã cho rượu vào trong 600 chai đầu tiên, mỗi chai được bán riêng với giá gần 40 euros, tức cao hơn gấp 5 lần giá bình thường. Còn loại bán trong hộp thượng hạng ‘‘deluxe’’ dành cho giới sưu tầm lên tới hơn 80 euros một hộp, ngoài rượu còn có thêm một buổi tham quan có chuyên viên hướng dẫn và nếm rượu tại vườn nho Domaine de la Bouche du Roi. 

Nếu phải so sánh, thì một buổi tham quan có nếm rượu champagne của hiệu Ruinart, tức là một trong những hiệu sâm banh nổi tiếng nhất của Pháp, là khoảng 70 euros một người. Thế nhưng, thực khách lại được nếm thử 4 loại champagne ngon và đắt tiền, trong đó có hai niên hiệu thượng hạng thuộc vào hàng millésime của những năm 2004 và 2006. Trong khi đó, các hộp rượu vang Tháp Eiffel được bán với giá thật cao, phần lớn cũng vì mức sản xuất bị hạn chế ngay từ đầu và hiện chỉ có vài trăm chai rượu vang được tung ra thị trường Pháp. Khách hàng chỉ có thể đặt mua qua mạng chính thức của Tháp Eiffel và trang web của Domaine de la Bouche du Roi. Nếu thành công, rất có thể cả hai đối tác sẽ bắt tay sản xuất nhiều hơn nữa trong những năm tới. Có như vậy, thì thương hiệu rượu vang của Tháp Eiffel mới hy vọng được phổ biến rộng rãi, nhắm vào xuất khẩu  khẩu hay khách nước ngoài hơn là thị trường nội địa.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20201013-r%C6%B0%E1%BB%A3u-vang-ph%C3%A1p-ch%E1%BA%BF-bi%E1%BA%BFn-t%E1%BA%A1i-th%C3%A1p-eiffel

Geen opmerkingen:

Een reactie posten