donderdag 29 oktober 2020

Mỹ và Việt Nam ký 6 thỏa thuận hợp tác về điện năng, nhiên liệu, thực phẩm

 

Mỹ và Việt Nam ký 6 thỏa thuận hợp tác về điện năng, nhiên liệu, thực phẩm

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong khuôn khổ Diễn Đàn Thương Mại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPBF) 2020 tại Hà Nội hôm 28 Tháng Mười, các cơ quan chính phủ, tập đoàn Mỹ và Việt Nam đã ký sáu thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực như điện năng, nhiên liệu và thực phẩm.

Diễn Đàn Thương Mại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được tổ chức trong bối cảnh Washington được ghi nhận tăng cường phát ngôn chống lại ảnh hưởng trong khu vực của các công ty nhà nước Bắc Kinh.

Ông Daniel J. Kritenbrink (trái), đại sứ Mỹ tại Việt Nam, và Ngoại Trưởng CSVN Phạm Bình Minh (giữa, hàng đứng) tại buổi lễ ký kết giữa Tập Đoàn AES và PetroVietnam Gas. (Hình: Thụy Miên/Thanh Niên)

Theo báo Thanh Niên, Tập Đoàn AES của Mỹ và Tổng Công Ty Khí Việt Nam (PetroVietnam Gas) đã ký thỏa thuận khí hóa lỏng (LNG) trị giá $2.8 tỷ, theo đó xây dựng trạm nhập cảng LNG và một nhà máy năng lượng ở Việt Nam.

Tờ Thanh Niên cho biết thêm, IPBF 2020 chứng kiến việc ký kết thỏa thuận hợp tác tổng thể giữa Delta Offshore Energy, Bechtel Corporation, General Electric, và McDermott để phát triển dự án điện khí từ LNG ở tỉnh Bạc Liêu.

Cũng trong hôm 28 Tháng Mười, Reuters dẫn phát ngôn của Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo khi tham dự sự kiện nêu trên qua mạng: “Việt Nam đã bật đèn xanh cho AES Corp. AES.N, một doanh nghiệp đóng tại tiểu bang Virginia, để tiến hành dự án. Thỏa thuận này mở ra cánh cửa cho việc nhập cảng LNG trị giá hàng tỷ đô la của Mỹ vào Việt Nam mỗi năm, và đây là thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.”

Ông Pompeo được dẫn lời trên Reuters: “Các công ty Mỹ tuân thủ pháp quyền, tính minh bạch và có tiêu chuẩn phẩm chất rất cao cho các sản phẩm của họ. Tôi nói vậy bởi vì điều đó hoàn toàn trái ngược với các công ty được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.”

Việt Nam được ghi nhận đang xây dựng nhiều nhà máy sản xuất điện từ LNG, với nhà máy đầu tiên dự trù đi vào hoạt động trước năm 2023. Đây được cho là chỉ dấu đầy tham vọng để đưa LNG trở thành nguồn năng lượng chính cho nền kinh tế đang phát triển.

Cũng tại IPBF 2020 diễn ra sáng cùng ngày, theo thông cáo của Đại Sứ Quán Mỹ tại Việt Nam, Cơ Quan Thương Mại và Phát Triển Mỹ (USTDA) đã đồng ý tài trợ dự án khoảng $935,060 hỗ trợ Tổng Công Ty Truyền Tải Điện Quốc Gia Việt Nam (EVN NPT). Dự án nhằm hỗ trợ EVN NPT hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, viễn thông và truyền tải điện, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đầu tư công nghệ lưới điện thông minh trong tương lai.

Đối với lĩnh vực nhiên liệu, Hội Đồng Ngũ Cốc Mỹ (USGC) và Bộ Công Thương Việt Nam ký kết thỏa thuận tăng cường quan hệ đối tác giữa hai nước nhằm mở rộng việc sử dụng và cung cấp ethanol tại Việt Nam. Thỏa thuận này sẽ giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu nhiên liệu bền vững về kinh tế và môi trường.

Về điện khí hỏa lỏng, VinaCapital và chính quyền tỉnh Long An sẽ hợp tác với tập đoàn General Electric (GE) để phát triển dự án điện khí từ khí hóa lỏng Long An với công suất 3,000 MW. VinaCapital sẽ hợp tác với GE về cung ứng các tua bin khí và các thiết bị, dịch vụ liên quan. Dự án này là một trong những dự án điện lớn nhất tại miền Nam Việt Nam và mang lại một giải pháp đầy hứa hẹn cho tình trạng thiếu điện của khu vực, đồng thời xử lý được các mối lo ngại về tác động đối với môi trường. Đây cũng là dự án chiến lược vì có thể tiếp cận trực tiếp khu công nghiệp lớn nhất cả nước và chỉ cách Sài Gòn khoảng 30 km.

Đối với thực phẩm, công ty Liên Minh Thương Mại Việt Nam (VTA) và tập hợp những nhà cung cấp Mỹ đã ký thỏa thuận về mua thịt heo ướp lạnh và đông lạnh của Mỹ. Thỏa thuận trị giá khoảng $100 triệu cho năm đầu tiên và tổng giá trị giao dịch trong ba năm lên đến $500 triệu.

Tập đoàn ExxonMobil tại Hải Phòng, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hải Phòng và công ty Nhật Bản JERA cũng ký thỏa thuận hợp tác để cùng thực hiện dự án LNG tại Hải Phòng. Các bên đã đồng ý mở rộng hợp tác và trao đổi chuyên môn để cùng nhau nghiên cứu các cơ hội phát triển thị trường khí đốt tự nhiên, bao gồm cả các cơ sở nhập khẩu LNG và các nhà máy nhiệt điện khí.

PetroVietnam Gas. (Hình: Vietnam News)

Trong một diễn biến khác, trang fanpage của Tòa Đại Sứ Mỹ dẫn một bình luận “tích cực” của ông Adam Boehler, tổng giám đốc Cơ Quan Phát Triển Tài Chính Quốc Tế Mỹ, sau chuyến thăm Hà Nội: “Thật biết ơn tài lãnh đạo nhìn xa trông rộng của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc. Mỹ và Việt Nam đang đi đúng hướng vì một tương lai tươi sáng cho quan hệ song phương của chúng ta cũng như tầm nhìn chung mà chúng ta chia sẻ vì một khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương.”

Tuy vậy, bên dưới bài đăng, nhiều Facebooker để lại bình luận thể hiện tính hoài nghi về lời khen “có cánh” của ông Boehler dành cho Thủ Tướng Phúc.

Facebooker Lê Văn Sơn, cựu tù nhân lương tâm, bình luận: “Công nhận Đại Sứ Quán Mỹ tại Việt Nam tuyển được người Việt giỏi nịnh bợ.”

Vài tiếng sau, post dẫn lời ông Boehler của Sứ Quán Mỹ được sửa thành: “Tôi rất ấn tượng về sự lãnh đạo của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc. Mỹ và Việt Nam có chung tầm nhìn về một tương lai tươi sáng trong quan hệ song phương của chúng ta cũng như về khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương.” (N.H.K) [qd]

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/my-va-viet-nam-ky-6-thoa-thuan-hop-tac-ve-dien-nang-nhien-lieu-thuc-pham/

Việt Nam và Mỹ ký 7 thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ đôla

Lãnh sự quán Hoa Kỳ
Chụp lại hình ảnh,

Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPBF) khai mạc tại Hà Nội ngày 28/10

Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPBF) khai mạc tại Hà Nội ngày 28/10, Việt Nam và Mỹ đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nơi hội tụ của những nền kinh tế lớn nhất và phát triển năng động nhất trên thế giới với những tuyến đường biển thông thương huyết mạch vô cùng quan trọng, là động lực của tăng trưởng và liên kết trên toàn cầu.

Theo đó, 7 thỏa thuận/bản ghi nhớ về hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã được ký kết với trị giá lên tới hàng tỷ đôla trên nhiều lĩnh vực như hợp tác về năng lượng, truyền tải điện và chế biến, nhập khẩu thịt lợn tại diễn đàn này.

Theo đó, trong lĩnh vực năng lượng, thỏa thuận hợp tác tổng thể giữa 3 tập đoàn Delta Offshore Energy, Bechtel Corporation, General Electric, và McDermott để phát triển dự án điện khí từ khí hóa lỏng Bạc Liêu, sử dụng thiết bị và dịch vụ của Hoa Kỳ trị giá hơn 3 tỷ USD đã được ký kết.

Dự án này có tổng mức đầu tư lên đến 50 tỷ USD trong vòng 25 năm và dự kiến lượng nhập khẩu lên 3 triệu tấn khí hóa lỏng mỗi năm. Đây là dự án sử dụng LNG sản xuất điện đầu tiên do khu vực tư nhân sở hữu và vận hành, được phê duyệt trong quy hoạch tổng thể phát triển điện lực quốc gia với hình thức 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo Luật Đầu tư của Việt Nam.

Thỏa thuận thứ 2 là việc ký kết tài trợ giữa Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia Việt Nam (EVNNPT) cho dự án Lộ trình hỗ trợ kĩ thuật Công nghệ thông tin 2.0 của EVNNPT với trị giá 935,060 đôla. Đây được xem là tiền đề giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ nhằm hiện đại hóa hệ thống lưới điện.

Tiếp theo là Biên bản ghi nhớ giữa General Electric và VinaCapital để phát triển dự án điện khí từ khí hóa lỏng Long An. Theo thỏa thuận này, VinaCapital và chính quyền tỉnh Long An sẽ hợp tác để phát triển dự án điện khí từ khí hóa lỏng Long An với công suất 3.000 MW, hứa hẹn là một trong những dự án điện lớn nhất tại miền Nam Việt Nam, giúp giải quyết tình trạng thiếu điện của khu vực và các mối lo ngại về tác động môi trường.

Thỏa thuận thứ tư là sự liên doanh giữa Tập đoàn AES và Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) nhằm phát triển Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ với giá trị khoảng 1,4 tỷ đôla. Cụ thể, kho cảng LNG Sơn Mỹ được đặt tại tỉnh Bình Thuận với tổng công suất 450 TBtu sẽ giúp cung cấp khí cho các nhà máy điện khí. Theo đó, nhà máy điện với công suất 2,2 gigawatt và kho cảng sẽ đóng vai trò lớn trong việc định hình tương lai năng lượng của Việt Nam.

Ngoại trưởng Mike Pompeo
Chụp lại hình ảnh,

Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu hôm 28/10.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết thỏa thuận này sẽ mở ra cánh cửa nhập khẩu LNG trị giá hàng tỉ đôla từ Mỹ vào Việt Nam mỗi năm, đồng thời miêu tả đây là điều "đôi bên cùng có lợi".

"Việt Nam đã bật đèn xanh cho tập đoàn AES (trụ sở tại Virginia) để tiến hành dự án", ông Pompeo nói tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày 28/10.

Ngoài 4 thỏa thuận trên, 3 thoả thuận hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng được ký kết và công bố gồm:

  • Biên bản ghi nhớ giữa Exxon Mobil-JERA Co Inc - UBND Hải Phòng phát triển dự án điện khí LNG tích hợp tại thành phố Hải Phòng
  • Thỏa thuận hợp tác về Ethanol giữa Bộ Công Thương và Hiệp hội hạt cốc Hoa Kỳ (USGC) nhằm mở rộng việc sử dụng và cung cấp ethanol tại Việt Nam, giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu nhiên liệu của mình một cách bền vững về kinh tế và môi trường.
  • Thỏa thuận nhập khẩu thịt lợn Hoa Kỳ giữa Việt Nam Trade Alliance avà Công ty Masan với ước tính vào khoảng 100 triệu đôla cho năm đầu tiên và tổng giá trị giao dịch trong 3 năm lên đến 500 triệu đôla

Trong 4 năm qua, quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam không ngừng phát triển. Tới nay, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã tham gia vào khoảng 20 ngành nghề tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đứng thứ 11 trong số các nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, với những dự án lớn của các tập đoàn có tên tuổi như Murphy Oil, Chevron, Intel, Nike, Coca Cola, Procter and Gamble...

Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Hoa Kỳ cùng cơ quan Chính phủ và Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tổ chức từ ngày 28-29/10. Diễn đàn được tổ chức nhân kỉ niệm 25 năm tăng cường hợp tác quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.

https://www.bbc.com/vietnamese/business-54655446

Geen opmerkingen:

Een reactie posten