zaterdag 17 oktober 2020

Khác biệt cách nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương, Quad thiếu chiến lược chung đối với Trung Quốc + Ấn Độ-Thái Bình Dương : Mặt trận chung chống bá quyền Trung Quốc

 

Khác biệt cách nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương, Quad thiếu chiến lược chung đối với Trung Quốc

Phần âm thanh 10:17
Cuộc họp Bộ Tứ ngày 06/10/2020 tại Tokyo. Từ trái sang phải: Các ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Nhật Bản Toshimitsu Motegi, Úc Marise Payne và ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Cuộc họp Bộ Tứ ngày 06/10/2020 tại Tokyo. Từ trái sang phải: Các ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Nhật Bản Toshimitsu Motegi, Úc Marise Payne và ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. AFP - KIYOSHI OTA
21 phút

Những năm gần đây giới truyền thông và quan sát nhắc nhiều đến một diễn đàn an ninh không chính thức : « Đối thoại an ninh bốn bên – Quad - Bộ Tứ ». Đối thoại quy tụ 4 nền dân chủ lớn và có tiềm lực quân sự : Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Đi cùng với diễn đàn này là một khái niệm chiến lược nổi tiếng : Ấn Độ - Thái Bình Dương, với một đích ngắm duy nhất là Trung Quốc.

Bộ Tứ được thành lập như thế nào và để làm gì ? Đâu là những chiến lược hành động của nhóm ? Quy mô ảnh hưởng của Bộ Tứ đến đâu ? Bầu cử tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến chương trình hành động của nhóm hay không ? Những câu hỏi của RFI Tiếng Việt sẽ được chuyên gia David Camroux, cộng tác viên Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế (CERI), trường đại học Khoa học Chính trị (Sciences Po) tại Paris, giáo sư thỉnh giảng trường đại học Quốc gia Hà Nội lần lượt giải đáp.

RFI Tiếng Việt : Thưa giáo sư, ngày 06/10/2020 vừa qua, ngoại trưởng bốn nước, Bộ Tứ – Quad - hay còn gọi là Diễn đàn An ninh bốn bên nhóm họp tại Tokyo nhằm tìm kiếm một chiến lược để đối phó với một Trung Quốc ngày càng hung hăng. Trước hết, giáo sư có thể nhắc lại Bộ Tứ được hình thành như thế nào ?  

GS. David Camroux : Có hai mốc thời gian đáng chú ý. Mốc thứ nhất là vào năm 2007, thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là ông Shinzo Abe đã đề nghị một đối thoại không chính thức giữa các nước được xem là những nền dân chủ lớn của khu vực tức là Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản. Tuy nhiên, diễn đàn này không tồn tại được bao lâu, bởi vì vào tháng 2/2008, trước những phản ứng chống đối từ Trung Quốc, nước Úc dưới thời thủ tướng Kevin Rudd đã rút ra khỏi diễn đàn này.

Bản thân ông Kevin Rudd, vốn dĩ cũng là một người chuộng văn hóa Trung Hoa, nói thạo tiếng Hoa, muốn thắt chặt quan hệ nhiều hơn với Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Úc. Ông ấy cho rằng không thật sự cần thiết làm mất lòng Trung Quốc chỉ vì một diễn đàn đơn giản như vậy.

Còn tại Nhật Bản, người kế nhiệm ông Shinzo Abe là thủ tướng Yasuo Fukuda, cũng không mấy gì hào hứng lắm với diễn đàn này, và tỏ ra hòa dịu với Trung Quốc hơn. Bởi vì, ẩn sau Quad còn chập chờn chiếc bóng của Trung Quốc. Vì thế có thể nói, diễn đàn này được thành lập do có liên hệ đến Trung Quốc. Trong vòng 10 năm, từ năm 2008 cho đến tháng 9/2017, không có một cuộc họp nào của Bộ Tứ được tổ chức. Thế nên, diễn đàn này đã không có một tầm quan trọng to lớn nào cả.

Rồi có những thay đổi trong chính trường Úc với một chính phủ bảo thủ do ông Scott Morrison lãnh đạo, việc ông Shinzo Abe trở lại cầm quyền ở Nhật Bản, và điều quan trọng nhất là ông Donald Trump đắc cử tổng thống năm 2016 ở Mỹ, chúng ta bước vào một diện mạo mới. Ấn Độ với thủ tướng Narendra Modi muốn tái lập một sự tin tưởng nhiều hơn với Mỹ và Nhật Bản. Bên cạnh đó, bốn nước đối tác của Bộ Tứ có những thay đổi lập trường, thái độ, thế nên, Quad cũng bị biến đổi theo một ý tưởng gọi là Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Quả thật, khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương đến từ những nước trong Bộ Tứ, xuất hiện lần đầu trong một tài liệu năm 2013. Tại Úc và Nhật Bản, người ta không nói đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương nữa, thay vào đó là Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong một chừng mực nào đó, ông Shinzo Abe đã phát huy thành công ý tưởng này cùng với tổng thống Donald Trump, một người không có nhiều hiểu biết về địa chính trị nhưng tuyệt nhiên có một khái niệm khác với "Xoay trục sang châu Á" của người tiền nhiệm Barack Obama.

Chính ông Shinzo Abe là người đưa ra khái niệm này, nhưng ông Donald Trump đã lấy lại sử dụng theo mục đích của mình. Và ý tưởng này đã được ngoại trưởng Mike Pompeo xúc tiến nhiều hơn nữa trong cuộc họp gần đây nhất tại Tokyo hôm 06/10 vừa qua. Có thể nói Bộ Tứ đã có một chút thay đổi và đã dùng lại khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Nhưng cho đến giờ dường như Bộ Tứ vẫn chưa cho thấy có một chiến lược chung rõ ràng ? Vì sao ?

GS. David Camroux : Bởi vì mỗi nước thành viên có một cách nhìn riêng về vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đối với Nhật Bản, khu vực này dừng lại ở Bombay, Ấn Độ. Còn với New Dehli, Ấn Độ - Thái Bình Dương đi đến tận vùng duyên hải phía đông châu Phi. Đó cũng chính là quan điểm của Úc.

Hơn nữa, Pháp tuy không phải là thành viên của Bộ Tứ nhưng cũng có một khái niệm riêng về Ấn Độ - Thái Bình Dương như trong phát biểu của tổng thống Macron. Bởi vì đối với Paris, khái niệm này mang lại cho Pháp một tính chính đáng nào đó cho những vùng lãnh thổ hải ngoại tại Nam Thái Bình Dương hay như đảo Reunion ở Ấn Độ Dương.

Đúng là ở đây có những khác biệt về cách nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đối với Hoa Kỳ, đó có thể là vùng Thái Bình Dương cộng thêm Ấn Độ. Nhưng có một điểm rất rõ ràng là bộ chỉ huy Thái Bình Dương nằm ở Honolulu đã trở thành bộ chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhưng phạm vi hoạt động thì không thay đổi, vẫn gần giống như trước đây.

Vấn đề ở đây không chỉ là việc đổi một tên nhãn mà ở sau đó, còn có một yếu tố khác nữa : Đó chính là sự tiến triển và cách hành xử của Trung Quốc. Rõ ràng là chúng ta đang bước vào một giai đoạn đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Thái độ của Bắc Kinh ở vùng biển Nam Trung Hoa, mà Việt Nam gọi là Biển Đông, cùng với đại dịch Covid-19 đã làm cho Trung Quốc không còn là một nước láng giềng khoan dung nhân từ và là một hàng xóm không còn đáng tin cậy nữa.

Theo một thăm dò do viện Pew của Mỹ thực hiện thì do đại dịch Covid-19 hình ảnh của Bắc Kinh đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Do vậy, Trung Quốc ngày càng bị xem như là một nước đối thủ, một quốc gia thù nghịch. Điều này đã cung cấp thêm một lý do để Bộ Tứ thay đổi quan niệm của mình sang Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Nhưng Trung Quốc cũng là một đối tác thương mại quan trọng đối với các nước thành viên trong Bộ Tứ. Liệu đây có thể là một trong số các yếu tố gây ra những bất đồng trong nội bộ nhóm hay không ?

GS. David Camroux : Dĩ nhiên rồi, Trung Quốc là một đối tác thương mại hàng đầu của Úc, một đối tác quan trọng của Nhật Bản và Hoa Kỳ. Ở đây có một khía cạnh thương mại mà ông Trump đang tìm cách sử dụng trong cuộc chiến với Trung Quốc. Nhưng ông Donald Trump cũng phạm phải một chuỗi các sai lầm. Thay vì để các đồng minh tránh sang một bên, ông ấy lại lôi kéo họ vào trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Những nước này cũng như là ASEAN không có lợi ích gì khi rơi vào thế kẹt trong cuộc đọ sức này với Bắc Kinh.

Quả thật, ở đây một mặt có một vấn đề kinh tế nhưng mặt khác còn có lĩnh vực an ninh nữa. Chúng ta thấy rõ những gì đang diễn ra ở Biển Đông. Hoa Kỳ, Úc và cả Liên Hiệp Châu Âu nữa tuyên bố rất rõ ràng là ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực trong vụ kiện do Philippines tiến hành nhằm phản đối các hành động cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông của Trung Quốc. Phán quyết này cũng được phía Việt Nam tán đồng vì vụ việc này cũng đi theo cùng một hướng lợi ích của Hà Nội.

Do vậy, trong vấn đề quyền chủ quyền lãnh hải, giờ không còn có những bất đồng giữa một số nước, những nước mà trước đây không muốn bày tỏ lập trường vì không muốn làm phật lòng Bắc Kinh, thì nay họ sẵn sàng lên tiếng.

Người ta cũng nhận thấy là ông Tập Cận Bình cũng xứng đáng nhận lấy những gì ông ấy đáng phải hứng chịu do cách hành xử hung hăng đối với các nước láng giềng. Ông ấy đang tạo điều kiện cho việc thành lập, dù chưa hẳn là một liên minh, nhưng là một mặt trận chung chống Trung Quốc. Chính vì thế mà ông Tập Cận Bình cũng đang tìm cách gây chia rẽ ngay trong lòng nội bộ ASEAN.

Như giáo sư có nói ở trên, khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương là do ông Shinzo Abe đề xuất. Nay ông Shinzo Abe đã từ chức, liệu rằng người kế nhiệm là ông Suga Yoshihide có sẽ tiếp tục đường lối chiếc lược do ông Abe vạch ra hay không ?

GS. David Camroux : Rõ ràng rồi !Theo như tôi biết chuyến công du nước ngoài đầu tiên như thông báo của ông sẽ là Việt Nam, có thể là cả Malaysia và Philippines nhưng tôi biết là ông ấy sẽ đến Việt Nam. Chính sách này đã được Nhật Bản khẳng định.

Nhưng vì chúng ta đang trong bối cảnh đối đầu Mỹ - Trung, cách hành xử của Trung Quốc làm cho các nước Đông Nam Á không muốn phải chọn phe giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, ngay cả Việt Nam cũng không muốn chọn hẳn một bên nào. Nhưng những gì xảy ra cho Việt Nam và Philippines cũng như nhiều nước khác cho thấy có một sự hâm nóng mối quan hệ với Hoa Kỳ.

Hơn nữa, bất kể ai là tổng thống Mỹ cũng đều biết rằng các mối quan hệ liên minh là rất quan trọng, người ta không thể nào là một đại cường mà không có đồng minh. Chỉ có điều cách hành xử của ông Donald Trump là hoàn toàn phản tác dụng, vì ông ấy đang tìm cách loại trừ các liên minh chỉ vì các vấn đề giao dịch thương mại.

Nhưng tôi tin rằng vẫn có một tính liên tục nào đó, lời lẽ có thể ít chống đối Trung Quốc hơn nhưng tôi tin rằng trên thực địa đang có những thay đổi, chính sách này trong khu vực vẫn sẽ được duy trì.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư David Camroux.

Trong phần hai (phát ngày 22/10), nhà nghiên cứu David Camroux sẽ giải thích tiếp quan điểm của ASEAN về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, Bầu cử Mỹ sẽ có tác động ra sao đến chiến lược này và liệu Quad có thể phát triển thành một liên minh quân sự như NATO hay không. Mời quý vị nhớ đón xem.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20201015-ando-thaibinhduong-bo-tu-chien-luoc-trung-quoc

Ấn Độ-Thái Bình Dương : Mặt trận chung chống bá quyền Trung Quốc

Thủ tướng Nhật Yohishide Suga (G) và các ngoại trưởng Úc, Mỹ, Nhật, Ấn Đô trước cuộc họp Bộ Tứ tại Tokyo, ngày 06/10/2020.
Thủ tướng Nhật Yohishide Suga (G) và các ngoại trưởng Úc, Mỹ, Nhật, Ấn Đô trước cuộc họp Bộ Tứ tại Tokyo, ngày 06/10/2020. REUTERS - POOL
Tú Anh
11 phút

Thời sự liên quan đến Mỹ và Trung Quốc chiếm chỗ áp đảo trên báo Pháp hôm nay theo nghĩa tiêu cực. Con đường tái tranh cử của Donald Trump thêm chông gai. Chính sách đàn áp bên trong và phô trương vũ lực bên ngoài làm Trung Quốc của Tập Cận Bình tiêu hao uy tín.

Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ thách thức ở Thượng Karabakh. Ankara công khai ủng hộ Azerbaijan và chính thức giúp vũ khí cho Baku trong khi Matxcơva làm ngơ trước những lời xin trợ giúp của thủ tướng Armenia Nikol Pachinian, tựa lớn của Le Monde trên trang nhất. Tuy nhiên, hai nhân vật chiếm chỗ nhiều nhất trên báo Pháp hôm nay là Donald Trump và Tập Cận Bình.

Phải chăng Donald Trump đánh nước cờ liều ?

Bị Joe Biden bỏ xa trong các kết quả thăm dò, tổng thống Donald Trump dàn cảnh phục hồi sức khỏe : đánh bại Covid-19 trong thời gian kỷ lục 4 ngày. Donald Trump còn gây áp lực với các bác sĩ để ông có thể về Phòng Bầu Dục và thông báo long trọng.

Thái độ kiên cường này không mang lại kết quả như ý. Theo ABC, 23 cộng sự viên ở Nhà Trắng bị dương tính với virus corona, toàn bộ tướng lãnh tham mưu trưởng các binh chủng phải cách ly. Kết quả thăm dò ý kiến đầu tiên từ khi Donald Trump nhập viện không thuận lợi : 57% ủng hộ Joe Biden, 41% ủng hộ Donald Trump (CNN), Le Monde lược kê một số sự kiện.

« Tâm trạng căng thẳng đang lan ra trong phe của Donald Trump ». Les Echos ghi nhận một loạt phản ứng được xem là không hợp tình hợp lý của chủ nhân Nhà Trắng mà phi lý nhất là quyết định đình chỉ thảo luận với phe Dân Chủ một kế hoạch vực dậy kinh tế từ 1200 đến 1500 tỷ đôla. Chỉ còn không đầy một tháng là đến ngày bầu cử, tại sao Donald Trump tặng cho đối thủ món quà vô giá này ? Cử tri Cộng Hòa không thể hiểu được vì sao tổng thống quan tâm chuyện bổ nhiệm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện hơn là công ăn việc làm ?  Cử tri trên 65 tuổi bắt đầu bỏ ông Trump. Thị trường tài chính cũng không hài lòng.

Trung Quốc ép Ấn Độ, Mỹ bày trận chống Trung Quốc

Trung Quốc tăng sức ép quân sự ở Himalaya, Tập Cận Bình tiếp tục chính sách cưỡng bách đồng hóa dân Tây Tạng, Mỹ vận động lập mặt trận chung ở châu Á chống Trung Quốc, Le Figaro dành hai trang quốc tế cho các chủ đề này.

Theo nhật báo thiên hữu, tất cả những sự kiện xảy ra trong, ngoài Trung Quốc đều có quan hệ nhận quả. Để khống chế toàn khu vực biên giới phía tây, kiểm soát chặt chẽ Tây Tạng Phật giáo và Tân Cương Hồi giáo, Bắc Kinh phô trương tham vọng bằng sức mạnh quân sự. Trong bối cảnh này, Ấn Độ yếu thế hơn từ quân sự cho đến kinh tế, huyết mạch của chiến tranh, phân tích của Le Figaro trong bài « Ấn Độ gặp khó khăn tại Ladakh » nơi xảy ra những xung đột đẫm máu vừa qua. Cũng trong chiều hướng muốn khống chế các dân tộc vùng biên cương, Tập Cận Bình tìm cách biện minh cho chính sách cưỡng bách Hán hóa, trại tập trung được gọi là trung tâm dạy nghề từ Tây Tạng cho đến Tân Cương. Bây giờ đến lượt Mông Cổ, tuy rằng Nội Mông từ trước đến nay được Bắc Kinh khen ngợi là « tấm gương sáng ». Tại Nội Mông, công an Trung Quốc treo giải thưởng cho những ai cung cấp thông tin để bắt những người biểu tình chống Hán hóa. Gia đình từ chối cho con cái học tiếng Hoa sẽ bị cắt trợ cấp xã hội.

Trong lúc tình hình châu Á căng thẳng từ eo biển Đài Loan, Biển Đông và tận đến biên giới Ấn-Trung, Hoa Kỳ huy động một mặt trân chung ở châu Á chống Trung Quốc. Theo phân tích của Le Figaro, sự kiện ngoại trưởng Mỹ hủy bỏ vòng thăm viếng Hàn Quốc và Mông Cổ trong bối cảnh tổng thống nhập viện mà vẫn giữ điểm hẹn tại Tokyo với Nhật, Úc, Ấn trong bộ tứ Kim Cương gọi tắt là Quad cho thấy tầm quan trọng của liên minh không chính thức này. Phương châm « Bảo vệ vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do lưu thông » rõ ràng là mang âm hưởng chống tham vọng bá chủ Biển Đông của Bắc Kinh tuy không nói ra. Báo chí Trung Quốc thì khỏi nói,  lên án « tập hợp của những kẻ mang não trạng chiến tranh lạnh đê điều Trung Quốc ».

Theo nhật báo thiên hữu, hội nghị Tokyo là cơ hội để hai ngoại trưởng Mỹ, Ấn bày tỏ hữu hảo. Từ sau vụ chạm súng Ấn-Trung hồi tháng Sáu, quan hệ Washington và New Delhi được thắt chặt một cách ngoạn mục. Từ khi sáng kiến « kim cương » quy tụ bốn nước dân chủ trong vùng đối đầu với Trung Quốc, do thủ tướng Shinzo Abe vào năm 2007 đề xuất, với sự đồng ý của Washington, nhưng chưa bao giờ Mỹ đáp ứng tham vọng của lãnh đạo phe hữu Nhật Bản muốn « đê điều Trung Quốc ». Úc và Ấn trong một thời gian dài cũng bị áp lực thương mại của Trung Quốc nên tránh đi sâu vào chiến lược « kim cương ». Canberra, vào năm 2008, dưới thời thủ tướng Kevin Rudd, thân Trung Quốc, còn rút ra khỏi công thức « bốn bên » vì đánh cược Trung Quốc sẽ trỗi dậy một cách hoà bình. Phải hơn 10 năm sau, khi Tập Cận Bình quân sự hóa Biển Đông theo một chiến lược đặt đối phương vào « chuyện đã rồi » thì lúc đó « chiến lược kim cương  phục hồi sinh khí ». Bài phân tích của Le Figaro rất dài, xin mượn nhận xét của chuyên gia chiến lược Mỹ James Green : « Chính quyền Trung Quốc đã làm tất cả thế giới bực tức cùng một lúc. Do vậy, họ rơi vào chiếc bẫy tự đặt ra ».

Số phận người Duy Ngô Nhĩ  gây ra cuộc chạm trán tại Liên Hiệp Quốc

Sự kiện diễn ra hồi đầu tuần được Le Monde và Les Echos tường thuật và bình luận.

Bị các nước Tây phương công kích, Trung Quốc huy động đồng minh đối đầu. Tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, 39 nước Tây phương do Đức dẫn đầu, lên án Bắc Kinh chà đạp những quyền căn bản của người dân ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông. Tập họp này lấy làm tiếc là cho đến nay, Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Michèle Bachelet, nguyên là tổng thống Chilê, cũng không thể đến Tân Cương và những nơi « bà muốn đến ». Năm trước chỉ có 23 nước lên án Trung Quốc, năm nay có thêm 14 nước. Sophie Richardson, đặc trách tình trạng nhân quyền Trung Quốc, trong hiệp hội Human Rights Watch, cho rằng « một loạt biến cố từ Tân Cương, Covid-19 và Hồng Kông đã làm cho các nước này sực tỉnh ». Một nhà ngoại giao nhận định : "Chúng ta không muốn chiến tranh lạnh với Trung Quốc, chúng ta chỉ bảo vệ các giá trị về nhân quyền của chúng ta".

Trung Quốc không thụ động. Với sự ủng hộ của 53 nước, phần đông là châu Phi, và hai nước Ả Rập có trọng lượng là Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Bắc Kinh bác bỏ các chỉ trích.

Trung Quốc còn phản công lên án các biện pháp trừng phạt quốc tế do các nước Tây phương đề xuất là « vi phạm nhân quyền » trong bối cảnh đại dịch.

Theo Le Monde, chính sách ngoại giao đối đầu của Bắc Kinh đã làm cho hình ảnh Trung Quốc ngày càng xấu xí trong nhãn quan của công luận. Một kết quả thăm dò ý kiến của viện Pew Research công bố hôm 06/10/2020, « tại nhiều nước Tây phương, hơn ba phần tư dân chúng cho biết họ mất thiện cảm với Trung Quốc ».

Cùng đề tài, Les Echos đưa tựa : Hình ảnh Trung Quốc bị xuống cấp về lâu về dài do Covid-19. Trong vòng một năm mà hình ảnh Trung Quốc, qua thăm dò ý kiến công luận tại 14 nước, bị suy sụp rất nhiều. Tập Cận Bình, do thiếu minh bạch trong việc thông tin về nguồn gốc siêu vi, nên càng ngày càng đánh mất uy tín : Cụ thể, công luận Úc bất tín nhiệm Trung Quốc từ 32%, cách nay ba năm, vọt lên 81%. Tại Nhật 86%, Pháp 70%, Hàn Quốc 75%, Thụy Điển 85%...

Theo nhật báo kinh tế : chính quyền Trung Quốc mà nhất là Tập Cận Bình trả giá đắt vì không trả lời minh bạch khi bị các nước yêu cầu cho biết nguồn gốc siêu vi corona gây đại dịch.

Pew Research cũng cho biết thêm là chính quyền Mỹ cũng bị công luận mất tin tưởng nhiều từ khi Donald Trump vào Nhà Trắng

Thái Lan : Ký ức cuộc thảm sát sinh viên năm 1976

Hôm thứ Ba vừa qua 06/10/2020, kỷ niệm 46 năm vụ sinh viên Thái lan bị lực lượng bán quân sự thảm sát, Le Monde phỏng vấn một số nhân chứng từng tham gia phong trào cách nay 44 năm.

Bao nhiêu người chết ? Theo lời một nữ sinh viên thời đó kể lại, khi cha cô đến trụ sở cảnh sát đòi con thì nghe một cảnh sát viên trả lời ai đó qua điện thoại : « Mọi việc đều tốt, chỉ chết có 200 thôi ».

Năm 1976, trong bối cảnh chiến tranh lạnh, tình thế đúng là khác với hiện nay. Một năm trước, cộng sản chiếm Phnom Penh và Sài Gòn. Chế độ Cam Bốt và Nam Việt Nam sụp đổ làm Thái lan lo sợ « hiệu ứng domino », theo đó, Thái Lan, đồng minh của Hoa Kỳ, sẽ rơi vào quỹ đạo thân Liên Xô và Trung Quốc. Sinh viên đại học Thammasat, thành trì của « phe thiên tả » bị thành phần cực hữu xem là « đạo quân thứ 5 » phải tiêu diệt. Hiện nay, cả sinh viên và chính phủ của Chan-O-Cha đều không muốn xung đột đổ máu. Nhưng trong bối cảnh phong trào sinh viên hiện nay tranh đấu đòi cải cách chế độ chính trị mà đứng đầu là một viên (thủ) tướng đảo chính thì kỷ niệm 1976 là dịp nhắc nhở cái giá đôi khi phải trả khi tham gia phản kháng tại « xứ sở của nụ cười ».

Môi trường, Nobel

La Croix và Libération ít bài về thời sự quốc tế. Nhật báo Công Giáo chọn một hiện tượng về xã hội đưa lên trang nhất : Tại sao số trường hợp phá thai gia tăng tại Pháp?.

Nhật báo thiên tả dành nhiều trang cho chủ đề bảo vệ môi trường, động vật hoang dã với một loạt phóng sự về hoạt động của « cảnh sát môi trường ». Đề tài thứ hai đang gây sóng gió trong giới hoạt động cứu thuyền nhân trên biển Địa Trung hải : Hy Lạp tuyên chiến chống các tổ chức phi chính phủ, chuẩn bị chứng cớ truy tố một số ra toà về tội « tổ chức vượt biên ».

Giải Nobel Hóa học 2020 cũng chiếm các cột quan trọng trên báo Pháp. Tất cả đều giải thích lợi ích của phát minh « kéo phân tử » để thay đổi ADN trị bệnh cho con người hay để tăng năng xuất nông phẩm. Điểm khác biệt là La Croix nhấn mạnh yếu tố đạo lý, nhắc lại trường hợp một bác sĩ Trung Quốc áp dụng biện pháp này, tiếng là giúp một thai nhi tránh một bệnh di truyền, nhưng đã bị lãnh án tù nhiều năm. Giới khoa học gia chống lại việc thay đổi « gen »  ảnh hưởng cả một dòng con cháu nối dõi.

Còn Les Echos thì lưu ý đây là lần đầu tiên chỉ có hai phụ nữ, không có đấng mày râu nào, chen vào một giải Nobel khoa học. Xin nhắc lại tên hai khôi nguyên : Emmanuelle Charpentier người Pháp và Jennifer Doudna người Mỹ. Sau Marie Curie, hai nhà khoa học này là phụ nữ thứ sáu và thứ bảy được Nobel Hóa Học kể từ khi được lập ra cách nay 120 năm.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201008-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-th%C3%A1i-b%C3%ACnh-d%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%B7t-tr%E1%BA%ADn-chung-ch%E1%BB%91ng-b%C3%A1-quy%E1%BB%81n-trung-qu%E1%BB%91c

Geen opmerkingen:

Een reactie posten