dinsdag 27 oktober 2020

Bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ đến Ấn Độ thắt chặt liên minh chống Trung Quốc

 

Bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ đến Ấn Độ thắt chặt liên minh chống Trung Quốc

Ảnh tư liệu : Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (T) và bộ trưởng Quốc Phòng  Mark Esper chuẩn bị tham dự một cuộc họp báo tại bộ Ngoại Giao Mỹ, Washington DC, ngày 21/09/2020.
Ảnh tư liệu : Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (T) và bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper chuẩn bị tham dự một cuộc họp báo tại bộ Ngoại Giao Mỹ, Washington DC, ngày 21/09/2020. AP - Patrick Semansky
Trọng Nghĩa
5 phút

Ngày 27/10/2020, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper sẽ gặp gỡ hai đồng nhiệm Ấn Độ S Jaishankar và Rajnath Singh tại New Delhi trong khuôn khổ cơ chế đối thoại “2+2” để bàn về các vấn đề chiến lược và an ninh.

Chuyến công du Ấn Độ của hai nhân vật hàng đầu trong lãnh vực an ninh quốc gia của Hoa Kỳ nhằm tăng cưởng quan hệ chiến lược với một nước đang đối đầu với Trung Quốc, củng cố thêm liên minh đang hình thành để chống lại Bắc Kinh.

Phát biểu trước lúc ông Pompeo lên đường qua Ấn Độ, chặng đầu tiên trong một vòng công du Nam Á và Đông Nam Á (ông Pompeo cũng sẽ sang Sri Lanka, Maldives và Indonesia), ông Dean Thompson, một quan chức ngoại giao Mỹ cao cấp, chuyên trách vùng Nam Á và Trung Á đã khẳng định: “Chúng tôi đang nỗ lực thắt chặt quan hệ thiết yếu với đồng minh và đối tác, nhấn mạnh cam kết dấn thân sâu hơn vào vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương và thúc đẩy tầm nhìn của chúng tôi về công cuộc đối tác bền vững vì sự thịnh vượng của toàn khu vực.”

Trong thời gian gần đây, quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ đã có những bược tiến đáng kể, đặc biệt trong lãnh vực an ninh, quốc phòng. Theo các nguồn tin báo chí, nhân dịp này hai nước dự kiến ký Thỏa Thuận Hợp Tác và Trao Đổi Cơ Bản (BECA), tạo tiền đề để Ấn Độ mua drone vũ trang của Mỹ, một loại vũ khí cần thiết nhắm đối phó với Trung Quốc.

Ngoài ra, hai bên được cho là sẽ cố gằng thể chế hóa quan hệ giữa các cơ quan tình báo quốc phòng, nâng cấp thỏa thuận liên lạc COMCASA từng cho phép hai nước bước đầu chia sẻ thông tin tình báo. Nếu đạt được thỏa thuận mới, hai đồng minh sẽ có thể chia sẻ thông tin tình báo giữa các lực lượng lục quân, hải quân và không quân về diễn biến của tất cả vấn đề quốc phòng từ Biển Đông đến vùng Ladakh.

Theo lời các quan chức Ấn, nhân chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ, Ấn Độ dự kiến ký một thỏa thuận cho phép New Delhi tiếp cận với những dữ liệu vệ tinh nhạy cảm của Mỹ giúp tăng cường việc chống tên lửa và drone.

Ngoài hợp tác song phương Mỹ- Ấn, Mỹ cũng đang thúc đẩy cơ chế đa phương Bộ Tứ bao gồm cả Mỹ, Ấn, lẫn Úc và Nhật, một cơ chế mà ngoại trưởng không ngần ngại cho là một bức tường ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.

Đối với chuyên gia Gregory Poling thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, Washington, việc củng cố nhóm Bộ Tứ là một chính sách ngoại giao thực thụ chứ không phải là một thủ đoạn chính trị nội bộ của Mỹ.

Theo ông Poling: “Đúng là lời lẽ chống Trung Quốc của ông Pompeo phần lớn là vì bầu cử, nhưng việc củng cố Bộ Tứ, thắt chặt quan hệ với Đài Loan, tăng cường thái độ quan ngại về Biển Đông… là đề xuất của cả giới hoạch định chính sách chuyên nghiệp lẫn giới làm chính trị.

Dụng tâm củng cố liên minh chống Trung Quốc không chỉ được thấy qua chuyến thăm Ấn Độ, mà còn thể hiện qua các chặng tiếp theo trong chuyến công du của ông Pompeo.

Ông sẽ là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm Sri Lanka trong hơn một thập niên qua, trước khi ghé quần đảo Maldives. Đây là 2 nước nhỏ ở vùng Ấn Độ Dương đã vay nợ chồng chất của Trung Quốc cho những dự án hạ tầng cơ sở to lớn. Tại hai nước này, ngoại trưởng sẽ khuyến cáo giới lãnh đạo tránh bị sập bẫy nợ Trung Quốc.

Chuyến công du kết thúc tại Indonesia cũng không phải là ngẫu nhiên vì cường quốc Đông Nam Á này cũng đang bị Trung Quốc lấn lướt ở vùng đặc quyền kinh tế của mình sát Biển Đông.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20201026-b%E1%BB%99-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-ngo%E1%BA%A1i-giao-v%C3%A0-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B2ng-m%E1%BB%B9-%C4%91%E1%BA%BFn-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-th%E1%BA%AFt-ch%E1%BA%B7t-li%C3%AAn-minh-ch%E1%BB%91ng-trung-qu%E1%BB%91c

Mỹ-Ấn : Washington thúc giục New Delhi liên kết chống Bắc Kinh

Ngoại trưởng Mike Pompeo (trái) và bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper, trong một cuộc họp báo tại Washington, Mỹ, ngày 21/09/2020.
Ngoại trưởng Mike Pompeo (trái) và bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper, trong một cuộc họp báo tại Washington, Mỹ, ngày 21/09/2020. AP - Patrick Semansky
Tú Anh
3 phút

Một tuần trước bầu cử tổng thống Mỹ, hai cột trụ trong bộ máy an ninh, quốc phòng của tổng thống Donald Trump đến New Delhi để cùng Ấn Độ thảo luận một chính sách chống ảnh hưởng Trung Quốc trên toàn cầu, theo AFP.

Ngày 26/10/2020, ngoại trưởng Mike Pompeo và bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper sẽ lên đường sang Ấn Độ. Ngày hôm sau tại New Delhi, hai bộ trưởng Hoa Kỳ sẽ có cuộc họp về an ninh với  hai đồng nhiệm Ấn Độ, theo công thức được gọi là 2+2. Sau đó, ngoại trưởng Mỹ sẽ bay qua Sri lanka, Maldives và Indonesia, tất cả đều ở trong trận thế đối đầu ngày càng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.

Xung khắc đổ máu ở biên giới Ấn-Trung, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nguồn cội đại dịch Covid-19, chính sách độc đoán của Bắc Kinh tại biển Đông,  Hồng Kông, Tân Cương, Đài Loan càng làm cho Hoa Kỳ năng nổ hơn tìm cách cô lập Trung Quốc, theo AFP.

Đối với Ấn Độ, cuộc họp 2+2 Mỹ- Ấn diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ đối đầu với hai mối đe dọa cùng lúc : với Trung Quốc ở Ladakh và với Pakistan ở Cachemire

Tuần trước, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Stephen Biegun đã đến NewDelhi với thông điệp lên án Trung Quốc « là mối hiểm nguy mà không ai dám nói ». Washington sẽ ủng hộ quyền lợi Ấn Độ trong khu vực, xây dựng một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do.

Hội họp Mỹ-Ấn tại New Delhi được tổ chức sau một cuộc họp khác tại Tokyo hồi đầu tháng 10 trong nhóm « Quad » còn gọi là Bộ tứ Kim cương gồm bốn nền dân chủ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương Mỹ-Nhật-Ấn-Úc, mà giới quan sát gọi là đối trọng quân sự trước tham vọng bành trướng thế lực của Trung Quốc.

Cũng theo AFP, trên đường về nước, ngoại trưởng Mỹ sẽ lần lượt đến Sri Lanka, Maldives và Indonesia để khuyến cáo các quốc đảo trong vùng cứng rắn với Trung Quốc.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201025-m%E1%BB%B9-%E1%BA%A5n-washington-th%C3%BAc-gi%E1%BB%A5c-new-delhi-li%C3%AAn-k%E1%BA%BFt-ch%E1%BB%91ng-b%E1%BA%AFc-kinh

Ấn Độ - Mỹ thắt chặt hợp tác quân sự

(Ảnh minh họa) – Một phi cơ của Không Quân Ấn Độ.
(Ảnh minh họa) – Một phi cơ của Không Quân Ấn Độ. AP
Thu Hằng
3 phút

Ấn Độ và Hoa Kỳ có các cuộc gặp song phương dồn dập trong tháng 10/2020, đặc biệt là đối thoại 2+2 lần thứ ba, giữa bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng hai nước, dự kiến diễn ra ngày 26 và 27/10. Chính quyền New Delhi sẵn sàng ký Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi Cơ bản (Basic Exchange and Cooperation Agreement, BECA) nhân dịp này.

Ngày 06/10, ngoại trưởng Ấn Độ và Mỹ tham gia hội nghị « Bộ Tứ » Quad tại Tokyo với trọng tâm là Trung Quốc. Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Stephen Biegun dự kiến đến New Delhi vào giữa tháng 10 để tăng cường các thỏa thuận hợp tác song phương. Và tại đối thoại 2+2 trong hai ngày 26-27/10, Ấn Độ và Hoa Kỳ sẽ ký thỏa thuận BECA liên quan đến hợp tác địa-không gian.

Theo trang Hindustan Times ngày 05/10, việc ký kết BECA là bước phát triển quan trọng, cho phép Ấn Độ sử dụng bản đồ không gian địa lý toàn cầu của Mỹ để đánh giá độ chính xác của các loại vũ khí tầm xa như tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. BECA là thỏa thuận cuối cùng trong số bốn thỏa thuận thiết lập liên lạc quân sự và cho phép Ấn Độ mua máy bay không người lái của Mỹ, như MQ-9B sử dụng dữ liệu không gian để tấn công mục tiêu của kẻ thù.

Đối thoại 2+2 Ấn-Mỹ diễn ra vào đúng lúc đảng Cộng Sản Trung Quốc tổ chức hội nghị với 370 thành viên Ban Chấp Hành Trung Ương và tổng bí thư kiêm chủ tịch Tập Cận Bình để xem xét những quyết định chính trị quan trọng, cũng như kế hoạch 5 năm sắp tới.

Ấn Độ khánh thành đường hầm giúp giảm thời gian điều quân lên Ladakh

Ấn Độ và Trung Quốc đang căng thẳng tại biên giới ở cao nguyên Ladakh, với nhiều cuộc ẩu đả chết người giữa quân đội hai bên. Ngày 03/10, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cùng nhiều quan chức chính phủ, đã khánh thành đường hầm Atal, dài 9,02 km, nằm trên độ cao hơn 3.000 mét ở bang Himachal Pradesh, giúp khẩn trương điều quân lên vùng biên giới đang có tranh chấp với Trung Quốc.

Theo AFP, đường hầm Atal, có tổng chi phí 400 triệu đô la, nằm trên một trong hai trục đường duy nhất dẫn đến vùng biên giới Ladakh và có vai trò quan trọng trong chương trình cơ sở hạ tầng chiến lược của Ấn Độ.

Trang Global Times, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc, không phủ nhận tầm quan trọng trong thời bình của đường hầm này đối với Ấn Độ, nhưng cảnh báo là công trình « sẽ không có lợi ích nào trong thời chiến, đặc biệt là nếu xảy ra xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc » vì quân đội Trung Quốc « có khả năng vô hiệu hóa đường hầm này ».

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20201005-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-m%E1%BB%B9-th%E1%BA%AFt-ch%E1%BA%B7t-h%E1%BB%A3p-t%C3%A1c-qu%C3%A2n-s%E1%BB%B1

Geen opmerkingen:

Een reactie posten