Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, chia buồn về vụ khủng bố tại Pháp
Đăng ngày:
Trái với lời lẽ đầy hận thù của cựu thủ tướng Malaysia, đại sứ Indonesia tại Paris ngay hôm 29/10/2020 đã gửi lời chia buồn đến các nạn nhân loạt khủng bố tại Pháp. Còn tại thủ đô Jakarta, tổ chức Hồi giáo lớn nhất trên toàn quốc kêu gọi giảm thiểu căng thẳng. Thủ đô Indonesia từng là mục tiêu tấn công của khủng bố Hồi giáo cực đoan trong những năm gần đây.
Thông tín viên đài RFI trong khu vực, Gabrielle Maréchaux cho biết :
« Nahdlatul Ulama là một cái tên xa lạ đối với công luận ở bên ngoài lãnh thổ Indonesia. Tuy nhiên đây là một tổ chức Hồi giáo với khoảng gần 100 triệu thành viên. Nổi tiếng là một tổ chức với những giáo huấn về cùng chung sống và suy ngẫm, điều đó đã được chứng minh trong những ngày qua. Tuy lãnh đạo của tổ chức Hồi giáo này có phát biểu rằng những bức tranh biếm họa nhạo báng Mohamed có thể mang tính xúc phạm đối với giáo lý Hồi giáo, nhưng điểm chính trong thông điệp của ông là kêu gọi các tín đồ « tránh để bị lôi cuốn vào những xúc cảm » và nên tránh theo gót « những người sử dụng đạo Hồi và tranh biếm họa nhà Tiên Tri như một vũ khí chính trị ».
Vị lãnh đạo tôn giáo này thừa nhận là tổng thống Pháp Emmanuel Macron không hẳn hoàn toàn sai khi khẳng định rằng thế giới Hồi giáo đang lâm vào khủng hoảng, nhưng đồng thời cả thế giới đang bị chia rẽ vì những lý tưởng khác nhau.
Vị giáo chức này kết luận để đấu tranh chống tình trạng đó, ông mong muốn có « cương lĩnh đối thoại trên cơ sở trung thực để xây dựng một đồng thuận về những giá trị văn minh chung ».
Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo trong chuyến công du Jakarta đã hoan nghênh đề xuất này, nhưng sau đó, ông kêu gọi Indonesia bày tỏ lập trường về số phận của những người Hồi giáo đang bị truy bức tại Trung Quốc và Miến Điện ».
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201030-indonesia-qu%E1%BB%91c-gia-h%E1%BB%93i-gi%C3%A1o-l%E1%BB%9Bn-nh%E1%BA%A5t-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-chia-bu%E1%BB%93n-v%E1%BB%81-v%E1%BB%A5-kh%E1%BB%A7ng-b%E1%BB%91-t%E1%BA%A1i-ph%C3%A1p
Khủng hoảng biếm họa Pháp – Thổ: Liên Hiệp Quốc kêu gọi « tôn trọng lẫn nhau »
Đăng ngày:
Vụ các biếm họa liên quan đến đạo Hồi, xuất bản tại Pháp, tiếp tục khiến cho quan hệ Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi. Hôm qua, 28/10/2020, Cao ủy Liên Hiệp Quốc phụ trách đối thoại giữa các nền văn hóa kêu gọi các bên « tôn trọng lẫn nhau », « tránh để bạo lực gây tổn hại cho các thường dân vô tội ».
Ông Miguel Angel Moratinos, đứng đầu Phủ Cao ủy Liên Hiệp Quốc phụ trách các hoạt động quốc tế chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, thông qua thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn hóa và các tôn giáo (UNAOC) ra thông báo, nhấn mạnh Liên Hiệp Quốc « theo dõi, với sự quan ngại sâu sắc, các căng thẳng gia tăng và các hành động bất khoan dung, bùng phát sau việc xuất bản các biếm họa liên quan đến nhà tiên tri Mohamet, mà các tín đồ Hồi giáo coi như là hành động báng bổ, gây xúc phạm sâu sắc ». Thông báo không trực tiếp nhắc đến phát biểu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bảo vệ quyền vẽ tranh biếm họa, với đối tượng là các biểu tượng tôn giáo, như nhà tiên tri đạo Hồi, được đưa ra hồi tuần trước, trong lễ tưởng niệm nhà giáo Samuel Paty, bị một kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan sát hại, sau khi giới thiệu với học sinh về biếm họa nhà tiên tri Mohamet.
Hôm qua, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ lên án một tranh biếm họa liên quan đến tổng thống Erdogan của tuần báo Pháp Charlie Hebdo, và tố cáo đó là kỳ thị văn hóa và gây thù hận, và coi đó là kết quả của chính sách chống đạo Hồi của tổng thống Emmanuel Macron. Ankara dọa sẽ có « hành động về tư pháp » cũng như « ngoại giao » để đáp trả. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đứng đầu trong việc lên án tranh biếm họa nhà tiên tri đạo Hồi. Từ một tuần nay, tại nhiều quốc gia Hồi giáo, nhiều lời kêu gọi biểu tình và tẩy chay hàng Pháp được tung ra.
Liên Âu đoàn kết với Pháp
Cũng ngày hôm qua, người phát ngôn của chính phủ Pháp, ông Gabriel Attal, nhấn mạnh nước Pháp « sẽ không bao giờ từ bỏ các nguyên tắc và giá trị của mình », bất chấp « các hành động gây bất ổn và đe dọa ». Người phát ngôn chính phủ Pháp khẳng định Liên Âu hết sức đoàn kết bảo vệ các giá trị chung. Quốc vụ khanh phụ trách các sự vụ châu Âu của Pháp, ông Clément Beaune, cho biết sẽ thúc đẩy để Liên Âu có « các biện pháp mạnh, bao gồm cả trừng phạt » đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Ngoại Giao Pháp cũng đã tố cáo việc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cố tình để cho truyền thông tại các quốc gia theo Hồi giáo, đứng đầu là Thổ Nhĩ Kỳ, đã bóp méo các thông điệp của tổng thống Pháp, cố tình loại bỏ sự khác biệt giữa « Hồi giáo cực đoan » và « đạo Hồi », khiến công chúng lầm tưởng là tổng thống Pháp chống lại đạo Hồi.
Tiếp theo các ủng hộ của giới lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, hôm qua, đến lượt Đan Mạch khẳng định đoàn kết với nước Pháp. Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod khẳng định trên kênh truyền hình TV2 : « Tự do ngôn luận là giá trị nền tảng của một nền dân chủ ».
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201029-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-bi%E1%BA%BFm-h%E1%BB%8Da-ph%C3%A1p-th%E1%BB%95-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-qu%E1%BB%91c-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-t%C3%B4n-tr%E1%BB%8Dng-l%E1%BA%ABn-nhau
Theo cựu thủ tướng Malaysia, người Hồi giáo ''có quyền trừng phạt người Pháp”
Đăng ngày:
Theo Reuters, hôm qua, 29/10/2020, ngay sau khi vụ khủng bố tại Nice, miền nam nước Pháp vừa xảy ra được ít giờ, cựu thủ tướng Malaysia, ông Mahathir Mohamad, đã đưa tuyên bố trên mạng xã hội, vì báng bổ người Hồi giáo, tôn giáo của họ, gây phẫn nộ, "người Hồi giáo có quyền trừng phạt người Pháp”
Cựu thủ tướng Malaysia, 95 tuổi, vừa rời khỏi quyền lực hồi đầu năm nay, hôm qua đã đưa lên twitter những dòng bình luận liên quan đến các vụ khủng bố Hồi giáo tại Pháp như sau: “Người Hồi giáo có quyền nổi giận và giết hàng triệu người Pháp vì những vụ thảm sát trong quá khứ. Nhưng nhìn chung, người Hồi giáo không áp dụng luật ăn miếng trả miếng, nên không làm việc đó”. Cựu lãnh đạo Malaysia giải thích thêm: “Vì các vị báng bổ người Hồi giáo, tôn giáo của họ, gây phẫn nộ, người Hồi giáo có quyền trừng phạt người Pháp”.
Dẫn ra vụ khủng bố chặt đầu giáo viên người Pháp Samuel Paty, hôm 16/10, vì giảng giải cho học sinh về bức biếm họa nhà tiên tri Mohamet, cựu thủ tướng Malaysia tỏ ý không đồng tình với hành động khủng bố đó, nhưng khẳng định tự do ngôn luận không có nghĩa là “lăng mạ người khác”.
Dưới sức ép của chính quyền Pháp, cuối cùng Twitter đã rút các bình luận trên của cựu thủ tướng Malaysia khỏi mạng xã hội này, vì lý do nội dung cổ vũ bạo lực.
Trong lễ tưởng niệm thầy giáo Sử - Địa Samuel Paty bị khủng bố Hồi Giáo cực đoan chặt đầu tại Conflans Saint Honorine (tỉnh Yvelines), tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, bảo vệ tự do ngôn luận, nước Pháp sẽ không từ bỏ quyền vẽ tranh biếm họa. Những phát biểu của lãnh đạo Pháp sau đó đã gây lên một làn sóng phản ứng dữ dội ở nhiều nước Hồi giáo, với các cuộc biểu tình và tẩy chay hàng hóa Pháp.
https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20201030-malaysia-phap-hoi-giao-cuc-doan
Geen opmerkingen:
Een reactie posten