woensdag 21 oktober 2020

Nhờ EVFTA, gạo Việt Nam sẽ “sạch” hơn

 

Nhờ EVFTA, gạo Việt Nam sẽ “sạch” hơn

Phần âm thanh 11:17
Một đồng lúa ở Châu Sơn, phía nam Hà Nội. Với việc thực hiện hiệp định EVFTA, nông dân Việt Nam sẽ buộc phải dần dần từ bỏ chất hóa học.
Một đồng lúa ở Châu Sơn, phía nam Hà Nội. Với việc thực hiện hiệp định EVFTA, nông dân Việt Nam sẽ buộc phải dần dần từ bỏ chất hóa học. Reuters
Thanh Phương
30 phút

Hiệp định thương mại tự do Liên Hiệp Châu Âu – Việt Nam EVFTA, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/08/2020, đang mở ra cho gạo Việt Nam một thị trường xuất khẩu mới, cụ thể là LHCA dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Như vậy là sắp tới đây, gạo Việt Nam sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trong các siêu thị ở châu Âu. 

Nhưng để có thể xuất khẩu sang châu Âu và từ đó đi sang các thị trường khác, gạo Việt Nam phải đáp ứng những tiêu chuẩn gắt gao về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là nông dân trồng lúa ở Việt Nam phải dần dần từ bỏ việc sử dụng các loại phân hóa học để chuyển sang sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, để cho gạo Việt Nam “sạch” hơn. Trong phần tạp chí hôm nay, RFI trao đổi về vấn đề này với giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ.

GS Võ Tòng Xuân

RFI: Kính thưa giáo sư Võ Tòng Xuân. Thưa ông, nhờ hiệp định EVFTA mà gạo của Việt Nam sẽ xuất khẩu nhiều hơn sang châu Âu, nhưng phía Liên Hiệp Châu Âu EU đặt ra những tiêu chuẩn gì cụ thể cho gạo nhập từ Việt Nam?

GS Võ Tòng Xuân: Việt Nam sẽ có một ưu đãi rất lớn của phía EU, tức là sẽ xuất khẩu nông sản sang châu Âu với thuế suất 0%, nhưng không phải vì thế mà chúng ta không có sự chuẩn bị cho kỹ càng. Họ biết là nông dân Việt Nam vốn thích năng suất cao, nên phải dùng rất nhiều hóa chất trong phân bón, cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Cũng vì thế mà nông sản Việt Nam không thể nào đạt được yêu cầu của EU. Họ rất gắt gao về mặt các hóa chất độc hại hoặc là các hóa chất không được phía EU chấp thuận. Đồng thời, phía EU cũng đòi hỏi là mọi sản phẩm từ Việt Nam phải có chứng chỉ xuất xứ từ Việt Nam, không thể nào có một sản phẩm xuất xứ không rõ ràng.

Vì lý do đó mà tôi đã làm việc với rất nhiều hợp tác xã và các doanh nghiệp có ý muốn tham gia xuất khẩu nông sản sang châu Âu. Tôi đã khuyến cáo bà con nông dân là chúng ta không thể nào sản xuất với năng suất quá cao như trước đây bằng cách bón phân hóa học.

RFI: Thưa giáo sư, như vậy cụ thể thì việc sử dụng quá nhiều phân hóa học có tác hại như thế nào đối với cây lúa và đất trồng lúa?

GS Võ Tòng Xuân: Nhất là khi bà con sử dụng phân urê thôi, một cách không cân đối với các loại dưỡng chất khác trong đất, thì sẽ làm cho đất càng ngày càng chay đi. Chỉ có urê mà thôi thì các chất khác ban đầu lấy ra từ trong đất nhưng từ từ sẽ không còn để mà lấy ra nữa, từ đó đất sẽ rất là nghèo nàn, về các dưỡng chất cho cây trồng, về các vi sinh vật giúp cho rễ cây có thể chống cự được các loại vi sinh vật phá hoại rễ, đồng thời đất cũng không còn những vi sinh vật có ích mà rễ hút lên thân cây để cây có thể chống cự các sâu, bệnh. Nông dân mình bây giờ đã hiểu điều đó, nhưng do họ không biết doanh nghiệp nào sẽ xuất khẩu sang bên châu Âu, nên vẫn sản xuất theo kiểu của họ, tức là sản xuất cho năng suất cao, bằng cách bón phân hóa học.

RFI: Như ông có nói ở trên thì cho tới nay nông dân Việt Nam ưa dùng phân hóa học để lúa có được năng suất cao, bây giờ muốn họ chuyển sang dùng phân hữu cơ, phân vi sinh, thì chắc là năng suất sẽ thấp hơn. Nhưng phải làm sao để bảo đảm cho họ là gạo “sạch” đó sẽ có nơi tiêu thụ ở châu Âu và họ sẽ có lợi khi từ bỏ phân hóa học?

GS Võ Tòng Xuân: Muốn làm được như thế thì phải có doanh nghiệp đứng ra hợp tác, ký hợp đồng với bà con nông dân, để bao tiêu các sản phẩm của bà con nông dân, để họ có thể, thứ nhất là có được xuất xứ, nơi trồng ra nguyên liệu để làm sản phẩm xuất sang châu Âu.

Ở đồng bằng sông Cửu Long cũng có nhiều nhà xuất khẩu như công ty Trung An ở Thốt Nốt hoặc công ty Cỏ May ở Cao Lãnh, Đồng Tháp, đã đi trước, hợp đồng với bà con nông dân, xuống tận vùng mà họ hợp đồng để phổ biến về quy trình sản xuất gạo sạch, có chất lượng và an toàn. Vì vậy mà từ ngày 1/8, công ty Trung An đã xuất khẩu và đạt được tiêu chuẩn khắt khe mà EU đòi hỏi. Tôi thấy rõ ràng là bà con nông dân bây giờ biết thị trường châu Âu là rất khó khăn và họ phải sản xuất như thế nào mà không có sử dụng các hoá chất mà bên người mua không muốn.

Hiện nay, phân hữu cơ và phân vi sinh đang được phổ biến ở Việt Nam. Những nông dân đi đầu, những hợp tác xã đi đầu, cùng với doanh nghiệp của họ, đã làm ra những hạt gạo rất là sạch, ngon, thơm. Tôi rất mừng là vừa qua công ty Trung An đã xuất khẩu được gạo rất là tốt. Tôi nghĩ là sắp tới đây các doanh nghiệp khác cũng sẽ bắt chước làm như Trung An. Nói cách khác, nông dân hiện nay đã thức tỉnh. Nhờ xuất khẩu sang châu Âu, được thị trường rất khó tính này chấp nhận, thì việc mở thị trường sang những nước khác cũng sẽ dễ dàng hơn nhiều. Đây là một lợi thế mà Việt Nam hiện nay đang cố gắng thực hiện.

Chính phủ Việt Nam, cụ thể là bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, đã đưa ra hướng đi mà tất cả nông dân đồng bằng sông Cửu Long cần phải theo : bớt lượng hóa chất đưa vào đồng ruộng của mình, đặc biệt là phân urê, tăng cường sử dụng các phân hữu cơ và phân vi sinh. Những nông dân đi đầu trong việc sử dụng các chế phẩm mới, thích hợp với thời đại ngày nay, cũng thấy rõ ràng là giảm lượng phân hóa học, thậm chí tới 70%, thì vẫn có một năng suất tương đối là có thể chấp nhận được, mà giá thành sản xuất lại thấp hơn, vì khi mà vùng rễ của cây lúa nhận đủ các vi sinh vật trong hợp chất vi sinh và phân hữu cơ, thì cây lúa sẽ mạnh hơn, hấp thụ lên thân cây lúa những loại vi sinh vật giúp cho cây lúa được miễn nhiễm với các loại sâu bệnh. 

Tôi chắc chắn là chỉ trong vòng một năm nữa thì hầu hết nông dân sẽ phải chuyển sang phương pháp sử dụng phân bón vi sinh, phân bón hữu cơ. Như vậy là nhờ có hiệp ước với EU mà nông dân và doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới tư duy, sửa lại cung cách sản xuất, theo một quy trình an toàn và chất lượng.

RFI: Thưa giáo sư, như vậy hiệp định EVFTA là cánh cửa mở ra cho gạo Việt Nam sang châu Âu, nhưng cũng sẽ giúp gạo Việt Nam, một khi được nâng cao chất lượng, đi sang các thị trường khác?

GS Võ Tòng Xuân: Thị trường châu Âu tuy là khó khăn như thế, nhưng dự kiến chỉ nhập 80.000 tấn gạo/năm mà thôi. Trong khi đó, các hệ thống siêu thị của Mỹ có thể tiêu thụ đến 550.000 tấn gạo thơm/năm. Hiện nay, giống gạo Việt Nam được quốc tế vinh danh là giống gạo ngon nhất, nhờ nó vừa thơm, vừa ngon, khi được trồng trong điều kiện vi sinh và hữu cơ, không sử dụng nhiều hóa chất, thì chất lượng rất là ngon, khác xa gạo sử dụng hóa chất. Tôi rất tin tưởng là sau khi đạt được chỉ tiêu với châu Âu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mở mạnh sang Mỹ cũng như sang Trung Đông và châu Phi, để làm cho ngành sản xuất và chế biến gạo của Việt Nam có thể tham gia cung cấp cho các nước trên thế giới gạo vừa ngon, vừa có giá thành thấp hơn gạo của Thái Lan.

Chúng ta làm được như thế là vì gạo ngon của Việt Nam khác với gạo ngon của Thái Lan ở chỗ Thái Lan chỉ trồng một vụ/năm, còn Việt Nam nếu cần có thể trồng 3 vụ/năm. Nhưng chúng tôi cũng khuyến cáo các doanh nghiệp và nông dân là chỉ nên trồng hai vụ, còn một vụ đất bỏ không thì chúng ta nuôi cá hoặc là nuôi tôm.

https://www.rfi.fr/vi/contenu/20200914-nh%E1%BB%9D-evfta-g%E1%BA%A1o-vi%E1%BB%87t-nam-s%E1%BA%BD-s%E1%BA%A1ch-h%C6%A1n

Geen opmerkingen:

Een reactie posten