woensdag 14 oktober 2020

Trung Quốc và Nga được bầu vào Hội Đồng... Nhân Quyền LHQ + Mỹ : “Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc một lần nữa lại bầu cho các quốc gia có hồ sơ nhân quyền thảm hại”,LHQ chọn kẻ đốt nhà đi chữa cháy" + Mỹ rút khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc

 

Trung Quốc và Nga được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ

Ảnh tư liệu: Một phiên họp Hội Đồng Nhân Quyền Liên HIệp Quốc, tại Genève, ngày 26/06/2019
Ảnh tư liệu: Một phiên họp Hội Đồng Nhân Quyền Liên HIệp Quốc, tại Genève, ngày 26/06/2019 AFP - FABRICE COFFRINI
Mai Vân
3 phút

Nga và Trung Quốc vào hôm qua 13/10/2020, đã được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bầu làm thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc với nhiệm kỳ ba năm. Điểm đáng nói là sự kiện  Ả Rập Xê -Út thất bại trong nỗ lực giành một ghế trong cơ chế này.

Trong cuộc bầu bổ sung 15 thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, một cơ chế bao gồm tổng cộng 47 thành viên, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc với 193 thành viên đã bầu chọn Nga, Trung Quốc, cùng với các nước như Côte d'Ivoire, Gabon, Malawi, Cuba, Bolivia, Uzbekistan, Pháp, Anh, và tái tín nhiệm 5 nước Senegal, Nepal, Pakistan, Ukraina và Mêhicô nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp.

Theo ghi nhận của hãng Reuters, sự kiện đáng chú ý nhất trong cuộc bầu vào hôm qua là Ả Rập Xê Út chỉ được được 90 phiều ủng hộ nên đã không được bầu làm thành viên Hội Đồng Nhân Quyền trong nhiệm kỳ mới.

Quốc gia Ả Rập này trong thời gian qua đã bị chỉ trích dữ dội về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi cũng như các vi phạm nhân quyền khác. Trong một tin nhắn Twitter, ông Bruno Stagno, phó giám đốc điều hành của tổ chức nhân quyền HRW, cho rằng “Hội Đồng Nhân Quyền đã gửi một lời phê phán ngoạn mục tới Ả Rập Xê-Út của thái tử  Mohammed bin Salman”.

Sự kiện đáng chú ý thứ hai là trong cuộc bỏ phiếu kín, dù được bầu, nhưng Trung Quốc chỉ giành được 139 phiếu, giảm đáng kể so với 180 phiếu mà Bắc Kinh thu được lần trước, vào năm 2016. Trên mạng Twitter, ông Louis Charbonneau, đại diện tổ chức HRW tại Liên Hiệp Quốc nhận định: “Điều đó cho thấy ngày càng nhiều quốc gia khó chịu trước tình trạng thảm hại của Trung Quốc về mặt tôn trọng các quyền tự do”.

Về việc các nước như Trung Quốc, Cuba, Nga được bầu, trong một thông cáo, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lấy làm tiếc rằng “Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc một lần nữa lại bầu cho các quốc gia có hồ sơ nhân quyền thảm hại”. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vào năm 2018.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201014-trung-qu%E1%BB%91c-nga-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-b%E1%BA%A7u-v%C3%A0o-h%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BB%93ng-nh%C3%A2n-quy%E1%BB%81n

Trung Quốc vào Hội Đồng Nhân Quyền: LHQ chọn kẻ đốt nhà đi chữa cháy

Người Tây Tạng lưu vong tại Ấn Độ biểu tình lên án Trung Quốc trấn áp cộng đồng các sắc tộc thiểu số, ngày 01/10/2020, tại Dharamsala, Ấn Độ.
Người Tây Tạng lưu vong tại Ấn Độ biểu tình lên án Trung Quốc trấn áp cộng đồng các sắc tộc thiểu số, ngày 01/10/2020, tại Dharamsala, Ấn Độ. AP - Ashwini Bhatia
Tú Anh
5 phút

Chuyện ngược đời trong quan hệ quốc tế. Dù  không có một chính sách nào nhân đạo với người dân trong nước, một số chế độ phản dân chủ lại được chiếc ghế thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Sự kiện Nga và nhất là Trung Quốc được tái đắc cử trong cuộc bầu phiếu hôm 13/10/2020 được hiểu như thế nào ?

Cho kẻ đốt nhà đi chữa cháy

« Bầu những chế độ độc tài này như là những thẩm phán của Liên Hiệp Quốc vì nhân quyền thì không khác gì cho một băng đảng đốt nhà gia nhập lực lượng cứu hỏa ». Trên đây là bình luận đầy phẫn nộ của Hillel Neuer, người điều hành hiệp hội UN Watch, một tổ chức phi chính phủ đặc trách theo dõi việc tôn trọng Hiến Chương Liên Hiệp Quốc về nhân quyền của các thành viên Liên Hiệp Quốc.

Đúng như tiên liệu và bất chấp các chiến dịch khuyến cáo, Nga, Cuba, Trung Quốc… được tái tín nhiệm thêm ba năm nữa. Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, được thành lập vào năm 2006, với 47 thành viên, nhiệm kỳ ba năm và bầu lại một phần ba mỗi ba năm, với sứ mệnh phát huy và bảo vệ nhân quyền, từ nay bị các chế độ độc tài bắt làm con tin.

Sự kiện Trung Quốc được bầu lại là bằng chứng cụ thể nhất : Đàn áp thẳng tay ở Tân Cương và Tây Tạng, chế độ Bắc Kinh vẫn được tái đắc cử thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cho dù mất nhiều phiếu.

Chính quyền Matxcơva hay La Habana không tốt đẹp gì, nhưng trong cuộc bỏ phiếu hôm qua, chia theo từng khu vực, Nga và Cuba không có đối thủ.

Trái lại, Trung Quốc nằm trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, với 4 ghế phải đua chen ráo riết. Thế nhưng, qua chiến thuật vận động sau hậu trường, theo hướng đôi bên cùng có lợi, theo báo Pháp Le Figaro, Trung Quốc đã tạo được một liên minh gồm các chế độ mà phúc lợi của người dân không phải là mục tiêu đi tới, và cô lập, loại trừ mọi đối thủ khác.

Chính sách cài người và cùng hội cùng thuyền

Từ năm 2014, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ thị cho các quan chức cao cấp tranh các chức vụ điều hành ở các tổ chức quốc tế để lèo lái theo chính sách của Trung Quốc. Thứ trưởng công an Mạnh Hoành Vĩ làm chủ tịch cảnh sát quốc tế Interpol ở  Lyon, rồi bị « mất tích » tại Bắc Kinh, có lẽ vì không tuân thủ lệnh này.

Nhờ có tay trong nên Trung Quốc mới đạt được yêu cầu trục xuất Đài Loan ra khỏi Tổ Chức Y Tế Thế Giới.

Đến tháng 04/2020, Trung Quốc thành công đưa người của họ (đại sứ Tương Đoan - Jiang Duan) vào ban chấp hành Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, chỉ có 5 người, đặc trách tuyển chọn nhân sự đi điều tra các vụ vi phạm nhân quyền đó đây trên thế giới.

Thấy được âm mưu làm thay đổi giá trị phổ quát của nhân quyền và phương châm hành động của định chế nhân quyền Liên Hiệp Quốc của Trung Quốc và Nga, chính quyền Washington rút lui và đang xây dựng một dự án mới, nhưng không được các tổ chức phi chính phủ ủng hộ vì nhãn quan của Mỹ đặt trên giá trị tôn giáo.

Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc phớt lờ nhưng Trung Quốc phải trả giá

UN Watch đã kêu gọi thẳng tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guteres và Cao ủy Nhân quyền Michèle Bachelet về trường hợp của Trung Quốc.

Khi được nhật báo Pháp La Croix đặt câu hỏi, bà Michèle Bachelet viện lý do là « trong Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc có nước dân chủ nhiều có nước không. Điều quan trọng là phải có tất cả cùng tham gia làm việc chung ».

Tuy nhiên, cho dù Trung Quốc có thủ đoạn đến đâu, thực tế đang làm cho chế độ Tập Cận Bình mất uy tín. Trong cuộc bầu cử ngày hôm qua, Trung Quốc được 139 phiều ủng hộ nhưng mất đến 41 phiếu so với lần bầu vào năm 2016. Ngay những nước có tiếng ít quan tâm đến nhân quyền như Pakistan và Ouzbekistan mà còn hơn Trung Quốc đến 30 phiếu.

Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông, Covid-19 là những thất bại lớn của Bắc Kinh.

Vào ngày 05/10/2020, một tuyên bố tố cáo Trung Quốc đàn áp nhân quyền ở Tân Cương do Đức đề xuất được 39 nước ủng hộ, thêm 16 nước so với sự kiện tương tự một năm trước. Theo nhận định của Louis Charbonneau, điều hành  tổ chức Human Rights Watch tại Liên Hiệp Quốc : Ngày càng có nhiều nước cảm thấy « bất an » trước tình trạng nhân quyền của Trung Quốc.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20201014-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-qu%E1%BB%91c-trung-qu%E1%BB%91c-k%E1%BA%BB-ch%C3%A0-%C4%91%E1%BA%A1p-nh%C3%A2n-quy%E1%BB%81n-ch%C4%83m-lo-cho-nh%C3%A2n-quy%E1%BB%81n

Mỹ rút khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley. REUTERS/Mike Segar
Thu Hằng
3 phút

Hoa Kỳ lại tỏ ra thiếu tin tưởng vào các tổ chức quốc tế khi đưa ra quyết định ngày 19/06/2018 rút khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc có trụ sở ở Geneve. Thông báo được ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và đại sứ Mỹ Nikki Haley tại Liên Hiệp Quốc đưa ra trong cuộc họp báo chung vì cho rằng định chế được thành lập từ năm 2006 đối xử « bất công » với Israel, đồng minh thân cận của Mỹ.

Thông tín viên RFI Marie Bourreau tường trình từ New York :

« Đạo đức giả, ích kỷ, gây rắc rối cho Hoa Kỳ, cả hai vị quan chức Mỹ không kiệm những lời lẽ khá nặng nề để đánh giá Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và biện minh cho việc Mỹ rút khỏi định chế này.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, từng gieo rắc mối đe dọa này từ một năm nay, phát biểu : « Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc. Tôi muốn nói rõ là quyết định này không có nghĩa là chúng tôi rút các cam kết ủng hộ quyền con người ».

Bà Nikki Haley thường lên tuyến đầu để tố giác sự thiên vị của hội đồng quốc tế này, vẫn bị cáo buộc thực hiện những chính sách bên trọng bên khinh. Bà nói tiếp : « Hội Đồng Nhân Quyền đã thông qua năm nghị quyết chống lại Israel. Còn nhiều hơn số lượng nghị quyết nhắm vào Bắc Triều Tiên, Iran và Syria ».

Thông báo của Mỹ được đưa ra chỉ một ngày sau những lời chỉ trích gay gắt của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và Cao ủy Nhân Quyền, phẫn nộ trước cách xử lý của chính quyền Mỹ đối với các gia đình nhập cư. Từ vài ngày qua, chính quyền Trump phải đối mặt với làn sóng giận dữ vì bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, khi chia rẽ trẻ em nhập cư khỏi gia đình ».

Israel ủng hộ, Liên Hiệp Quốc chỉ trích Mỹ rút lui

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hoan nghênh quyết định của Hoa Kỳ, trong khi Liên Hiệp Châu Âu đánh giá quyết định của Washinton « có nguy cơ phá vỡ vai trò hàng đầu về dân chủ của Mỹ ».

Cao ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, cho rằng « căn cứ vào tình hình nhân quyền hiện nay trên thế giới, lẽ ra Hoa Kỳ phải tăng cường nỗ lực chứ không rút lui như vậy ». Tương tự, theo Reuters, 12 tổ chức bảo vệ nhân quyền đã viết thư cảnh báo gửi tới ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, cho rằng quyết định của Mỹ « sẽ gây khó khăn cho quá trình thúc đẩy quyền của con người và giúp đỡ các nạn nhân bị lạm dụng trên khắp thế giới ».

https://www.rfi.fr/vi/quoc-te/20180620-hoa-ky-rut-khoi-hoi-dong-nhan-quyen-lien-hiep-quoc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten