dinsdag 27 oktober 2020

Quốc Hội Thái Lan họp bất thường do các cuộc biểu tình đòi dân chủ + Thủ tướng không từ chức, biểu tình tiếp diễn + Mạng xã hội đóng vai trò quan trọng

 

Quốc Hội Thái Lan họp bất thường do các cuộc biểu tình đòi dân chủ

Quốc Hội Thái Lan họp phiên bất thường do làn sóng biểu tình chống chính phủ, Bangkok, ngày 26/10/2020.
Quốc Hội Thái Lan họp phiên bất thường do làn sóng biểu tình chống chính phủ, Bangkok, ngày 26/10/2020. AFP
Thanh Phương
3 phút

Hôm nay, 26/10/2020, Quốc Hội Thái Lan mở phiên họp bất thường do các cuộc biểu tình đòi dân chủ, vào lúc mà những người phản kháng dự trù tập hợp trước đại sứ quán Đức, như là một cử chỉ mới để thách thức quốc vương Maha Vajiralongkorn, vị vua thường xuyên lưu trú Đức.

Theo một thông cáo của Quốc Hội, phiên họp kéo dài hai ngày nhằm thảo luận về một số cuộc tập hợp bị xem là « bất hợp pháp », nhưng không bàn về các yêu sách của những người biểu tình. Theo giới quan sát, điều này sẽ khiến cho căng thẳng gia tăng. Họ cho rằng, chính quyền Bangkok chỉ đang tìm cách tranh thủ thời gian, vào lúc các cuộc biểu tình tiếp diễn, như tường trình của thông tín viên Carol Isoux từ Bangkok :

Hàng ngàn người biểu tình lại tập hợp ở trung tâm thủ đô Bangkok tại khu vực các cửa hàng lớn, sau khi hết hạn tối hậu thư đòi thủ tướng Prayuth Chan-O-Cha phải từ chức. Phong trào biểu tình dường như không giảm cường độ, những nhà hoạt động lớn tuổi hơn nay sát cánh với các sinh viên. Trước thái độ của chính quyền dứt khoát không chấp nhận bất kỳ thỏa hiệp nào, họ thề là sẽ đấu tranh cứng rắn hơn. 

Một người biểu tình nói : Nếu họ vẫn phớt lờ chúng tôi, thì chúng tôi sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo của các cuộc biểu tình, để xem họ có vẫn từ chối lắng nghe hay không. Thủ tướng cuối cùng rồi cũng phải hiểu rằng chính ông phải từ chức và phải rời khỏi nước. 

Mặc dù đa số các lãnh đạo đã bị bắt giam, phong trào vẫn tự tổ chức. « Mọi người đều là lãnh đạo », đó là một trong những khẩu hiệu của các cuộc tập hợp mà trong đó bất cứ ai muốn đều có thể cầm lấy loa phóng thanh để phát biểu.

Cho tới nay quốc vương Thái vẫn chưa có phản ứng chính thức nào về các yêu sách cải tổ nền quân chủ, nhưng ông đã công khai cám ơn một nhà hoạt động theo phe Hoàng gia chống lại các sinh viên biểu tình. Những người biểu tình dự trù vào cuối ngày sẽ tập hợp trước đại sứ quán của Đức, quốc gia mà quốc vương lưu trú thường xuyên nhất. Quốc Hội mở phiên họp bất thường sáng nay để thảo luận về các phương cách đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20201026-qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%99i-th%C3%A1i-lan-h%E1%BB%8Dp-b%E1%BA%A5t-th%C6%B0%E1%BB%9Dng-do-c%C3%A1c-cu%E1%BB%99c-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-%C4%91%C3%B2i-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7

Thái Lan : Thủ tướng không từ chức, biểu tình tiếp diễn

Biểu tình phản kháng chính phủ tại Bangkok ngày 25/10/2020.
Biểu tình phản kháng chính phủ tại Bangkok ngày 25/10/2020. REUTERS - SOE ZEYA TUN
Tú Anh
3 phút

Phong trào dân chủ tại Thái Lan kêu gọi tiếp tục phản kháng. Nhiều cuộc biểu tình diễn ra tại thủ đô Bangkok trong ngày Chủ nhật sau khi thủ tướng Chan-O-Cha tuyên bố không từ chức, bất chấp « tối hâu thư » của thanh niên sinh viên Thái. Tại Lào, cộng đồng mạng cũng bắt đầu kêu gọi tự do ngôn luận.

Phong trào đòi cải cách chính trị tại Thái Lan  kêu gọi  biểu tình tại Bangkok vào trưa Chủ nhật 25/10/2020.

Hôm sau, thứ Hai sẽ có một cuộc tuần hành đến sứ quán Đức, một động thái thách thức vua Maha Vajiralongkorn. Đức là nơi quốc vương Thái Lan thường xuyên lưu ngụ nhiều hơn là quan tâm đến việc nước.

Chiều thứ Bảy, thủ tướng Chan-O-Cha khẳng định ông « không từ chức » sau khi phong trào dân chủ kỳ hạn cho ông ba ngày để ra đi.

Theo AFP từ Bangkok, một trong số một chục thủ lãnh phong trào vừa được thả, Jatupat, bí danh là « Pai Dao Din » ngay lập tức kêu gọi tiếp tục biểu tình. Quốc vương Thái Lan chưa bình luận gì về tình hình hiện nay nhưng trong một hành động hiếm hoi ông khen ngợi một người bảo hoàng cầm chân dung cúa phụ vương đối mặt với đoàn biểu tình  « hành động can đảm ».

Trong khi đó, chính phủ Chan-O-Cha dường như không có một phương án hợp lý. Pháp ngôn viên  chính phủ một mặt tuyên bố « thông hiểu nguyện vọng » của giới trẻ, một mặt kêu gọi « tìm giải pháp qua Nghị Viện ». Quốc Hội Thái được triệu tập khóa họp bất thường kể từ thứ Hai.

AFP cho rằng  vì các thượng nghị sĩ do chính phủ bổ nhiệm, trong đó nhiều người là quân nhân cho nên khó có thể họ từ bỏ đặc quyền.

Liên minh Trà Sữa lan đến Lào ?

Được gợi ý từ phong trào tranh đấu ở Hồng Kông, Thái Lan qua liên minh Trà- Sữa Milk-Tea-Alliance, cộng đồng mạng ở Lào tung từ khóa #IfPoliticsWereGood trên Twitter đòi cải cách dân chủ.

Theo Asia News hôm 24/10/2020, hàng trăm ngàn tin nhắn tràn ngập các mạng xã hội tại Lào trong những ngày qua chỉ trich chế độ Cộng sản Lào. Họ kêu gọi tự do ngôn luận, thay đổi chính trị, tố cáo  chống chính quyền tham nhũng và tình trạng nghèo khó.

Chính quyền Lào bị công kích « sử dụng không đúng tiền thuế của dân ». Cụ thể là trường học thiếu ngân sách với hệ quả nhiều học sinh phải bỏ học trong khi con cái lãnh đạo được đưa sang nước ngoài du học. Cộng đồng mạng ở Lào cũng tố cáo chính sách kinh tế ưu đãi thành phần đặc quyền đặc lợi và làm hại môi trường.

Liên minh Trà Sữa hình thành từ tháng Tư năm nay lan dần ra các nước Châu Á với các thành viên từ Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, theo Le Monde.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20201025-th%C3%A1i-lan-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-kh%C3%B4ng-t%E1%BB%AB-ch%E1%BB%A9c-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-ti%E1%BA%BFp-di%E1%BB%85n

Biểu tình ở Thái Lan : Mạng xã hội đóng vai trò quan trọng

Biểu tình phản đối chính phủ ở Bangkok, Thái Lan, ngày 18/10/2020.
Biểu tình phản đối chính phủ ở Bangkok, Thái Lan, ngày 18/10/2020. REUTERS - ATHIT PERAWONGMETHA
Thanh Phương
5 phút

Từ nhiều ngày qua, ngày càng có nhiều người dân Thái, nhất là sinh viên, xuống đường để đòi chính phủ của thủ tướng Prayuth Chan-O-Cha từ chức, đòi sửa đổi Hiến Pháp và đòi cải tổ Hoàng gia. Phong trào biểu tình tiếp diễn tại Thái Lan hôm nay, khiến thủ tướng phải triệu tập một phiên họp bất thường của Quốc Hội.

Trước làn sóng phản kháng đó, thứ Năm tuần trước, chính phủ Thái Lan đã ban hành tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp này, những ai đăng các bức ảnh selfie (tự chụp) về biểu tình sẽ bị phạt 2 năm tù. Biện pháp này cho thấy chính phủ Bangkok lo ngại tác động của Internet và các mạng xã hội đối với phong trào đấu tranh dân chủ ở Thái Lan. Vấn đề đặt ra là mạng xã hội có đủ để giúp cho phong trào đạt được thắng lợi chính trị hay không ?

Thực tế đúng là phong trào biểu tình hiện nay ở Thái Lan đã xuất phát từ mạng thông tin toàn cầu, mà tiêu biểu là nhóm Facebook « Royalist Marketplace », do Pavin Chachavalpongpun, một giáo sư chính trị học Thái Lan sống ở Nhật, lập ra từ tháng 4/2020. Đây là một kênh trào phúng, trên đó giáo sư Pavin và những người trong nhóm này chuyên đăng những quảng cáo giả có liên quan đến hoàng gia Thái. Nhưng « Royalist Marketplace » còn là một diễn đàn chính trị nghiêm chỉnh và chỉ trong vài tuần đã thu hút được hơn 1 triệu thành viên, trở thành một trong 20 nhóm Facebook có đông thành viên nhất thế giới.

Từ trên mạng, nhóm này coi như cũng đã xuống đường, vì trong  các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra từ mùa hè, tại một số nơi người ta thấy logo của « Royalist Marketplace » xuất hiện giữa những người biểu tình.

Bản thân các tập đoàn mạng xã hội coi như cũng bị lôi kéo vào phong trào phản kháng ở Thái Lan. Vào cuối tháng 8 vừa qua, theo lệnh của chính phủ Thái Lan, Facebook đã buộc phải đóng trang « Royalist Marketplace ». Nhưng do bị quốc tế phản đối, sau đó Facebook thông báo sẽ kháng cáo quyết định này của chính phủ Thái. Dầu sao thì giáo sư Pavin cũng đã lập một trang Facebook khác với tên tương tự và chỉ sau 4 tuần cũng đã thu nhận được hơn 1 triệu thành viên. Về phần mình, Twitter vào đầu tháng 10 cũng đã đóng gần 1.000 tài khoản được cho là của quân đội Thái, chuyên tuyên truyền cho chính quyền và phao tin giả.

Vào tháng 5, chính phủ Bangkok đã chặn trang web change.org sau khi trang này đăng một kiến nghị đòi tuyên bố Quốc vương Thái Lan Rama X là « persona non grata » ở Đức. Trong những năm gần đây, quốc vương Thái chủ yếu ở tại Đức, khiến ông bị chỉ trích là chỉ thích sống xa hoa ở nước ngoài chứ không màn gì đến số phận của người dân Thái đang gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế.

Tuy có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào biểu tình đòi chính phủ từ chức và đòi cải tổ chế độ quân chủ, nhưng thật sự mạng xã hội có thể chuyển hóa phong trào thành một thắng lợi chính trị hay không ? Về điểm này, các nhà phân tích, do đài phát thanh Đức Deutsche Welle (DW) hôm qua trích dẫn, tỏ vẻ hoài nghi. Họ so sánh phong trào hiện nay ở Thái Lan với phong trào « Mùa Xuân Ả Rập ». Vào lúc đó, ban đầu ai cũng tin tưởng vào thành công của làn sóng dân chủ hóa dưới tác động của các mạng xã hội. Nhưng rốt cuộc, toàn bộ các nước có liên quan lại quay trở lại sống dưới các chế độ chuyên chế hoặc rơi vào nội chiến triền miên.

Như nhận định của giáo sư Martin Emmer (Đại học Tự do Berlin), các cuộc cách mạng hay những thay đổi sâu rộng xã hội đòi hỏi những yếu tố tiền đề về chính trị và xã hội, chứ không chỉ nhờ tác động của các mạng xã hội.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20201019-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-%E1%BB%9F-th%C3%A1i-lan-m%E1%BA%A1ng-x%C3%A3-h%E1%BB%99i-%C4%91%C3%B3ng-vai-tr%C3%B2-quan-tr%E1%BB%8Dng

Geen opmerkingen:

Een reactie posten