dinsdag 27 oktober 2020

Covid-19 : Pháp vượt ngưỡng 50.000 ca nhiễm mới trong một ngày + Một phần châu Âu tái phong tỏa chống Covid-19

 

Covid-19 : Pháp vượt ngưỡng 50.000 ca nhiễm mới trong một ngày

Ảnh minh họa : Quang cảnh vắng vẻ khu Montmartre, Paris, Pháp, với lệnh giới nghiêm để giới hạn đà lây lan của Covid-19. Ảnh 22/10/2020.
Ảnh minh họa : Quang cảnh vắng vẻ khu Montmartre, Paris, Pháp, với lệnh giới nghiêm để giới hạn đà lây lan của Covid-19. Ảnh 22/10/2020. REUTERS - CHARLES PLATIAU
Thanh Hà
3 phút

Tình hình dịch Covid-19 tại Pháp càng lúc càng nghiêm trọng : trong 24 giờ qua trên toàn quốc có thêm hơn 52.000 bệnh nhân. Theo các thống kê chính thức được công bố ngày 25/10/2020, đại dịch cướp đi mạng sống của 116 bệnh nhân trong một ngày, nâng tổng số thiệt hại nhân mạng lên hơn 34.700.

Đáng lo ngại hơn nữa là cứ trên 100 người được xét nghiệm thì có 17 trường hợp dương tính với virus corona. Tỷ lệ lây nhiễm như vậy cao gấp 4 lần so với hồi đầu tháng 9/2020. Tại Paris và vùng phụ cận, 67 % giường tại các khoa hồi sức ở bệnh viện đang được dành để điều trị bệnh nhân Covid-19.

Chủ tịch Hội Đồng Khoa Học Pháp, giáo sư y khoa Jean François Delfraissy nhấn mạnh, « tình hình đột ngột xấu đi trong 10 ngày trở lại đây ». Vào lúc thống kê chính thức đưa ra con số trên 52.000 ca nhiễm mới trong một ngày, giáo sư Delfrayssy cho rằng « con số thực sự có thể dao động ở mức 100.000 trường hợp mỗi ngày ». Trong trường hợp đó, để đảo ngược tình thế, Pháp chỉ có hai sự lựa chọn : « mở rộng thêm các biện pháp giới nghiêm trên bình diện quốc gia đồng thời kéo dài thời gian giới nghiêm » thay vì như quy định từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng  ngày hôm sau. Sau từ 10 đến 15 ngày nếu tình hình không khả quan hơn, chính phủ cần hướng tới giải pháp ban hành tình trạng phong tỏa trên toàn quốc ở mức độ nhẹ hơn so với hồi tháng 3 và tháng 4/2020.

Pháp chỉ là một trong số các nước châu Âu bị làn sóng dịch Covid-19 thứ nhì thách thức. Ý, Đức hay Tây Ban Nha cũng đi từ kỷ lục này đến kỷ lục khác. Tại Madrid thủ tướng Pedro Sanchez thông báo triển hạn tình trạng khẩn cấp y tế cho đến đầu tháng 5/202, lệnh giới nghiêm có hiệu lực trên toàn Tây Ban Nha. Tại Ý, có ít nhất ba vùng chung quanh các thành phố lớn như Roma, Milano và Napoli áp dụng lệnh giới nghiêm. Biện pháp này sẽ được mở rộng đến hai vùng khác là Piemonte ở miền bắc và đảo Sicilia ở miền nam. Còn tại Berlin, chiều qua chính phủ Đức đã phải huy động hàng trăm cảnh sát để dẹp một cuộc biểu tình chống các biện pháp ngăn chận đà lây lan của dịch Covid-19.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20201026-covid-19-ph%C3%A1p-v%C6%B0%E1%BB%A3t-ng%C6%B0%E1%BB%A1ng-50-000-ca-nhi%E1%BB%85m-m%E1%BB%9Bi-trong-m%E1%BB%99t-ng%C3%A0y

Một phần châu Âu tái phong tỏa chống Covid-19

Ảnh chụp một quán cà phê ở Bruxelles ngày 08/10/2020, sau quyết định của chính phủ Bỉ đóng toàn bộ các quán cà phê và quán bar ở thủ đô trong một tháng để kềm chế dịch Covid-19.
Ảnh chụp một quán cà phê ở Bruxelles ngày 08/10/2020, sau quyết định của chính phủ Bỉ đóng toàn bộ các quán cà phê và quán bar ở thủ đô trong một tháng để kềm chế dịch Covid-19. REUTERS - YVES HERMAN
Thu Hằng
3 phút

Virus corona đã khiến hơn 1,12 triệu người chết và gần 41 triệu ca nhiễm trên toàn thế giới. Hoa Kỳ vẫn là nước có số người chết vì Covid-19 cao nhất, gần 222.000 người, theo thống kê của AFP ngày 22/10/2020. Trước làn sóng dịch thứ hai, nhiều nước châu Âu phải áp dụng biện pháp tái phong tỏa bán phần để đối phó.

Mọi chỉ số trong vòng 24 giờ qua đều ở mức báo động tại nhiều nước châu Âu. Tây Ban Nha trở thành nước châu Âu đầu tiên có hơn 1 triệu ca nhiễm.

Pháp có thêm gần 27.000 ca nhiễm mới, 284 ca nhập viện trong vòng 24 giờ, theo các số liệu được công bố hôm qua. Hiện cả nước Pháp có 2.239 bệnh nhân điều trị tích cực hoặc trong phòng hồi sức, trong đó chỉ riêng vùng Ile-de-France đã chiếm đến 30% số ca. Trong buổi họp báo chiều 22/10, đích thân thủ tướng Pháp thông báo một số tỉnh mới thuộc diện “báo động tối đa”. Điều này có nghĩa nhiều biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, như giới nghiêm, sẽ được triển khai ở những tỉnh này.

Tình hình tại Đức cũng “rất nghiêm trọng” và “virus có thể lây lan không kiểm soát được”, theo cảnh báo ngày 22/10 của Viện theo dõi dịch tễ Robert Koch, do lần đầu tiên số ca lây nhiễm hàng ngày tại Đức lên đến mức kỷ lục, thêm 11.287 ca trong vòng 24 giờ. Chính quyền Berlin đã siết chặt các biện pháp phòng dịch : bắt buộc đeo khẩu trang ở một số khu phố sầm uất ở Berlin, cấm tụ tập, hạn chế tối đa tiếp xúc xã hội, một xã vùng núi Alpes gần như bị phong tỏa hoàn toàn. 

Cộng Hòa Séc áp dụng phong tỏa bán phần. Người dân bị hạn chế đi lại, cửa hàng và dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa từ ngày 22/10 cho đến 03/11. Tương tự, Tây Ban Nha thêm vào danh sách phong tỏa bán phần thành phố Saragosse và vùng La Rioja. Như vậy hiện có tổng cộng 11 địa phương bị phong tỏa bán phần, tính từ đầu tháng 10.

Ailen là nước đầu tiên ở châu Âu quyết định áp dụng phong tỏa gần như hoàn toàn trong vòng 6 tuần kể từ đêm 21/10. Người dân chỉ được ra khỏi nhà tập thể thao trong phạm vi 5 km. Các cửa hiệu không thiết yếu phải đóng cửa, nhưng trường học vẫn hoạt động.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201022-m%E1%BB%99t-ph%E1%BA%A7n-ch%C3%A2u-%C3%A2u-t%C3%A1i-phong-t%E1%BB%8Fa-ch%E1%BB%91ng-covid-19

Geen opmerkingen:

Een reactie posten