Du lịch Việt Nam : Chuyển đổi để thích nghi và tiếp tục tồn tại sau Covid-19
Đăng ngày:
Thị trường nội địa là chiếc phao cứu sinh của ngành du lịch các nước trong mùa dịch Covid-19. Việt Nam phát động chương trình « Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam ». Chỉ có gần 3,8 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020, giảm gần 67% so với cùng kỳ năm trước.
Dịch Covid-19 tác động đến ngành du lịch Việt Nam như nào, từ tháng 03 đến tháng 08/2020 ? Các công ty lữ hành đã chuyển đổi hoạt động ra sao để thích nghi ? Ngành du lịch cần cơ cấu như nào trong tương lai ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với ông Nguyễn Ngọc Toản, giám đốc công ty Images Travel, chuyên về « Điểm đến Đông Dương và Việt Nam », tại thành phố Hồ Chí Minh.
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/08, Việt Nam đón khoảng 163.000 du khách nước ngoài trong tháng Tám, tăng gần 17% so với tháng Bẩy, nhưng giảm 99% so với cùng kỳ năm 2019 do các chuyến bay quốc tế (trừ các chuyến bay nhân đạo) vẫn bị ngừng hoạt động từ ngày 25/03. Chỉ một số tuyến bay đến Nhật Bản và Hàn Quốc có thể được mở trở lại vào tháng Chín.
*****
RFI : Vào tháng 03/2020, ông đã trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt về khó khăn của các công ty lữ hành trong đợt dịch Covid-19. Du lịch Việt Nam hoạt động như thế nào từ thời điểm đó đến nay và có bị tác động mạnh sau đợt dịch bùng lên ở Đà Nẵng không ?
Nguyễn Ngọc Toản : Từ tháng Ba, khi mà đất nước hoàn toàn đóng cửa để chống dịch, các doanh nghiệp du lịch nhỏ gặp khó khăn, nhiều công ty đóng cửa, các công ty còn lại chuyển sang chế độ « ngủ hè, ngủ đông » để duy trì một lượng nhân viên để giữ công ty, giữ các hoạt động. Các công ty « inbound » (chuyên khách nước ngoài) chờ tầm 2-3 tháng. Tới tầm tháng Năm, tháng Sáu thì cảm thấy không ổn, hàng loạt công ty « inbound » đóng cửa. Còn các công ty chuyên khách nội địa, người ta chờ được vì tới thời điểm đó là bắt đầu chuyển qua làm nội địa. Tầm tháng Sáu, có một số công ty chuyên du khách nước ngoài chuyển sang làm nội địa. Ví dụ công ty Images Travel cũng chuyển qua làm nội địa.
Năm 2020, các em học sinh học tới giữa tháng Sáu, nên mùa du lịch nội địa cũng bắt đầu từ giữa tháng Sáu, chứ mọi năm là từ đầu tháng Sáu, cuối tháng Năm, có nghĩa là năm 2020 này bắt đầu trễ hơn. Du lịch trong nước chạy rất là mạnh. Từ khoảng 20 đến 25/06, được một tuần, du lịch nội địa phục hồi rất tốt. Đến cuối tháng Bẩy, dịch quay lại, đầu tháng Tám thì toàn bộ lại đóng cửa. Những công ty cố gắng để thay đổi sang làm, hoặc là các công ty làm nội địa, vừa mới chờ đợi để hoạt động thì lại bị đợt dịch này, coi như thất vọng lần hai. Thực sự là những cố gắng cuối cùng đó, coi như là thất bại.
RFI : Như ông nói là du lịch trong nước hoạt động rất sôi nổi từ cuối tháng Sáu và tháng Bẩy. Các công ty lữ hành và chính quyền địa phương có chiến lược như nào để thu hút du khách ? Các công ty chuyên về khách nước ngoài phải chuyển hướng như nào để thích hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách Việt ?
Nguyễn Ngọc Toản : Về câu hỏi thứ nhất, nhiều người Việt Nam đến mùa đó thì đi du lịch. Bây giờ, nhu cầu đi du lịch trở thành rất bình thường trong cuộc sống, có nghĩa là cứ hè là phải đi du lịch, có nhiều gia đình một năm phải đi hai hoặc ba lần. Người Việt đương nhiên không đi dài như người châu Âu, họ đi ngắn hơn nhưng thành một nhu cầu không thể bỏ qua.
Các công ty chuyên về khách nước ngoài chuyển sang làm nội địa cũng có rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, các dịch vụ không dùng giống nhau, không chung nhau. Tiếp theo, làm chương trình cũng phải làm khác đi, không giống như làm cho người châu Âu được. Người châu Âu không biết nhiều về Việt Nam, họ sẽ đi những điểm tham quan cơ bản, nếu thích nữa, họ sẽ đi vào xem cuộc sống của người dân Việt. Trong khi đó, người Việt biết rồi nên thiên về giải trí hơn. Có nghĩa là tour dành cho người Việt, cũng có tham quan nếu vùng đó khác với vùng họ sống, nhưng phải có thêm hoạt động giải trí và chụp hình. Những điểm nhỏ nhỏ đó tạo nên sự khác biệt cho khách Việt Nam.
Như vậy, các công ty « inbound » hầu như phải làm lại các bộ chương trình, tất nhiên vẫn lấy được một số điểm hay từ các chương trình dành cho khách châu Âu để chuyển sang cho khách Việt Nam. Nhưng nói chung, phải đầu tư lại từ đầu để làm lại bộ sản phẩm và cũng phải đầu tư thời gian để chọn lại dịch vụ phù hợp với nhu cầu của khách Việt hơn. Tất nhiên là cũng sẽ cố gắng thuyết phục khách Việt dùng một số dịch vụ hay mà khách châu Âu hay dùng, giá cả cũng không chênh lệch nhiều.
Ở Việt Nam, người ta hay mua tour lớn, đi một đoàn 40 khách. Khi chuyển qua làm du lịch nội địa, công ty cũng thuyết phục khách, nếu chi tiêu khá hơn một chút, thì có thể làm tour du lịch riêng cho gia đình, 5, 7, 8 người để có thể tận hưởng sự yên tĩnh hoặc cách du lịch có nhiều ý nghĩa hơn là đi với đoàn lớn. Nói chung là khó và phải thay đổi nhưng mà các công ty « inbound » năng động vẫn có thể làm được.
RFI : Cụ thể, công ty chuyên về khách nước ngoài, như Images Travel, đã phải quảng bá và thuyết phục khách trong nước như nào ?
Nguyễn Ngọc Toản : Bên chúng tôi, khi chuyển qua làm về khách Việt, thứ nhất đã làm lại trang web, cũng thuộc công ty Images Travel, rồi viết toàn bộ nội dung phù hợp với người Việt và các bài viết về du lịch phù hợp cho khách Việt Nam.
Về chương trình tour, công ty chọn ra một số chương trình thử nghiệm để tập trung giới thiệu phong cách du lịch của công ty Images Travel tạo ra. Ví dụ tour khám phá Tây Bắc, theo phong cách cũng pha cách khám phá cuộc sống của người châu Âu vào. Chương trình này dành cho khác miền Nam. Người miền Nam đi Bắc thì coi như hoàn toàn là lạ, ngoài cảnh đẹp còn khám phá cuộc sống. Lúc đó công ty cố gắng thuyết phục khách đi những vùng như vậy, chứ không chỉ đơn thuần là đi thăm cảnh đẹp, chụp hình rồi đi về.
Ngược lại, tour miền Nam, công ty làm tour đi xuyên xuống vùng sâu của miền Tây, đến Cà Mau. Thay vì đi bằng xe, công ty chọn đi bằng tắc ráng (một loại ghe nhỏ) ở một số đoạn sông đẹp đi xuyên qua các làng nổi. Kiểu du lịch này, trong các tour dành cho khách Việt, lâu nay vẫn ít được đề xuất, nên công ty thuyết phục khách nên đi để trải nghiệm được cảm giác của dân địa phương khi đi tầu trên sông, vào những rừng ngập mặn, vào những khu vực hoang sơ. Cuối cùng thì cũng thuyết phục được. Nhưng đầu tiên, khi công ty giới thiệu với khách, người ta cũng nói : « Tour gì mà nghe thấy khó đi quá vậy ! Chắc cũng ít người đi lắm hả con ! ». Các bạn nhân viên cũng giải thích : « Tụi con muốn hướng đến một kiểu du lịch có ý nghĩa nhiều, tham quan thực sự và có nhiều trải nghiệm ». Rồi họ cũng chịu, cũng thích.
Trong công ty cũng có một số bạn hướng dẫn có quen với khách Việt Nam trước đây. Qua quá trình hướng dẫn khách Âu, họ có thêm rất nhiều kiến thức sâu, nhưng cách quản lý đoàn, cách nói chuyện giao tiếp với người Việt Nam, thì họ vẫn giữ. Khi công ty chọn đảm bảo chất lượng, thì chọn những hướng dẫn viên đó, có kinh nghiệm hướng dẫn khách Việt Nam.
RFI : Với thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra, ngành du lịch có được chính phủ hỗ trợ không ? Hướng dẫn viên du lịch mất việc làm có được trợ cấp không ?
Nguyễn Ngọc Toản : Nói chung là không có hỗ trợ gì cả, ngoài về thuế, hỗ trợ chung cho nhiều ngành chứ không chỉ riêng về du lịch, là cho đóng thuế chậm. Có nghìa là thuế năm 2020, mình làm đơn xin qua năm 2021 mới đóng, ngoài ra không có hỗ trợ gì.
Về người lao động, nói chung trong giới hướng dẫn viên, trên giấy tờ thì nghe nói là có, nhưng đòi hỏi nhiều yếu tố lắm. Ví dụ như ở thành phố Hồ Chí Minh, phó giám đốc sở Du Lịch có nói là cả thành phố chỉ có chưa tới 10 hướng dẫn viên được nhận hỗ trợ đó, còn công ty du lịch thì hoàn toàn không.
RFI : Sau đợt dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam nên được cải thiện như thế nào ?
Nguyễn Ngọc Toản : Thực ra nói ngành du lịch thì cũng lớn lắm, khó nói chính xác. Nếu nói riêng, thì tách riêng ngành lữ hành, rồi ngành khách sạn, đương nhiên ngành khách sạn và ngành nhà hàng liên quan đến du lịch phải chờ đợi vào lữ hành mang khách về.
Nói cải tổ thì khó lắm vì thực ra ngành lữ hành hoạt động dựa trên cơ sở hạ tầng tốt. Khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam, yếu tố quan trọng nhất là cơ sở hạ tầng tốt thì họ tới, ngoài thiên nhiên ra. Nếu mà nói làm gì để vực dậy kinh tế du lịch, bản thân ngành du lịch cũng không làm được gì nhiều lắm. Có thể, ví dụ công tác quảng bá, hoặc làm phim, làm hình ảnh để quảng cáo về du lịch Việt Nam, vậy là hết rồi, chứ còn không thể làm gì hơn được.
Điều mà chúng tôi cần là hy vọng Nhà nước có thể cải thiện về giao thông đường thủy, giao thông đường không. Các hãng hàng không phải đưa khách về, giá phải tốt. Ở trong nước, Nhà nước phải lập được trật tự công cộng, vệ sinh công cộng phải tốt, bảo vệ môi trường tốt. Theo đó mà các doanh nghiệp lữ hành hoặc doanh nghiệp phụ trách tham quan du lịch, dịch vụ có thể làm tốt hơn và ngành lữ hành, dựa vào đấy, để có những sản phẩm tốt để bán. Chứ còn bản thân ngành du lịch không làm được gì nhiều, ngoài quảng bá.
RFI : Vậy theo ông, cần tiến hành chiến lược quảng bá đó như thế nào ?
Nguyễn Ngọc Toản : Hiện nay, Việt Nam có ít chi phí cho chiến lược quảng bá. Thực ra tự làm là chính, tức là ở các nước như Pháp, cũng toàn là bên văn hóa với bên du lịch của công ty qua tự làm và xoay sở, chứ không có nhiều kinh phí để làm các chiến lược dài hạn về quảng cáo. Ví dụ Madagascar, người ta quảng cáo khắp nơi, Rwanda quảng cáo ở các câu lạc bộ bóng đá.
Về mặt kinh phí, Việt Nam không có, và nếu muốn, phải tăng kinh phí. Sau đó phải giao cho các công ty của nước sở tại làm cho các thị trường khác nhau. Ví dụ, nếu làm ở Hàn Quốc, phải thuê một công ty quảng cáo tại Hàn Quốc làm cả chiến dịch luôn. Đúng là mình biết văn hóa của mình, nhưng khi giới thiệu theo kiểu của mình thì không phù hợp với cách đọc, cách tiếp cận của người địa phương, nên không hiệu quả.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Ngọc Toản, giám đốc công ty Images Travel, tại thành phố Hồ Chí Minh.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten