Công nghiệp quốc phòng Pháp trước bão tố
Đăng ngày:
Có một nghịch lý là vào lúc các vùng xảy ra tranh chấp hoặc xung đột càng lúc càng tiến đền cửa ngõ Liên Âu, cộng thêm với viễn cảnh không còn được lá chắn phòng thủ của Mỹ bảo vệ trong tương lai thì đây cũng là thời điểm mà các nhà sản xuất vũ khí của Pháp trông thấy tương lai bất định.Nhiều chuyên gia về quốc phòng của Pháp tham gia chương trình Địa Chính Trị trên đài RFI tìm cách giải mã vì sao ngày càng có nhiều tiếng nói báo động « nền công nghiệp vũ khí » của Pháp có nguy cơ bị « suy sụp » trong lúc mà nhu cầu tiêu thu không hề thuyên giảm ? Đại dịch Covid-19 phải chăng là yếu tố then chốt buộc các quốc gia rà soát lại chiến lược an ninh ?
Pháp là nguồn cung ứng thứ ba trang thiết bị quân sự cho toàn cầu, với gần 8 % thị phần quốc tế, lĩnh vực này bảo đảm công việc làm cho 165.000 người lao động và năm ngoái đem về 8,3 tỷ euro cho các nhà sản xuất.
Nguy cơ chết não ?
Thổ Nhĩ Kỳ đang làm mưa làm gió ngay tại khu vực phía đông Địa Trung Hải, ở bên kia bờ nam vùng biển này, tình hình không yên ổn tại Libya hay trên dải Sahel trải dài từ miền đông sang miền tây châu Phi. Nhìn rộng ra hơn một chút nữa là giao tranh khốc liệt ở vùng Thượng Karabakh gần sát với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và cả Iran. Xa hơn nữa về phía đông, chót vót trên đỉnh cao dẫy Himalaya, xung đột ở đường biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Liên Hiệp Châu Âu, Mỹ và cả Trung Quốc, Ấn Độ cùng thông báo tăng ngân sách quốc phòng. Chỉ riêng Lầu Năm Góc bơm thêm « hàng trăm tỷ đô la » vào cỗ máy an ninh. Ngần ấy yếu tố vẫn không đủ để các tập đoàn sản xuất vũ khí và trang thiết bị quân sự cảm thấy an tâm.
Tập hợp Vauban bao gồm khoảng 20 chuyên gia Pháp về vấn đề phòng thủ trên báo kinh tế La Tribune cuối tháng 9/20210 nói đến « một tình trạng chết não được báo trước » của nền công nghiệp vũ khí Pháp. Một trong những lý do chính dẫn đến kịch bản này là « sau đại dịch, các khách hàng của Pháp nghèo đi, trang bị thêm chiến đấu cơ Rafale hay tàu ngầm đời mới, xe tăng … không còn là ưu tiên hàng đầu ».
Trả lời trên RFI các chuyên gia tuy có lo ngại nhưng không bi quan đến như vậy. Trước hết nhà kinh tế Claude Serfati đại học Versailles và cũng là thành viên viện nghiên cứu về các xung đột Cemotev của Pháp tin rằng, nhu cầu trang bị vũ khí và thiết bị quân sự vẫn sẽ tiếp tục tăng thêm trong tương lai :
« Có một số lý do cho thấy ngân sách quốc phòng có thể sẽ giảm sụt : ngân sách Nhà nước ngày càng bị thâm hụt, nợ công tăng cao với đại dịch Covid-19. Chính phủ phải đầu tư trở lại vào hệ thống y tế, tăng thêm giường cho bệnh viện đến tăng cường trang thiết bị y tế … Đó là điều tất yếu đã lộ rõ với khủng hoảng lần này. Tuy nhiên chúng ta biết rằng ngân sách phòng thủ của châu Âu đã tăng 10 % từ năm 2010 nhưng trong hoàn cảnh địa chính trị càng lúc càng căng thẳng kể từ những năm 2000 : nào là khủng hoảng kinh tế hồi 2008, trước đó nữa Mỹ mở các mặt trận ở Afghanistan hay Irak, đến đầu những năm 2010 thì bùng lên phong trào mùa xuân Ả Rập và gần đây nhất là vế địa chính trị, vế địa kinh tế từ cuộc đọ sức Mỹ -Trung và hiện tại là hậu quả đại dịch đang gây ra… Tôi e rằng trong mọi trường hợp, ngân sách phòng thủ tiếp tục có khuynh hướng tăng lên thêm nữa ».
Một giải pháp kích cầu
Giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS đặc trách về các vấn đề phòng thủ Jean- Pierre Maulny nêu bật trường hợp của Pháp và theo ông cần phân biệt giữa ngắn và dài hạn :
« Nhìn chung trong cả khối Liên Hiệp Châu Âu, chi tiêu quốc phòng không phải là ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên có những khác biệt tùy theo mỗi quốc gia và tùy theo thời gian. Thí dụ như Pháp với một nền công nghiệp vũ khí quan trọng, thì việc đầu tiên là Paris đã dùng ngân sách để hỗ trợ các tập đoàn sản xuất vũ khí và trang thiết bị của mình. Chính phủ tăng ngân sách quốc phòng và trong một chừng mực nào đó, điều khoản này nằm trong gói kích cầu của Pháp cho giai đoạn hậu Covid-19. Bộ Quân Lực đặt mua chiến đấu cơ, trang bị thêm máy bay cho quân đội. Khuynh hướng này sẽ được tiếp tục kéo dài trong hai hay ba năm sắp tới. Nhưng sau đó thì Pháp và nhiều quốc gia khác, cũng sẽ bắt buộc phải giải quyết bớt nợ nần, đó là những khoản nợ mà chúng ta đang đi vay để khắc phục hậu quả virus corona. Khi đó, Pháp sẽ có những ưu tiên khác. Tôi không chắc là ngân sách phòng thủ vẫn cứ được tăng lên đều đặn ».
An ninh và sức mạnh quân sự không nhất thiết đi đôi với nhau
Đành rằng hồi mùa xuân vừa qua khi nước Pháp đụng đến đỉnh dịch chính phủ đã huy động quân đội tiếp tay với các bệnh viện, nhất là vùng Grand Est (đông bắc) nhằm giải tỏa bớt áp lực cho các bệnh viện dân sự tại các thành phố như Mulhouse hay Strasbourg … Nhưng Benoit Muracciole chủ tịch hiệp hội bảo vệ nhân quyền ASER lưu ý khủng hoảng y tế lần này cho thấy các trang thiết bị quân sự và vũ khí không cho phép bảo toàn sinh mạng của các công dân trước một kẻ thủ vô hình là siêu vi corona chủng mới.
« Tôi nghĩ rằng khủng hoảng y tế lần này cho thấy an ninh của các công dân không nhất thiết tùy thuộc vào trang thiết bị quân sự. Trong rất nhiều thế kỷ chúng ta đã đánh đồng hai khái niệm « an ninh » và « sức mạnh quân sự ». Nhưng ở đầu thế kỷ 21, bắt đầu có một sự thay đổi và nhất là giờ đây dịch Covid-19 đang chứng minh rằng, an ninh của chúng ta không hẳn chỉ lệ thuộc vào khối lượng xe tăng hay tên lửa có được và chúng đã không giúp ích được gì cho công dân các nước trong đại dịch lần này. Do vậy chiến lược an ninh phải được tính lại. Chúng ta thấy Mỹ có số thiệt hại nhân mạng cao nhất thế giới cho dù Hoa Kỳ là quốc gia có ngân sách quốc phòng đồ sộ nhất địa cầu với hơn 750 tỷ đô la – mà con số thật sự theo tôi còn cao hơn thế rất nhiều, và Washington tiếp tục tăng ngân sách cho Lầu Năm Góc. Theo tôi sớm muộn gì các công dân cũng sẽ nhận thấy rằng quyền được chữa trị khi đau ốm cũng thuộc về an ninh của mỗi cá nhân. Đây là một thay đổi lớn bắt ngành công nghệ quốc phòng phải suy nghĩ ».
Tiết kiệm tiền triệu để cái giá phải trả lên tới hàng trăm tỷ euro
Do vậy theo ông Benoit Muracciole từng bước, các quốc gia trên thế giới sẽ xét lại chiến lược an ninh và mở rộng khái niệm an ninh đó đến các lĩnh vực khác trong đó bao gồm từ y tế song song với những thách thức khác như an ninh mạng.
Chuyên gia kinh tế Claude Serfati trung tâm nghiên cứu Cemotev tiếc là Pháp sãn sàng đầu tư bạc tỷ để trang bị vũ khí nhưng lại tiết kiệm vài chục triệu đầu tư vào hệ thống y tế để rồi, như đã bị một con siêu vi tấn công bất ngờ, làm tê liệt toàn bộ kinh tế trong 8 tuần lễ như nhiều nước khác trên thế giới :
« Chính phủ của thủ tướng Edouard Philippe trước đây thẩm định rằng để đối mặt với đại dịch, Pháp cần 14.000 giường trong khoa hồi sức cấp cứu, trong lúc trên toàn quốc chỉ có 5.000 chỗ mà thôi. Để khắc phục thiếu sót đó Pháp cần phải chi ra thêm 54 triệu euro. Đây là một số tiền chỉ bằng 1/6 phí tổn trong chiến tranh Libya. Số tiền này tương đương với khoảng vài chục tên lửa trong lúc Pháp đang nắm giữa vài ngàn loại vũ khí này. Tôi muốn chứng minh ở đây rằng 54 triệu euro không là cái gì cả nhưng do không chịu đầu tư để đến nỗi toàn bộ nền kinh tế Pháp đã bị tê liệt trong hai tháng, thiệt hại về tài chính không biết đâu mà lường. Cần cấp tốc phải tính tới kế hoạch là an ninh và y tế phải là hai vế đi song song với nhau. Đương nhiên là bên canh đó thì còn có rất nhiều yếu tố chính trị và địa chính trị, có những hiềm khích cả về quân sự lẫn kinh tế mà chúng ta không thể lơ là. »
Châu Âu, ngõ thoát hiểm quý giá
Nhìn lại thống kê của năm 2018 Ả Rập Xê Út, Ấn Độ và Ai Cập là những nước mua vào nhiều vũ khí nhất. Thế nhưng theo giới quan sát virus corona đã làm đảo lộn trật tự ưu tiên tại các quốc gia này. Theo báo cáo của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm SIPRI, công bố hồi tháng 3/2020, trong giai đoạn 2010-2014 tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Pháp tăng 72 % mà chủ yếu là nhờ nhu cầu tiêu thụ tại Trung Đông tăng mạnh với một bước nhảy vọt hơn 60 %. Đây cũng là nơi mua vào 35 % trang thiết bị quân sư của toàn cầu. Với dịch Covid-19 và kèm theo đó là thị trường dầu hỏa ảm đạm liệu rằng các nhà sản xuất của Pháp có còn tiếp tục trông cậy được vào các nước Trung Đông đứng đầu là Ả Rập Xê Út nữa hay không ?
Hy họng cho giai đoạn sắp tới là Liên Âu. Theo thông báo của bộ Quân Lực Pháp, 45 % xuất khẩu của các tập đoàn quốc gia hướng đến các thị trường châu Âu. Bruxelles đã thông báo kế hoạch « tái thiết sau Covid-19 » 750 tỷ euro và theo đuổi mục đích tăng cường khả năng phòng thủ, giảm bớt lệ thuộc vào những chuyển biến trên trường chính trị Hoa Kỳ. Điều đó có nghĩa là Liên Âu sẽ là một ngõ thoát cho các nhà sản xuất vũ khí và trang thiết bị quân sự của Pháp. Năm 2019, 3 trong số 5 khách hàng quan trọng nhất của các tập đoàn chế tạo vũ khí Pháp là Bỉ, Hungary và Tây Ban Nha. Theo thứ tự Brxuelles đặt mua 1,8 tỷ euro ; hóa đơn gửi tới Budapest là 631 triệu euro và sau cùng Madrid chi ra 435 triệu để mua thiết bị quân sự của Pháp.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten