Vì sao bản đồ luôn lấy hướng bắc làm chuẩn?
Hãy tưởng tượng là bạn từ trên vũ trụ nhìn xuống Trái Đất. Đâu là đỉnh của hành tinh này?
Nếu bạn nói là Bắc Cực, thì có lẽ bạn không phải là người duy nhất. Nhưng nếu suy xét thật chính xác, thì bạn trả lời chưa đúng. Sự thật là tuy hầu hết mọi người đều tưởng tượng rằng thế giới này nằm ở vị trí Bắc Cực ở phía trên, nhưng chẳng có lý do khoa học xác đáng nào cho thấy phía bắc là mái nhà của thế giới cả.
Vì sao phía bắc lại được coi là ở phía trên? Đây là kết quả của sự kết hợp giữa lịch sử, vật lý học thiên thể và tâm lý học. Và nó dẫn tới một kết luận quan trọng: hoá ra cách chúng ta quyết định vẽ bản đồ thế giới đã tạo ra những hậu quả về cách chúng ta cảm nhận thế giới.
Khả năng định hướng
Việc hiểu được là mình đang đứng ở đâu trên thế giới là một kỹ năng sinh tồn căn bản. Đó là lý do khiến chúng ta, giống như hầu hết các giống loài khác, có những vùng não bộ đặc biệt có khả năng nhận biết, định hướng bản đồ về những thứ xung quanh.Con người là loại động vật đặc biệt, có khả năng giao tiếp với nhau về khả năng nhận biết thế giới. Có lẽ ngoài con người thì chỉ có loài ong là có khả năng này.
Con người đã có lịch sử dài lâu với việc vẽ bản đồ - những bản đồ đầu tiên được phát hiện ra là những nét khắc lên vách hang động hồi 14 ngàn năm trước.
Trong các nền văn hoá khác nhau, con người đã vẽ bản đồ lên bàn đá, lên lá cói, lên giấy và nay là trên những màn hình máy tính.
Với lịch sử vẽ bản đồ dài lâu như vậy, có lẽ ta sẽ thấy ngạc nhiên khi biết rằng chỉ mới vài trăm năm nay hướng bắc mới được thường xuyên chọn làm hướng phía trên của bản đồ.
Thật ra thì trong hầu hết lịch sử con người, hướng bắc hầu như chưa bao giờ được xuất hiện ở trên, theo Jerry Brotton, sử gia chuyên về bản đồ tại Đại học Queen Mary Univeristy, London và là tác giả cuốn A History of the World in Twelve Maps (Lịch sử Thế giới qua 12 Bản đồ), nói.
"Hướng bắc hiếm khi được đưa lên trên bởi một thực tế giản dị là hướng bắc chính là nơi bóng tối xuất hiện," ông nói. "Hướng tây cũng rất khó được chọn để làm hướng phía trên bản đồ, bởi hướng tây là hướng mặt trời đi mất."
Vì sao Trung Quốc chọn hướng Bắc?
Điều khá gây ngạc nhiên là các bản đồ đầu tiên của Trung Quốc có vẻ như lại không theo khuynh hướng này.Nhưng, như Brotton nói, ngay cả vào lúc Trung Quốc đã có la bàn thì đó cũng không phải là lý do khiến hướng bắc được để ở trên.
Các la bàn thời đầu của Trung Quốc thực ra được thiết kế để trỏ về hướng nam, là hướng được ưa hơn so với hướng bắc tối tăm.
Nhưng trong các bản đồ Trung Quốc, các vị hoàng đế sống ở miền bắc đất nước và luôn được đặt ở phía trên của bản đồ, còn những kẻ bầy tôi thì từ phía dưới ngước nhìn lên.
"Trong văn hoá Trung Hoa, Hoàng Đế nhìn về hướng Nam bởi đó là nơi gió thổi đến, là hướng lành. Hướng Bắc thì không thật tốt bởi mọi thần dân đều phải thần phục Hoàng Đế, cho nên tất cả đều phải ngước nhìn lên Hoàng Đế," Brotton nói.
Đông, Tây hay Nam, hướng nào mới là quan trọng nhất?
Do mỗi nền văn hoá lại có một cách nhận thức rất khác nhau về người hay vật mà con người cần ngước nhìn lên, có lẽ không phải là điều gì gây ngạc nhiên khi ta thấy không có mấy sự nhất quán trong việc lựa chọn hướng nào là hướng ở phía trên trong những tấm bản đồ sơ khai ban đầu.Trong thời Ai Cập cổ đại, phần đỉnh của thế giới là hướng Đông, nơi mặt trời mọc.
Các bản đồ Hồi giáo thời đầu đặt hướng Nam lên trên, bởi hầu hết các nền văn hoá Hồi giáo thời đầu đều nằm về phía bắc của thánh địa Mecca, cho nên người ta liên tưởng tới việc nhìn lên hướng Nam, như trong tấm bản đồ dưới đây:
Các bản đồ Thiên chúa giáo trong cùng kỷ nguyên này (được gọi là Mappa Mundi) thì đặt hướng đông ở trên, hướng về Vườn Địa đàng và đặt Jerusalem vào chính giữa.
Vậy từ khi nào mọi người cùng thống nhất chọn hướng Bắc làm phía trên của bản đồ? Có vẻ như đó là ý tưởng từ các nhà thám hiểm châu Âu như Christopher Columbus và Ferdinand Magellan, những người xác định phương hướng dựa vào sao Bắc Đẩu.
Nhưng Brotton nói rằng những nhà thám hiểm tiên phong này không hề nghĩ về Trái Đất theo cách đó.
"Khi Colombus mô tả thế giới là khi ông ấy dựa vào cách hiểu hướng Đông là phía trên," ông nói. "Colombus nói ông ấy đi về phía thiên đàng, cho nên về mặt tâm lý nhận thức là ông ấy dựa vào một tấm bản đồ thời Trung Cổ, mappa mundi."
Chúng ta nên nhớ rằng, Brotton nói thêm, thời đó, "không ai biết họ đang làm gì và họ đang đi về đâu."
Quy chuẩn đầu tiên
Bản đồ thế giới của Mercator, có từ 1569, gần như chắc chắn là thời điểm xác định việc chọn hướng Bắc làm hướng chuẩn để vẽ bản đồ.Bản đồ của ông nổi tiếng là tấm bản đồ đầu tiên tính đến đường cong của Trái Đất, cho nên các thuỷ thủ có thể đi vượt biển tới những nơi xa xôi mà không bị ra khỏi bản đồ.
Tuy nhiên, một lần nữa Brotton nói rằng hướng Bắc cũng không đóng vai trò gì nhiều trong chuyện này.
"Mercator ước tính hai cực của Trái Đất là ở điểm vô hạn. Ông nói rằng việc mô tả của ông không thành vấn đề, bởi chúng ta không quan tâm tới việc ra khơi đi đến tận những chỗ đó. Hướng Bắc nằm ở trên, nhưng không ai bận tâm về Bắc Cực bởi chúng ta sẽ chẳng tới đó."
Ngay cả như vậy thì ông lẽ ra cũng có thể vẽ bản đồ theo hướng ngược lại. Có lẽ ông chọn cách lấy hướng Bắc làm chuẩn chỉ đơn thuần là bởi người châu Âu khi đó chủ yếu thám hiểm ở phần phía bắc bán cầu, nơi nhiều đất đông dân hơn nhiều so với phần phía nam.
Bất kể lý do là gì, việc chọn hướng Bắc làm hướng ở trên là một ý tưởng có vẻ bế tắc.
Ta hãy xem tấm ảnh chụp hồi 1973 của Nasa, rất nổi tiếng dưới đây. Bức ảnh được chụp với hướng nam nằm ở trên, bởi nhà du hành vũ trụ vào lúc chụp tấm hình thì đang bị xoay vòng vòng. Nasa quyết định lật ngược nó lại để mọi người đỡ nhầm lẫn, bối rối.
Khi bạn từ vũ trụ nhìn vào Trái Đất thì ý tưởng chọn hướng cụ thể nào đó làm hướng ở trên thậm chí lại còn ngớ ngẩn hơn nữa.
Sự thật là đúng như chúng ta đều đã được học ở trường, Trái Đất nằm ở vị trí xác định so với các hành tinh khác trong hệ Mặt Trời. Và sự thật nữa là tấm hình dưới đây cũng có thể được lật ngược lại, hoặc đảo hướng để Mặt Trời nằm ở phía trên, hoặc ở phía dưới, tuỳ vào vị trí của bạn trong vũ trụ, nơi bạn nhìn vào hệ mặt trời.
Và nếu so sánh với phần còn lại của Dải Ngân hà, thì toàn bộ hệ mặt trời của chúng ta lại nghiêng thêm 63 độ nữa.
Trong lúc các nhà thiên văn học thấy rằng các vì sao và các hành tinh luôn đứng trong những trật tự nào đó so với các vì sao, hành tinh láng giềng, thì Daniel Mortlock, một nhà vật lý thiên văn tại Đại học Imperial College London, nói rằng điều này chỉ đúng trong một quy mô nhỏ xíu nếu đem so sánh với cả vũ trụ rộng lớn.
"Trong phạm vi các nhà thiên văn học chúng tôi có thể nói được, thì thực sự là không hề có thứ 'trên' hay 'dưới' trong vũ trụ," ông nói.
Cho nên lời đáp cho câu hỏi Trái Đất có hướng nào là phía trên sẽ rất đơn giản: chẳng có hướng nào là ở trên cả, và chẳng có lý do xác đáng nào từ những phức tạp mang tính lịch sử để lại để cho rằng hướng Bắc chính là đỉnh của thế giới.
Thói quen định hướng và thói quen trong nếp nghĩ
Liệu nay đã phải là lúc để chúng ta nêu ra quan điểm khác về hành tinh của chúng ta so với những gì ta đã coi là quen thuộc?Có lẽ vậy, bởi những bằng chứng về tâm lý học cho thấy thói quen coi hướng Bắc là phía trên mà ta đã quen chấp nhận có thể đang làm hỏng cách chúng ta suy nghĩ về việc coi cái gì là giá trị trên thế giới.
Một cách suy nghĩ mang đầy tính thành kiến là hầu hết mọi người đều cho rằng Bắc có nghĩa là 'lên' còn Nam có nghĩa là 'xuống'.
Brian Meier, nhà tâm lý học tại Đại học Gettyberg College ở Pennsylvania, cũng phát hiện ra rằng mọi người thường đón nhận một cách vô thức các từ ngữ có tính tích cực dễ dàng hơn là những từ ngữ tiêu cực.
Cho nên ông đặt câu hỏi về việc liệu hai thứ này, 'Bắc tương đương với lên' và 'tốt tương đương với lên', có ảnh hưởng tới giá trị mà con người mặc định thừa nhận ở những khu vực khác nhau trong cùng một bản đồ hay không.
Một điều khá rõ nhận thấy là khi được cho xem tấm bản đồ về một thành phố giả định và được hỏi họ muốn sống ở đâu, thì đa phần những người được hỏi sẽ chọn một khu vực ở phía bắc thành phố.
Và khi một nhóm người khác được hỏi nơi những con người giả định với những địa vị xã hội khác nhau sống ở đâu, thì họ sẽ chỉ trên bản đồ rằng những người giàu có nhất sống ở phía bắc còn những người nghèo nhất sống ở phía nam thành phố.
Cũng không phải là có gì quá mức khi nghĩ rằng con người ta thường ít quan tâm tới những gì xảy ra tại các quốc gia hay các khu vực nằm 'dưới' họ trên bản đồ hoặc trên thế giới.
Tin tốt là các thử nghiệm của Meier về mối quan hệ giữa 'Bắc' và 'tốt' đã bị bác bỏ bởi một thứ đơn giản - lộn ngược bản đồ lại. Cho nên có lẽ thế giới sẽ trở nên công bằng hơn nếu chúng ta nhìn bản đồ theo cách khác.
Các bản đồ có hướng Nam ở trên có khá nhiều trên mạng. Đó cũng là điều mà Mortlock mạnh mẽ hưởng ứng.
"Là một người Úc, tôi nghĩ rằng điều này cần phải được thực hiện thường xuyên hơn," ông nói. Hẳn là điều này sẽ khiến thế giới trông mới mẻ, một lần nữa trông như vẫn chưa được khám phá.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
Tin liên quan
- Lợi hại từ các công trình xây dựng lấn biển
- Nasa muốn 'ném thiên thạch' về phía Trái Đất
- Việc chia sẻ trên Facebook bộc lộ điều gì về bạn?
- Những lợi thế đặc biệt của người hói
- Tên người tiết lộ số phận tương lai?
https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-38258922
Geen opmerkingen:
Een reactie posten