donderdag 28 maart 2019

Mexico đòi Madrid và Vatican xin lỗi vì ‘thảm sát 500 năm trước...các dân tộc ở Mexico" + Về tấm bản đồ đặt tên cho Châu Mỹ

Mexico đòi Madrid và Vatican xin lỗi vì ‘thảm sát 500 năm trước’

  • 26 tháng 3 2019

Cortés and Montezuma at a Mexican temple (detail from the frieze in the Rotunda of the United States Capitol) Bản quyền hình ảnhGetty Images
Image caption Hình nhà chinh phục Hernán Cortés và vua Aztec Montezuma II ở một ngôi đền Mexico

Tổng thống Mexico gửi thư cho nhà vua Tây Ban Nha và Giáo hoàng Francis đòi họ xin lỗi vì vi phạm nhân quyền xảy ra 500 năm trước.
Vì sao bản đồ luôn lấy hướng bắc làm chuẩn?
Tordesillas, nơi thế giới bị xẻ làm đôi
Về tấm bản đồ đặt tên cho Châu Mỹ
Tổng thống Andrés Manuel López Obrador nói các dân tộc ở Mexico đã bị thảm sát khi Tây Ban Nha chinh phục châu Mỹ.
Nhưng Tây Ban Nha bác bỏ lá thư, nói rằng cần có "góc nhìn xây dựng".
Khu vực mà nay làm thành lãnh thổ Mexico đã bị Tây Ban Nha cai trị đến 300 năm, trước khi có độc lập vào thế kỷ 19.
Trong nhiều thế kỷ, Tây Ban Nha theo Thiên Chúa giáo La Mã và tự coi là có sứ mạng đem Cơ Đốc giáo đến cải đạo cho các tộc người bản địa ở châu Mỹ.
Quá trình này được gọi là "Khai hóa bằng lưỡi gươm và cây thánh giá".
Andrés Manuel López Obrador là tổng thống cánh tả đầu tiên ở Mexico sau 70 năm, và theo đuổi nghị trình riêng từ khi nhậm chức tháng 12/2018.
Ông cam kết chống tham ô, giảm bất bình đẳng và giúp người nghèo.
Ông tuyên bố đã gửi thư cho vua Tây Ban Nha và Giáo hoàng để đòi họ phải thừa nhận vi phạm nhân quyền và phải xin lỗi các dân tộc thiểu số.
"Đã đến lúc hòa giải nhưng đầu tiên họ cần xin tha thứ."

In this file photo taken on January 30, 2019 Mexico's President Andres Manuel Lopez Obrador (R) welcomes Spain's Prime Minister Pedro Sánchez at the National Palace in Mexico City. Bản quyền hình ảnhAFP
Image caption Tổng thống Lopez Obrador đón tiếp Thủ tướng Tây Ban Nha ở Mexico hồi tháng Giêng
Mexico có dân số theo Thiên Chúa giáo lớn thứ hai thế giới, sau Brazil.
Nhưng chính phủ Tây Ban Nha ra tuyên bố nói sự có mặt của người Tây Ban Nha 500 năm trước không thể bị đánh giá theo góc nhìn hôm nay.
Nhà hàng hải Christopher Columbus mở đầu cuộc khai phá châu Mỹ với chuyến đi năm 1492.
Cuộc chinh phục Mexico năm 1519 xảy ra khi Hernán Cortés dẫn đầu nhóm quân đổ bộ xuống nơi bây giờ là Veracruz.
Chỉ trong hai năm, Tây Ban Nha đã thu phục đế chế Aztec.
Hernán Cortés được ca ngợi là lãnh đạo tài năng giúp chinh phục thành công.
Nhưng nhiều người dân bản địa đã thiệt mạng trong chiến tranh, các vụ thảm sát hoặc chết vì không có sức đề kháng trước bệnh dịch mà người châu Âu mang tới.

Chủ đề liên quan

Tin liên quan

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47693420

Về tấm bản đồ đặt tên cho Châu Mỹ


Thị trấn nhỏ của Pháp St-Dié-des-Vosges nổi tiếng vì đã đặt tên cho Châu Mỹ. Bản quyền hình ảnh Madhvi Ramani
Image caption Thị trấn nhỏ của Pháp St-Dié-des-Vosges nổi tiếng vì đã đặt tên cho Châu Mỹ.

Cách đây vài trăm năm, khi phần lớn của thế giới còn bí ẩn và chưa được biết đến, hai học giả Châu Âu đã cùng nhau tạo ra một bản đồ phi thường của thế giới.
St-Dié-des-Vosges là một thị trấn nhỏ nhiều cây ở thung lũng Meurthe đông bắc nước Pháp. Nó cách Strasbourg của Pháp 68 km về phía tây nam, cách Basel của Thụy Sĩ 93 km về phía tây bắc và cách Freiburg của Đức 74km về phía tây bắc. Ngày nay, do có bản đồ hiện đại và các phương pháp đo kinh độ và vĩ độ, chúng ta có thể định vị chính xác nó đâu trên hành tinh. Tuy nhiên, một vài trăm năm trước, khi phần lớn thế giới còn là bí ẩn và không rõ, một nhóm các học giả châu Âu đã đến đây để tạo ra một bản đồ phi thường của thế giới- một bản đồ hoàn toàn khác với những gì đã có trước đó, và còn ảnh hưởng đến chúng ta ngày nay. Thị trấn này đã khai sinh ra tên cho cả lục địa Châu Mỹ (America).
Bản đồ này, in năm 1507, có kích thước 1,4m x 2,4m, nhằm tham vọng mô tả được toàn bộ thế giới. Và quả thực, nó đã mô tả thế giới nhiều hơn chưa từng có trước đó. Trong nhiều thế kỷ, người châu Âu đã tin rằng thế giới được tạo thành từ ba vùng đất: Châu Á, Châu Phi và Châu Âu, và Jerusalem ở trung tâm thế giới. Đó là lý do vì sao nhà thám hiểm và tìm thuộc địa cho Tây Ban Nha, Christopher Columbus, người Ý, đã từ giã cõi đời chỉ một năm trước đó mà vẫn tin rằng nơi ông đã đặt chân tới ở Châu Mỹ chỉ là một phần của Châu Á. Tuy nhiên, bản đồ mới này đã lần đầu tiên mô tả được một phần thứ tư của thế giới. Ở bên trái châu Âu, nó cho thấy một dải đất hẹp và dài của Nam Mỹ, cùng với phần Bắc Mỹ cỡ nhỏ ở bên trên. Lục địa mới được bao quanh bởi nước, và, ở một phần đất mà ngày nay là Brazil, những người lập bản đồ viết cái tên: America.
Cái mốc này trong bản đồ học được gọi là bản đồ Waldseemüller, là tên của nhà học giả Đức đã vẽ nó. Nhưng Martin Waldseemüller chỉ là một người trong nhóm các học giả mà Walter Lud (giáo sĩ chính của nhà thờ St-Dié-des-Vosges) đã tập hợp tại thị trấn này. Lud đặc biệt quan tâm đến vũ trụ học- tức nghiên cứu về trái đất và vị trí của nó trong vũ trụ- và mong muốn tạo ra một bức tranh về thế giới mà nó kết hợp được kiến ​​thức cổ với các báo cáo mới nhận được từ những chuyến đi biển diễn ra vào thời đó. Nhằm mục đích đó, ông đã có được tài trợ của René II, công tước vùng Lorraine, để thiết lập một nhà in có tên Gymnasium Vosagense và tập hợp một nhóm bao gồm Waldseemüller và một học giả người Đức, Matthias Ringmann. Theo Toby Lester, tác giả của "Phần Thứ Tư Của Thế Giới: Cuộc đua đến tận cùng của trái đất, và câu chuyện sử thi của tấm bản đồ đã đặt tên cho Châu Mỹ", thì Ringmann đã chỉ đạo việc viết cuốn sách được in cùng với tấm bản đồ và gần như chắc chắn là người đặt ra cái tên America.
Việc hai người Đức này kết hợp để thực hiện dự án ở St-Dié-des-Vosges không đơn giản chỉ là vấn đề tiền bạc. Vị trí của thị trấn này cũng có ý nghĩa lớn. Như Toby Lester nói với tôi, "Ở đây có những người thám hiểm xuất phát từ bờ biển Đại Tây Dương ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha và mang về tất cả các thông tin, và những người Ý tài trợ kinh phí và đi theo những cuộc thám hiểm này, rà soát lượng thông tin lớn lao, và những người Đức ở giữa chỉ đạo việc in ấn vất vả." vùng St-Die, gần Strasbourg, vùng Basel và Freiburg, cũng như các địa điểm khác có máy in, là nơi hội tụ mà lượng thông tin có thể di chuyển qua lại dễ dàng.

Bản đồ Waldseemüller lần đầu tiên mô tả thế giới mới. Bản quyền hình ảnh The Picture Art Collection/Alamy
Image caption Bản đồ Waldseemüller lần đầu tiên mô tả thế giới mới.

Ngày nay, chỉ có một vài manh mối cho biết lịch sử thời trung cổ của St-Dié-des-Vosges, nơi này được xây dựng lại gần hết sau Thế chiến II. Một phác thảo của lục địa Châu Mỹ được lát trên mặt đất ngay bên ngoài nhà thờ bằng sa thạch màu hồng mà người ta có thể hiểu lầm nó là một hoa văn trang trí; có một tượng đá đầu của người bản địa của lục địa này ở hành lang nhà thờ, và mỗi năm thị trấn tổ chức một lễ hội quốc tế về địa lý để các chuyên gia địa lý và những người đam mê cùng nhau trao đổi ý tưởng. Có lẽ đây là lý do tại sao hầu hết du khách đến thị trấn không biết về lịch sử lập bản đồ của nó, hoặc họ chỉ có thể thấy phần còn lại ít ỏi của nó khi tới thăm thư viện địa phương sáng sủa và hiện đại.
Tôi là một trong số ít du khách đến St-Dié-des-Vosges tham quan phần nằm phía dưới cầu thang của thư viện, đi qua những bức tranh trẻ em đầy màu sắc trang trí cho các bức tường để tới Phòng Báu Vật. Năm ngoái, chỉ có 664 người đến đây, so với con số 18.000 người tới thăm Văn phòng Du lịch. Đó là một căn phòng nhỏ, hẹp với các tủ trưng bày bằng gỗ, tương phản với phần còn lại của cảm giác hiện đại của thư viện. Ở đây, trong số các cuốn sách cũ và hiếm khác được trưng bày (chẳng hạn như cuốn sách bài hát Graduel, đẹp có vẽ minh họa) là một phiên bản gốc của cuốn sách được in cùng với tấm bản đồ Waldseemüller năm 1507: Khái Quát Về Vũ Trụ Học.
Cuốn sách này, hoàn toàn bằng tiếng Latin, nêu rõ mục đích của nó là một "giới thiệu về thế giới mà chúng tôi đã mô tả nó trên một quả cầu và trên một mặt phẳng". 'Mặt phẳng' ở đây là bản đồ Waldseemüller, được in trên 12 tờ giấy riêng biệt để được ghép lại với nhau trên một mặt phẳng, trong khi 'quả địa cầu' là một phiên bản cỡ nhỏ hơn của bản đồ, nó được thiết kế để cắt ra và dán vào một quả cầu tròn- làm cho nó trở thành quả địa cầu được in thương mại đầu tiên trong lịch sử và chứng minh, trái với niềm tin phổ biến, rằng người châu Âu thời trung cổ biết hoàn toàn rõ ràng rằng thế giới là hình cầu chứ không phải bằng phẳng. Đáng chú ý là, lời lẽ trong sách cũng giải thích lý do quanh việc đặt tên cho lục địa mà theo họ do nhà thám hiểm người Ý Amerigo Vespucci tìm ra. Do các tên các lục địa khác là giống cái theo tiếng Latin- Europa, Africa, Asia- tác giả lập luận rằng tên của vùng đất mới này cũng nên là giống cái, "America (Châu Mỹ) sau khi tìm ra nó".
Những lời này là nguyên nhân gây tranh cãi trong nhiều thế kỷ tiếp theo. Từ tu sĩ Tây Ban Nha Bartolomé de la Casas, người trong nửa đầu thế kỷ 16 nói rằng đó là một 'xúc phạm và bất công" đối với Columbus, người có các chuyến đến Châu Mỹ trước Vespucci, cho đến nhà văn người Mỹ Washington Irving, người năm 1809 đã viết về "những kẻ lừa đảo" ở Florence đã đánh cắp vinh quang của Columbus. Nhưng mặc dù 4 chuyến đi của Columbus qua Đại Tây Dương bắt đầu vào năm 1492, khi ông tới các đảo Ca Ri Bê, ông chỉ chạm vào đất lục địa ở hành trình thứ ba của ông năm 1498. Ngược lại, theo một lá thư năm 1504 của Vespucci gửi Công tước Renè (được in lại trong cuốn Khái Quát Vũ Trụ Học và mô tả chuyến hành trình thứ tư của ông từ 1497 to 1504) thì ông đã tới lục địa 1 năm trước Columbus. Các nhà sử học nghi ngờ tính xác thực của bức thư này, nhưng Waldseemüller và Ringmann cứ đơn giản chấp nhận bức thư của Vespucci, và lấy tên lục địa mới theo như trong thư.
Tên của lục địa mới không phải là cuộc tranh luận duy nhất liên quan đến bản đồ này. Nhiều tranh luận là về việc lục địa được thể hiện có nước bao quanh. Làm thế nào mà các nhà làm bản đồ ở St-Dié-des-Vosges biết, vào năm 1507, có nước ở phía bên kia của vùng đất mà Columbus và Vespucci đã khám phá? Theo tài liệu, người châu Âu đầu tiên trông thấy Thái Bình Dương là nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Vasco Núñez de Balboa, ông đã trông thấy nó khi đứng trên đỉnh núi ở Panama sáu năm sau, tức 1513. Đây có phải là sự phỏng đoán, hay là những người làm bản đồ biết các thông tin của các chuyến đi biển của người Bồ Đào Nha sang phía bên kia lục địa, và giữ bí mật vì đã đi qua vùng biển của Tây Ban Nha? (Năm 1494, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã quyết định chia sẻ với nhau toàn bộ thế giới phía tây của Châu Âu trong Hiệp Ước Tordesillas. Mọi thứ vượt ra ngoài vùng mà nay Brazil là thuộc lãnh thổ Tây Ban Nha, đó là lý do tại sao Brazil là nước duy nhất nói tiếng Bồ Đào Nha ở Nam Mỹ.)

Quả địa cầu được in cùng với bản đồ Waldseemüller cho thấy những người Châu Âu thời Trung cổ đã biết Trái đất là hình tròn. Bản quyền hình ảnh Madhvi Ramani
Image caption Quả địa cầu được in cùng với bản đồ Waldseemüller cho thấy những người Châu Âu thời Trung cổ đã biết Trái đất là hình tròn.

Một bí ẩn khác liên quan đến sự tồn tại của bản đồ này. Mặc dù 1.000 bản đồ Waldseemüller được in năm 1507, nhưng tất cả đều biến mất. Không giống như cuốn sách, được lưu giữ trong thư viện, các bản đồ được trưng bày trong các cơ sở giáo dục và không tồn tại được lâu. Những người đam mê bản đồ đã dành nhiều thế kỷ tìm kiếm và cố gắng phục hồi lại bản đồ Waldseemüller dựa trên các mô tả trong cuốn Khái Quát Về Vũ Trụ Học. Cuối cùng, một tấm bản đồ còn lại được phát hiện vào năm 1901 bởi Cha Joseph Fischer, một giáo sư về lịch sử và địa lý, ở Wolfegg Castle, Đức. Đó là tấm bản đồ, đôi khi còn được gọi là "giấy khai sinh của Châu Mỹ", đã được Thư Viện Quốc hội Hoa Kỳ mua năm 2003 với số tiền đáng kinh ngạc là 10 triệu đô la.
Tuy nhiên, giá trị của bản đồ Waldseemüller không chỉ đơn thuần là sự mô tả và đặt tên cho Châu Mỹ. Như Lester đã giải thích, "Bản đồ giống như một mục nhập của Wikipedia, nó kết hợp và chỉnh sửa rất nhiều thông tin khác nhau. Đúng, nó là một bản đồ địa lý, nhưng nó không chỉ về không gian, nó còn là về thời gian."
Ý tưởng này được miêu tả bằng hai hình ảnh ở trên cùng của bản đồ: một trong những nhà địa lý Hy Lạp, Ptolemy, người đại diện cho cách nhìn cũ về thế giới và toàn bộ tri thức cổ đại; và hình ảnh còn lại là Vespucci, người đại diện cho một cách nhìn mới về thế giới, được thúc đẩy bởi sự học hỏi và khám phá hiện đại. Sự sắp đặt cạnh nhau của hai thời đại khác nhau này có thể được thấy ngay trong cách vẽ bản đồ; ví dụ, cách vẽ Châu Âu được mô tả không chính xác về mặt kỹ thuật- không phải vì Waldseeüller không có số liệu chính xác hơn về địa lý Châu Âu, mà vì, như Lester viết, ông quyết định "ông sẽ mô tả thế giới đã biết đúng y như Ptolemy đã lập bản đồ về nó hơn 1.000 năm trước đó."
Ngoài ra, việc thể hiện hai người đàn ông ở trên cùng của bản đồ thay vì Chúa như thường lệ, cũng truyền tải một thông điệp mạnh mẽ: "Trước đây chỉ có Chúa mới có thể nhìn thấy cả thế giới, nhưng giờ đây chúng tôi có thể cho bạn thấy mọi thứ cùng một lúc. Và điều đó dẫn đến ý tưởng này về đế chế, bởi vì nếu chúng tôi có thể lập bản đồ và sở hữu toàn thế giới, chúng tôi có thể thống lĩnh toàn thế giới." Lester nói.
Cuối cùng, bản đồ Waldseemüller nhắc nhở chúng ta rằng tất cả các bản đồ đều mang tính chính trị. Bằng cách đặt phía Bắc ở phía trên cùng của bản đồ, trong khi quy ước trước đó là đặt phía Đông ở phía trên, và đặt Châu Âu ở giữa, làm cho nó có nghĩa Châu Âu là trung tâm. Quyết định của các nhà làm bản đồ đặt tên cho toàn bộ một lục địa có người đang ở bằng tên một người Châu Âu đã đến đó, đã ưu tiên hóa quan điểm của Châu Âu và thể hiện thái độ và tham vọng của người Châu Âu thời đó. Đó là một quan điểm mà nó báo trước cách thức mà người Châu Âu sẽ tiếp tục sở hữu đất đai, tài nguyên và con người, xoá bỏ nền các văn hóa và giết chết hàng triệu người.
Như Lester tóm tắt trong cuốn sách của ông, "Đó là giấy khai sinh cho thế giới được sinh ra năm 1492- và đó cũng là giấy chứng tử cho thế giới trước đây đã ở đó."
https://www.bbc.com/vietnamese/vert-tra-44709203

Geen opmerkingen:

Een reactie posten