Các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng về vụ blogger Trương Duy Nhất
Ân xá Quốc tế và Ủy ban Bản vệ các nhà báo (CPJ) hôm 21/3 đã đồng loạt lên tiếng đòi Việt Nam trả tự do cho blogger Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự Do.
Trong tuyên bố của mình, CPJ kêu gọi chính phủ Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho blogger và cho phép ông đi khỏi Việt Nam.
Trong khi đó Ân Xá Quốc tế ra thông cáo yêu cầu chính phủ Thái Lan và Việt nam trả lời những câu hỏi về sự biến mất đột ngột của blogger Trương Duy Nhất khi đến Thái Lan xin quy chế tị nạn hồi cuối tháng 1 vừa qua, và nay lại bị giam giữ tại một trại giam ở Hà Nội.
Blogger Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự Do đã đột ngột mất tích tại Thái Lan vào ngày 26/1, ngay sau khi đến văn phòng Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn để xin quy chế tị nạn hôm 25/1, theo xác nhận của Bạch Hồng Quyền, một người tị nạn Việt Nam khác đã giúp đỡ Nhất trong thời gian ông ở Thái Lan.
Vào ngày 20/3, cô Trương Thục Đoan, con gái blogger xác nhận với RFA rằng cha cô đang bị giam giữ tại trại T16 ở Hà Nội. Cô khẳng định cha cô không hề có ý định muốn quay về Việt Nam. Giới chức trại giam nói với mẹ của cô, vợ của blogger, là bà Cao Thị Xuân Phượng, rằng ông Trương Duy Nhất đã bị giam tại đây từ ngày 28/1. Tuy nhiên bà Phượng không được gặp ông Nhất mà chỉ có thể gửi đồ thăm nuôi cho ông trong trại giam vì lý do là việc điều tra chưa kết thúc. Phía trại giam không cho biết ông Nhất đang bị điều tra về cái gì.
“Có một khả năng lớn là ông ta đã bị chuyển về cho phía Việt Nam giam giữ bất chấp rủi ro thực sự về việc vi phạm nhân quyền trầm trọng”, bà Joanne Mariner, cố vấn cao câp về khủng hoảng của Ân xá quốc tế được trích lời trong thông cáo cho biết.
“Nếu ông ta bị giam giữ thì ông ấy cần phải được tiếp xúc ngày lập tức với luật sư và cần phải được đưa ra trước thẩm phán. Nếu giới chức Việt Nam không đưa ra được bằng chứng chắc chắn để giam giữ ông Nhất, thì họ phải trả tự do cho ông ngày lập tức”, bà Joanne Mariner nói.
Đại diện cấp cao của CPJ tại Đông Nam Á, ông Shawn Crispin được trích lời trong thông cáo báo chí thúc giục “giới chức Việt Nam và Thái Lan nên điều tra về hoàn cảnh xung quanh việc ông Nhất bị bắt cóc ở Thái Lan và phải đưa những người chịu trách nhiệm vụ này ra trước pháp luật”.
Đã có những thông tin cho rằng có khả năng blogger Trương Duy Nhất đã bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ khi đang ở trung tâm mua bán Future Park, ngoại ô Bangkok hôm 26/1. Sau đó cảnh sát Thái đã đưa ông đến một quán vắng ở ngoại ô Thái Lan và trao cho phía an ninh Việt Nam.
Theo Bạch Hồng Quyền, Trương Duy Nhất đã nói với anh rằng ông có những thông tin quan trọng về các quan chức cấp cao trong chính phủ Việt Nam và ông dự định sẽ công bố các thông tin này khi được định cư ở một nước khác. Ông nói ông lo sợ mình sẽ bị bắt giữ nếu còn ở Việt Nam nên đã tìm cách sang Thái Lan để tìm quy chế tị nạn.
Blogger Trương Duy Nhất là người thương xuyên có những bài viết chỉ trích chính phủ. Ông đã từng bị bắt vào năm 2013 và bị kết án tù 2 năm với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước. Ân Xá Quốc tế coi ông là một tù nhân lương tâm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/international-human-right-groups-raise-concern-over-truong-duy-nhat-03222019090900.html
Chính quyền đang đau đầu hợp thức hóa vụ Trương Duy Nhất?
Vào ngày 20/3, cô Trương Thục Đoan, con gái của blogger Trương Duy Nhất, cho đài ACTD biết cha của mình đang bị giam tại trại giam T16 ở Hà Nội. Đây là thông tin mới nhất về tung tích của blogger này kể từ khi ông mất tích bí ẩn ở Thái Lan vào ngày 26/1 khi đang xin quy chế tị nạn. Tuy nhiên những thông tin ít ỏi từ gia đình của blogger không thể trả lời được câu hỏi tại sao khi blogger này đang xin tị nạn ở Thái lại đột ngột xuất hiện trong trại giam ở Việt Nam?
Blogger Trương Duy Nhất là người có nhiều bài viết chỉ trích chính phủ và được cho là có nhiều thông tin quan trọng về các quan chức chính quyền hiện thời.
Nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền, người đã giúp blogger này khi ở Thái Lan, nói với đài ACTD rằng, blogger tâm sự ông sẽ công bố các thông tin quan trọng có thể có hại cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một khi ông được định cư ở nước thứ ba. Ông cũng cho biết ông lo ngại mình sẽ bị bắt giữ nếu còn ở lại Việt Nam.
Cô Trương Thục Đoan, hiện đang ở Canada nói với đài ACTD rằng phía trại giam thông báo cho mẹ của cô, bà Cao Thị Xuân Phượng, là ông Nhất bị bắt vào ngày 28/1/2019 và bị đưa vào trại T16 ở Thanh Oai, Hà Nội trong cùng ngày.
Vợ ông Nhất đã đến trại T16 hôm 20/3 để tiếp tế thức ăn cho ông nhưng không được gặp mặt với lý do đang trong giai đoạn điều tra.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận định đây là một vụ phức tạp hơn cả vụ Trịnh Xuân Thanh. Ông phân tích:
“Vụ Trịnh Xuân Thanh có khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thậm chí có lệnh truy nã. Còn vụ ông Trương Duy Nhất thì theo những gì tôi theo dõi trên báo chí, trên mạng thì đến nay hoàn toàn không có một giấy tờ nào mang tính chất pháp lý để bắt ông Trương Duy Nhất hết. Do đó có thể khẳng định đây là một vụ bắt cóc chính thống.
Theo thông tin tôi thấy trên BBC thì có chi tiết "Một người, hôm 15/3, không biết là ai, gọi cho mẹ ở Việt Nam báo là ba hiện đang bị giam ở T16". Tôi cho rằng người này nhất định phải là thành phần quan trọng trong việc bắt ông Nhất, và nhân vật ‘bí ẩn’ này chắc chắn phải nhận chỉ thị từ một cấp rất cao.”
Vụ Trịnh Xuân Thanh có lệnh truy nã. Còn vụ ông Trương Duy Nhất thì hoàn toàn không có một giấy tờ nào mang tính chất pháp lý để bắt hết. Do đó có thể khẳng định đây là một vụ bắt cóc chính thống. - Nguyễn Ngọc Già
Ông cho rằng trong chuyện bắt ông Trương Duy Nhất không có sự đồng nhất trong Bộ chính trị của đảng cộng sản Việt Nam. Nó có sự chia rẽ và thậm chí đang có sự đấu đá, giống như trong vụ bắt Trịnh Xuân Thanh.
Ngay sau khi Trương Duy Nhất mất tích, đã có nhiều nghi ngờ trong những người Việt tị nạn tại Thái và những nhà hoạt động cho rằng ông đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc. Hồi đầu tháng 2, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phân ban châu Á của Human Rights Watch nói với Á Châu Tự do:
“Việt Nam là một trong số rất ít các nước tìm cách truy đuổi những người bỏ đi và tìm cách lôi họ trở lại Việt Nam. Mối lo ngại của chúng tôi là blogger này có thể đã bị phía Việt Nam bắt giữ.”
Vào hồi năm 2017, Đức cũng cáo buộc Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức dầu khí bị buộc tội tham nhũng, ngay trên đất Đức.
Theo Bộ luật tố tụng hình sự thì khi bắt người, trong vòng 24 giờ, cơ quan bắt giữ phải thông báo cho gia đình. Blogger Phạm Lê Vương Các cho rằng luật này nhằm ngăn chặn việc giam giữ người bí mật, vì khi giam giữ người bí mật thì người bị giam giữ sẽ đối diện với nhiều nguy cơ như bị tra tấn hoặc không được tiếp cận luật sư kịp thời. Riêng trường hợp ông Trương Duy Nhất, blogger Phạm Lê Vương Các có ý kiến:
“Vụ ông Nhất thì theo một số thông tin trên mạng cho rằng ông bị bắt từ Thái Lan đem về. Trường hợp này nó nhạy cảm với phía nhà nước. Theo quan sát thì Việt Nam trước đây cũng đã bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh bên Đức về. Nếu tiếp tục xác minh rõ việc bắt cóc ông Trương Duy Nhất thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín cũng như tính pháp quyền của một Nhà nước chính danh.
Tôi nghĩ Nhà nước đang cố gắng cân nhắc xem nên xử lý vụ ông Nhất như thế nào cho phù hợp. Họ đang trong giai đoạn cố giấu đi nguồn tin bắt ông Nhất từ Thái Lan về. Họ cần thời gian để xứ lý về mặt truyền thông.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh, một luật sư thường bào chữa cho các nhà bất đồng chính kiến thì cho rằng vụ bắt Trương Duy Nhất là một vụ nổi cộm.
“Theo nguyên tắc thì bắt người như vậy phải có thông báo với gia đình. Nếu sự kiện anh Nhất mà có mức độ nghiêm trọng ảnh hưởng đến xã hội, đến quốc gia thì phải có thông cáo báo chí nữa cơ. Chuyện này cũng lạ. Tuy nhiên nếu họ không thông báo thì nó trái thông lệ thôi chứ cũng không sai theo quy định. Nếu sai thì sai phần không thông báo cho gia đình.”
Ông nói thêm rằng thực sự ông không biết gia đình ông Nhất có được thông báo không và thông báo từ thời điểm nào. Ông nhấn mạnh một điểm đáng nói về luật trong vụ này qua thông tin mới nhất là bị bắt hôm 28/1:
“Trong vụ này có điểm đáng nói về phương diện pháp luật, là ngày nào họ bị bắt tức ngày đó họ đã mất tự do, thì phải đó phải tính. Sau này khi tòa xét xử thì thồi gian bị bắt sẽ được cấn trừ vào thời gian tòa tuyên án. Nếu bắt ông Nhất vào ngày 26 mà hồ sơ để ngày 28 để hợp thức hóa thì nếu bị tuyên án tù ông Nhất sẽ mất hai ngày 26 và 27 không được trừ vào thời gian thụ án. Với người tự do thì không sao chứ với người tù thì “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”.
RFA liên lạc với cô Trương Thục Đoan sáng 21/3/2019 thì cô xác nhận gia đình cô không nhận được văn bản hay thông tin chính thức nào về việc bắt giam từ chính quyền.
Kể từ khi ông Trương Duy Nhất bị mất tích tại Thái Lan đến nay là gần hai tháng. Trên các trang mạng xã hội đồn đoán rằng có lẽ sẽ có kịch bản như Trịnh Xuân Thanh, tức sẽ xuất hiện trên truyền thông, truyền hình xác nhận về Việt Nam đầu thú.
Vì thế phía chính phủ Việt Nam buộc phải làm một động tác mà tôi cho rằng họ đang rất đau đầu, nghĩa là họ phải hợp thức hóa toàn bộ giấy tờ để bắt ông Trương Duy Nhất. - Nguyễn Ngọc già
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già thì nhận định khác. Ông cho rằng kịch bản nhiều người dự đoán là lập lại như Trịnh Xuân Thanh, tức ra đầu thú, là chuyện đó sẽ không có, vì ông Nhất có bị truy nã đâu mà đầu thú!
Ông nói thêm rằng đã đến lúc chuyện ông Trương Duy Nhất không thể ém nhẹm được nữa và chính quyền đang tìm mọi cách ‘hợp thức hóa’ chuyện này:
“Có thể họ bắt tại Thái Lan rồi đưa qua Campuchia rồi đưa về Việt Nam theo cách bắt cóc y như của băng đảng. Vì thế phía chính phủ Việt Nam buộc phải làm một động tác mà tôi cho rằng họ đang rất đau đầu, nghĩa là họ phải hợp thức hóa toàn bộ giấy tờ để bắt ông Trương Duy Nhất.
Ngoài thông tin từ ông Bùi Thanh Hiếu ra thì chuyện ông Cao Lâm bị trục xuất về Việt Nam, chuyện ông Bạch Hồng Quyền đang phải lẩn trốn để tránh việc bắt bớ, rồi RFA đã báo cáo cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và một số dân biểu Mỹ thì sự việc ông Trương Duy Nhất không còn có thể ém nhẹm được nữa, và tôi tin rằng phe muốn bắt ông Trương Duy Nhất đã mất kiểm soát và phe chống lại đang sử dụng lợi thế này để bung vụ này ra. Tôi nhận định đây là sự đấu đá trong Bộ chính trị hiện nay.”
Ngay sau khi ông Trương Duy Nhất bị mất tích, nhiều đồn đoán cho rằng ông Nhất nắm giữ nhiều bí mật của ngành công an, liên quan đến vụ án Vũ Nhôm.
Ông Trương Duy Nhất từng là một phóng viên của báo Công an Đà Nẵng, sau đó tạo lập trang blog Một Góc Nhìn Khác, đưa nhiều vấn đề mang tính phản biện liên quan đến chính trị xã hội Việt Nam. Ông bị bắt vào năm 2013, bị tuyên án hai năm tù giam với tội danh ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước’ theo điều 258 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/truongduynhat-story-more-complicate-than-trinhxuanthanh-dt-03212019135706.html
Bạch Hồng Quyền lo lắng bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ vì có liên quan đến blogger Trương Duy Nhất
Bạch Hồng Quyền, một người hoạt động vì nhân quyền ở Việt Nam hiện đang lẩn trốn tại Thái Lan, đang lo ngại mình sẽ là một nạn nhân của chính quyền hai quốc gia: Việt Nam, đất nước mà anh đã bỏ ra đi 2 năm về trước khi bị truy nã vì các hoạt động xã hội, và Thái Lan, đất nước mà anh hy vọng sẽ cho mình một nơi trú ẩn an toàn.
Quyền là người đã giúp đỡ Trương Duy Nhất, một blogger của Đài Á Châu Tự Do, người bị mất tích khi đang ở Bangkok hồi cuối tháng 1 vừa qua, khi đang xin quy chế tị nạn. Những nghi ngờ trước đó cho rằng Nhất bị an ninh Việt Nam bắt cóc với sự cộng tác của phía Thái Lan đã được củng cố thêm sau khi Đài Á Châu Tự Do nhận được thông tin xác nhận blogger này đang bị giam giữ tại Hà Nội. Thông tin xác nhận từ con gái của blogger là thông tin đầu tiên về ông kể từ khi ông mất tích gần 2 tháng về trước.
Trường hợp của blogger Trương Duy Nhất càng làm xấu thêm hình ảnh của Thái Lan vốn được coi là nơi lánh nạn an toàn cho những người tị nạn ở khu vực Đông Nam Á. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Busadee Santipaks đã từ chối không đưa ra bất cứ lời bình luận nào hôm 21/3 liên quan đến thông tin mới nhất về blogger, mà chỉ nói vắn tắt rằng vấn đề đang được cảnh sát Thái xử lý.
“Tôi hiện rất lo ngại cho sự an toàn của tôi và gia đình tôi”, Bạch Hồng Quyền, 29 tuổi – cha của 3 con nhỏ, nói với Đài Á Châu Tự Do trong một cuộc phỏng vấn riêng. Mặc dù đã được Liên Hiệp Quốc cấp quy chế tị nạn vốn được coi là có thể bảo vệ người tị nạn khỏi bị bắt giữ hoặc trục xuất, Quyền nói anh vẫn phải lẩn trốn, sống tách rời khỏi gia đình mình để tránh không bị bắt giữ.
“Nếu chính phủ Thái bắt giữ tôi, họ chắc chắn sẽ trao tôi cho phía Việt Nam”, Quyền nói.
Nỗi lo sợ của Quyền bắt nguồn từ những gì đã xảy ra với blogger Trương Duy Nhất, một tiếng nói chỉ trích chính phủ, người được những nhà hoạt động cho rằng đã bị phía Thái Lan bắt giữ khi đang ở tại một trung tâm mua bán ở ngoại ô Bangkok, rồi sau đó trao cho phía an ninh Việt Nam. Trương Duy Nhất cũng là người đóng góp thường xuyên các bài vở cho ban Việt ngữ, Đài Á Châu Tự Do.
Blogger Người Buôn Gió (Bùi Thanh Hiếu) hiện đang sống ở Đức, viết trên trang facebook của mình hôm 10/3 rằng cảnh sát Thái đã bắt Nhất đến một quán ăn ở ngoài Bangkok nơi các nhân viên an ninh Việt Nam đã chờ sẵn. “Khi Nhất thấy người Việt Nam đi xe đến, Nhất cự không kịp và bị những người bịt mặt này bẻ tay, trùm đầu vất lên xe tiêm thuốc mê”, blogger Người Buôn Gió viết.
Chính phủ Thái Lan nói rằng họ đang điều tra trường hợp của blogger Trương Duy Nhất. Đây cũng là trường hợp khiến một số dân biểu Mỹ phải quan tâm lên tiếng. Phản ứng từ chính phủ của Tổng thống Trump đến giờ này là im lặng. Chính phủ Mỹ thường tránh chỉ trích tình trạng nhân quyền ở các nước đồng minh châu Á như Thái Lan và Việt Nam, nơi đã tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Bắc Hàn hồi tháng trước.
Về phần mình, Quyền nói anh cảm thấy mình như người bị chú ý vì những thông tin bên trong mà anh biết được về sự biến mất của Nhất. Anh nói anh đã giúp blogger tìm nơi ở tại Bangkok và giúp nộp hồ sơ xin quy chế tị nạn lên văn phòng Cao Ủy về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc ở Bangkok hôm 25/1, một ngày trước khi Nhất mất tích, và anh có những thông tin liên quan đến việc khiến blogger hay chỉ trích chính quyền và vốn có nhiều quan hệ phải chạy trốn khỏi Việt Nam.
Con gái của Nhất, cô Trương Thục Đoan, nói rằng mẹ cô, tức blogger Nhất, là bà Cao Thị Xuân Phượng, được phía trại giam cho biết Nhất đã bị bắt từ ngày 28/1, 2 ngày sau khi ông bị bắt cóc ở Bangkok. Nhất hiện đang bị giam giữ tại trại T16 ở Hà Nội. Bà Phượng hiện vẫn chưa được phép vào thăm chồng.
“Rõ ràng là ba tôi không có ý định quay về Việt Nam”, cô Trương Thục Đoan nói.
Quyền nói về nỗi sợ của mình có liên quan đến trường hợp của Nhất, và cho rằng cảnh sát Thái và Việt Nam đang muốn xóa mọi dấu vết của Nhất nhằm che đậy những gì đã xảy ra. Anh cũng nói đến những lo ngại đã được các nhà hoạt động nhân quyền đưa ra rằng chính phủ Việt Nam và chính phủ Thái Lan có thể đang muốn trao đổi các nhà bất đồng chính kiến mà họ đang tìm kiếm ở cả hai nước. Chính phủ Thái đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào cuối tuần này.
“Vào lúc này, tôi không thể sống cùng gia đình tôi vì tôi biết chính phủ Thái đang theo dõi vợ tôi để tìm ra tôi”, Quyền nói trong một cuộc phỏng vấn trước khi thông tin về Nhất xuất hiện. RFA đồng ý không tiết lộ thời gian và địa điểm cuộc phỏng vấn vì những lo ngại cho an toàn của Quyền.
“Chúng tôi đã không sống cùng nhau suốt khoảng 10 ngày nay. Vợ tôi hôm qua nói với tôi rằng một vài cảnh sát đã đậu xe dưới tòa nhà nơi gia đình tôi sống. Chiều qua, một vài người đã đến gõ cửa nhà tôi và vào trong để tìm xem tôi có ở nhà không nhưng họ không thấy tôi nên đã bỏ đi. Họ nói với vợ tôi là họ là an ninh của tòa nhà nhưng họ lại mặc quần áo thường”, Quyền cho biết.
Quyền đang tìm kiếm việc định cư ở Canada, nơi được coi là nơi đến hàng đầu cho những người tìm quy chế tị nạn sau khi Hoa Kỳ cắt giảm đáng kể con số người tị nạn mà nước này có thể chấp nhận.
Bản copy đơn xin tị nạn của Quyền tới chính phủ Canada hôm 2/3 mà RFA có được viết: “Tôi hiện đang sống trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm”.
RFA đã gọi số điện thoại của Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok để xin phản ứng về những cáo buộc mà Quyền đưa ra rằng Việt Nam muốn Thái Lan trục xuất Quyền, nhưng số điện thoại dường như không hoạt động.
Giới chức di trú Thái Lan từ chối có bất cứ thông tin nào liên quan đến nỗ lực nhằm trục xuất Quyền, người đã chạy sang lánh nạn tại Thái Lan từ tháng 5 năm 2017 vì bị truy nã với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” sau khi anh tổ chức một cuộc diễu hành kỷ niệm vụ ô nhiễm biển miền trung Việt Nam năm 2016. Thảm họa môi trường này đã dẫn đến nhiều vụ biểu tình phản đối lớn.
“Chúng tôi không có thông tin Bạch Hồng Quyền trong hệ thống. Anh ta không có ở đây”, Đại tá Cảnh sát Tatpong Sanawarangkoon, người phụ trách bộ phận thuộc Cơ quan di trú, nói với hãng tin BenarNews. Người đại diện cơ quan Di trú Thái nói ông không thể đưa ra nhận xét nào về những cáo buộc mà Quyền đưa ra liên quan đến việc cảnh sát Thái Lan đang tìm kiếm anh.
Mặc dù Thái Lan không phải là một nước ký Công ước về người Tị nạn năm 1951, nhưng Thái Lan đã luôn được coi là một nơi đến cho những người tị nạn chạy trốn chiến tranh và đàn áp từ các nước láng giềng.
Những vụ cưỡng bức trục xuất người tị nạn hoặc tìm kiếm quy chế tị nạn do lo ngại bị đàn áp trên thực tế là rất hiếm ở Thái kể từ sau khi Thái Lan gửi trả hơn 100 người Hồi giáo Uighur về lại Trung Quốc hồi nằm 2015, gây bất bình trong quốc tế. Tuy nhiên, những người tị nạn vẫn phải đối mặt với tình trạng bấp bênh. Gần 10% trong số hơn 5.000 người có đăng ký được quan tâm của UN tại Thái Lan hiện đang bị giam giữ trong trung tâm giam giữ của sở Di trú.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới hồi tuần trước nói rằng sau khi cảnh sát Thái tìm đến nhà Quyền vào ngày 1/3, họ lo ngại là giới chức Thái sẽ cho phép an ninh Việt Nam bắt cóc Quyền.
“Chúng tôi thúc giục chính phủ Thái Lan tôn trọng quy chế của Bạch Hồng Quyền và gia đình anh ta là những người tị nạn và ngưng việc đe dọa Quyền dưới bất cứ cách nào”, ông Daniel Bastard, người đứng đầu phân ban Châu Á Thái Bình Dương của tổ chức Phóng viên Không Biên giới nói với RFA.
Quyền sống ở Thái Lan cùng với vợ là Bùi Hương Giang và ba con là Bạch Yến Nhi, 6 tuổi, Bạch Gia Hân, 3 tuổi và con trai Bạch Joseph, 6 tháng sinh tại Thái Lan.
Quyền nói Quyền không hối tiếc việc giúp Nhất, người đã nói với Quyền là phải dời Việt Nam vì lo sợ sẽ bị bắt giữ. Nhất cũng nói rằng ông có những thông tin bên trong có thể gây nguy hại cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông nói ông có ý định sẽ công bố những thông tin này khi ông có được quy chế tị nạn ở nước khác.
Quyền giải thích rằng anh không lạ gì những sách nhiễu đối với các hoạt động xã hội của mình ở Việt Nam.
“Khi tôi bị nguy hiểm, đã có những người khác giúp đỡ tôi”, Quyền nói, “Khi Trương Duy Nhất nói với tôi là anh ấy gặp nguy hiểm, là một người Việt Nam và là một người hoạt động tôi thấy bình thường khi giúp đỡ một người bạn, người cũng đã từng bị đi tù vì những bài viết của anh ấy trên blog và hiện giờ đang gặp nguy hiểm”.
“Tôi không hối tiếc về những gì mình đã làm”, Quyền nói tiếp, “Tôi đang gặp nguy hiểm nhưng ít nhất tôi vẫn còn tự do”.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-activist-hiding-in-thailand-fears-arrest-over-links-to-jailed-blogger-03212019101701.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten