zaterdag 23 maart 2019

Pháp dùng sức Liên Hiệp Châu Âu để đối phó với Trung Quốc + Châu Âu thức tỉnh trước những tham vọng bành trướng của Trung Quốc



Pháp thúc đẩy chiến lược dùng sức LHCA để đối phó với Trung Quốc


mediaTổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Bắc Kinh, nhân chuyến thăm Trung Quốc ngày 08/01/2018REUTERS/Charles Platiau
Trong lúc mọi người đang cố đoán xem tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ nói gì với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp lãnh đạo Bắc Kinh ghé Paris vào tuần tới, thì hôm qua, 21/03/2019, Điện Elysée thông báo là ngày 26/03 tới đây, trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Paris với ông Tập Cận Bình, ngoài tổng thống Pháp, còn có thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker.
Đối với giới phân tích, sáng kiến của ông Macron là thể hiện quyết tâm của Pháp, muốn củng cố một mặt trận thống nhất của toàn Liên Hiệp Châu Âu để có sức đối phó với đà bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh một thành viên nặng ký của Liên Hiệp Châu Âu là Ý lại xé lẻ đi theo Bắc Kinh.
Thông cáo về cuộc họp 3+1 dĩ nhiên có lời lẽ hết sức ngoại giao để khỏi đụng chạm Trung Quốc, xác định rằng cuộc họp chỉ nhằm mục tiêu tìm kiếm « những điểm tương đồng » giữa châu Âu và Trung Quốc, và « giải thích » với Bắc Kinh về chiến lược của châu Âu.
Thế nhưng, chủ trương của Pháp dùng đa phương chống song phương, dùng sức mạnh tập thể của toàn khối Liên Hiệp Châu Âu để đương cự lại Trung Quốc đã hiển hiện trong nhận định từ phủ tổng thống Pháp, theo đó « cuộc thảo luận phải diễn ra ở cấp châu Âu, chứ không chỉ đơn phương từ phía Pháp ».
Bản thân tổng thống Pháp, trong nhưng ngày gần đây, đã không ngần ngại cổ vũ các thành viên Liên Hiệp Châu Âu hợp lực với nhau để có một đối sách thỏa đáng với Trung Quốc.
Vào hôm qua, 21/03, khi đến Bruxelles tham dự hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Châu Âu trong đó vấn đề quan hệ với Trung Quốc chiếm một vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự, ông Macron đã hoan nghênh « sự thức tỉnh » của châu Âu liên quan đến vấn đề Trung Quốc.
Phát biểu với các phóng viên, tổng thống Pháp nhắc lại rằng ngay từ đầu nhiệm kỳ, ông đã kêu gọi mọi người nhận thức thực sự về nhu cầu bảo vệ chủ quyền của châu Âu, và rốt cuộc châu Âu đã có được nhận thức rõ « về những chủ đề quan trọng như Trung Quốc ».
Sự « thức tỉnh » mà tổng thống Pháp nói đến là một danh mục dài các yêu cầu mà Liên Hiệp Châu Âu sẽ gởi đến phía Trung Quốc nhân Thượng Đỉnh LHCA-Trung Quốc vào tháng Tư tới đây, đề nghị Bắc Kinh có biện pháp tích cực nhằm giải tỏa những nỗi bất mãn ngày càng tăng tại nhiều nước châu Âu về cách hành xử của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các lãnh đạo châu Âu cũng nghĩ đến một loạt biện pháp để bảo vệ LHCA tốt hơn trước các hoạt động kinh tế và thương mại không công bằng, chủ yếu nhắm vào Trung Quốc. Trong số các biện pháp này có cơ chế mua sắm quốc tế mới để bảo đảm nguyên tắc có đi có lại trong việc tiếp cận thị trường mua sắm ở nước ngoài, và đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Pháp là một trong những nước bảo vệ mạnh mẽ nhất cho việc thiết lập cơ chế đó.
Nhìn chung, sáng kiến tập hợp hai nước đầu tầu của Liên Hiệp Châu Âu cùng với Ủy Ban Châu Âu – tức là cơ chế hành pháp của Liên Âu – để thảo luận với Trung Quốc về quan hệ châu Âu-Trung Quốc là một cách để cho Bắc Kinh thấy là không nên xem thường quyết tâm của châu Âu trong việc yêu cầu Trung Quốc sửa đổi cách làm ăn.
Đó cũng là một thông điệp gởi đến những nước như Ý, phớt lờ châu Âu để quan hệ riêng với Trung Quốc, bất chấp rủi ro là sẽ rơi vào thế yếu và bị Trung Quốc lấn lướt. Chính quyền Rôma như đã thấy rõ thông điệp này. Theo hãng tin Ý AGI, chính phủ Ý không hoan nghênh chút nào hội nghị thượng đỉnh nhỏ của bộ ba châu Âu với chủ tịch Trung Quốc vào thứ Ba tới đây.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190322-phap-thuc-day-chien-luoc-dung-suc-lhca-de-doi-pho-voi-trung-quoc

Châu Âu thức tỉnh trước những tham vọng bành trướng của Trung Quốc

mediaChủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (P) tiếp ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bruxelles, Bỉ ngày 18/03/2019.REUTERS / Yves Herman
Lần đầu tiên thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu đưa hồ sơ Trung Quốc vào chương trình nghị sự. Tối ngày 21/03/2019, lãnh đạo 28 nước trong Liên Âu xem xét một kế hoạch nhằm "cân bằng hóa" quan hệ giữa Bruxelles và Bắc Kinh, đúng vào lúc chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu công du Ý và Pháp, kéo dài từ ngày 21 đến 26/03/2019.

Đỉnh điểm của vòng công du châu Âu lần này của lãnh đạo Trung Quốc là lễ ký kết bản ghi nhớ với Roma về dự án « Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21 ». Ý là quốc gia đầu tiên trong khối G7 – nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới – hưởng ứng dự án kết nối Trung Quốc với những châu lục khác trên toàn thế giới. Với Bắc Kinh, việc lôi kéo được Ý tham gia dự án đầy tham vọng này của ông Tập Cận Bình là một « thắng lợi » quan trọng.
Nhưng đúng vào lúc chủ tịch Trung Quốc dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu với 500 doanh nhân và 130 phóng viên từ Hoa Lục đổ bộ vào Roma, tại Bruxelles, lãnh đạo 28 nước trong Liên Âu tuy bị chi phối về hồ sơ Brexit, nhưng sẽ dành thời gian để thảo luận về chiến lược mới đối với Trung Quốc.
Trong một báo cáo được công bố hôm 12/03/2019, Ủy Ban Châu Âu lần đầu nhìn nhận Trung Quốc vừa là một « đối tác chiến lược » vừa là một « đối thủ quan trọng » của Bruxelles. Về mặt chính trị, Bruxelles lo ngại trước việc Bắc Kinh có tham vọng áp đặt « những mô hình quản lý mới ».
Trên phương diện kinh tế, Liên Hiệp đánh giá Trung Quốc là một đối thủ « cạnh tranh đáng gờm », có « tham vọng thống lĩnh thế giới về mặt công nghệ ». Do vậy báo cáo của Ủy Ban Châu Âu cho rằng, đã đến lúc Bruxelles cần bớt ngây thơ và phải có những công cụ pháp lý để tự vệ, giới hạn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhắm vào những lĩnh vực nhậy cảm đe dọa trực tiếp đến an ninh châu Âu. Một thí dụ cụ thể là tài liệu này nêu đích danh tập đoàn viễn thông Hoa Vi và viễn cảnh Trung Quốc nắm trọn trong tay hệ thống 5G trên Lục Địa Già.
Cũng trong tinh thần thận trọng đó, đầu tuần này, ủy ban đặc trách về chính sách chiến lược của Liên Hiệp CESP công bố một báo cáo thứ nhì, kêu gọi các nước thành viên « thức tỉnh » trước « những thực tế về chính sách công nghiệp và những chuyển biến về địa chính trị của toàn cầu ». Đứng đầu trong số đó là tham vọng của Bắc Kinh không chỉ về ngoại giao, về lãnh thổ mà cả về kinh tế, công nghệ cao.
Việc Bắc Kinh và Roma trong hai ngày nữa ký bản ghi nhớ về dự án Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21 càng minh họa cho ý đồ của Trung Quốc chen chân vào những lĩnh vực nhậy cảm đối với châu Âu. Sau khi đã mua lại cảng Pirée của Hy Lạp, đầu tư vào cảng Sines của Bồ Đào Nha, hải cảng Trieste ở miền bắc nước Ý đang bị coi là « con ngựa thành Troie » để Trung Quốc chinh phục châu Âu.
Vậy liệu rằng có quá trễ để Bruxelles « cân bằng hóa » quan hệ với Bắc Kinh ? Câu hỏi này được đặt ra khi biết rằng, Trung Quốc luôn thực hiện một chiến lược rất lợi hại, đó là chia để trị. Trong khi đó, kế hoạch hành động của Ủy Ban Châu Âu đòi hỏi Liên Âu phải đoàn kết để ngăn chặn các tham vọng của Bắc Kinh. Nhất là như báo động của nhà Trung Quốc học, ông François Godement thuộc viện nghiên cứu độc lập Institut de Montaigne, Trung Quốc luôn đem tiền ra dụ dỗ các đối tác, nhưng người khổng lồ châu Á này « hứa hẹn thì nhiều, mà đầu tư thật sự thì chẳng bao nhiêu ».
Còn theo chuyên gia về Đông Nam Á, bà Sophie Boisseau du Rocher, tác giả tập sách « Trung Quốc và/là Thế giới - La Chine e(s)t le Monde », nhà xuất bản Odile Jacob, Liêu Hiệp Châu Âu cần nhanh chóng đưa ra một chính sách rõ ràng với Trung Quốc, bởi vì hiện tại Bắc Kinh còn đang cần công nghệ của châu Âu. Đó là một lá bài quan trọng để Bruxelles mặc cả với Bắc Kinh.
Đòi hỏi tìm được một tiếng nói chung để đàm phán với Trung Quốc càng cấp bách hơn nữa trong bối cảnh hai ông khổng lồ thế giới là Bắc Kinh và Washington đang đọ sức trên bàn cờ thương mại. Một nghiên cứu gần đây của quỹ Eurofound cho thấy càng bị Donald Trump dồn vào chân tường, Tập Cận Bình lại càng dốc toàn lực vào châu Âu, và như vậy, Trung Quốc lại càng trở thành một mối cạnh tranh nguy hiểm trên Lục Địa Già.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190321-lhca-thuc-tinh-tham-vong-banh-truong-trung-quoc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten