donderdag 21 maart 2019

California : Nhớ ‘vua nhạc trẻ’ Trường Kỳ nhân Lễ Giỗ thứ 10

Nhớ ‘vua nhạc trẻ’ Trường Kỳ

Đằng-Giao/Người Việt

Ban tổ chức buổi tưởng niệm. Từ trái, ca sĩ Cao Giảng, Bác Sĩ Bùi Thế Trung, nghệ sĩ Trung Nghĩa, ca sĩ Jo Marcel, chủ nhiệm báo Trẻ Kỳ Phát và nhạc sĩ Nam Lộc. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Buổi tưởng niệm 10 năm ngày nhà báo Trường Kỳ qua đời vào tối Chủ Nhật, 17 Tháng Ba, tại vũ trường Bleu, Westminster, được quá nhiều người tham dự. Nhiều đến nỗi không còn ghế ngồi, không còn chỗ đứng nên những người đến trễ đành phải ra về.
“Cho buổi tưởng niệm này, chúng tôi hoàn toàn không bán vé. Đã vậy chúng tôi còn mua vé mời vợ và con gái anh Trường Kỳ là chị Thu Huyền và cháu Tú Uyên từ Montreal, Canada sang,” nhạc sĩ Nam Lộc, thành viên ban tổ chức, nói. “Chúng tôi tổ chức chương trình này hoan toàn vì tình bạn chứ không vì lợi nhuận.”
Đúng vậy, buổi tưởng niệm Trường Kỳ là một chương trình được thực hiện bằng tấm chân tình của những người bạn dành cho một người bạn đã qua đời.
Ca sĩ Jo Marcel là người khởi xướng việc tổ chức buổi tưởng niệm này. “Ai cũng yêu quý anh Trường Kỳ nên chúng tôi đồng ý ngay,” ông Nam Lộc kể. “Ban tổ chức gồm các anh Jo Marcel,  Kỳ Phát,  Trung Nghĩa, Cao Giảng, Bác Sĩ Bùi Thế Trung, Kiến Trúc Sư Trần Đình Thục và tôi,” ông Nam Lộc cho biết.
Bà Đinh Thị Thu Huyền, phu nhân ông Trường Kỳ, chia sẻ: “Tôi và cháu Tú Uyên hết sức cảm động khi thấy bạn bè còn nhớ tới và quý mến anh Trường Kỳ như vậy. Phần tôi, tôi không thể nào quên anh được, vì ngày nào cũng có người nhắc tên anh ấy, làm tôi nghĩ tới anh từng phút.”
Bà Thu Huyền (cầm hình) cùng con gái Uyên (phải) và gia đình từ Canada sang. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Nhìn quanh căn phòng rộng đông kín người, bà tiếp: “Anh sống hiền hòa nên ai cũng thương tiếc. Tôi xin cám ơn tất cả những ai còn giữ những gì tốt đẹp về anh.”
Bà Thu Huyền, tuy vui vẻ nói cười, nhưng ánh mắt trũng buồn đầy tâm tư của người cô phụ âm thầm bộc lộ được nỗi lòng bà cô quạnh suốt 10 năm qua.
Trong phần phát biểu, ông Jo Marcel cho biết ông rất thương nhớ Trường Kỳ, người bạn thời niên thiếu của mình. Trước khi nhạc trẻ được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam, Trường Kỳ đã thực hiện chương trình “Hippy A Go-Go” mỗi chiều Chủ Nhật tại các phòng trà ở Sài Gòn của ông là Chez Jo Marcel, Ritz và Queen Bee.
“Tôi vui vì có thể cung cấp ‘sân chơi’ cho bè bạn,” Jo Marcel nói.
Nhạc sĩ Nam Lộc nhắc lại công lao vận động cho nhạc trẻ của Trường Kỳ năm 1964, khi ông tổ chức đại hội nhạc trẻ lần đầu tại Trung Học La San Taberd, Sài Gòn. Sức chứa của phòng khánh tiết chỉ khoảng 1,000 người.
Trường Kỳ và Kiều Chinh thời 1960-70. (Hình: Kiều Chinh cung cấp)
Nhưng năm sau, ông Trường Kỳ tổ chức ở sân vận động Hoa Lư với sự trợ lực của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị. Lần này, số người tham dự lên đến 20,000. Tất cả lợi nhuận của đại nhạc hội đều được gởi tặng Hội Thương Binh và Hội Cô Nhi Quả Phụ.
Uy tín tăng dần, ông làm đại nhạc hội hằng năm ở Sở Thú. Chương trình ông làm, lúc nào cũng đông nghẹt. Bạn bè thân cận như Nam Lộc, Kỳ Phát, Trần Đình Thục, Bùi Thế Trung, ai cũng giúp ông một tay.
Những bạn hữu có mặt, ai cũng nhắc đến một biệt danh rất dễ thương của Trường Kỳ nhưng ông không chịu nhận là “Thủ Lãnh Hippy.” Ông muốn làm bạn với mọi người chứ không thích làm thủ lãnh của ai cả.
Thời phong trào hippy mới được du nhập vào Việt Nam, Trường Kỳ để râu um tùm, tóc bù xù “như Mỹ đen,” cũng quần ống loe, cũng áo bó sát. Ông Kỳ Phát, chủ nhiệm báo Trẻ Magazine, hồi tưởng: “Trường Kỳ là một trong những người có công đầu trong việc thúc đẩy và phổ biến nhạc trẻ tại miền Nam Việt Nam.”
Từ trái, Kỳ Phát, Jo Marcel, Trường Kỳ, Tùng Giang, và Nam Lộc năm 1994. (Hình: Trần Đình Thục cung cấp)
Nói về ảnh hưởng lớn lao của Trường Kỳ trọn đời bè bạn, ông Kỳ Phát kể: “Đám cưới Trường Kỳ, anh  dúi cái ‘microphone’ vô tay anh Nam Lộc, ép anh ấy làm MC. Anh Nam Lộc trở thành MC từ lúc đó.”
Ông tiếp: “Phần tôi, Trường Kỳ khuyến khích tôi viết báo về nhạc trẻ và tôi trở thành người làm báo về văn nghệ cho tới bây giờ.”
Báo Trẻ Magazine của ông Kỳ Phát có được ngày hôm nay cũng nhờ sự đóng góp không ít của Trường Kỳ.
“Hồi mới bắt đầu làm báo, tôi nhờ anh giúp tôi một tay. Anh ấy sẵn sàng phụ trách nhiều chuyên mục. Tôi không bao giờ quên công lao này của anh,” ông Kỳ Phát tâm sự.
Ông cho rằng mình là người may mắn được có mặt bên Trường Kỳ trong những giờ phút quan trọng của bạn mình. Ông kể: “Lần đó, Trường Kỳ rủ tôi vô đài truyền hình số 9 để xuất hiện trong một ‘show’ của nhạc sĩ Tùng Giang. Anh Nam Lộc cũng đến và giới thiệu hai cô bạn thuộc loại ‘hippy choai choai’ cho chúng tôi, không dè năm sau, một cô trở thành vợ anh Trường Kỳ cho tới bây giờ.”
Vũ trường chật kín người tham dự. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Nữ tài tử Kiều Chinh cũng có mặt. Bà nói: “Tôi đến đây để ôn lại một thời trẻ trung của mình với Trường Kỳ, cũng như để sống lại với âm nhạc của Sài Gòn thời 60, 70. Nhớ lắm, đó là một thời không ai quên được.”
“Trường Kỳ là người chan hòa và rất dễ thương. Bạn bè tôi ‘rơi rụng’ ngày một nhiều. Nhưng ký ức của thời ấy, tôi không bao giờ quên được,” bà tiếp.
Những người hâm mộ Trường Kỳ cũng một lòng tưởng nhớ ông.
Ông Phan Đức Lưu, cư dân San Diego, cười nói: “Trường Kỳ là một hiện tượng lạ. Anh không là ca sĩ, cũng không là nhạc sĩ, nhưng tên tuổi anh gắn liền với nền nhạc trẻ Việt Nam. Đối với những người ở tuổi tui, đó là âm nhạc của một thời vàng son.”
Bà Tracy Trang Nguyễn, ở Huntington Beach, chia sẻ: “Ngộ lắm, nhắc tới cái tên Trường Kỳ, tui không nhớ mình là bà, nội, bà ngoại rồi. Tui không nhớ mình có bốn đứa cháu mà tưởng mình như mới 17 tuổi thôi.” (Đằng-Giao)
—–
Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com
https://www.nguoi-viet.com/giai-tri/nho-vua-nhac-tre-truong-ky/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten