woensdag 6 maart 2019

Quan hệ Việt Nam – Anh Quốc sau Brexit : Trao đổi thương mại song phương Việt-Anh năm 2017 đã lên tới 6,2 tỷ đôla, tăng 3,5 lần trong 10 năm.

Quan hệ Việt Nam – Anh Quốc sau Brexit

Quan hệ Việt Nam – Anh Quốc sau Brexit
 
Một người biểu tình ủng hộ Brexit trước toà nhà Quốc Hội Anh ngày 28/01/2019.Reuters

    Sau khi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, Luân Đôn rất cần đến các hiệp định thương mại đa phương và song phương, đặc biệt là trong kịch bản “Brexit cứng” ( Brexit không thỏa thuận ), một kịch bản ngày càng có khả năng xảy ra sau khi Quốc Hội Anh bác bỏ thỏa thuận mà thủ tướng Theresa May đã thương lượng với Liên Hiệp Châu Âu. Trong chiều hướng đó, Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung được xem là những phương án tốt nhất đối với của Anh Quốc trong thời hậu Brexit.

    Trong một bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ nhân chuyến thăm Việt Nam từ ngày 2 đến 3/01/2019, ông Mark Field, quốc vụ khanh bộ Ngoại Giao Anh phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã khẳng định, sau khi rời Liên Hiệp Châu Âu, Luân Đôn sẽ thắt chặt quan hệ với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, bao gồm giáo dục, công nghệ, thành phố thông minh và an ninh mạng.
    Trước đó, trong bản tuyên bố chung giữa Việt Nam và Anh Quốc, được công bố nhân chuyến viếng thăm của bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh vào tháng 10/2018, hai nước khẳng định sẽ “ tích cực thúc đẩy” việc sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam (EVFTA).
    Tuyên bố chung này cũng nhấn mạnh “Việt Nam và Anh mong muốn duy trì quan hệ thương mại suôn sẻ khi Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, bao gồm thông qua việc bảo đảm tính liên tục trong hoạt động kinh doanh, với việc chuyển tiếp EVFTA trong thời kỳ chuyển tiếp Brexit”. Hai bên cũng thỏa thuận sẽ “tiếp tục tham vấn nhau về khả năng Anh gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”.
    Trong một báo cáo đưa vào tháng 6/2018, Hội đồng Kinh doanh Anh Quốc – ASEAN và Trung tâm Đông Nam Á Saw Swee Hock ( Đại học Kinh tế Luân Đôn ) nhấn mạnh là Anh Quốc vẫn có quan hệ lịch sử lâu năm và sâu rộng với vùng Đông Nam Á. Về thương mại, kim ngạch xuất khẩu của Anh Quốc với ASEAN cao hơn toàn bộ kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc. Trong khối ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại đứng hàng thứ ba của Anh Quốc. Trao đổi thương mại song phương Việt Nam – Anh Quốc năm 2017 đã lên tới 6,2 tỷ đôla, con số cao nhất từ trước tới nay, tăng 3,5 lần trong 10 năm.
    Trong thời kỳ hậu Brexit, Luân Đôn càng cần đến những hiệp định thương mại có sự tham gia của ASEAN như hiệp định CPTPP, cũng như những hiệp định tự do mậu dịch song phương với một số nước ASEAN như Việt Nam, hay hiệp định tự do mậu dịch ASEAN – Anh Quốc.
    Trong một bài viết đăng trên The Diplomat ngày 17/01/2019, Du Nhật Đăng, một phóng viên làm việc cho báo Tuổi Trẻ và cũng là một thành viên của chương trình Reporting ASEAN ( Tường trình ASEAN ), nhận định, do ASEAN đang bị chia rẽ, khả năng Anh Quốc ký hiệp định tự do mậu dịch với toàn khối Đông Nam Á còn rất xa vời.
    Chính vì vậy, trong ngắn hạn, Luân Đôn chỉ có thể ký kết các hiệp định thương mại với một số nước thành viên ASEAN như Việt Nam. Tác giả bài viết trích lời đại sứ Anh Quốc tại Việt Nam, Gareth Ward, tuyên bố bên lề một buổi tiếp giới doanh nghiệp ở Sài Gòn vào tháng 12/2018: “ Tôi tin tưởng là khi Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, chúng tôi sẽ sẵn sàng thương lượng một hiệp định thương mại song phương với Việt Nam. Đây sẽ một điều tốt cho cả hai bên.”
    Trước mắt, một công ty chế biến hải sản của Anh Quốc, Blue Sea Food Company, đang thử nghiệm việc chở tôm cua đông lạnh bằng đường biển đến Việt Nam để chế biến và sau đó đưa sản phẩm chế biến trở lại thị trường châu Âu. Nếu thử nghiệm thành công, họ sẽ chuyển 20% sản xuất sang Việt Nam. Hiện giờ, 60% trong số 150 công nhân của Blue Sea Food Company đến từ các quốc gia Liên Hiệp Châu Âu, phần lớn là người Bulgari. Nhưng công ty này đang lo ngại sẽ khó tuyển dụng nhân công từ LiênHiệp Châu Âu do hậu quả của Brexit, cho nên buộc phải nghĩ đến việc chuyển hướng sản xuất sang Việt Nam.
    Không chỉ trong lĩnh vực thương mại, kinh tế, Anh Quốc cũng là một đối tác ngày càng quan trọng của Việt Nam về mặt chiến lược, ngoại giao. Năm 2018 đã là năm đánh dấu 45 năm quan hệ ngoại giao giữa Luân Đôn với Hà Nội. Quan hệ giữa hai nước cũng đã được nâng lên thành đối tác chiến lược vào năm 2010.
    Trong chiều hướng thắt chặt quan hệ với Việt Nam, Anh Quốc cũng đang đóng vai trò ngày càng lớn tại Biển Đông, vùng biển mang tính chất lợi ích cốt lõi đối với Việt Nam. Ngoài việc cử chiến hạm đến thăm cảng Việt Nam, như chuyến đi của chiếc HMS Albion vào tháng 9 năm ngoái, Luân Đôn cũng đang đẩy mạnh chiến lược “ Hướng Đông”. Việt Nam có thể nhân cơ hội Brexit để tranh thủ hơn nữa sự ủng hộ của Luân Đôn trên vấn đề Biển Đông.
    Sau cuộc Đối thoại chiến lược Việt Nam - Anh lần thứ 6 tại Hà Nội vào ngày 05/01/2019, thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và quốc vụ khanh Anh Mark Field đã ra một thông cáo chung, trong đó có phần nói về Biển Đông. Cụ thể, bản thông cáo chung “tái khẳng định tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình và ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, xử lý mọi tranh chấp giữa các bên liên quan bằng các biện pháp hòa bình theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được toàn thế giới công nhận, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.”
    Trả lời phỏng vấn nhật báo The Telegraph vào cuối tháng 12 năm ngoái, bộ trưởng Quốc Phòng Anh Gavin Williamson đã tiết lộ kế hoạch xây một căn cứ quân sự của nước này ở Đông Nam Á, có thể là ở Singapore hay Brunei, trong bối cảnh Luân Đôn sẽ gia tăng sự hiện diện quân sự ở nước ngoài sau Brexit. Trung Quốc dĩ nhiên là đã ngay lập tức phản đối kế hoạch này của Luân Đôn.
    Như vậy, phải chăng là Anh Quốc đang làm giống như Mỹ, tức là cũng đang xoay trục sang châu Á? Hiện chưa thể trả lời câu hỏi này, nhưng trong bài trả lời phỏng vấn với The Telegraph, bộ trưởng Williamson cho rằng Brexit là cơ hội tốt nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai để Anh Quốc định hình lại vai trò của nước này trên trường quốc tế, “đúng như mong muốn của thế giới đối với Anh Quốc”.
    Trong một bài viết đăng trên trang The Diplomat ngày 08/01/2019, chuyên gia Prashanth Parameswaran cho rằng 2019 sẽ là năm có nhiều cơ hội lẫn thách thức đối với mối quan hệ Việt Nam – Anh Quốc. Cả hai bên đều tỏ mong muốn thắt chặt hợp tác trong các lĩnh vực như giáo dục, thương mại, đầu tư và phát triển thành phố thông minh. Riêng Việt Nam thì đang vận động quốc tế để được bầu làm thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và chuẩn bị nắm ghế chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2020. Nhưng Anh Quốc thì đang phải giải quyết những vấn đề của Brexit, Việt Nam thì vẫn bị chỉ trích về những vi phạm nhân quyền.
    Tác giả Prashanth Parameswaran nhắc lại sự kiện Quốc vụ khanh phụ trách về châu Á và Thái Bình Dương của bộ Ngoại Giao Anh, Mark Field, đã đến thăm Việt Nam kể từ ngày 02/01, tức là chỉ một ngày sau khi Luật an ninh mạng ở Việt Nam bắt đầu có hiệu lực. Các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam cũng như các tổ chức nhân quyền quốc tế đều đã chỉ trích Luật an ninh mạng của Việt Nam, cho rằng luật này được đưa ra chỉ là nhằm đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến và ngăn cản tự do ngôn luận trên mạng.
    Theo tờ nhật báo Anh The Guradian, ông Mark Field bị chỉ trích là đã không lên án luật này trong chuyến thăm Việt Nam của ông. Thật ra thì vào sáng đầu tiên ở Việt Nam, quốc vụ khanh của Anh Quốc đã viết trên mạng Twitter: “ Một nền báo chí tự do và một mạng Internet tự do giúp cho kinh tế tăng trưởng”“Tự do truyền thông sẽ giúp Việt Nam thực hiện được tiềm năng to lớn của mình.” Nhưng đồng thời, ông Field tuyên bố là Anh Quốc sẽ tăng cường hợp tác về an ninh mạng ở Việt Nam. Theo The Guardian, từ năm 2015, tức là kể từ khi đảng Bảo Thủ trở lại nắm quyền, Luân Đôn đã chấp thuận các hợp đồng bán cho Việt Nam gần 5 tỷ bảng Anh thiết bị viễn thông dùng vào việc cản trở thông tin liên lạc qua mạng.
    Phó giám đốc đặc trách châu Á của tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch, Phil Robertson đã yêu cầu chính phủ Luân Đôn phải công khai đề nghị Việt Nam hủy bỏ luật an ninh mạng và phải bảo đảm không một chương trình nào của chính phủ Anh hoặc đầu tư ngoại quốc nào góp phần giúp đẩy mạnh đàn án tự do ngôn luận trên mạng.
    Như vậy thách thức đối với Anh Quốc nói riêng và các nước khác nói riêng là cân bằng việc tăng cường quan hệ với Hà Nội với việc thúc đẩy nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam.
    http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190211-quan-he-viet-nam-–-anh-quoc-sau-brexit
    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >                 

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten