woensdag 20 maart 2019

Paris lần đầu nhận danh hiệu thành phố "đắt nhất thế giới" (2018) + Hồng Kông vẫn giữ kỷ lục thành phố đắt nhất (2015)

Paris lần đầu nhận danh hiệu thành phố "đắt nhất thế giới"

mediaQuận 13 Paris nhìn từ tháp Montparnasse, ngày 6/8/2018.GERARD JULIEN / AFP
Trong một bảng xếp hạng thường niên vừa được trung tâm tham vấn Anh Quốc Economist Intelligence Unit (EIU) công bố hôm nay, 19/03/2019, thủ đô nước Pháp lần đầu tiên đoạt được một danh hiệu có thể nói là không mong muốn. Đó là chức « thành phố đắt đỏ nhất thế giới », đồng hạng với Hồng Kông và Singapore.
Trong bản Báo Cáo Chi Phí Sinh Hoạt Toàn Thế Giới (Worldwide Cost of Living), xếp hạng các thành phố có chi phí sinh hoạt cao nhất Paris lần đầu tiên xếp thứ nhất, bên cạnh Singapore và Hồng Kông. Cũng như Paris, Hồng Kông lần đầu đứng đầu danh sách này, trong lúc Singapore đã xếp thứ nhất 6 năm liên tiếp.
Theo sau bộ ba vừa kể là hai thành phố Thụy Sĩ, Zurich và Genève, trong khi New York và Los Angeles (Mỹ) quay trở lại top 10 nhờ đồng đô la mạnh lên.
Hai thành phố khác của châu Á góp mặt trong top 10 là Osaka (Nhật Bản) và Seoul (Hàn Quốc). Riêng Osaka năm nay tăng 6 bậc so với năm ngoái. Nhiều thành phố khác ở châu Á cũng đang tăng hạng, và một trong các lý do được nêu lên là chi phí thực phẩm gia tăng.
Bảng xếp hạng của cơ quan uy tín EIU, dựa trên giá cả 160 sản phẩm và dịch vụ như bánh mì, rượu vang, xăng… tại các thành phố ở 93 quốc gia trên thế giới.
Đứng cuối danh sách cũng là các đại diện châu Á. Bangalore, Chennai, New Delhi (Ấn Độ) và Karachi (Pakistan) đều thuộc nhóm có chi phí sinh hoạt rẻ nhất thế giới.
http://vi.rfi.fr/phap/20190319-paris-thanh-pho-dat-do-nhat-the-gioi

Hồng Kông vẫn giữ kỷ lục thành phố đắt nhất

media Trái ngược với hình ảnh những tòa nhà cao chọc trời, người lao động nghèo phải sống trong những chiếc "lồng" chưa tới 2 m2. Reuters/Victor Fraile
Từ 5 năm nay, giá bất động sản tại Hồng Kông vẫn tăng chóng mặt. Theo kết quả nghiên cứu được công ty bất động sản CBRE (Mỹ) công bố vào tháng 09/2015, thuộc địa cũ của Anh vẫn giữ kỷ lục là thành phố có giá nhà ở đắt nhất thế giới, với mức giá trung bình là 13.707 euro/m2.
Tiếp theo là các thành phố Luân Đôn (9.921 euro/m2), New York (8.162/m2), Paris (8.017 euro/m2), Singapore (7.830 euro/m2), Tokyo (6.757 euro/m2).
Người dân Hồng Kông là những nạn nhân đầu tiên phải chịu vấn đề nan giải này, dù chính quyền đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm hạ nhiệt cơn sốt bất động sản. Bản nghiên cứu của CBRE cho thấy : « Dù đã áp dụng một khoản lệ phí đăng ký đặc biệt và đã thắt chặt các điều kiện cấp tín dụng mua nhà, song giá nhà ở vẫn tăng thêm 13,5% vào năm 2014 và 7,2% trong vòng 5 tháng đầu năm 2015 ».
Tuy nhiên, theo CBRE, nguyên nhân chính là do “cung” vẫn không đủ đáp ứng “cầu” dẫn tới tình trạng giá bán “cao ngất ngưởng”. Thực vậy, số lượng các khu đất được cấp phép xây dựng tại thành phố có tới 7,2 triệu dân không hề tăng thêm trong những năm gần đây. Trong khi đó, giới triệu phú Hoa lục không ngừng “săn tìm” mua nhà tại “Hòn ngọc Viễn Đông”.
Hồng Kông còn nổi tiếng về những kỉ lục chuyển nhượng ngoài sức tưởng tượng. Vào tháng 02/2015, một khu đất trống rộng 11.500 m2 nằm trên ngọn đồi nổi tiếng đắt đỏ Victoria Peak đã được bán với giá 580 triệu euro (trung bình là 50.000 euro/m2 đất trống). Thế nhưng, chỉ một nửa khu đất này được phép xây dựng, nếu tính theo diện tích đất sử dụng được, thì giá trung bình còn lên tới 100.000 euro/m2.
Tuy nhiên, kỷ lục vẫn thuộc về một vụ chuyển nhượng vào mùa hè năm 2014 ; một khu biệt thự rộng 427 m2, cũng nằm trên ngọn đồi nổi tiếng của Hồng Kông, đã được bán với giá 79 triệu euro, tương đương với 185.000 euro/m2.
Nhật báo kinh tế Les Echos (21/09/15) nhận xét, với giá nhà tăng nhanh như vậy, rất nhiều người Hồng Kông, dù có thu nhập cao, vẫn khó trở thành chủ sở hữu. Trong khi đó, theo truyền thống của Trung Quốc, “an cư lập nghiệp” luôn là việc trọng đại trong đời người. Một nhân viên ngân hàng trẻ cho biết : « Ngày càng có nhiều thanh niên không kết hôn vì họ không thể mua nhà cho gia đình tương lai của mình ».
Tình trạng thất nghiệp chỉ chiếm 3% dân số Hồng Kông song rất nhiều gia đình có vài thế hệ phải sống chung dưới cùng một mái nhà do con cái trưởng thành không đủ khả năng tài chính để mua hoặc thuê nhà. Còn người lao động nghèo, thường từ Hoa lục tới, phải sống trong điều kiện vô cùng tồi tàn, gần như phi nhân đạo.
Chương trình « Đặc phái viên » (Envoyé spécial) của đài France 2 (25/04/2015), thuộc đài truyền hình quốc gia Pháp, đã thực hiện một phóng sự về « Cuộc sống trong lồng » chênh vênh trên nóc những tòa nhà cao tầng của khoảng 170.000 người lao động Hồng Kông. Người lao động nghèo, người thất nghiệp hay thậm chí nhiều gia đình chen chúc nhau trong những căn phòng rộng chưa tới 10 m2 bị rào xung quanh. Còn người độc thân chỉ có đúng một chiếc giường cũng bị hàn bao quanh (giống một cái cũi), hay những hộc chừng 1 m2, làm nơi trú thân.
Nền kinh tế năng động của Hồng Kông thu hút rất nhiều người Trung Quốc đại lục, sẵn sàng từ bỏ mọi tiện ích để đến làm việc tại thành phố năng động và giầu có này. Biết rõ những điều kiện sống khắc nghiệt như vậy, nhưng cho tới nay chính quyền đặc khu vẫn chưa có những hành động thích hợp.
Khi phóng viên của đài France 2 hỏi ông Lý, cuộc sống của ông đã thay đổi như thế nào từ khi ông sống trong "chiếc lồng" rộng 2 m2, người đàn ông khoảng 40 tuổi trả lời với cái nhìn lơ đãng : « Tôi còn không tự đặt câu hỏi kiểu này ». Cuối cùng, ông nói là đã không nhìn thấy biển từ ba năm nay, trong khi bốn bề Hồng Kông là nước.
Không một ai trong gia đình biết điều kiện sống của ông hiện nay. Theo ông, báo cho họ biết chỉ càng làm ông xấu hổ hơn. Nghệ sĩ người Pháp Samuel Le Bihan, khách mời của chương trình « Đặc phái viên », kết luận : « Những con người này trả giá cho một tội mà họ không hề phạm phải. Đó là tội không sinh lợi cho xã hội ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20151209-hong-kong-van-giu-ky-luc-thanh-pho-dat-nhat

Geen opmerkingen:

Een reactie posten