Dân Paris uống rượu vang nhiều nhất thế giới
Hội chợ rượu vang Vinexpo 2017 tại thành phố Bordeaux
REUTERS /Regis Duvignau
Còn vài ngày nữa là tới mùa Beaujolais Nouveau. Cho dù loại rượu này rất thịnh hành tại các nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, nhưng tại Pháp người tiêu dùng vẫn thích uống các loại rượu vang khác, nhất là các loại rượu có thể cất giữ được lâu. Về điểm này, Paris là nơi tiêu thụ rượu vang nhiều nhất thế giới.
Gần đây, hệ thống trường đại học chuyên về quản trị kinh doanh Inseec Business School công bố kết quả nghiên cứu do cơ quan Wine & Spirit Institute thực hiện. Thay vì đơn thuần so sánh mức tiêu thụ trung bình tại các thành phố lớn, cuộc khảo sát này tập trung vào mối tương quan giữa hệ thống phân phối rượu vang và lượng tiêu thụ hàng năm. Với 709 triệu chai rượu vang (tương đương với 5,32 triệu hectolít) trong năm 2017, thủ đô Pháp dẫn đầu bảng xếp hạng.
Vùng Ruhrtại Đức gồm 3 thành phố lớn Essen, Dortmund, Duisbourg đứng hạng nhì với 535 triệu chai. Buenos Aires về hạng ba với 485 triệu chai, Milano hạng tư (438 triệu), Luân Đôn hạng năm (390 triệu), New York hạng sáu (366 triệu), Berlin hạng tám (231 triệu). Thành phố châu Á đầu tiên lọt vào bảng xếp hạng này là Tokyo. Thủ đô Nhật Bản đứng hạng mười với 161 triệu chai rượu vang tiêu thụ trong năm qua.
Doanh thu ngành sản xuất rượu Bordeaux đứng hạng nhì tại Pháp, khoảng 4 tỷ euro mỗi năm
Pierre Andrieu /AFP
Theo nghiên cứu của Wine & Spirit Institute, sở dĩ Paris đứng đầu danh sách về lượng tiêu thụ rượu vang, đầu tiên hết là vì thủ đô Pháp là một trong những thành phố lớn tập trung các địa điểm phân phối kinh doanh nhiều nhất thế giới. Tính tổng cộng, tại Paris có đến hơn 20.000 tiệm ăn, quán cà phê hay quán bar. Hệ thống phân phối ở Paris cũng bao gồm 1.315 cửa hàng siêu thị, 1.100 cửa hiệu chuyên bán rượu vang và rượu mạnh. Về mặt kinh doanh, Paris tổ chức hàng năm 1.000 hội nghị quốc tế và hơn 400 hội chợ cũng như triển lãm thương mại. Ngành phân phối rượu vang thường xuyên tham gia tổ chức hay hợp tác tài trợ các sự kiện này. Điều đó giải thích vì sao Paris trở thành nơi tập trung 23.570 địa điểm kinh doanh, mạng lưới phân phối rượu vang được xem là dày đặc nhất trên thế giới.
Qua việc tổ chức hàng năm nhiều hội chợ quốc tế về nghệ thuật ẩm thực, Paris cũng là nơi khởi xướng nhiều xu hướng mới trong cung cách tiêu dùng. Các nhu cầu về rượu vang ‘‘100% bio’’ bảo đảm không có chất bảo quản, các loại rượu mùi ướp hương, các loại champagne dùng để pha chế cocktail, các loại rượu rosé thượng hạng dành cho các tiệm ăn sang hay các nhà hàng năm sao, hầu hết các xu hướng mới từ cách kết hợp chọn lựa thức uống sao cho vừa với thức ăn (wine pairing) cho tới cách trình bày pha chế, từng bắt đầu từ Paris ……
Cũng như Bordeaux với hội chợ Vinexpo, Paris mỗi năm tổ chức khoảng 30 cuộc triển lãm theo chuyên đề rượu vang
Nicolas Tucat / AFP
Về cung cách tiêu dùng, dân Paris khi đi ăn ở ngoài tiệm, giữ thói quen dùng một chút rượu vang vào giờ ăn trưa, hầu hết các quán ăn giờ đây đều có bán rượu theo ly, hầu thích ứng với nhu cầu này : cứ trên 4 thực khách, có tới ba dùng rượu vang thay vì uống bia vào bữa ăn trưa. 73% thực khách dùng rượu vang như thức uống khai vị sau giờ làm việc, đại đa số dân Paris (83%) chọn uống rượu vang vào giờ ăn tối, nhịp độ là mỗi tuần ít nhất một lần. Ngoài champagne, họ cũng chọn uống rượu vang trong các dịp lễ lạc, ăn mừng ……
Tại Paris, thực khách cũng như người tiêu dùng có thể mua (hay đặt mua) hầu hết các loại rượu sản xuất ở Pháp, đến từ nhiều vùng miền khác nhau. Tuy các nước láng giềng đều sản xuất rượu ngon, đặc biệt là Ý hay Tây Ban Nha, nhưng dân Paris khá ‘‘bảo thủ’’ trong cách tiêu dùng : 90% rượu vang được mua là rượu của Pháp. Đặc điểm thứ nhì của thủ đô Pháp so với các thành phố lớn khác là dân Paris thích uống rượu đến từ vùng Bourgogne, trong khi rượu Bordeaux (hay rượu sản xuất tại các vùng phụ cận như Médoc) lại được tiêu thụ nhiều nhất tại các tỉnh thành khác trên khắp nước Pháp.
Ngành sản xuất champagne lập kỷ lụcvới 4,9 tỷ euro doanh thu năm 2017
Reuters / Issei Kato
Vào lúc phong trào ‘‘ăn chay’’ đang làm giảm lượng tiêu thụ thịt bò ở Pháp, thậm chí thay đổi cung cách của người tiêu dùng khi họ đi ăn nhà hàng hay mua thực phẩm ở siêu thị, thì ngược lại, lượng tiêu thụ rượu vang ở Pháp vẫn ở một mức ổn định, cho dù có rất nhiều chiến dịch thông tin kêu gọi ngwofi tiêu dùng bớt uống rượu, hầu bảo vệ sức khỏe hay tăng cường an toàn gaio thông. Khi dùng rượu vang, dân Pháp chủ yếu chọn rượu đỏ (60%), rượu rosé (25%), rượu trắng (12%). Còn về champagne, lượng tiêu thụ thường đạt mức kỷ lục vào mùa lễ cuối năm. Những sinh hoạt lễ lạc quan trọng thường bắt đầu vào trung tuần tháng 11, khi thủ đô Paris kết hoa treo đèn, rực rỡ thắp sáng.
http://vi.rfi.fr/phap/20181113-dan-paris-uong-ruou-vang-nhieu-nhat-the-gioi
Champagne và Bourgogne : Di sản văn hóa thế giới
Các vùng sản xuất rượu Champagne và Bourgogne vừa được UNESCO đưa vào danh sách các di sản văn hóa thế giới. Cả hai vùng này được UNESCO xếp vào hạng mục "cảnh quan văn hóa", tức là những nét đặc thù của ngành sản xuất rượu vang của Pháp.
Nhóm họp từ hôm thứ Bảy 04/07/2015 tại thành phố Bonn (Đức), Ủy ban chuyên trách UNESCO đã tôn vinh ba địa danh tiêu biểu ở vùng Champagne, nơi có truyền thống làm rượu vang từ bốn thế kỷ nay, nhiều hơn là sản phẩm qua hình tượng của chai rượu sủi bọt, lung linh lấp lánh vào các dịp lễ hội.
Đầu tiên hết là Đại lộ Champagne ở thị trấn Épernay. Đại lộ này dài khoảng một cây số và là nơi có đặt cơ sở kinh doanh của các thương hiệu Champagne nổi tiếng nhất, trong đó có Mercier, Moët & Chandon hay là Perrier-Jouët …. Các cửa hàng này nằm trong tay các gia đình thương gia chuyên kinh doanh rượu Champagne từ đời cha ông tới đời con cháu. Mỗi ngôi nhà giống như là biệt thự có hầm rượu khổng lồ, vì tính tổng cộng lượng lưu trữ hiện giờ lên tới hơn một triệu chai.
Địa danh thứ nhì là ngọn đồi Saint-Nicaise ở thành phố Reims, bao gồm cả một hệ thống đường hầm dài ngoằn nghèo hàng chục cây số. Các hầm rượu này có từ thời Trung Cổ được đào trong đá vôi, và là nơi cất giữ lưu trữ các loại rượu vang chế biến từ đời này sang đời nọ. Địa danh thứ ba và cũng là điạ danh quan trọng nhất là ngọn đồi trồng nho Hautvillers, nằm ở ngoại thành thị trấn Épernay.
Chính tại ngôi làng Hautvillers, nơi có tu viện Dòng Tên của vùng Chalons en Champagne, mà vị tu sĩ Dom Perignon đã tình cờ phát hiện ra vào giữa thế kỷ XVII quá trình lên men tự nhiên của rượu Champagne. Từ đầu thế kỷ XIX trở đi, khi Dom Perignon được đưa vào kinh doanh khai thác, thì thương hiệu này trở thành một trong những loại Champagne đắt nhất thế giới.
Về phía vùng Bourgogne, ủy ban chuyên gia của UNESCO công nhận hai địa danh là Côte de Nuits và Côte de Beaune như di sản văn hóa thế giới. Đây cũng là nơi có truyền thống trồng nho và làm rượu trong nhiều thế kỷ.
Tuy nhiên, khí hậu và phong thổ thuận lợi chỉ liên quan tới vài trăm mãnh đất mà thôi, chứ không phải là trên toàn vùng Bourgogne. Trữ lượng sản xuất của các loại rượu vang địa phương thuộc vào hàng thấp nhất nhưng đồng thời cũng là ngon nhất thế giới. Hai loại rượu tiêu biểu cho vùng này là Romanée-Conti hoặc là Montrachet, trở nên nổi tiếng và luôn là loại rượu đắt tiền nhất thế giới, theo bản xếp hạng thường niên của giới thương gia quốc tế.
Hàng năm, giới chuyên ngành vẫn tổ chức cuộc bán đấu giá tại Hospice de Beaune, mỗi chai Romanée-Conti thường xấp xỉ cả chục ngàn euro (giá trung bình là 13.000 euro) tức là còn cao hơn cả các loại rượu vang hảo hạng nhất của các vùng khác như Bordeaux hay là Alsace. Về điểm này, chuyên gia nghiên Michel Veron, tác giả quyển sách hướng dẫn về nguồn gốc lịch sử của các loại rượu vang sản xuất ở vùng Champagne nhận xét :
Rượu vang nói chung, rượu Champagne cũng như rượu Bourgogne nói riêng, không chỉ là những thức uống, những sản phẩm tiêu dùng đơn thuần, mà còn là những sản phẩm văn hóa tiêu biểu. Từ hồi năm 2014, Quốc hội Pháp đã từng công nhận các sản phẩm của vùng Champagne, thuộc vào hàng di sản quốc gia. Xét về mặt thương mại thì dĩ nhiên là rượu champagne có thể được đem ra bày bán trên thị trường như bao sản phẩm khác, nhưng đằng sau hình tượng của Champagne và Bourgogne, còn có cả một truyền thồng văn hóa lâu đời, một quá trình tìm tòi gần giống như là hình thức nghệ thuật.
Đối với tôi, thì công việc làm rượu, ban đầu nảy sinh trong tư tưởng, trong tâm trí. Nhà chế biến rượu phải nghĩ tới việc kết hợp các giống nho trồng tại chỗ, được xem như là đặc sản địa phương, kết hợp và dung hoà như thế nào để tìm cho ra một loại rượu ngon, điều đó đòi hỏi nhiều lần thử đi thử lại, vì rượu nho do điều kiện khí hậu, thời tiết không thể nào mà giống nhau, từ năm này qua năm nọ. Tùy theo mùa màng, gặt hái được nhiều hay ít, hương vị rất ngọt hay hơi chua, nhà sản xuất rượu phải biết thích nghi cách chế biến trong suốt quá trình làm rượu.
Các nhà sản xuất tìm cách hội tụ tất cả những điều kiện sản xuất thuận lợi nhất hầu tạo ra một lọai rượu hảo hạng, nhưng họ vẫ không biết chắc 100% là rượu sẽ được ngon. Tựa như ngẫu hứng, thành quả cuối cùng trong quá trình làm rượu vẫn là một yếu tố mà con người không thể kiểm soát được. Vì thế cho nên, rượu Champagne cũng như Bourgogne giống như là một tác phẩm nghệ thuật. Điều mà UNESCO công nhận là nét văn hóa đặc thù, các địa danh tiêu biểu, nhiều hơn là thương hiệu hay sản phẩm.
Sự kiện UNESCO công nhận các địa danh Champagne cũng như Bourgogne tạo cơ hội phát triển thêm ngành du lịch cho hai vùng này. Theo ước tính của giới chuyên gia ngành du lịch khách sạn, quyết định của UNESCO sẽ giúp tăng thêm ít nhất là 20% số lượng du khách tới tham quan hai vùng Champagne và Bourgogne.
Hưởng lợi đầu tiên vẫn là các nhà sản xuất rượu, vì du khách lúc nào cũng có tâm lý muốn mua rượu về làm quà tặng cho bạn bè người thân. Kế đến là ngành dịch vụ liên quan tới nghệ thuật ẩm thực. Hiện giờ, hai vùng Champagne và Bourgogne đều tính đến việc phát triển thêm các tuyến du lịch trong vùng gọi là ‘’Con đường Rượu vang’’, hầu lôi kéo du khách về những địa điểm khác, tuy nằm trong cùng một vùng nhưng ít nổi tiếng bằng các địa danh vừa được UNESCO công nhận.
Cũng cần nhắc lại là nước Pháp hàng năm sản xuất 400 triệu chai rượu champagne, trong đó cứ trên 4 chai là có đến 3 chai dành để xuất khẩu sang nước ngoài. Nổi tiếng là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, giới sản xuất champagne do uy tín của sản phẩm, thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhu cầu tiêu thụ nội địa vẫn ở một mức cao, trong khi champagne vẫn tiếp tục được xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới. Bằng chứng là trong năm 2010, nước Pháp đã xuất khẩu gần 320 triệu chai champagne sang 196 nước, tăng mạnh nhất vẫn là Trung Quốc.
Được xem từ lâu như là một trong những biểu tượng của nước Pháp, rượu champagne khác với các loại rượu vang đỏ hay trắng, ít bị cạnh tranh nhờ bảo hộ được thương hiệu và nguồn gốc kiểm chứng : chỉ có rượu nho trắng sủi bọt sản xuất tại vùng Champagne, miền tây bắc nước Pháp mới xứng đáng với danh hiệu champagne.
Các loại rượu nho sủi bọt khác đến từ các vùng miền ở Pháp hay ở nước ngoài một là chế biến theo cùng phương pháp (méthode champenoise) hai là được xếp vào loại rượu sủi bọt (pétillant hoặc là mousseux). Chẳng hạn như một trong những hiệu rượu vang trắng có sủi bọt nổi tiếng trên thị trường là lại Prosseco của Ý, giá rẻ từ hai đến bốn lần so với Champagne.
Để tôn trọng truyền thống, bảo đảm chất lượng và hương vị của sâm banh, nước Pháp ra nhiều quy định nghiêm ngặt về các giống nho hợp với phong thổ của vùng Champagne, phương pháp chế biến, cách chọn giống cây và nuôi trồng, thời gian ủ nho làm rượu cũng như việc cất giữ trong thùng. Để sản xuất champagne, một nhà làm rượu ở vùng này buộc phải tuân thủ hơn 60 quy định khác nhau, để có thể gắn trên chai rượu của mình nhãn hiệu champagne.
Theo Ủy ban bảo trợ ngành Champagne, một cơ chế do chính phủ Pháp thành lập để giám sát nghề sản xuất loại rượu này ở Pháp, ngành chế biến champagne ít bị khủng hoảng tác động hơn so với các ngành nghề khác. Với lượng xuất khẩu hàng năm dao động ở mức từ 300 triệu đến 330 triệu chai, ngành sản xuất champagne đem về cho nước Pháp 4 tỷ rưỡi euro mỗi năm.
http://vi.rfi.fr/van-hoa/20150706-champagne-va-bourgogne-di-san-van-hoa-the-gioi
Lễ hội mùa hè : Con đường rượu Champagne
17 vùng miền đông nước Pháp trồng nho làm rượu Champagne
REUTERS /Benoît Tessier
‘‘La Route du Champagne en fête’’ hiểu theo nghĩa Con đường lễ hội rượu Champagne là một sinh hoạt văn hóa tổ chức hàng năm nhân dịp hè, gợi hứng từ các chương trình sinh hoạt trước đây là La Route des Vins (Con đường Rượu Vang). Năm nay, Con đường rượu Champagne diễn ra trong vòng hai ngày cuối tuần 05/08 và 06/08/2017.
Con đường Rượu Vang đầu tiên đã ra đời cách đây nhiều thập niên nhắm vào đối tượng du khách yêu chuộng ẩm thực, qua hình thức tổ chức các chuyến đi chơi nhằm khám phá các đặc sản địa phương. Đầu tiên hết là Con đường Rượu Vang vùng Alsace ra đời vào năm 1953 và kế theo đó là Con đường Rượu Vang vùng sông Rhône.
Nhắc tới rượu Champagne, người ta nghĩ tới ngay loại rượu sủi bọt sản xuất tại thành phố Reims (thủ phủ của vùng Marne) và nhất là thị trấn Épernay được xem như là kinh thành nổi tiếng của vương quốc Champagne. Quả thật là cả hai địa phương tập trung nhiều thương hiệu rượu Champagne có uy tín nhất của Pháp. Tại thành phsô Reims có các hiệu như Taittinger, Pommery, Heidsieck, Jacquart, Henriot, Mumm, Veuve Clicquot Ponsardin.
Còn tại Épernay, ngoài các kho trữ rượu, thị trấn này còn là nơi tập trung trụ sở của các hiệu Champagne có từ lâu đời như Ruinart, Moët & Chandon, Mercier, Perrier-Jouët, Charles Laffite ……. Chỉ riêng hai thành phố Reims và Épernay nay tập hợp đến hơn 300 hiệu rượu Champagne khác nhau và tương đương với ba phần tư khối lượng Champagne sản xuất trên toàn nước Pháp. Nhưng đó là trường hợp của các thương hiệu lớn (grande maison) có đầy đủ phương tiện và khả năng để quảng bá hình ảnh. Thế thì các thương hiệu nhỏ thì sao ?
Mục tiêu của chương trình ‘‘Con đường rượu Champagne’’ không phải là đưa khách thưởng ngoạn tới thăm các vùng đã nổi tiếng từ lâu như Reims và Épernay, mà là mời du khách dừng chân ở những cũng sản xuất rượu Champagne nhưng ít được ai biết đến. Đó là trường hợp của các nhà sản xuất ở vùng Avirey-Lingey thuộc tỉnh Aube, và nằm trong số 17 địa phương (4 vùng lớn phía đông nước Pháp) trồng ruộng nho để sản xuất rượu Champagne.
Truyền thống trồng nho làm rượu đã có từ lâu ở vùng Aube, chứ không phải là do nhu cầu gia tăng, nên giới sản xuất đã mở rộng các vùng đất canh tác. Theo sử sách ghi chép, truyền thống làm rượu đã có từ thời vua Henri IV, (1553-1610). Nhà vua thường hay đãi tiệc rượu công tước Sully (Maximilien de Béthune) và loại rượu mà ông yêu thích chính là loại rượu sản xuất với các giống nho trồng ở Avirey-Lingey. Cũng nhờ vào chỉ dụ do nhà vua ban hành mà các vùng phía đông thủ đô Paris phát triển ngành trồng nho. Chỉ có điều là Avirey-Lingey sau này không nổi tiếng bằng Reims và Épernay.
Được thành lập lần đầu tiên vào năm 1995, chương trình ‘‘Con đường rượu Champagne’’ nhằm mục tiêu quảng bá cho các thương hiệu Champagne sản xuất ở vùng Aube. Hàng năm, chương trình này thu hút 25000 khách trong hai ngày đầu tháng tám. Du khách chỉ cần đăng ký trên mạng hay thanh toán tại chỗ 25 € mỗi người là có thể viếng thăm trong hai ngày khoảng 20 hầm trữ rượu khác nhau, mỗi thương hiệu ở đây là một gia đình tự sản xuất và kinh doanh rượu champagne, một số gia đình làm nghề này từ 6 đời nay. Các công ty sản xuất này đều tổ chức các buổi thưởng thức champagne, đơn thuần hay là đi kèm với các món mặn hay ngọt theo kiểu : ăn món nào uống champagne nấy.
http://vi.rfi.fr/phap/20170803-le-hoi-mua-he-con-duong-ruou-champagne
Geen opmerkingen:
Een reactie posten