Thăm ngôi làng sạch nhất châu Á
- 18 tháng 6 2016
Ở một đất nước được cho là kém vệ sinh (một vấn đề mà Thủ Tướng Shri Narendra Modi đã có hẳn một chương trình quốc gia để giải quyết) thì ngôi làng nhỏ bé này là khuôn mẫu điển hình của sự sạch sẽ.
Ở làng Mawlynnong đông Ấn Độ dọn dẹp là một việc mà mọi người, từ đứa trẻ còn chập chững đến bà già móm mém, coi là rất hệ trọng. Làng nhỏ, trong thị trấn Meghalaya hơn 600 người, nay nổi tiếng là làng sạch nhất Ấn Độ.Đối với Ấn Độ thì điều này là quan trọng. Các chai vứt đi và giấy bọc thức ăn nhàu nát lẫn phân gia súc và nhiều thứ tệ hơn nữa là một phần hình ảnh ở hầu hết mọi nơi ở nước này. Nhiều tới mức mà Thủ Tướng Modi phát động “Sứ mệnh làm sạch Ấn Độ” vào tháng 10/2014 với mục tiêu dọn dẹp triệt để các thành phố chính trước ngày sinh nhật lần thứ 150 của Mahatma Gandhi vào năm 2019.
Nhưng làng Mawlynnong đã tiến xa từ trước. Nó được tuyên bố là ngôi làng sạch nhất châu Á năm 2003, ngôi làng sạch nhất Ấn Độ năm 2005 bởi tạp chí Discover India. Gần đây hơn, Thủ tướng Modi xác nhận Mawlynnong là ngôi làng sạch nhất ở Meghalaya và là hình mẫu cho cả tỉnh trong một buổi phát thanh radio năm 2015. Tháng 5/2016 ông nêu bật đây là “làng sạch nhất Châu Á” trong lễ kỷ niệm những thành tích của chính phủ (trong đó có chương trình làm sạch Ấn Độ).
Sự tuyên bố danh hiệu này là đúng và làng này đã thành huyền thoại trong vùng và là nguồn tự hào. Khi vào làng, tất cả các rác rưởi đã đi đâu hết một cách kỳ diệu.
Vậy làm thế nào để một cộng đồng trở thành khuôn mẫu của sạch sẽ và vệ sinh trong một đất nước mà điều này từ lâu đã là một vấn đề? Câu trả lời, hình như, là phải bắt đầu từ rất lâu rồi.
Bé gái Deity Bakordor, 11 tuổi, dậy từ 6:30 sáng. Công việc của cháu cùng các bạn nhỏ là làm đẹp cho làng. Chổi xể trong tay, các cháu ào ra đường, quét lá rụng và rác trước khi đi học. Các cháu cũng chịu trách nhiệm đi đổ thùng rác (được đan bằng tay, hình nón rất đẹp và để rải rác trong làng) và phân loại rác hữu cơ với rác đốt được ra. Lá và các rác có thể phân hủy được chôn để thành phân bón; mọi thứ khác được chuyển ra xa làng và đốt. Có cả những người làm vườn tận tụy gìn giữ chăm sóc nhiều loại cây trồng và cây hoa dọc đường làm cho việc đi dạo bộ nơi đây thú vị vô cùng.
Tôi hỏi Bakordor xem cháu có thích sống ở một nơi sạch như vậy không. Cháu e thẹn gật đầu. Còn nếu một khách tới đây và vứt rác xuống đất, cháu sẽ làm gì. Cháu trả lời là sẽ không nói gì và sẽ nhặt rác lên.
Bakordor giải thích rằng ở làng Mawlynnong có việc quét dọn thông thường hàng ngày cho trẻ em và người lớn, và có việc làm thêm vào thứ bảy khi trưởng làng giao “việc xã hội” vì sự tốt đẹp cho thị trấn. Đối với cháu, việc này có thể là giúp dọn dẹp trường cháu. Đây là một hệ thống gây ấn tượng, nhưng gây ấn tượng hơn là việc này là một quy tắc. Sự sạch sẽ đã ăn sâu bám rễ vào lối sống ở đây, đó chính là điều phải làm.
Tôi lén nhìn vào khu bếp qua cửa ngoài trông như mới để xem thành quả của lao động, và bà của Bakordor, bà Hosana, vén rèm dẫn vào nhà gồm 2 buồng. Đúng như tôi nghĩ, từng phòng đều sạch tinh tươm, sàn vừa mới quét, bát đĩa bóng loáng, chăn gối ngăn nắp.
Vậy từ đâu mà có lệ giữ gìn vệ sinh này? Không ai biết chắc chắn, nhưng theo hướng dẫn viên của tôi, Shishir Adhikari, có thể nó bắt nguồn từ một lần bùng phát dịch tả cách đây hơn 130 năm, và người ta khuyến khích sạch sẽ để tránh lan truyền.
Dân của làng này cũng thuộc người Khasi, một xã hội theo truyền thống mẫu hệ. Có lẽ, với vai trò chủ đạo của phụ nữ trong xã hội thì việc giữ gìn nhà cửa và môi trường gọn gàng cũng đóng vai trò lớn hơn, Adhikari và tôi cùng suy đoán.
“Chúng tôi theo đạo thiên chúa từ hơn 100 năm nay, và ông bà cha mẹ dạy bảo phải sạch sẽ ngăn nắp” bà nội trợ Sara Kharrymba nói. “Chúng tôi truyền lại những kỹ năng này, tôi cho con tôi, chúng nó cho con chúng nó.”
Nói một cách khác, đây không phải là thói quen mà là truyền thống lâu đời. Kharrymba bắt đầu công việc trong ngày bằng việc dọn dẹp toàn nhà, bà nói.
Trong khi chúng tôi nói chuyện, bà mỉm cười với con gái sáu tuổi đang vui sướng đánh đu bằng cái đu làm bằng túi nhựa bỏ đi. Câu hỏi làm gì đối với rác bằng nhựa vẫn là câu hỏi lớn vì đốt nó thì có khí độc. Thường thì vật liệu này được sử dụng lại, can nhựa dùng để trồng cây và túi biến thành cái đu.
“Các con tôi biết ở đây là khác nơi khác,” Kharrymba nói.
Các con bà chưa từng ra khỏi làng, bà nói thêm, nhưng “đôi khi các khách ở lại đây và họ nói chuyện.” Bà mô tả mỗi nhà ở làng đều có một nhà vệ sinh (là một mục tiêu chính của Chương Trình Làm Sạch Ấn Độ), và các con bà ngoan ngoãn chấp hành quy định vệ sinh.
Bà ngừng nói, nhìn ra cái ao nhỏ ở đất nhà bà có nước trong vắt. “Tôi rất vinh dự sống ở đây,” bà nói.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel
Tin liên quan
- Chuyến đi dài nhất bằng tàu hỏa ở Ấn Độ
- Thăm chợ cá Nhật nổi tiếng nhất thế giới
- Ảnh Những tuyệt tác 'cổ lâm viên' Tô Châu, TQ
- Ảnh Hành trình dài nhất bằng tàu hỏa ở Ấn Độ
- Ảnh Những tuyệt tác 'cổ lâm viên' Tô Châu, TQ
- Những tuyệt tác 'cổ lâm viên' Tô Châu, TQ
- Cơm gà Hải Nam và lịch sử di dân Singapore
- Ảnh Hành trình trên cung đường nguy hiểm nhất Ấn Độ
- Bí mật về những chú chuột khổng lồ
http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2016/06/160618_the-cleanest-village-in-asia_vert_tra
Geen opmerkingen:
Een reactie posten