donderdag 5 december 2013

Việt Nam: Ông Lê Hiếu Đằng tuyên bố bỏ đảng cộng sản

Ông Lê Hiếu Đằng tuyên bố bỏ đảng
TUYÊN BỐ

Tôi tên LÊ HIẾU ĐẰNG là ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CỘNG SẢN VN, hơn 40 tuổi đảng. Nay tôi tuyên bố công khai ra khỏi đảng CSVN vì:


ĐCSVN bây giờ không còn như trước (đấu tranh giải phóng dân tộc) mà đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân.

Tôi xin xác định đây là quyết định của tôi.

Ngày 04.12.2013

Lê hiếu Đằng
(chữ ký)

 
http://danlambaovn.blogspot.nl/2013/12/ong-le-hieu-ang-tuyen-bo-bo-ang.html#.UqBLyvlgXL8

Ông Lê Hiếu Đằng từ bỏ ĐCS


000_Hkg8239642-305.jpg
Một người dân Hà Nội đi ngang một pano tuyên truyền cho ĐCS hôm 03/2/2013
AFP photo



Một đảng viên Cộng sản với thâm niên 40 năm và là người kêu gọi các đảng viên chân chính đứng ra thành lập đảng dân chủ- xã hội để đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Lê Hiếu Đằng, vừa công khai từ bỏ đảng Cộng sản.

Giọt nước tràn ly

Gia Minh: Trên mạng xuất hiện tuyên bố của ông nói rằng phải ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam vì bây giờ (đảng) không còn như trước nữa mà đã suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển của đất nước; vì thế ông quyết định không đứng trong hành ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam nữa. Đó có phải chính thức điều ông tuyên bố không?
Ông Lê Hiếu Đằng: Anh có thấy thủ bút của tôi không?
Gia Minh: Có thấy.
Ông Lê Hiếu Đằng: Vậy đâu còn nghi ngờ gì nữa!
Gia Minh: Những điều đó theo ông không còn nghi ngờ gì nữa, đã rất rõ ràng rồi phải không?
Ông Lê Hiếu Đằng: Đúng.
Gia Minh: Trước đây trong những ngày nằm bệnh, ông có đưa ra đề xuất thành lập đảng Dân chủ- Xã hội để đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, đến nay ông lại có tuyên bố như vậy; xin ông chia xẻ những tâm tư, tình cảm lúc này?
Ông Lê Hiếu Đằng: Chuyện tổ chức mới đó là toàn xã hội làm chứ làm sao một mình tôi làm được. Tôi khởi xướng như thế để mọi người tìm cách làm chứ một mình tôi làm sao làm được.
Gia Minh: Sau khi khởi xướng như thế ông nhận được phản hồi ra sao từ những người thân quen và những người biết được điều đó?
Ông Lê Hiếu Đằng: Nói chung rất ủng hộ, rất nhiều người đến thăm ủng hộ.
Gia Minh: Họ ủng hộ và nói với ông về cách thức cùng thực hiện những ý tưởng đó ra sao không?
Ông Lê Hiếu Đằng: Chưa nói nhưng thế nào rồi họ cũng bàn với nhau để làm thôi.
Gia Minh: Trong thời gian nằm bệnh, sức khỏe không được tốt nhưng ông vẫn quan tâm đến tình hình, đặc biệt việc Quốc hội thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ông thấy điều mọi người mong muốn và thực tế ra sao?
Ông Lê Hiếu Đằng: Chính vì như vậy- vì Quốc hội đi ngược lại lợi ích của đất nước, của dân do đó tôi thấy mình không thể nào đứng vào hàng ngũ đảng được. Vì mục đích của Quốc hội là đi ngược lại quyền lợi của quần chúng, nhất là vấn đề nông dân, vấn đề ruộng đất, rồi vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân quyền. Thành ra có thể nói đây là một quốc hội bù nhìn, không làm được điều gì hết.
Gia Minh: Đến bây giờ điều đó mới được thể hiện rõ ra phải không, thưa ông?
Ông Lê Hiếu Đằng: Đúng rồi. Bây giờ như giọt nước tràn ly, đã rõ.

"Đừng sợ, phải hành động"

Gia Minh: Như ông vừa nói, và quốc hội đã bỏ lỡ một cơ hội, vậy những người có tâm huyết, có tấm lòng có thể tận dụng cơ hội này thế nào?
Ông Lê Hiếu Đằng: Theo tôi nghĩ, bây giờ họ làm gì thì làm, nhiệm vụ của xã hội là phải tạo dựng một xã hội dân sự mạnh, đủ sức để kiểm soát quyền lực, đủ sức để tác động lên chính quyền; tức phải làm sao cho xã hội mạnh lên, đừng sợ nữa. Nếu như ai cũng đặt lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình lên trên lợi ích đất nước thì đất nước này sẽ đi đến đâu. Thành ra tôi nghĩ phải hành động thôi.
Gia Minh: Vậy trong chia sẻ, thì họ (những người quen thân) chia sẻ những cách thức hành động ra sao cho có hiệu quả?
Tâm nguyện của tôi là mọi người đừng sợ gì nữa, phải hành động, phải làm việc, phải đấu tranh để bảo vệ chủ quyền - toàn vẹn lãnh thổ, đấu tranh vì nhân quyền, dân quyền, bảo vệ môi trường.
- Ông Lê Hiếu Đằng
Ông Lê Hiếu Đằng: Sắp đến đây sẽ có những người sẽ bỏ đảng nữa, xã hội dân sự đã hình thành và từ từ xã hội dân sự sẽ mạnh lên theo xu thế hiện nay, một xu thế không thể đảo ngược được. Thành ra Nhà nước làm gì thì làm, xã hội- nhân dân nhất là nhân sĩ trí thức phải thấy hết trách nhiệm của sĩ phu thời nay mà xua tan đi sợ hãi, đừng sợ. Nếu ai cũng sợ không làm gì thì đất nước đi đến đâu?!
Gia Minh: Tâm nguyện mà ông muốn gửi gắm đến cho mọi người là điều gì nữa thưa ông?
Ông Lê Hiếu Đằng: Tâm nguyện của tôi là mọi người đừng sợ gì nữa, phải hành động, phải làm việc, phải đấu tranh để bảo vệ chủ quyền - toàn vẹn lãnh thổ, đấu tranh vì nhân quyền, dân quyền, bảo vệ môi trường. Thực tế đó là ba yếu tố vì con người, cho con người. Còn chủ nghĩa xã hội là cái không nói nữa, ngay tại Liên Xô- quê hương của nó người ta cũng đã chán ngán rồi. Tại sao con cái các ông lãnh đạo đi các nước tư bản học hành, trong khi các ông bắt cả dân tộc này phải đi theo con đường mơ hồ chẳng tới đâu. Do đó trong thủ bút tôi nêu rõ đảng Cộng sản nay là lực cản sự phát triển của đất nước. Đó là cái nguy hiểm nhất, phải đấu tranh để ngăn chặn điều đó.
Gia Minh: Cám ơn ông.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/senior-cp-announc-quit-party-gm-12052013122410.html

Thứ năm 05 Tháng Mười Hai 2013

Luật gia Lê Hiếu Đằng : Bỏ đảng Cộng sản để trở thành công dân tự do đấu tranh

Luật gia Lê Hiếu Đằng
Luật gia Lê Hiếu Đằng
RFI/Capdevielle

Thụy My
Hôm nay 05/12/2013, luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra tuyên bố rời bỏ Đảng Cộng sản.


Người đảng viên hơn 40 tuổi đảng đã từng bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa kết án tử vì những hoạt động đấu tranh trong thời chiến đầy gian khổ trước đây. Nay khi đảng Cộng sản đang trên đỉnh cao quyền lực lại quyết định rời bỏ vì theo ông, đảng bây giờ thực chất là của các tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản và đi ngược lại quyền lợi của lợi ích dân tộc.
Cũng như lời đề nghị thành lập đảng Dân chủ Xã hội trước đây, tuyên bố rời bỏ đảng Cộng sản Việt Nam của luật gia Lê Hiếu Đằng một lần nữa đã gây bão dư luận. Hôm nay trên các mạng xã hội đã có rất nhiều lời bàn tán về sự kiện này.
Từ giường bệnh tại bệnh viện 115 ở Thành phố Hồ Chí Minh, luật gia Lê Hiếu Đằng dù đang phải chống chọi với căn bệnh nan y, vẫn cố gắng trả lời RFI Việt ngữ. Xin quý thính giả vui lòng thông cảm về chất lượng âm thanh của cuộc phỏng vấn.


Luật gia Lê Hiếu Đằng - TP Hồ Chí Minh
 
05/12/2013
by Thụy My
 
 

RFI : Thưa anh, vì sao anh quyết định rời bỏ đảng Cộng sản Việt Nam ?
Trong bài viết khi nằm trên giường bệnh, về việc bỏ đảng có một thời gian tôi chưa làm được, bây giờ phải làm. Đó là hệ quả tất yếu thôi. Còn lý do bỏ đảng là vì bây giờ đảng không còn như thời kỳ giải phóng dân tộc nữa, mà trở thành một nhóm lợi ích đặt quyền lợi của gia đình, của cá nhân lên trên, chứ không phải quyền lợi của đất nước, của Tổ quốc. Đảng trở thành sức cản cho sự phát triển của đất nước, tiền của của dân bị lãng phí không biết bao nhiêu.

Điều làm tôi đau lòng nhất là người dân mất đất, mất ruộng, phải ly hương, ly tán, trong khi họ là những người chịu hy sinh rất nhiều trong chiến tranh. Thế bây giờ thì ai phản bội ai ? Rõ ràng là các ông ấy phản bội nông dân, phản bội dân tộc Việt Nam. Nói chung là phản bội lại những gì đã hứa hẹn trước kia.

Khi tôi vào đảng, tôi hy vọng là sau khi giải phóng dân tộc rồi thì sẽ xây dựng một chế độ tốt đẹp hơn. Nhưng bây giờ chế độ lại tồi tệ hơn xưa, mọi thứ đều xuống cấp, từ giáo dục, y tế cho đến đạo đức con người. Đảng Cộng sản trở thành sức cản của đất nước, của dân tộc, mà thực chất đây chỉ là tập đoàn lợi ích thôi. Thành ra tôi nghĩ phải từ bỏ, vì nếu là thành viên của đảng dù sao cũng là trách nhiệm. Trở thành một người công dân tự do để đấu tranh.

Chứ còn chủ nghĩa xã hội thì nó đã tanh bành ở Liên Xô rồi, nước nào người ta cũng đã từ bỏ…

RFI : Thưa anh, anh có nuối tiếc khi từ bỏ một tổ chức mà mình đã cống hiến bao nhiêu năm tuổi thanh xuân không ?

Tất nhiên là mình cũng thấy tiếc, nhưng không thể nào không từ bỏ được vì nó trở thành xấu xa. Chứ nếu vẫn còn là thành viên thì mình phải có trách nhiệm, vì vậy thôi bây giờ rút ra để mình trở thành công dân tự do; để đấu tranh cho chủ quyền, dân chủ, bảo vệ môi trường.

Đó là ba yếu tố thực chất vì con người, chứ còn chủ nghĩa xã hội cuối thế kỷ này như thế nào thì ai cũng biết. Trong khi con cái mấy ông (lãnh đạo) đi các nước tư bản, mấy ông lại bắt cả dân tộc phải đi theo con đường xã hội chủ nghĩa là một con đường hiện nay chẳng có lối ra, và ngay trên quê hương sinh ra nó người ta đã chối từ, đã phủ nhận.

RFI : Còn những đảng viên khác thì sao, và anh có nhắn nhủ gì với những người đang đấu tranh cho dân chủ không ?

Nhiều đảng viên người ta cũng thất vọng. Nhiều người trong đảng cũng rất tâm huyết, nhưng vì lý do gia đình hoặc những lý do khác…Tôi nghĩ nếu ai cũng vì lý do gia đình, vì lợi ích cá nhân mà không đặt lợi ích đất nước lên trên thì đất nước này sẽ đi về đâu ?

Do đó tôi hy vọng sau khi tôi từ bỏ đảng, thì những người khác cũng sẽ hưởng ứng.
 
RFI : Không chỉ trong đối nội, có lẽ cũng có những thất vọng về đối ngoại, như cách đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông ?
 
Đúng vậy. Chính sách của ta nó nhu nhược, nói cách khác là hèn yếu trước sự hung hãn của bọn bành trướng Bắc Kinh. Thật ra nguy hiểm nhất là hiện nay Trung Quốc đã tràn lan khắp nơi, điển hình là ở huyện Kỳ Anh ở Nghệ An. Biển Đông thì còn lúc này lúc kia, chứ còn trên đất liền có biết bao nhiêu là nhân viên quân sự cũng như dân sự Trung Quốc. Tội lỗi là tại sao lại để cho tình hình xảy ra như thế.

Tôi nhắc lại, tôi từ bỏ để không còn là thành viên có trách nhiệm, là một đảng viên của đảng nữa, mà trở thành một công dân tự do. Khi ra khỏi đảng, tôi được tự do đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ; bảo vệ nhân quyền và dân quyền ; bảo vệ môi trường. Đó là những vấn đề thiết thực cho con người, vì con người đối với người Việt, chứ còn cái thứ chủ nghĩa xã hội rất là mơ hồ.

RFI : Tức là dù đang trên giường bệnh, nhưng anh vẫn bức xúc khi cả dân tộc phải đi theo một chủ nghĩa mà tương lai có vẻ vẫn còn mù mịt ?

Đúng rồi, một tương lai mù mịt, chẳng đi đến đâu cả.

RFI : RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn luật gia Lê Hiếu Đằng, kính chúc luật gia sức khỏe.
tags: Chính trị - Dân chủ - Lê Hiếu Đằng - Nhân quyền - Việt Nam - đảng Cộng sản

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20131205-luat-gia-le-hieu-dang-tu-bo-dang-cong-san-de-tro-thanh-cong-dan-tu-do-dau-tranh

Thứ sáu, 06/12/2013



Tin tức / Việt Nam

Luật gia Lê Hiếu Đằng tuyên bố từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam

Luật gia Lê Hiếu Đằng quyết định từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam để phản đối sự ‘suy thoái biến chất’ ‘của đảng đang nắm quyền lãnh đạo đất nước.
Luật gia Lê Hiếu Đằng quyết định từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam để phản đối sự ‘suy thoái biến chất’ ‘của đảng đang nắm quyền lãnh đạo đất nước.
CỠ CHỮ- +
Một đảng viên kỳ cựu tuyên bố từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam để phản đối sự ‘suy thoái biến chất’ ‘của đảng đang nắm quyền lãnh đạo đất nước mà ông gọi là ‘lực cản’ cho sự phát triển của dân tộc.

Luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở TPHCM, ngày 4/12 công bố quyết định ly khai tổ chức chính trị mà ông đã làm thành viên hơn 40 năm nay.

Ông Lê Hiếu Đằng nói với VOA Việt ngữ:

“Tôi ở trong đảng lâu năm, cũng hy vọng đảng sẽ có chuyển biến, nhưng bây giờ nhận thấy rằng đảng càng ngày càng tệ, không có sự chuyển biến gì mà lại trở thành lực cản trở cho sự phát triển của đất nước. Nếu mình đứng làm thành viên trong đảng thì sau này mình cũng có trách nhiệm. Thành ra thôi, mình rút ra. Rút ra trở thành một công dân tự do để mình đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, dân quyền, nhân quyền, và môi trường, vốn là những vấn đề thực tế của con người. Chủ nghĩa xã hội nó đã tanh bành như ở Liên Xô rồi, mình còn đi theo làm chi nữa.”

Tôi ở trong đảng lâu năm, cũng hy vọng đảng sẽ có chuyển biến, nhưng bây giờ nhận thấy rằng đảng càng ngày càng tệ, không có sự chuyển biến gì mà lại trở thành lực cản trở cho sự phát triển của đất nước.
Ông Lê Hiếu Đằng là một trong những đảng viên lão thành  công khai thể hiện ý kiến bất đồng, phê phán các chính sách của nhà nước trong những lĩnh vực như chủ quyền, nhân quyền, và dân chủ.

Công luận chú ý đến tiếng nói phản biện của ông từ sau các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, đến bản Kiến nghị Sửa đổi Hiến pháp của giới trí thức Việt Nam, và việc ông đứng ra kêu gọi thành lập một chính đảng khác ngoài đảng cộng sản.

Ông Đằng nói bản Hiến pháp sửa đổi mà Quốc hội Việt Nam thông qua tuần trước phớt lờ các kiến nghị cải tổ dân chủ chính là ‘giọt nước làm tràn ly’ khiến ông phải bỏ thẻ đảng, và ông không hề đắn đo trong quyết định của mình:

“Tôi không đắn đo gì. Đây là kết quả tất yếu từ bài viết của tôi ‘Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh.’ Lâu nay tôi chưa làm vì tôi đợi thời gian trả lời thế nào, nhưng giờ thấy Quốc hội quá tệ hại khi đi ngược lại lợi ích của quần chúng.”

Trong bức thư phổ biến trên các trang mạng xã hội hôm 4/12, ông Đằng nói đảng cộng sản ‘bây giờ không còn như trước’ mà ‘thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích’, ‘đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân.’

Hồi tháng 8 năm nay, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở TP HCM cho phổ biến một bài viết cổ súy đa nguyên, đa đảng, dân chủ hóa đất nước.

Rút ra trở thành một công dân tự do để mình đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, dân quyền, nhân quyền, và môi trường, vốn là những vấn đề thực tế của con người.
Bài viết nhan đề ‘Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh’ của ông Đằng kêu gọi các đảng viên cộng sản không còn sinh hoạt đảng hoặc muốn từ bỏ đảng hãy ‘tuyên bố tập thể ra khỏi đảng và thành lập một đảng mới, chẳng hạn như đảng Dân chủ Xã hội.’

Lời hiệu triệu của ông ngay lập tức bị truyền thông nhà nước đả kích là ‘bế tắc của sự nhận thức lệch lạc về chính trị và lý luận’, ‘tha hóa về tư tưởng’.

Các cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Việt Nam tố cáo ông Đằng ‘quay lưng lại lịch sử’ và ‘chống đảng’.

Chính phủ Việt Nam do một đảng cộng sản lãnh đạo không chấp nhận các ý kiến bất đồng quan điểm với nhà nước.
Luật gia Lê Hiếu Đằng tuyên bố từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam
Hà Nội lâu nay vẫn bị quốc tế lên án là đàn áp những người bất đồng chính kiến, lạm dụng các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia như ‘tuyên truyền chống nhà nước’ hay ‘âm mưu lật đổ chính quyền’ để bỏ tù những tiếng nói đối lập.

Con số những nhà cổ xúy dân chủ, đòi đa đảng, hay tranh đấu cho nhân quyền bị giam cầm tại Việt Nam không ngừng gia tăng, nhưng trong số này ít thấy những đảng viên lão thành như ông Lê Hiếu Đằng.

http://www.voatiengviet.com/content/luat-su-le-hieu-dang-tuyen-bo-ra-khoi-dang-cs-vietnam/1804149.html


Hãy như ông Lê Hiếu Đằng: Từ bỏ” đảng”
Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - “Họ - những người dứt khoát “vĩnh biệt đảng” - Vì họ không muốn đứng trong hàng ngũ tập đoàn “tội ác chống lại loài người” mà thế giới văn minh đã nhận diện chính xác chỉ danh”...

“Chỉ có loài “cẩu khuyển” mới không phân biệt được thức ăn và “phân” Riêng con người thì nhận biệt được và không thể nuốt vào một loại thức ăn khi nó đã ôi thiu nhiễm độc như “phân” mà thế giới nhiều người ghê sợ xa lánh”

Đã có nhiều người từ bỏ đảng cộng sản vì bản chất độc tài khát máu lạc hậu của nó, nhưng trong vài hoàn cảnh khác nhau, một số trường hợp mà vì phẩm giá, nhân cách không thể không đề cập đến như một sự trân trọng.

Chúng ta từng biết, dù hành động ấy diễn ra trầm lặng nhưng từ địa vị, lời nói thật lòng, trung thực của họ đã từng làm rung động thức tỉnh nhiều trái tim bạn trẻ hôm nay.

Năm 1988 là đảng viên CS, Ông Huỳnh Nhật Hải sinh năm 1943 lúc đương nhiệm tại chức Phó Chủ tịch UBND/TP/Đà Lạt kiêm Thành uỷ viên.

Ông Huỳnh Nhật Tấn sinh năm 1946 đang là Phó Giám đốc Trường đảng tỉnh Lâm Đồng kiêm Tỉnh uỷ viên dự khuyết.

Cả hai ông dù có đầy những tiềm năng rất lớn về quyền lực và quyền lợi (lúc từ chức chỉ trên dưới tuổi 40) nhưng đã dứt khoát công khai từ bỏ đảng Cộng Sản VN mà cả hai ông đều tuyên bố bởi lý do là vì: “chúng ta đi làm cách mạng không phải để xây dựng nên một nhà nước chuyên chính độc tài toàn trị như thế này. “ (1)

Tương tự như vậy. Ngày 4 tháng 12 vừa rồi Luật Gia Lê Hiếu Đằng một đảng viên CS cũng có bề dày “tuổi đảng” và tiềm năng chính trị đã công khai lên tiếng “Vĩnh biệt đảng” cũng với lý do là Vì: “ĐCSVN bây giờ không còn như trước đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc. Đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân”. (2)

Ông Lê Hiếu Đằng - Ông Huỳnh Nhật Hải (giữa) và ông Huỳnh Nhật Tấn

Thủ bút tuyên bố “vĩnh biệt đảng” của Luật gia Lê Hiếu Đằng

Ông Lê Hiếu Đằng quê ở Quảng Nam từng học Trung học Phan châu Trinh Đà Nẵng, học Đại Học Luật Khoa, và Văn khoa Sài Gòn (1964). Ông nguyên là phó Tổng Thư Ký Ủy ban Trung Ương Liên Minh các lực lượng Dân tộc, dân chủ và Hòa bình Việt Nam (1968-1977), Nguyên Tổng thư ký Ủy Ban nhân dân Cách mạng khu Sài Gòn Gia Định (1969-1975), Nguyên phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. HCM (từ 1989-2009), là Đại biểu HĐND Thành phố khóa 4, khóa 5. Sau 30/4/75 ông là giảng viên Triết học và Chủ nghĩa xã hội khoa học ở Trường đảng Nguyễn Văn Cừ thuộc Khu ủy Sài Gòn-Gia Định.

Là một trong 72 người đầu tiên ký vào Kiến nghị của 72 nhân sĩ trong đợt sửa đổi Hiến Pháp vừa qua - Ông Lê Hiếu Đằng là một trong những người đi đầu trong phong trào biểu tình tại Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược Biển Đông. Ông nói “Việt Nam vi phạm nhân quyền khi trấn dẹp biểu tình chống Trung Quốc”

Ông cũng là một trong những người đi đầu trong phong trào biểu tình tại Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược Biển Đông. Ông nói “Việt Nam vi phạm nhân quyền khi trấn dẹp biểu tình chống Trung Quốc”

Ông phát biểu: “mọi người phải xác định rằng đất nước là của chung, nước Việt Nam là một, đã là người Việt Nam thì phải làm sao để Việt Nam lớn mạnh hơn, từ đó chung tay, góp sức làm cho đất nước phát triển”. Ông nói “sự tồn vong của đất nước là quan trọng”

Về vụ ông Nguyễn Tấn Dũng không từ chức, ông Đằng nói: “Việt Nam chưa có “văn hóa từ chức” thể hiện lòng tự trọng của một vị lãnh đạo. Vấn đề ở chỗ “lỗi hệ thống”. Nếu muốn không có một vị Nguyễn Tấn Dũng nữa thì phải thay đổi thể chế. Trong thế chế đó phải thực hiện được những quyền dân chủ của người dân, và xây dựng Nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự, và nền kinh tế nhiều thành phần”

Về phiên tòa xét xử hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ An Bình ngày 30/10/2012, ông nói: “Trấn áp không dập tắt được những tiếng nói yêu nước phản kháng”

Ông khẳng định: “Việc đổi tên nước là thời cơ rất lớn để thay đổi một số điều trong hiến pháp, làm đòn bẩy cho sự phát triển của đất nước. Nếu vẫn như cũ thì rất tiếc, thời cơ qua đi.” 

Vào tháng 8/2013, trong bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh”, ông Lê Hiếu Đằng đã công khai nói lên những suy nghĩ của mình. Về việc đảng cộng sản đã phản bội lý tưởng cách mạng, phản bội nhân dân, phản bội những người góp phần xây dựng nên chế độ, trong đó có ông, cũng như việc cần thiết phải dân chủ hóa, xây dựng thể chế đa đảng để cứu đất nước thoát khỏi tình thế nguy cấp hiện tại, ông kêu gọi thành lập thêm một chính đảng song song bên cạnh đảng CSVN mang tên “Đảng Dân Chủ Xã Hội Việt Nam” (Wikipedia)

Điều gì đã khiến những thành phần trí thức một thời là con người CS ấy đã dứt khoát từ bỏ đảng CSVN với những lời nói can đảm, nhận xét khẳng khái quang minh chính trực công khai như thế?

Đơn giản họ tỉnh ngộ bởi thế giới quan, sự trung thực và nhất là lòng yêu nước có trách nhiệm không thể phủ nhận nơi họ…

Như hàng chục triệu đảng viên CS Liên Xô, Đông Âu, một thời nhầm lẫn bởi tuyên truyền ảo vọng XHCN cuối cùng họ đã nhận ra thực tại để thức thời điềm nhiên tọa thị hay âm thầm hậu thuẫn cùng với nhân dân đất nước họ để Liên Xô, đế chế hùng mạnh hàng đầu của CS quốc tế và toàn khối CS Đông Âu cũng như các quốc gia XHCN vệ tinh, 90% những chế độ một thời theo CS ấy, đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, phá bỏ tư tưởng Mac, đạp đổ tượng đài Lê Nin để hội nhập với “trào lưu văn minh tiến hóa của nhân loại” cụ thể như thế giới hiện nay, mà đảng CSVN đã và đang chứng kiến suốt hơn 2 thập niên qua….

Thì:” Chỉ có loài “cẩu khuyển” mới không phân biệt được thức ăn và “phân” Riêng con người thì nhận biệt được và không thể nuốt vào một loại thức ăn khi nó đã ôi thiu nhiễm độc như “phân” mà thế giới nhiều người ghê sợ xa lánh”

Vâng! Đúng như vậy. Những người CS đang từ bỏ đảng bởi họ nhận ra: Chỉ có loài “cẩu khuyển” mới không phân biệt được thức ăn và “phân” mới cùng nhau gục đầu vào bả vinh hoa ti tiện, bịp bợm đặt lợi ích phe nhóm con cháu bầy đàn lên trên quyền lợi quốc gia dân tộc âm mưu toa rập kéo dài chuỗi thời gian trầm luân cho dân dân tộc Việt nam trong chủ nghĩa cộng sản ngoại lai khát máu lạc hậu mà hiện tại chỉ còn sót lại là thiểu số 3% trên 170 quốc gia tự do tư bản hay đa nguyên dân chủ trên toàn thế giới!

Chúng ta trân trọng họ - Những người CSVN nhầm đường lạc lối một thời, cuối cùng đã nhận ra CNCS đồng nghĩa với “tội ác chống nhân loại, bởi:

Ngày 25 tháng 1 năm 2006, tại thành phố Strasburg Pháp, Hội Đồng Châu Âu (Parliamentary Assembly of the Council of Europe) cơ quan dân cử của 46 quốc gia cộng đồng chung châu Âu, đã có cuộc họp thường niên, bỏ phiếu và thông qua Nghị quyết: “1481- Với các điều khoản lên án chủ nghĩa cộng sản và đồng nhất chủ nghĩa này với tội ác chống lại loài người.” (3)

Có ai đi làm cách mạng để: “xây dựng nên một nhà nước chuyên chính độc tài toàn trị như tập đoàn chóp bu CSVN hôm nay”?

Có ai đi làm cách mạng để: “vi phạm nhân quyền trấn dẹp nhân dân biểu tình chống Trung Quốc xâm lược như CSVN hôm nay”?

Họ - những người dứt khoát “vĩnh biệt đảng” - Vì họ không muốn đứng trong hàng ngũ tập đoàn “tội ác chống lại loài người” mà thế giới văn minh đã nhận diện chính xác chỉ danh.


__________________________________

Chú thích:



 
http://danlambaovn.blogspot.nl/2013/12/hay-nhu-ong-le-hieu-ang-tu-bo-ang.html#more

Đảng viên đảng CSVN: 1, 2, 3… "Chúng ta bỏ đảng"
David Thiên Ngọc (Danlambao) - Không còn chần chừ gì nữa, cái lằn ranh sợ hãi đã được xóa tan. Những ngọn đuốc gần đây như Huỳnh nhật Tân, Huỳnh nhật Hải, Nguyễn Chí Đức… đã rực cháy và bắt mồi cho nhiều ngọn đuốc khác bùng lên. Ngày hôm nay ông Lê Hiếu Đằng đã tiếp tục gởi thông điệp mãnh mẽ tới đảng viên đảng cộng sản Việt Nam: “Chúng ta bỏ đảng”


Hỡi các đảng viên đảng CSVN! Nào ta cùng tiến lên phía trước cùng nhau ném chiếc thẻ đảng nhớp nhơ về nơi đầm lầy mà chúng đã sinh ra. CLB những người bỏ đảng của Nguyễn chí Đức tấp nập kẻ vào người ra gia nhập thành viên đông vui như trẩy hội. Đảng Dân Chủ Xã Hội và nhiều chính đảng khác lần lượt hình thành để cùng nhau sát cánh, chung lưng xây dựng lại non sông. Một xã hội đa đảng, đa nguyên chính trị, kinh tế và nhiều phương diện khác là mục tiêu cuối cùng, là cứu cánh của một xã hội loài người tiến bộ.

“Một đóm lửa nhỏ có thể đốt cháy một cánh đồng” - Đốt cháy cả đại ngàn thẳm sâu, tối tăm và hoang dã… một khi thuận gió xuôi nồm. Hôm nay nơi chính trường VN không phải là đóm lửa mà là những ngọn đuốc, những quả đại pháo… với sự vần vũ của cuồng phong (toàn dân), những ngọn đuốc đó sẽ trở thành biển lửa thiêu rụi cái nghĩa trang CS hoang tàn, rác rưởi hôi tanh.

Các bạn đảng viên CS. Các bạn chớ ngại ngần và lo sợ… nhân dân VN là Mẹ sinh ra các bạn. Hùm dữ cũng không ăn thịt con. Phật dạy “Hồi đầu thị ngạn” (quay đầu là bờ), đức từ bi này luôn là chân lý hơn 2.500 năm qua và mãi sáng ngời… các bạn sẽ chứng kiến được những điều đó một khi quay lưng với tà đạo mà về lại với nhân dân. Đối với quỉ dữ mỗi năm còn có những ngày tháng 7 để “xóa tội vong nhân” huống chi các bạn là con cùng Mẹ Âu Cơ, cùng dòng máu Lạc Hồng. Tuy trong quá khứ có lầm đường lạc lối, nhưng với những con người có trái tim và khối óc lẫn tâm hồn không chịu làm nô lệ thì luôn biết dừng chân và thấy được lối về.. Những sinh linh quay về “bến giác” luôn được hưởng hồng ân.

Các bạn đảng viên CSVN - Hàng chục năm qua các bạn ở trong vòng kềm tỏa của bạo cường, ngập chìm trong chủ thuyết vô luân và vô đạo. Vì thế các bạn có chút run sợ, lo âu cho tính mệnh của mình và người thân… sợ sự bộc phát của hận thù oan nghiệt do tập đoàn CS (trong đó có các bạn) gây nên cho dân tộc một khi chế độ CS cáo chung. Chắc hẵn ít nhiều các bạn cũng lo ngại rằng cái “cảnh-tình” của mùa xuân 1975 lại quay về và hoán đổi vị trí của những người trong cuộc. Không đâu các bạn! Bởi ngày đó CS tràn về từ rừng rú phá nát quê hương… tất nhiên mang theo những trái tim và tâm hồn vô lương và hoang dã. Do đó mới có cuộc nồi da xáo thịt… xương trắng núi rừng, xác chìm đáy biển, nước mắt trải dài khắp quê hương đồng ruộng phố phường… vì thế các bạn sợ “ngày nay gặt quả của ngày trước gieo nhân”. Các bạn đảng viên CSVN-các bạn hãy yên tâm! Nhân dân VN mà đại diện là hàng ngũ trí thức, là những tổ chức đảng phái chính trị chính nghĩa và chính danh, là các hội đoàn tôn giáo với trái tim, cõi lòng nhân từ và bác ái, là lớp lớp Anh Thư Tuấn Kiệt cùng SVHS với khối óc con tim trong sáng yêu nước nồng nàn, là những nông dân, thợ thuyền chân chất… trong lòng chứa chan tình dân tộc, nghĩa đồng bào… tất cả là chính nhân quân tử. Những hành động của phường hạ nhân mạt hạng không bao giờ có chỗ đứng trong lòng của dân tộc VN. Vì thế cảnh oan khiên nghiệt ngã, tóc tang sẽ không về lại với dân tộc và đất nước thân yêu. Nhân dân VN nhân hậu với tâm niệm “Lấy đức báo oán-oán ấy tiêu tan”.

Các bạn đảng viên CSVN-Các bạn một khi đã thoát ra khỏi đám sương mù dối gian lừa mị, các bạn sẽ tự nhận thức được hai nẻo chánh-tà, biết đâu là thiên đường - địa ngục, biết đâu là chân lý-sai lầm… Ngạn ngữ Pháp có câu “Bên này dãy Pyréné là chân lý và bên kia là sai lầm”. Giữa chánh và tà, chân lý và sai lầm chỉ cách nhau có một lằn ranh. Vứt chiếc thẻ đảng nhớp nhơ bịt tai che mắt, bạn sẽ được tự do nhìn về mọi hướng… bạn sẽ cảm nhận được vũ trụ bao la với muôn hồng ngàn tía…

Các bạn đảng viên CSVN-con đường quay về với chính nghĩa, dân tộc không bao giờ muộn màng hay eo hẹp. Trong quá trình thức tỉnh, phản biện lại tà quyền của các nhân sĩ trí thức cán bộ đảng viên CSVN cao cấp trước đây như các ông Nguyễn Hộ, Hoàng minh Chính… ngày nay là Lê hiếu Đằng đa phần ở buổi tà dương của cuộc đời nhưng trái tim, khối óc và tâm hồn của họ nhận thức được chính-tà và từ chối mọi đặc ân quyền lợi, không bằng lòng đồng lõa với bóng đêm tội lỗi… cho dù là trong khoảnh khắc cuối đời.

Các bạn đảng viên CSVN ngày nay đa phần con đường phía trước của các bạn còn rất dài. Không vì một lý do gì mà các bạn phải hoang phí quảng đời còn lại! Hãy noi gương Nguyễn chí Đức, Lê hiếu Đằng cùng nhau bỏ đảng mà về lại với nhân dân. Mọi nghĩa cử ăn năn, hối cải luôn được nhân dân tôn trọng và thứ tha những sai lầm trong quá khứ.

Tôi tin rằng đã là người Việt Nam mấy ai mà quên cội, quên nguồn, phụ ơn tiên tổ… các bạn đảng viên CSVN cũng không là ngoại lệ.

Ngày 4/12/2013

 
 
 Thơ gởi anh Đằng
Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Tôi có chút đắn đo khi đặt tựa bài viết. Ban đầu tôi định lấy tựa đề “Tôi ủng hộ ông Lê Hiếu Đằng”, nhưng vì muốn chuyển tải bài viết đến nhiều độc giả, nên cuối cùng tôi đã đặt tựa như hiện hữu. Đó cũng là lý do, tôi cần viết theo văn phong “thơ từ” của dân miền Nam, mong anh thông cảm.


Sài Gòn, ngày 5 tháng 12 năm 2013
Anh Đằng!

Tui không khách sáo để thêm vào những chữ “kính”, “mến”, “thân” v.v... nên anh cho phép tui được xưng hô như vậy nha anh Đằng. 

Một điều chắc chắn, anh không thể nào nhớ tui, nhưng tui thì biết anh. Tui biết chủ yếu vài lần anh có đến thăm gia đình tui và cùng sinh hoạt chi bộ với ba tui sau 1975. Ba tui mất nhiều năm rồi. 

Ba tui là “Việt cộng nằm vùng”, thuộc biệt động thành Sài Gòn - Gia Định trước 1975, đã từng đi tù dưới chế độ VNCH, án 3 năm. Ông già tui hoạt động dưới vỏ bọc nhà sản xuất lớn lúc bấy giờ. Gia đình tui giàu có từ việc sản xuất này và nhờ nó mới dư tiền nuôi bọn “ăn cháo đá bát” mà ông (và tất nhiên cả anh, trước ngày 4/12/2013) gọi là “đồng chí” (!). Tui thì chưa bao giờ bước chân vào cái “đảng quỷ ma” đó. Gia đình tui may mắn hơn gia đình bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long) hồi xưa, nghĩa là chỉ... bị quýnh tư sản thôi. Tụi nó không lấy hết, nên còn lại căn nhà lầu 3 từng mặt tiền để ở, và sau này cho mướn, để ba má tui có thêm tiền chợ, chứ lương hưu thì thấm vào đâu. Đương nhiên, anh cũng biết, sau bảy lăm, gia đình tui cũng như các doanh gia khác, “dẹp tiệm” luôn(!).

Nói thiệt, tui thấy chế độ VNCH nhân hậu và tuân thủ pháp luật. Án ba tui nhẹ, vì ổng làm “kinh tài” và móc nối cho “cán bộ” trong “khu” về thành chứa chấp, nuôi giấu trong nhà và đưa đi theo “đường dây” định sẵn của “tổ chức” (vì là dân Sài Gòn nên rành rẽ đường sá và địa điểm), chứ không tham gia trực tiếp khủng bố, ám sát. Nói cho ngay, những người làm “kinh tài”, theo tui, tội cũng chẳng vừa, vì không có họ, cộng sản Việt Nam làm sao mà tồn tại, “ăn dầm nằm giề” ngay trong lòng “địch”, phải không anh. Tất nhiên, với tư cách là con, tui cũng chẳng mong ba tui bị tù nặng. Đó là sau này nhìn lại, chứ hồi đó, còn trẻ quá, tui chẳng hiểu gì cho lắm hai chữ “cộng sản Việt Nam”, ngoài những gì tuyên truyền trên tivi hồi xưa. 

Dân mình (thường dân) thời đó ở Sài Gòn cũng hững hờ lắm, tới lúc những chương trình thuộc (tên gì tui không nhớ nổi) “chiến tranh tâm lý” là hay dẹp qua một bên, chỉ chú ý chương trình văn nghệ là chánh. Tui nghĩ VNCH thua trận, ngoài các yếu tố chánh như sau này nhiều người phân tách, thì việc tuyên truyền hồi đó yếu quá cũng góp phần thua không nhỏ đâu. Sau này ngó lại, đồng bào ngoài Bắc, phải nói cộng sản Việt Nam nó “nhồi sọ” ghê gớm. Bằng chứng thì khỏi trình ra, phải không anh Đằng. Vả lại, sau 1975, dân miền Bắc vào Sài Gòn định cư, tôi quen cũng nhiều, nên thấy rõ sự nguy hiểm và tác hại rất lớn của “chiến tranh nhồi sọ”. 

Cộng sản Việt Nam nó thắng, cũng một phần do nhồi sọ tốt. Tui thấy tụi nó gieo lòng căm thù, đố kỵ, khích bác, chia rẽ... rất giỏi. Cũng chẳng có gì lạ với Lê Duẩn, anh em Lê Đức Thọ - Mai Chí Thọ, Đỗ Mười v.v... Ý tôi là sau 1975, chứ không bàn về miền Bắc trước đó, vì tui sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn nên đâu có rành. 

Tui nhớ, đâu khoảng từ 1985 trở về trước, miền Nam đâu có băng hoại dữ vậy, dù thời đó còn nghèo đói thấy mồ tổ, nhưng hàng xóm láng giềng, bạn bè, bà con v.v... đối xử với nhau có đâu mà tệ dữ! Sau này, ngày càng đổ đốn. Tôi cho đó là nhiễm độc và lậm sâu theo từng năm tháng dần trôi... “êm ả” trong cái nghèo, cái đói, cái đìu hiu và cái... mất dạy của cộng sản Việt Nam gây ra..

Tui nghĩ, sau 1975, anh lao vào công việc, nên không chú ý giáo dục nặng tính nhồi sọ và nói láo quá, riết quen, nên không cần mất nhiều thời gian, chỉ qua 10 năm là... đủ (!). Từ đó nó truyền nhiễm và lây lan rất lẹ như virus, mới đẻ ra biết bao nhiêu là “quái nhân” sau này. Nói vậy là mấy tay cộng sản Việt Nam bây giờ nhảy dựng cho mà coi, vì tụi nó cứ nói cái gì xấu là “đổ thừa” cho tụi nó. Kiểu này, cãi miết tới sáng, thôi bỏ qua.

Chắc anh không quên khái niệm “cách mạng ba mươi tháng tư” phải không anh? Sẵn đây, chia sẻ thêm cho các bạn trẻ biết khái niệm đó nôm na là: bọn cơ hội, bợ đít, xum xoe, theo đóm ăn tàn, gió chiều nào xoay chiều đó, thượng đội hạ đạp, chẳng có lập trường, quan điểm, chẳng có cái gì cho nghiêm túc và đàng hoàng lương thiện cả. Tụi mấy thằng Tư Tài, Ba Đua, Phạm Phương Thảo v.v... cũng từ đó mà ra, chứ đâu, nói gì đến mấy thằng Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyên Xuân Phúc, Nguyễn Bá Thanh v.v...

Mà thôi, nhắc đến đám tụi này hay kiểu mấy thằng Ba Dũng, Tư Sang v.v... làm anh buồn thêm. Ý tôi không nói về “bệnnh công thần”, mà tôi muốn nói tụi này nó... hết thuốc chữa rồi, anh Đằng ơi! 

Tui kêu tụi cộng sản Việt Nam  bằng thằng, mà không sợ độc giả coi mình là thằng đầu đường xó chợ, vì nói nào ngay, về lý tui đâu có bầu bán gì cho tụi nó bao giờ đâu, về tình thì... khỏi bàn. Anh Đằng đừng buồn tui, vì anh bây giờ không còn là Cộng sản Việt Nam nữa rồi, đâu có sao đâu. Tánh tui rạch ròi, rõ ràng, thẳng ruột ngựa, anh đừng phiền tui nghen!

Tôi nhớ hoài, thuở sanh tiền, mỗi khi nhắc về anh, ông già tui luôn đặt niềm tin vào anh và thường kết thúc sau khi nói chuyện bằng câu: “Thằng Đằng được lắm”.

Thú thật, hồi xưa tui đã chán ngấy cái “đảng này” rồi, nhất là lúc ba tui khuyên tui vô đảng. Ổng nói với tui bằng những câu quen thuộc, đại loại: “Muốn đấu tranh với những kẻ xấu trong đảng thì phải đứng vào tổ chức, tiếng nói mới có trọng lượng”. Tánh tui thấy gì không đúng thì hay “cãi” (bây giờ người ta hay dùng tranh luận, tui không thích chữ này, nhưng xài riết rồi quen). Cãi tới cùng. Khi đuối lý, ba tui hay đem anh ra nói: Mày nói vậy, chứ còn nhiều người tốt lắm, như thằng Đằng đó!”. Tui cãi tiếp: “Chỉ có mình ông Đằng. Ổng cũng có làm gì được đâu?”. 

Sau này, những năm cuối đời, mỗi chiều cuối tuần (lúc đó chưa được nghỉ làm ngày thứ bảy) tui chạy vô thăm ông già, bà già, thấy tội lắm. Tui nhớ hoài, những buổi chiều tà, nắng đã lợt dần, trời chuyển sang màu tím trầm buồn. Ba, má tui ngồi héo hắt nhìn ra cửa trông con cháu. Thê lương và ảm đạm lắm. 

Tui thấy ông già ngồi buồn quá, có lần an ủi: Thôi ba à, chuyện mấy chục năm rồi, cũng qua hết rồi, gia đình mình còn vầy là cũng đỡ hơn nhiều người lắm.

Ổng nói: Tao đâu có buồn chuyện nhà. 

Tui hỏi: Vậy ba buồn chuyện gì?

Ổng nói: Lâu quá, gần cả 5 năm rồi, tao không gặp thằng Đằng. 

Tui nói: Thôi ba ơi! Ổng giờ này làm gì, ở đâu, ba quan tâm làm gì. Cộng sản mà! Thằng nào cũng vậy thôi.

Ổng không chịu: Không, tao không tin. Bởi vì mấy chục năm rồi, nếu nó là đứa bon chen, giả nhân giả nghĩa, cơ hội thì cộng với khả năng của nó thì nó làm đến gì, chứ đâu phải dừng lại ở chỗ lèng quèn như vậy! Nó phải ở trung ương, cỡ thủ tướng chứ đâu phải thằng Sáu Khải được. Còn không, tệ gì nó cũng phải là chủ tịch thành phố hay bí thư thành ủy. Tao tin nó là người thương dân, yêu nước. Chỉ là nó sai lầm như tao thôi.

Bây giờ, khi anh rời bỏ tụi cộng sản Việt Nam, tui tin anh, anh Đằng. Dù tui không có chứng cớ, dù anh có thể không làm gì được nhiều hơn với tuổi già, sức yếu như bây giờ, nhưng tui tin anh, bởi vì:

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì, anh biết không?
Để gió cuốn đi.

Tui hy vọng, quyết định từ bỏ đảng của anh sẽ là cơn gió lớn để cuốn hút nhiều ngọn gió nữa cùng anh tạo ra cơn bão quét sạch những đau khổ cho dân mình. Sau cơn bão lớn, nhất định bầu trời Việt Nam chúng ta sẽ rạng ngời và toàn dân sẽ bắt tay nhau làm lại từ đầu. Một khởi đầu dù muộn nhưng vững bền cho con cháu anh, con cháu tôi và cho con cháu tất cả người Việt Nam trong và ngoài nước.

Chúc anh mạnh khỏe, nghị lực và kiên trì. Gởi tặng anh bản nhạc “Để gió cuốn đi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn [*], nghe giải trí và tiếp thêm sức mạnh cho anh, anh Đằng nghen.


__________________________________

Chú thích:


P/s: bài viết gởi riêng Dân Làm Báo, nhưng tác giả rất cám ơn bất kỳ trang nào dẫn về.
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten