woensdag 11 december 2013

Bắc Hàn: Kim Jong Un làm Bắc Kinh nhức đầu

Kim Jong Un làm Bắc Kinh nhức đầu Tuesday, December 10, 2013 6:54:34 PM








Ngô Nhân Dụng

Khi Stalin thanh trừng các đồng chí trong Bộ Chính Trị, họ bị giam giữ, tra hỏi nhiều tháng trời, cuối cùng bị đưa ra tòa, ai cũng thú nhận tội chống đảng, tỏ ý hối hận, và xin lãnh tụ khoan hồng, sau cùng họ vẫn bị giết. Mao Trạch Ðông thì bắt những đồng chí như Bành Ðức Hoài, Lưu Thiếu Kỳ kéo dài những ngày tàn tạ trong cảnh quản thúc, vợ con nheo nhóc, bạn bè bỏ rơi. Các lãnh tụ cộng sản thường vẫn muốn làm nhục các đồng chí, họ không hài lòng nếu chỉ cách chức hay giết các đối thủ. Nhưng mức độ tàn ác của Kim Jong Un đã vượt qua cả Stalin lẫn Mao Trạch Ðông. Người bị thanh trừng phải bị làm nhục, trước công chúng, và đem chiếu phim cho cả thế giới coi.
Các lãnh tụ cộng sản thanh trừng lẫn nhau là chuyện bình thường. Nhưng ít thấy một cảnh thanh trừng nào lộ liễu và tàn nhẫn như được chiếu trên ti vi cho 25 triệu dân Bắc Hàn chứng kiến trước đây hai ngày. Nhà độc tài nho nhỏ Kim Jong Un đã quyết định cho đài truyền hình chiếu cuốn phim cậu ta hạ bệ ông chồng bà cô ruột, mà trong hai năm qua vẫn được coi như người bảo trợ, đóng vai ủng hộ cậu lên vai lãnh đạo đảng và nhà nước Bắc Hàn. Jang Song-thaek bị lính mặc đồng phục kéo ra khỏi ghế ngồi, lôi xềnh xệch ra khỏi phòng, trong một phiên họp của Bộ Chính Trị mở rộng. Hàng ngàn quan chức trố mắt nhìn theo, chắc ai cũng lo sợ không biết bao giờ đến lượt mình là nạn nhân. Tất cả những người trong phòng đều là đàn ông, cao tuổi, mặc áo kiểu Mao giống hệt nhau. Chỉ có một quan chức ngồi hàng ghế thứ ba cúi nhìn xuống bàn, làm như đang cắm cúi viết. Viên quan này chắc sẽ bị trừng phạt vì dám từ chối không chứng kiến thủ đoạn tàn nhẫn của “lãnh tụ quang minh,” danh hiệu chính thức của Kim Jong Un, tên chữ Hán là Kim Chính Ân, còn gọi là Cậu Ủn. Ông bố Kim Jong Il (Kim Chính Nhất) lúc còn sống vẫn được gọi là “lãnh tụ kính yêu,” còn ông nội Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) được suy tôn là “lãnh tụ vĩ đại.” Triều đại nhà Kim đã truyền đến đời thứ ba, vẫn cương quyết đưa dân Bắc Hàn tiến tới chủ nghĩa xã hội!
Jang Song-thaek bị kết tội tham nhũng, lạm quyền, sống xa hoa, đánh bạc, dùng ma túy, bán rẻ tài nguyên quốc gia cho ngoại quốc, và thêm mắm thêm muối với tội ngoại tình vì “bị ảnh hưởng của lối sống tư bản!” Sau màn bắt giữ giữa phiên họp, đến những màn các thuộc hạ của Jang Song-thaek lên ti vi kể tội ông sếp cũ của họ, vừa kể lể vừa khóc lóc, họ khóc một cách thành thật vì không biết mình “tố khổ” như vậy đã đủ để được tha tội chết hay chưa.
Hai năm trước, khi “lãnh tụ kính yêu” chết, Jang Song-thaek đã được ủy thác giúp đứa cháu nắm vững quyền bính. Jang Song-thaek, tên chữ Hán đọc là Trương Thành Trạch, là chồng bà Kim Kyong Yui, con gái út của “lãnh tụ vĩ đại,” tên chữ Hán đọc là Kim Kính Cơ. Cả hai vợ chồng đều được phong làm đại tướng, bà cô lên chức đại tướng cùng ngày với cậu cháu, trước khi ông anh Kim Jong Il chết. Trương Thành Trạch được anh vợ cho nắm chức trưởng ban tổ chức, phong thêm chức phó chủ tịch quân ủy trung ương, nắm guồng máy an ninh để phòng ngừa đám tướng lãnh có thể bất phục thằng con miệng còn hơi sữa; rồi trao cho nhiệm vụ săn sóc cho đứa cháu lên ngôi kế vị bố một cách an toàn. Ông chú đã làm tròn nhiệm vụ. Cậu Ủn được đưa lên làm chủ tịch quân ủy trung ương, chủ tịch nước, chủ tịch đảng, tổng tư lệnh quan đội, phong hàm “nguyên soái,” một cấp bậc ngang với chức thống chế, cao nhất trong quân đội. Cậu là người duy nhất mang cấp bậc nguyên soái, chỉ có một cấp cao hơn là đại nguyên soái, mà từ trước đến nay người duy nhất được phong đại nguyên soái là ông nội Kim Nhật Thành. Các tướng lãnh được triệu tập, đưa tay lên thề trung thành với cậu Ủn. Cậu cho nổ trái bom nguyên tử để cho dân Bắc Hàn thấy mặc dù họ đói rét những lãnh tụ của họ không sợ Mỹ vì có bom nguyên tử.
Chỉ sau hai năm, ông Ủn đã ra tay thanh trừng ông chú. Ðiều này cho thấy cậu ta đang lo lắng, không biết ông chú đang âm mưu những gì. Trong chế độ độc tài cộng sản họ không thể tin ai cả. Ðồng chí nào cũng có thể đâm sau lưng mình.
Vụ bắt giữ Trương Thành Trạch làm nhiều người ngạc nhiên; nhưng tình báo Nam Hàn đã đoán trước. Ðầu năm 2011, có hai trăm người bị bắt ở Bắc Hàn. Họ đều nằm dưới quyền của hai ông phó chủ tịch quân ủy trung ương, một ông chính là Trương Thành Trạch. Vụ bắt bớ này được ghi nhận là để ngăn ngừa không cho hai ông già lấn quyền của “lãnh tụ quang minh.” Tháng 11 năm ngoái, hai người thân tín của ông chú đã bị bắt, bị kết tội tham nhũng lạm quyền, và gây chia rẽ trong đảng. Cả hai chắc đã bị xử tử. Ba ngày trước khi Trương Thành Trạch bị hạ nhục, một đài phát thanh ở Nam Hàn còn loan tin chính Trạch cũng bị xử tử rồi.
Nhưng tại sao Kim Jong Un phải đem trưng bày cảnh ông chú bị hạ nhục, cho cả thế giới cùng coi? Có thể bản tính cậu là hung dữ. Khi còn đi học ở trường trung học Liebefeld Steinholzli gần thành phố Bern, Thụy Sĩ, trong hai năm, cậu được các bạn bè nhận xét là học không giỏi, tính hiền lành, nhút nhát và không thích con gái, nhưng rất thích bóng rổ, coi Michael Jordan là thần tượng. Một đứa trẻ nhút nhát và kém thông minh có thể mang mặc cảm tự ti. Cho nên khi nắm quyền tối cao trong tay cậu Ủn phải chứng minh rằng mình dám làm những việc tàn ác hơn đời, cốt sao cho mọi người phải sợ mình.
Nhiều nhà quan sát quốc tế coi đây là một đòn làm đảng cộng sản Trung Quốc mất mặt. Vì Trương Thành Trạch vốn liên lạc mật thiết với Bắc Kinh. Tháng Tám năm ngoái, ông chú sang thăm, đã được các lãnh tụ Trung Quốc đón tiếp long trọng, dùng những nghi thức vẫn dành cho Kim Chính Nhật khi còn sống. Ông gặp Hồ Cẩm Ðào, Ôn Gia Bảo, được đưa đi thăm các khu kinh tế đặc biệt chế tạo hàng xuất cảng; để ông lấy làm mẫu đem về áp dụng ở Bắc Hàn. Trung Quốc là nước đang nuôi chế độ cộng sản Bắc Hàn, cung cấp thực phẩm, nguyên liệu, và 70% số năng lượng đang dùng. Nếu Bắc Hàn chịu cởi trói cho kinh tế thì gánh nặng viện trợ sẽ được giảm đi. Tháng trước, hãng thông tấn Bắc Hàn loan báo sẽ mở 14 đặc khu chế xuất, đó là kết quả của chuyến đi trong sáu ngày năm ngoái của Trương Thành Trạch.
Ðối với các nhà quan sát quốc tế, việc hạ thủ Trương Thành Trạch báo hiệu lãnh tụ ông Ủn dám thách thức Bắc Kinh. Trong những lời kết tội Trương Thành Trạch có nói đến việc bán tài nguyên cho nước ngoài với giá rẻ, điều này nhắm vào Trung Quốc, là nước vẫn nhập cảng quặng mỏ từ Bắc Hàn nhiều hơn các nước khác, quan trọng nhất là quặng sắt. Ngay từ đầu năm ngoái, sau khi mới lên ngôi Kim Jong Un đã công khai than phiền là các tài nguyên quốc gia bị bán rẻ, trong lúc nguồn ngoại tệ khan hiếm. Cậu Ủn yêu cầu phải tăng giá các quặng mỏ, than, và đất hiếm (một nguyên liệu thiết yếu trong các sản phẩm điện tử mà Trung Quốc hiện đang là nước bán nhiều nhất trên thế giới nhờ khai thác các mỏ ở Mông Cổ, tàn hại môi trường sống tại xứ này). Quặng mỏ lâu nay vẫn được các công ty liên doanh Trung Quốc và Bắc Hàn khai thác. Những lời tuyên bố này được báo chí ở Bắc Kinh loan tin đầy đủ, gây bất mãn cho cả hai bên. Nhiều công ty Trung Quốc sau đó đã ngưng hoạt động ở Bắc Hàn.
Trước cảnh Trương Thành Trạch bị hạ thủ và làm nhục, cộng sản Trung Hoa đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Báo chí loan tin đầy đủ, kể lể hết những tội được gán cho Trạch. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao chỉ biết nói vớt rằng đây hoàn toàn là việc nội bộ của nước cộng sản anh em!
Nhưng chắc chắn Tập Cận Bình phải lo lắng. Vì cuộc thanh trừng này cho thấy chế độ Bắc Hàn không ổn định. Một lãnh tụ 30 tuổi mới lên ngôi hai năm đã phải ra tay tiêu diệt đối thủ của mình, tàn nhẫn và cách công khai như vậy, chứng tỏ bên trong còn nhiều mầm biến loạn. Ðiều đáng lo nhất là trong tình trạng bất an và tâm thần hoảng loạn, Kim Chính Ân có thể hành động một cách mù quáng để bảo vệ địa vị. Chắc sau vụ thanh trừng ông chú, cậu Ủn sẽ cho nổ thêm bom nguyên tử để dọa dân và dọa các nước láng giềng. Nhưng cậu có thể còn khiêu khích Nam Hàn với lời lẽ và hành động mạnh hơn trước để ra oai với dân. Nếu Nam Hàn và Mỹ phản ứng mạnh thì Bắc Kinh sẽ đối phó ra sao? Hiện nay Tập Cận Bình đang phải đối đầu với Nam Hàn và Nhật Bản trong vụ lập vùng phòng không bao gồm cả các hòn đảo của hai nước này; và cả hai nước phản ứng rất cứng rắn. Nay thêm một mối lo thứ ba trong vùng Bắc Á châu, do một đồng chí cộng sản gây vạ.
Bắc Kinh sẽ không thể gửi quân sang cứu Bắc Hàn, như Mao Trạch Ðông đã làm trước đây hơn nửa thế kỷ. Dân Trung Hoa bây giờ không ngoan ngoãn nữa, họ sẽ không chấp nhận hy sinh cho một đồng chí con con của các lãnh tụ. Nhưng nếu chế độ cộng sản ở Bắc Hàn sụp đổ thì Bắc Kinh càng nhức óc.
Hàng triệu dân Bắc Hàn sẽ chạy sang Trung Quốc tị nạn, thêm vào con số nửa triệu đã trốn sang sống trong vùng biên giới. Nếu Hàn Quốc lại thống nhất với Nam Hàn trong một chế độ tự do dân chủ thì Bắc Kinh càng lo. Không những Mỹ có thêm một đồng minh mạnh hơn ngay bên cạnh Trung Quốc, mà biến cố đó có thể khích động chính người dân Trung Hoa. Họ sẽ tự hỏi: Tại sao chúng tôi không được sống dân chủ tự do?

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=178787&zoneid=7#.UqiEsvlgXL8

Geen opmerkingen:

Een reactie posten